Truyen30h.Net

[BẮC PHONG HÀNH] - Huấn Văn

Chương 15: Hiếu Cảnh Lịch Thái tử

_giaivu_


Hoàng đế cầm tỷ thụ, dứt khoát ấn xuống chiếu thư, cuộn lại đưa cho nội thị Điền Trác: "Mang chiếu thư của trẫm cùng mao tiết đến Tông Chính phủ, tuyên chỉ phế truất Thái tử. Lệnh Tôn Cấm thu hồi kim sách, ấn thụ Hoàng thái tử, bãi bỏ Đông cung lệnh. Quản thúc Phế thái tử ở Trường Định cung, không được ra ngoài, bất kể là ai cũng không được phép gặp mặt."

Điền Trác run run đỡ lấy chiếu chỉ, Tôn Cấm cũng lập tức phụng mệnh rời đi. Vương Trung chỉ cúi đầu đứng bên cạnh Hoàng đế, nhắm mắt lại. Vừa bãi triều, Tiêu Vọng Chi lập tức ngã lăn ra bất tỉnh. Trong triều một nửa đứng im, một nửa quỳ hết xuống. Các quan Ngự sử bắt đầu hỗn loạn, mạnh ai người nấy ra sức dập đầu cầu xin. Hoắc Vũ nhìn một màn triều đình lộn xộn này vô cùng đắc ý. Xem ra trời cũng phù hộ Hoắc gia.

Tuyết đầu mùa bắt đầu rơi, bên ngoài sân điện đã có một lớp tuyết trắng phủ kín. Đám quan văn, Ngự sử đại phu, Hàn lâm đại học sĩ đều quỳ trước điện. Nguỵ Tương biết không lay chuyển được, vốn dĩ định rời đi, cuối cùng lại đi đến cởi áo choàng, quỳ xuống bên cạnh Chu Kham. Từng đợt gió thổi qua làm da mặt đông cứng, tuyết đọng trên triều phục, dần dần tụ lại trên bàn tay cầm hốt ngọc.

"Còn chưa chịu đi sao?"

Vương Trung buồn bã nhìn ra ngoài, khẽ nói: "Các vị đại thần vẫn đang quỳ."

"Bệ hạ, xin bệ hạ thu hồi ý chỉ. Xin bệ hạ vì mặt mũi tổ tông Hán triều, giữ lại trữ vị cho Thái tử điện hạ!"

"Thái tử tuổi nhỏ đã nhân hiếu lễ nghĩa, đối với đại thần tôn trọng, kính cẩn với sĩ phu, xứng đáng làm bậc trữ quân. Chúng thần khẩn xin bệ hạ thu hồi thánh mệnh!"

"Bệ hạ bớt giận, xin bệ hạ suy nghĩ lại!"

Hoàng đế đập bàn rầm một cái, đứng dậy đi ra ngoài điện. Nhìn thấy đến cả Nguỵ Tương cũng cùng bọn họ làm loạn, hắn càng thêm thất vọng: "Chiếu chỉ đã ban xuống, các ngươi còn muốn bức ép trẫm? Ai muốn bênh vực Thái tử, lập tức bãi chức!"

Quả nhiên không ai dám mở miệng nói tiếp. Đúng lúc hắn định quay vào trong điện, Nguỵ Tương vừa thở dốc vì lạnh, vừa nói: "Bệ hạ... Thái tử điện hạ là cốt nhục duy nhất của Cung Ai Hoàng hậu..."

"Các ngươi không cần lôi Cung Ai Hoàng hậu ra uy hiếp trẫm. Các ngươi còn cầu tình, trẫm sẽ lập tức thu hồi tất cả thái ấp. Không có Vương tước, không cần chi phiên, đến chết cũng phải ở trong Trường Định cung!"

Điền Trác cầm chiếu chỉ vào trong, Lưu Thích vẫn chưa thể gượng dậy, nằm im trên giường. Sứ giả cũng không làm khó hắn, chỉ thở dài nhìn Nghiêm Dục đang ngơ ngác.

"Nghiêm Trung quan, thay điện hạ tiếp chỉ đi."

Nghiêm Dục vỗ nhẹ vào vai Lưu Thích trấn an, quỳ xuống tiếp chỉ.

"Bệ hạ có chỉ, Hoàng thái tử vì là Đích trưởng tử nên được lập trữ vị. Nhiều lần phạm lỗi lầm, trẫm không truy cứu, vì xét sự tình không nghiêm trọng, vẫn khoan thứ bỏ qua. Nhưng Thái tử không biết giữ đạo đức, hạ thủ làm trọng thương Lương Vương thái tử, cũng may giữ được tính mạng. Trẫm lấy làm hổ thẹn với tông miếu, vương công chư hầu, xét thấy Thái tử vô đạo, bất tài, không có đức hạnh, không thể kế thừa đại thống. Nay phế truất, giam vào Trường Định cung, tự kiểm điểm bản thân, tước đi kim sách, ấn thụ Đông cung. Khâm thử."

Nghiêm Dục kinh ngạc, tay không đưa ra tiếp chỉ. Phải để Điền Trác nhắc, hắn mới run rẩy đón lấy thánh chỉ. Lưu Thích đang áp mặt xuống giường, nghe như sét đánh ngang tai, hắn nhất thời chưa tin vào tai mình, ngẩng đầu nhìn chiếu chỉ. Nghiêm Dục đau lòng nhìn hắn, không biết nói cái gì. Đến khi hắn ngẩn ra một lúc, dường như hoàn tỉnh, hai mắt vô hồn trong phút chốc lã chã rơi lệ. Hắn khóc nấc lên, toàn thân run lên dữ dội, động đến vết thương đau đến mặt mũi trắng bệch. Trên trán nổi gân xanh, sắc mặt của hắn khiến cho Điền Trác cũng lo lắng, vội vàng hỏi: "Điện hạ, không sao chứ? Có cần nô tài gọi Thái y không?"

Lưu Thích khóc đến tê tâm liệt phế, thanh âm nức nở nhiều ngày dồn nén trong thanh quản cuối cùng cũng tuôn ra. Hắn nằm trên giường ho khan không ngừng, kết quả lại bất tỉnh lần nữa.

"Người đâu! Gọi Thái y!"

...

Các đại thần cũng do lo sợ, ái ngại, dần dần đứng dậy rời đi. Chỉ còn lác đác lại vài người ở lại.

"Bệ hạ, Nguỵ Ngự sử cầu kiến."

"Không gặp."

"Ngài ấy nói chỉ cần nói xong vài lời, sẽ lập tức quay về. Không chọc giận bệ hạ nữa."

Nguỵ Tương vừa vào trong liền quỳ xuống, di đầu gối về phía trước, tay đoan chính cầm hốt ngọc, nói: "Điện hạ... từ nhỏ đã mất đi thân mẫu, thiệt thòi đủ đường. Bệ hạ lại nghiêm khắc giáo dục điện hạ giống như một trữ quân. Nay mới lập Thái tử chưa lâu đã phế trữ, chỉ sợ... sẽ là đả kích rất lớn đối với điện hạ."

"Thân là Ngự sử đại phu, Tán kỵ thường thị, công tư phân minh ngày thường của khanh đi đâu mất rồi? Trẫm biết khanh muốn nói gì, nhưng trẫm không thể làm khác."

Thấy Nguỵ Tương lúc ấy lặng im không biết nói gì, hắn cười nhẹ, nói: "Trẫm chưa bao giờ cảm thấy nó thích hợp làm Thái tử. Nhưng suy cho cùng thời khắc quyết định, vứt bỏ nó, trẫm làm không được. Vậy mà bây giờ lại thành ra như thế này. Phá bỏ quy tắc của chính mình một lần rồi, không thể có lần hai nữa. Bởi vì như vậy dần dần sẽ tự phá vỡ pháp chế, Hoàng đế thì tuyệt đối không thể như vậy."

"Thần biết bệ hạ sẽ nói như vậy. Thần cũng hiểu bệ hạ tiến thoái lưỡng nan. Chỉ là thần muốn biết giữa pháp chế và sinh mệnh của Thái tử điện hạ, người thực sự sẽ chọn pháp chế sao?"

"Sinh mệnh? Nó vốn dĩ không thích hợp làm quân chủ. Nếu như vậy về sau nó có thể làm một vương chư hầu an nhàn, không phải học thứ mình không thích, tự do theo đuổi Nho giáo mà nó thích. Vì sao phải là lựa chọn pháp chế hay sinh mệnh?"

Nguỵ Tương lại tỏ ra có chút kích động, cau mày nói: "Đó chỉ là bệ hạ nghĩ! Thực tế, một khi đã đứng trên vị trí trữ quân, trừ phi có thể kế vị, nếu không làm gì có ai sống yên ổn chứ? Đừng nói là trữ quân, thậm chí chỉ cần là những người từng được dự định trở thành trữ quân, một khi không thể một đường đi lên thì làm gì có đường sống!"

Hoàng đế sững sờ nhìn Nguỵ Tương hùng hồn như vậy, hắn chợt nhận ra, không phải bất cứ việc gì hắn muốn làm cũng có thể làm. Hán Cao Tổ cả đời hô mưa gọi gió, dù cho đã tính toán lường trước đủ đường, đến cuối cùng không thể bảo vệ mẫu tử Thích phu nhân. Hiếu Huệ Đế trăm ngàn lần cẩn trọng cũng không cứu nổi một mạng của Triệu vương Như Ý khỏi tay chính Lã Thái hậu. Tổ phụ ba mươi năm tức vị Đông cung, chỉ một hình nhân gỗ, chỉ bằng mấy lời gièm pha đã có thể chết thảm cả nhà. Huống hồ là hắn? Một phần toan tính cũng không có, một phần cẩn trọng càng không có.

"Người còn nhớ Lịch Thái tử của Hiếu Cảnh Đế hay không? Cả một đời trong sạch, sau khi mất đi ngôi vị Thái tử, cứ ngỡ có thể làm một Lâm Giang vương yên ổn không màng thế sự. Cuối cùng chẳng phải vẫn không thể sống? Vì sao Lịch Thái tử lại chết? Có lẽ nguyên nhân chính vẫn là ngài ấy quá yếu đuối, quá mức sợ hãi mà tự sát. Thế nhưng nguyên cớ sâu xa là vì... ngài ấy từng là Thái tử. Dù cho ngài ấy không tranh với đời, kẻ khác vẫn không muốn tha cho ngài ấy!"

Hoàng đế nghe xong câu này, siết chặt bàn tay, hai mắt dần dần đỏ ửng. Nếu hắn không thực thi tức là đi ngược lại với chủ trương Pháp gia mà hắn theo đuổi. Nhưng nếu như phế trữ, có lẽ cả đời này không chỉ một mình hắn không thể yên lòng. Có thể cũng sẽ là việc khiến hắn đến chết cũng không thể nhắm mắt. Hắn chợt nhận ra Thái tử của hắn cũng có tính cách giống Lưu Vinh đến thế. Trong phút chốc hoảng sợ đến cả người run rẩy.

"Nếu như Lưu Thích làm Hoàng đế, Lưu Khâm chắc chắn có thể sống. Nhưng nếu Lưu Khâm làm Hoàng đế, Lưu Thích chưa chắc có thể sống."

Cuối cùng rút lệnh phù đưa cho Lý Diễn: "Đến Tông Chính phủ... thu hồi ý chỉ của trẫm."

Lý Diễn quay người định chạy đi, Hoàng đế lại nói: "Vẫn cấm túc Thái tử. Mọi đãi ngộ của Thái tử trong Tông Chính phủ, vẫn như cũ án theo bậc thứ nhân, không được có khác biệt. Khi nào có thể xuống giường, cách năm ngày phạt hai mươi mộc bản, để Thái tử ghi nhớ lỗi lầm."

Lý Diễn phụng mệnh, lập tức lao ra khỏi đại môn Thừa Minh điện, lên ngựa phóng nước đại.

...

Mấy ngày này đột nhiên thấy Ngô Sở Cung hài hước thật giống Trình Duy. Đã lâu không về Chiêu Dương Điện, hắn nghĩ bọn họ nhất định sẽ buồn lắm. Mặc dù Ngô Sở Cung rất thích đùa giỡn, nhưng mỗi lần đến lại làm hắn không vui nổi. Bây giờ cũng vậy.

"Điện hạ thấy thế nào rồi?"

Ngô Sở Cung thấy hắn cố chống đỡ thân thể bò dậy, liền đặt mộc bản xuống bàn, nói khẽ: "Điện hạ ngủ tiếp đi. Coi như vi thần liều mạng bao che cho điện hạ đấy."

Nghiêm Dục lạnh run cầm cập, bưng bát cháo trắng đặt lên bàn, cởi áo choàng, ra sức hà hơi vào lòng bàn tay. Hỏi Ngô Sở Cung: "Điện hạ không dậy sao?"

"Điện hạ bị thương, ngày nào cũng cũng như thế làm sao chịu được? Vương Hoàng môn đã nói chiếu cố điện hạ, như vậy hẳn là bệ hạ cũng sẽ không chấp nhặt."

"Thực ra... thỉnh thoảng ý của Vương Hoàng môn cũng có thể đối nghịch bệ hạ." Nghiêm Dục cười một lúc, nói: "Vậy đa tạ Ngô Tông chính. À phải rồi. Liệu có thể... lấy thêm ít than không? Điện hạ còn đang bệnh..."

Ngô Sở Cung có chút bối rối, vẫn kiên quyết từ chối nói: "Chỉ dụ của bệ hạ, đãi ngộ án theo thứ nhân. Tông Chính phủ sắp xếp lò sưởi đã là quá mức chiếu cố rồi. Ta..."

"Nô tài biết, nhưng nô tài lo lắng. Trước giờ ở trong Vị Ương cung bốn phía là hoả tường bao bọc, dưới đất có địa kháng, trong phòng đốt liệu lô. Bây giờ điện hạ... đang bị bệnh, cái gì cũng không có. Lại thêm đang vào kì rét đậm rồi, điện hạ làm sao chịu nổi?"

Ngô Sở Cung đành đồng ý, nói sẽ báo lại với Tông Chính phủ. Nghiêm Dục mới chịu để cho hắn rời đi.

"Là Tông Chính phủ dâng tấu. Xin bệ hạ phê chuẩn bọn họ cung ứng thêm đồ mùa đông cho Thái tử điện hạ. Y phục, chăn nệm, còn cả than nữa."

Hoàng đế không đáp, xua tay tỏ ý không muốn xem tấu. Vương Trung vẫn ngơ ngác cầm cuốn tấu chương trên tay, mở miệng: "Bệ hạ, người có giận đi nữa, cũng phải nghĩ đến sức khỏe của điện hạ. Từ ngày đó đến bây giờ, sức khỏe chỉ có yếu đi, không có khởi sắc."

Hoàng đế lấy tay đỡ trán, im lặng một lúc. Hắn ngẫm nghĩ, không trả lời vấn đề kia. Chỉ hỏi: "Thương tích thế nào rồi?"

Vương Trung nhẹ nhàng nói: "Hôm trước nô tài đến xem, vết thương vẫn còn nặng. Bệ hạ là đang lo lắng vì điện hạ..." Không ngờ Hoàng đế cười nhạt, mở mắt thản nhiên nói: "Tháng sau Lương vương đến Trường An. Tốt nhất là hồi phục nhanh một chút, vẫn còn chưa xong chuyện đâu."

"Bệ hạ..."

"Lui ra ngoài."

Trong noãn các chỉ còn lại một mình. Khói trầm toả ra, bao quanh bàn trà. Hắn kéo tấm lông cáo choàng qua cổ, đưa tay đến gần đèn bàn. Trong phòng không quá lạnh, cung điện Trường An đều xây bằng hình thức hoả tường thời Tiên Tần. Tẩm điện của Hoàng hậu được trát đất sét trộn lẫn hạt tiêu lên tường, lợi dụng tính dược liệu của tiêu để giữ ấm và có mùi thơm, hạt tiêu cũng tượng trưng cho mong muốn nhiều con cháu. Vì vậy mới gọi là 'Tiêu Phòng điện'.

Hắn nhớ mùa đông năm đó ở phủ của Trinh Quân Phu nhân, từ khi biết nhận thức, năm ấy là năm lạnh giá nhất. Lá cây đóng băng, tuyết rơi phủ kín trước sân. Hắn lạnh không ngủ được, Trinh Quân Phu nhân liền nói sẽ mua thêm một cái lò than. Đêm nằm trên giường nhắm mắt nhưng không ngủ, hắn thấy Phu nhân ngồi bên bàn, cẩn thận đếm từng quan tiền xếp sang một bên, lại thở dài nói một mình: "Thật là tốn kém quá. Không rét đậm thì tốt quá rồi."

Trinh Quân Phu nhân ngoài tổ mẫu thì còn sinh được hai người con lớn. A tỷ của tổ mẫu là Vương hậu của Lỗ An vương, trưởng huynh của tổ mẫu lấy con gái của Tế Bắc Thành vương, lúc trước Lỗ quận Sử thị là gia tộc có danh vọng. Sau này dần dần suy sụp sau án vu cổ, nhưng có Lỗ An Vương hậu cùng phía Tế Bắc Thành vương giúp đỡ, chỗ Trinh Quân Phu nhân mới không đến nỗi cơ cực. Mùa đông ít nhất còn có than phiến sưởi ấm, có nhiều nhà thậm chí chỉ có thể đốt cành củi vụn để sưởi. Cho nên hắn vẫn cảm thấy mình may mắn hơn nhiều.

Sau này ở Hứa gia, nhiều khi Bình Quân lạnh quá lại chui vào trong bếp, đốt lò than ngủ luôn bên cạnh. Cho nên thường luôn miệng nói đợi con lớn hơn chút cả hai cùng đi bán đậu hũ, xin cha thêm một ít tiền, mua một cái liệu lô bằng đồng đặt ở trong phòng để con không bị lạnh. Không ngờ sau đó không lâu, bệ hạ đến tận nhà thăm hỏi, còn cho Lưu Thích một chút đồ quý giá. Sau đó trở về ban chiếu chỉ phong hắn làm Dương Võ hầu. Vậy là cả hai không cần phải đi bán đậu hũ để mua lò sưởi nữa.

"Thử sinh cố đoản, vô nhĩ hà hoan?"

Đột nhiên hắn ngơ ngẩn mất một lúc, ôm đầu lẩm bẩm: "Mình đúng là điên rồi." Quay đầu nói vọng ra ngoài: "Đi, nói với Tông Chính phủ, cung ứng thêm ít vật dụng mùa đông cho Thái tử."

...

"Lúc khanh đến, những ai ở cạnh Vương Thái tử?"

"Hồi bệ hạ, lúc đó Tô Trung quan dẫn thần đến, Doãn nương tử của Tiêu Phòng điện đang dùng khăn cầm máu. Ở đó cũng đều là cung nhân của Tiêu Phòng điện."

Hắn buồn chán ngồi suy nghĩ lung tung. Hết chuyện này đến chuyện khác trong kí ức. Bỗng dưng nghĩ đến chuyện gì, ngửa lòng bàn tay lên nhìn, lông mày từ từ nhíu lại.

Hôm trước hắn có đến Tiêu Phòng điện, Hoàng hậu có nói Doãn nương tử trong lúc giúp Vương Thái tử cầm máu mà lòng bàn tay bị một vết thương sâu. Nếu như bị thương trong lúc cầm máu, sẽ là lưỡi kiếm vô tình cứa vào. Lại từ từ úp bàn tay xuống. Theo lý mà nói, lưỡi kiếm nên cứa vào mu bàn tay, hơn nữa nhiều khả năng là gần vị trí ngón út. Nếu bị thương trong lòng bàn tay, lại là theo chiều ngang thì chỉ có thể là dùng tay rút kiếm. Nhưng bình thường sao lại dùng tay không nắm lưỡi kiếm để rút? Cứ cho là nhất thời hoảng hốt nên mới làm vậy, thì hắn còn phát hiện một chuyện không đúng nữa. Lý Triều thuật lại sau khi đến đó cầm máu tạm thời cho Lưu Toại rồi mới rút kiếm ra. Vậy là trước đó kiếm chưa được rút ra, vì sao Doãn Trinh Cơ lại bị thương?

Lý Triều không phải kẻ có tác phong chậm trễ. Huống hồ là Vương thái tử, không thể nào sơ suất. Việc Lý Triều đến chậm trễ khiến Lưu Toại mất máu nguy kịch, có phải có chút không hợp lý rồi không? Lần này hắn lại cẩn thận suy nghĩ những gì Lưu Thích nói. Lúc cầm kiếm lên rất nặng, đâm cũng không nghĩ có thể làm trọng thương Lưu Toại. Hắn biết Lưu Thích không nói dối, hắn luôn quan sát Lý Diễn luyện kiếm giúp Thái tử, kiếm pháp không có chút tiến triển nào. Cũng toàn là dùng kiếm gỗ, mà nhấc lên đã khó khăn, huống hồ là kiếm bằng bạc. Cứ coi như Thái tử nhất thời kích động, nhưng gây ra vết thương chí mạng là không có khả năng cao.

Hoàng đế nhếch miệng, lắc đầu một lúc, nói với Lý Triều: "Khanh nên cáo quan đi."

Lý Triều sững sờ đến không nói nên lời, ngã đổ người sang một bên, dùng tay chống trên mặt đất. Khóc nói: "Bệ hạ, thần... năm nay mới tam tuần, từ quan thì cả đời này của thần..., bệ hạ điều thần đi đến vị trí thấp cũng được, đừng bắt thần phải từ quan... Thần cũng không hiểu vì sao lại có thể như vậy!"

"Lý Thái y, khanh có biết nếu lần này khanh không cáo quan, thì nhất định sẽ phải chết! Nếu như chuyện này, là trẫm nhờ cậy khanh thì sao?"

Vương Trung nhìn thấy Lý Thái y khấu đầu lui ra, liền đi vào. Đã nghe thấy Hoàng đế gọi "Thiệu Huân, tới đây." Lý Diễn không biết cả ngày nay đi chỗ nào, chỉ còn Ngự lâm lệnh Vệ Thiệu Huân ở lại. Người này là tôn tử của Âm An hầu Vệ Bất Nghi, cũng là tằng tôn của Trường Bình Liệt hầu, Tư mã Đại tướng quân Vệ Thanh. Hoàng đế ngồi sau án thư, ngoài khoé miệng hơi cong lên một chút, cả gương mặt giống như bị đơ cứng, không biết đang vui hay buồn, hay là tức giận.

"Thiệu Huân, có việc này giao phó cho khanh."

Buổi sáng hôm nay hửng nắng, cũng bớt lạnh đi một chút. Hoàng hậu rửa mặt xong, đến bên bàn trang điểm. Cung nữ vấn tóc không quen tay, có chút luống cuống, nàng khó chịu hỏi: "Trinh Cơ đi đâu rồi?"

"Nô tỳ cũng không biết ạ."

Tỳ nữ kia vừa nói dứt lời, có một viên thái giám hớt hải chạy vào trong kêu lên: "Hoàng hậu nương nương, không xong rồi."

Hoắc Thành Quân liếc mắt nhìn, tay vẫn đang mở nắp hộp đựng bột son. Thái giám kia run lẩy bẩy nói: "Dịch đình đến báo, có người phát hiện... Doãn nương tử... Doãn nương tử... bị trượt chân ngã xuống hồ Lộc Đài. Đã chết đuối rồi..."

....

___🍑___

Hán Cảnh Đế Lịch Thái tử Lưu Vinh: Là con trai của Lịch cơ, sủng phi của Hán Cảnh Đế. Lịch cơ ngang ngược hống hách vì là mẹ Thái tử, Cảnh Đế không hài lòng. Lịch cơ lại đắc tội Quán Đào công chúa vì từ chối đề nghị để con gái công chúa gả cho Thái tử. Quán Đào sau đó đã đề nghị kết thông gia với Giao Đông vương Thái hậu, giúp đỡ Giao Đông vương Lưu Triệt, gièm pha khiến Lịch cơ thất sủng, Cảnh Đế nổi giận phế Lưu Vinh làm Lâm Giang vương, lập Lưu Triệt, cả đời cũng không gặp lại Lịch cơ.
Lưu Vinh được lòng dân, nhưng bị kẻ khác tố cáo dẫn đến bị triệu về kinh thẩm vấn. Khi lên đường, xe ngựa gãy trục, các phụ lão theo tiễn rơi nước mắt nói: Vương của chúng ta không phản nghịch. Lưu Vinh bị đưa vào phủ đình uý và do Chất Đô tra khảo. Thủ pháp tra khảo nổi tiếng tàn khốc, Lưu Vinh hoảng sợ xin thẻ tre và bút để viết thỉnh tội cho Cảnh Đế nhưng Chất Đô không đồng ý. Đậu thái hậu nghe tin liền sai người đưa thẻ tre, bút, dao đến (vì viết thẻ tre nếu sai thì dùng dao róc đi sửa lại). Không ngờ Lưu Vinh viết xong liền dùng con dao đó tự sát.
Đậu Thái hậu căm phẫn, muốn giết ba họ Chất Đô và những người liên quan. Cảnh Đế bãi chức Chất Đô nhưng thực tế lén cho giữ chức khác. Sau này Đậu Thái hậu phát hiện, kiên quyết đòi giết Chất Đô. Cảnh Đế bênh vực nói 'Chất Đô là trung thần', Thái hậu khóc nói: 'Lâm Giang vương không phải trung thần ư?' Cuối cùng do Thái hậu ép buộc, Cảnh Đế đành xử chết Chất Đô.
Cảnh Đế đoạn tuyệt Lịch cơ nhưng người đời đều cho rằng Lịch cơ vĩnh viễn là người trong lòng Cảnh Đế, chỉ tiếc Lịch cơ quá ỷ vào sự sủng ái, mà không biết Lưu Khải là người yêu giang sơn trước, yêu mỹ nhân sau. Bên cạnh lăng Cảnh Đế, ngoài lăng Hoàng hậu thì chỉ có duy nhất lăng của Lịch cơ, quy chế xây theo địa vị rất cao, trong khi sinh thời bà mất không có danh vị, thậm chí không cả có danh phận Vương Thái hậu.
(Quán Đào thì dưới suối vàng chắc buồn dữ lắm. Con gái bà ta chính là Phế hậu Trần A Kiều, nổi tiếng cùng điển cố 'Kim ốc tàng Kiều' - Nhà vàng chứa người đẹp. Sau Lưu Triệt thích Vệ Tử Phu thì ghẻ lạnh khiến Trần hậu căm phẫn oán hận rồi bị đày vào lãnh cung. Cuối cùng chết trong cô độc, dù nhờ Vệ hậu nói giúp nhưng Lưu Triệt đến chết cũng không chịu gặp mặt. :)))

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net