Truyen30h.Net

[BL/EDIT] Sau khi mất trí nhớ, đối thủ bám dính lấy tui

Chương 80 - Chương này không ngọt xíu nào

peparuruzi

Hàng xóm ở quê là một cặp vợ chồng cũng gần tuổi bà nội, con cái cháu chắt đều ra ngoài làm ăn. Bọn họ cũng giống như bà anh, cũng không nỡ rời xa chốn thôn quê này nên mới không theo con cái lên thành phố hưởng phúc, nhất quyết phải ở cái chốn thôn quê này để an hưởng chút bình yên lúc tuổi già. 

Khi về già thường sẽ không tránh khỏi những tai nạn ngoài ý muốn, bà của Dư Duy có phương thức liên lạc với ba mẹ anh thì bọn họ cũng sẽ có, tin bà nội đã qua đời cũng là do cặp vợ chồng hàng xóm đó thông báo. 

Dư Thu với Nhạc Lam cũng nhận được tin báo ấy, nhưng từ thủ đô về quê cũng phải mất một thời gian. Dư Duy không chờ bọn họ cùng về, tựa như bà nội anh không thể chờ nổi chuyến thăm cuối cùng của bọn họ vậy, anh mua một vé tàu cao tốc rồi về ngay trong ngày luôn. 

Ôn Biệt Yến muốn về theo anh, Ôn Tỉ và Chương Dao ngấm ngầm đồng ý

Ba mẹ của Dư Duy không ở đây, để anh một mình đối mặt với thi thể của người bà mà anh yêu quý nhất. Anh chẳng muốn, mà cũng chẳng thể đối mặt nổi với cái chốn thôn quê giờ đây chỉ còn lại kỉ niệm này. 

Chuyến xe này cũng mất vài giờ đồng hồ như lần trước, nhưng Ôn Biệt Yến lại cảm thấy thời gian trôi chậm hơn rất nhiều. 

Tâm tình xao động, phong cảnh ven đường đã chẳng còn mới mẻ như thuở ban đầu nữa. Nhiệt độ trong xe vô cùng thấp, suốt dọc đường đi cậu vẫn luôn nắm chặt lấy tay anh, chỉ mong sao có thể giúp anh sưởi ấm được đôi chút. 

Lúc xuống xe, cậu nghe thấy Dư Duy lẩm bẩm cái gì đó, giọng nói nhỏ đến nỗi Ôn Biệt Yến không rõ anh đang muốn nói gì, chỉ nghe được một câu "Cũng không biết về sau có thể bước trên con đường này nữa không......" 

Cậu không hỏi anh, chỉ yên lặng nắm chặt tay anh mà thôi.

Đến nơi, sân nhà bà đã có rất nhiều người đã ngồi đó từ lâu, đa phần đều là những người lớn tuổi, chẳng mấy ai còn trẻ cả. Tất cả đều là hàng xóm chủ động tới giúp đỡ, nhà cũng từng có người già đi rồi nên mọi nghi thức đều trải qua vô cùng suôn sẻ. 

"..... Hôm trước bà ấy còn cùng bọn tôi đi dạo dọc bờ ruộng, cũng chẳng thấy bà ấy bảo khó chịu chỗ nào, vẫn là dáng vẻ cứng rắn cường ngạnh ngày ấy. Bà chỉ nói dạo này cảm thấy thời lượng giấc ngủ càng ngày càng dài, đến nỗi chỉ cần ngồi thôi cũng ngủ quên cho được. Mà cũng ngày càng mơ nhiều hơn nữa, lúc nào cũng mơ thấy ông đứng bên kia bờ suối xua tay với bà, nói "có chút nhớ bà rồi" "

Ông hàng xóm chống gậy chậm rãi nói với Dư Duy về tình hình sức khỏe của bà nội trước khi qua đời: "Cũng đến tuổi rồi, đã đến lúc phải rời khỏi nơi này thôi. Bà ấy không phải chịu khổ, mà cũng chẳng phải chịu tội gì cả. Lúc ông phát hiện thì thấy bà ấy đang ngồi dưới gốc cây hồng, nghiêng đầu nhắm mắt như đang ngủ say, cây quạt hương bồ rơi xuống đất cũng chưa kịp nhặt lên nữa." 

"Ông với vợ ông còn tưởng bà ấy chỉ ngủ thôi nên không giục dậy, chỉ dọn ghế ra ngồi cạnh một lúc, mãi không thấy tỉnh lại mới phát hiện ra người đã đi từ bao giờ." 

"Lúc nhắm mắt xuôi tay, trên môi bà ấy còn mỉm cười, hệt như lúc đang tán gẫu với vợ chồng nhà ông vậy, chắc là mơ thấy ông Dư tới đón bà ấy đi. Bà mặc một chiếc áo sơ mi hoa cùng với quần dài đen, bảo ngồi dưới gốc cây mát lắm nên không ngại nắng nóng đội chiếc mũ len mà bà ấy thích nhất lên......" 

Ông lão cứ nói mãi chẳng dứt lời, nhưng Dư Duy vẫn luôn lắng nghe một cách vô cùng cẩn thận, vô cùng chăm chú. Trên mặt anh chẳng chút biến sắc, nhàn nhạt rũ mắt, thoạt nhìn trông vô cùng bình tĩnh. 

Ôn Biệt Yến không biết anh đang cảm thấy gì, lời qua tai cậu chỉ là một người già, cô đơn lặng lẽ rời khỏi trần thế ở một khung cảnh gió trời ấm áp, trong lòng cũng chỉ cảm thấy canh cánh mà thôi, Dư Duy..... Chắc hẳn là đang cảm thấy khó chịu hơn cậu gấp trăm lần. 

Ông lão dắt hai người vào phòng, Ôn Biệt Yến không chút do dự lẳng lặng chạy theo. 

Người bà quá cố của anh vẫn đang nằm trên chiếc giường thường ngày, hai tay chắp vào nhau đặt trước ngực, quần áo cũng không phải chiếc áo sơ mi và quần tây nữa, mái tóc hoa râm cũng đã được chải chuốt gọn gàng. Chiếc mũ len màu xanh của bà đặt ở một bên, đôi mắt khép hờ hệt như đang ngủ, mặt bà lúc ấy trông vô cùng thanh thản. 

"Không biết có phải bà ấy đã dự đoán trước được sự ra đi của mình rồi hay không, hôm trước ông nghe thấy bà ấy nói nhớ cháu, muốn gặp cháu, muốn trò chuyện với cháu, ông định gọi điện kêu mấy đứa về thăm bà thì......" 

"Ông nói rất nhiều, cũng khuyên rất nhiều nhưng bà ấy không muốn, bảo là con cháu rất bận, bận đi công tác, bận chuyện học hành, bà ấy ở một mình cũng được, không bệnh cũng chẳng đau nên không cần quấy rầy mấy đứa. Dù sao thì ngày thành còn dài, mấy ngày nữa thể nào cũng về." 

"Haiz, cũng thật là, tới tuổi này rồi thì ngày tháng còn dài thế nào nữa? Rồi cũng sẽ có một ngày nhắm mắt mà không mở ra được nữa mà thôi, muốn gặp nhau thì phải tranh thủ thời gian, chứ không thì lúc chết sẽ không thể nhắm mắt, cũng sẽ để lại biết bao nỗi vương vấn lại cho con cháu nữa...." 

Tập tục của quê nhà là người đã chết gặp phải người thân vẫn còn nỗi vấn vương thì phải mau mau đưa vào quan tài, nếu để lâu sẽ sinh ra tưởng niệm, linh hồn không thể siêu thoát mà đầu thai sang kiếp khác được. 

Bọn họ chờ Dư Duy về gặp bà lần cuối rồi mới đặt bà vào trong quan tài, nghĩ đến việc bà anh còn chưa kịp gặp mặt con nên chưa đóng nắp quan tài lại vội. 

Mọi chuyện đã xong xuôi, mọi người cũng dần dần đi hết, để dành thời gian cho người nhà gặp mặt lần cuối. 

Ôn Biệt Yến với Dư Duy đứng trên bậc thềm nhìn bọn họ lần lượt rời đi, quay sang một bên là có thể thấy cây hồng đó, nơi mà cả hai từng đạp tuyết hái hồng. Bây giờ trên cây chẳng còn quả nào, chỉ có lá tươi xanh mơn mởn xao động theo từng cơn gió, ngả bóng xuống mảnh đất xung quanh. 

Căn phòng bỗng chốc trở nên quạnh quẽ, cậu ngẩng đầu nhìn về phía nhà chính, nhìn về phía nén hương vẫn đang cháy và chiếc quan tài màu đen sẫm đằng sau đó. Cậu chẳng thấy sợ, cũng chẳng cảm thấy kinh hoàng gì cả, vì cậu biết, bên trong đó là người thân ruột thịt của bạn trai mình, người đốt lò sưởi ấm cho cậu vào mùa đông giá rét, giúp cậu lột hồng, làm thịt khô, cười ha hả gọi cậu là bạn nhỏ

Nếu tất cả hồi ức về người đó đều ấm áp như vậy, khắc sẽ chẳng sợ hãi trước hiện thực tàn khốc. 

"Anh ơi." Cậu nắm chặt tay Dư Duy, khẽ gọi tên anh, cố gắng giữ cho bầu không khí xung quanh không còn quạnh quẽ nữa.

"Ơi, anh đây em."

Giọng nói của Dư Duy thoáng chút rầu rĩ, anh gượng cười xoa xoa đầu cậu: "Yến Yến, dưới cây mát lắm, em ra đấy ngồi lát đi, anh lấy chút đồ." 

Ôn Biệt Yến không đồng ý

Cậu hỏi anh: "Em đi cùng anh được không? Anh cần em sẽ giúp, anh không cần thì em sẽ đứng cạnh nhìn thôi, được không anh?" 

Mỗi lần cậu thốt lên hai từ "được không", Dư Duy chỉ biết gật đầu đồng ý, lần này cũng không ngoại lệ. Vậy nên bỗng dưng anh có thể một tùy tùng, hoặc là một chiếc đuôi nhỏ ngoan ngoãn lẽo đẽo theo đuôi anh.

Gọi là lấy đồ vậy thôi chứ thực chất là sửa sang thực chất là đi sửa sang với phân loại di vật

Thực ra cũng không vội lắm, thu dọn xong xuôi thì cũng phải chờ Dư Thu với Nhạc Lam tới mới chất đồ lên xe được, nhưng anh chỉ muốn để bận rộn lấp đầy những khoảng trống trong đầu anh mà thôi. 

Thói quen bao đời nay của người già vẫn không đổi, bao nhiêu đồ ăn cũng chẳng nỡ ăn, chỉ tích vào góc phòng chờ người tới thăm thì lôi ra cùng nhau nhâm nhi. Bây giờ thu dọn hết chỗ này rồi cất đi, coi như cũng thỏa lòng người xưa rồi. 

Dư Duy đặt hết đồ ăn không thể để lâu vào một chiếc túi, sau đó xuống bếp. 

Ngoài cửa sổ là những trái hồng đã được hong gió, một chuỗi rồi lại một chuỗi vô cùng ngay ngắn. Dư Duy dẫm lên ghế gỗ rồi gói hết chúng vào một chiếc túi khác, rồi lại đổi túi đi lấy miếng thịt khô treo phía đằng xa xa kia. Nhặt hết đồ được treo trên dàn kia xong anh mới ngồi xổm trước lu gạo, mở nắp ra.  

Mọi chuyện diễn ra vô cùng chậm rãi, anh cũng không để Ôn Biệt Yến phải nhúng tay vào, vừa làm vừa nghĩ xem tiếp theo nên làm gì, hoàn toàn không có khoảng trống để hồi tưởng lại kí ức về người bà mà anh yêu nhất kia nếu giờ vẫn còn sống sẽ đang làm gì.

Lu gạo chỉ còn hơn non nửa

Dư Duy múc từng chén nhỏ lên, bỗng dưng cảm thấy có gì đó cồm cộm, đào lên mới thấy bên trong còn có ba bốn quả táo, táo để lâu nên hơi sẫm đỏ lại. 

Ôn Biệt Yến vẫn luôn đi theo anh, lúc Dư Duy cầm quả táo lên, cậu thấy lớp mặt nạ bình tĩnh mà anh vẫn luôn đeo lên xuất hiện khe hở. 

Hệt như có một sợi chỉ nhỏ nào đó vô tình len lỏi vào phổi khiến hơi thở của anh trở nên gấp gáp hơn, ngũ tạng nhói đau, chỉ có thể cố gắng bình tĩnh lại nhịp thở mới có thể miễn cưỡng bớt đau đi được đôi chút. 

Nhưng chút ngẩn ngơ đấy cũng nhanh chóng biến mất.

Dư Duy nhanh chóng lấy lại tinh thần, ủ rũ nhặt táo bỏ vào túi

"Trước kì nghỉ hè anh có gọi cho bà nội một cuộc, bảo sau khi thi xong sẽ về thăm bà ấy." 

Anh vừa nói chuyện với Ôn Biệt Yến, lại vừa nói chuyện với bản thân mình: "Khi ấy bà hỏi anh muốn ăn gì để còn mua cho anh, anh biết nếu anh không nói thì bà sẽ không vui nên mới thuận miệng bảo muốn ăn táo, táo gì cũng được miễn nó ngọt." 

"Bởi vì đấy chỉ là lời nói mà anh thuận miệng buông ra mà thôi nên anh đã quên sạch, vậy mà bà nội vẫn luôn nhớ, quả táo vẫn luôn nằm trong lu gạo để ngọt nhanh. Bà vẫn luôn chờ anh về thăm bà, ăn táo mà bà mua cho." 

 Ôn Biệt Yến thắt lại chiếc túi chưa được buộc kĩ trên tay anh, sau đó cẩn thận luồn tay mình vào những ngón tay đang run rẩy của Dư Duy. 

"Anh, không sao cả, về rồi chúng ta cùng ăn." 

Dư Duy gật đầu, trong mắt anh chứa đựng bao nỗi chua xót cô đơn khiến Ôn Biệt Yến chẳng còn tìm thấy chút ấm áp nào trong đôi mắt đó nữa. 

Dù bọn họ đã làm mọi thứ thật chậm rồi nhưng đồ đạc của người già vốn chẳng có nhiều, có làm kĩ đến nhường nào đi nữa thì thời gian vẫn sẽ trôi đi, rồi cũng đến lúc cả hai dọn xong tất cả mọi thứ. 

Cả hai trở lại sân, nén hương trước cửa nhà chính đã cháy được hơn một nửa. 

Dư Duy kiên nhẫn khảy tàn nhang, ngước lên nhìn chiếc quan tài trước mặt, thiêu xong vài tờ tiền giấy rồi mơi quay người hỏi Ôn Biệt Yến có nóng không, có khát không, mệt không, có muốn uống chút gì đó hay ngủ một lát không. 

"Anh à, em không làm gì cả thì sao lại mệt cơ chứ? Nhưng anh đó, có muốn nghỉ ngơi chút không?" 

"Anh không mệt." Dư Duy lắc đầu, nói: "Anh cũng chẳng làm gì cả, không mệt."

Ôn Biệt Yến cười cười, không nói gì nữa.

Cậu biết Dư Duy chỉ đang tự nhét mình vào trong lớp vỏ bọc, dồn nén tất cả mọi nỗi đau buồn bi ai vào trong đó mà thôi, vì anh nghĩ, nam tử hán mà khóc lóc thì mất mặt mất mũi lắm. Vậy nên bao nỗi thương tâm đau khổ anh đều gắng gượng chịu đựng một mình, giả bộ bình tĩnh như thể chẳng có gì xảy ra. 

Chỉ có điều, anh vẫn còn quá nhỏ. Đôi khi đến cả người lớn cũng chẳng kiềm chế nổi cảm xúc của mình, huống chi anh mới chỉ là một đứa trẻ mười mấy tuổi đầu. 

Dư Duy giấu kín tất cả mọi đau buồn vào một góc khuất mà anh cho rằng nó là kín nhất mà không hề nghĩ rằng, những cảm xúc kia cũng có sự sống, nó cũng sẽ bành trướng, chậm rãi nảy nở.... Rồi đến một lúc nào đó, góc khuất mà anh cho rằng nó là kín đáo nhất cũng sẽ chẳng thể che đậy được nữa, nổ tung. 

Cảm giác đầu tiên khi thấy người thân của mình nhắm mắt xuôi tay đó chính là đột ngột. 

Bọn họ sẽ thấy một người vốn đang sống sờ sờ tại sao bỗng dưng lại nằm trong quan tài, gọi cũng không dậy, bảo cười cũng sẽ không cười nữa? 

Như thể có đòn đánh nào đó giáng mạnh vào trong tâm trí họ, khiến tất cả mọi cảm xúc đều như tê liệt hoàn toàn. Sau khi tỉnh lại rồi ắt cũng sẽ cảm thấy bi thương, chỉ là nhiều hay ít mà thôi. 

Mà sợ nhất là khi sự tê liệt bao trùm lấy bi thương dần tan biến, cảm giác đau thấu tim gan về hồi ức của người quá cố lại từ từ chậm rãi thâm nhập vào. 

Lúc ăn cơm quen tay lấy thừa một bộ bát đũa, thấy ghế ngồi trống không mới sực nhớ ra người vẫn luôn cùng mình ăn cơm đã đi rồi, lúc đẩy cửa ra thì chỉ còn căn phòng trống vắng không còn người ở, mới sực nhớ ra người vẫn luôn hớn hở cười tươi hoan nghênh chào đón mình về đã chẳng còn trên trần đời này nữa rồi. 

Càng trống trải lại càng cảm thấy đau thương, cảm giác đau buồn này có lẽ còn giày xéo tim gan hơn cả việc dùng dao xẻo chém thành ngàn mảnh. Chỉ thời gian mới có thể chữa lành vết thương lòng này, còn lại thì vô phương cứu chữa. 

Ôn Biệt Yến theo Dư Duy ra lại sân chính, chuẩn bị cất ghế dưới tàng cây hồng kia đi.  

Đôi tay của anh nhẹ nhàng đặt lên mặt ghế, sau đó cứng đờ lại chẳng còn động tĩnh gì nữa. 

Dư Duy cúi đầu nên cậu không thấy rõ vẻ mặt của anh lúc này, Ôn Biệt Yến chỉ thấy tay anh thoáng dùng sức, ngón tay trắng bệch, mu bàn tay lờ mờ hiện lên gân xanh. 

Lồng ngực như bị nhồi bông, hơi thở khó khăn vượt qua những tầng bông đó, khó chịu vô cùng.

"Anh ơi......"

"Từ nay về sau, chỗ này sẽ chẳng còn ai ngồi nữa rồi."

Giọng nói của Dư Duy bỗng chốc trở nên vô cùng nghẹn ngào, khó khăn gằn ra từng chữ một: "Cũng sẽ chẳng còn ai dọn ghế ra cùng anh tận hưởng gió mát chiều hè, cùng nhau sưởi ấm, cùng nhau nói chuyện phiếm nghe tiếng ve kêu, hoặc là cùng anh ngồi bên bếp sưởi ngắm tuyết rơi." 

"Sau này khi anh về đây, sẽ chẳng còn ai chống gậy cười ha hả gọi anh là 'Duy Duy', hỏi anh có mệt không, khát không, đói không, rồi run rẩy dắt anh vào nhà chính, lấy những món đồ ăn mà bà đã để dành cho anh từ lâu ra." 

Nước mắt rơi xuống mu bàn tay đang cứng đờ trên mặt ghế, khóe mắt của Ôn Biệt Yến đã đỏ bừng từ bao giờ. 

Cậu giữ chặt cổ tay của Dư Duy, dùng sức ôm anh vào lòng, muốn truyền hết tất cả hơi ấm của mình để lấp đầy những lỗ hổng trong trái tim anh. 

Dư Duy cắn răng nhắm mắt lại, vùi mặt vào bả vai của Ôn Biệt Yến.

"Yến Yến."

Dư Duy nghẹn ngào cất tiếng gọi cậu, tựa như đang vô cùng đau đớn khổ sở. Anh hít một hơi thật sâu rồi mới dám bộc lộ hết tất thảy sự yếu ớt bất lực đang trào dâng lấn chiếm bên trong anh:  

"Anh không còn bà nữa rồi."

Người nhìn anh lớn lên, sẽ luôn nấu sẵn cơm chờ anh về, sẽ dịu dàng dùng khăn lông giúp anh lau mặt, sẽ gìn giữ tất cả những điều tốt đẹp nhất cho anh, là người vẫn luôn chiếm vai trò quan trọng nhất trong mười tám năm cuộc đời của anh..... 

Anh không giữ được bà ấy nữa rồi. 

Chiều hôm đó, cậu ngồi bên cạnh Dư Duy trên chiếc ghế tre cũ kĩ rất lâu.

Nghe anh kể rất nhiều chuyện

Cậu biết khu vườn đằng sau dãy núi kia có một cây hạt dẻ cao ơi là cao nhưng lại chẳng kết quả, biết anh vẫn luôn sống ở đây đến tận năm mười hai tuổi, biết ông nội của anh vì cưới bà mà làm việc cật lực, cũng biết chiếc mũ len mà bà nội anh luôn luôn trân quý kia là món quà cuối cùng mà ông nội dành tặng cho bà. 

"Hồi ấy sức khỏe của ông nội anh đã yếu lắm rồi, yếu đến nỗi không xuống giường được, thời điểm ấy lại còn là mùa đông nữa, khổ nhọc trên vai bà nội anh bỗng dưng nặng gấp hai lần. Tối hôm nào bà cũng cẩn thận pha nước ngâm chân cho ông, ông  anh thấy xót quá nên mới nhờ người ta mua cho bà một chiếc mũ len, bảo phải dày chút, có thể chống được gió lớn để bà không bị thổi bay đi mất." 

"Chỉ có điều, mũ mới mua chưa được bao lâu thì ông đã đi xa rồi."

"Lúc ông mất, bà anh đã ngồi cạnh mép giường tiễn ông đi, vẻ mặt ông lúc ấy cũng thanh thản vô cùng, hệt như chẳng chịu bất cứ khổ đau gì vậy. Bà nội cũng không khóc, chỉ yên lặng giúp ông lau người, thay quần áo, rồi đội cho ông một chiếc mũ len để ông không bị gió tuyết thổi bay đi mất....."

Tình yêu của thế hệ trước vốn giản đơn biết bao, chỉ cần chung tay gây dựng một mái ấm, sống một cuộc sống an yên. Khi nửa kia đi rồi thì sẽ tiếp tục canh giữ ngôi nhà mà họ đã gắn bó nửa đời người, tiếp tục giữ cho cuộc sống trôi qua một cách bình yên êm ả, chỉ cần con cái cháu chắt đuề huề thì có thể mãn nguyện không chút hối tiếc rồi. 

Đêm hôm đó, ba mẹ của Ôn Biệt Yến cũng tới. 

Hai người nhìn bà lão lần cuối, sau đó nhờ ông hàng xóm đóng nắp quan tài hộ hai đứa nhỏ. 

Sau một đêm hương khói, quan tài được chuyển đến nhà tang lễ. Dư Duy đã mất ngủ nguyên một đêm rồi, lúc thấy nhân viên nhà tang lễ đưa hũ tro cốt cho mình, mắt anh đã đỏ rồi nay lại càng đỏ hơn. 

Anh vòng đi vòng lại một hồi, chẳng nỡ buông hũ tro của người bà mình yêu nhất xuống.  

Lúc lên núi, Dư Duy đội một chiếc mũ len rồi chôn hũ tro cốt bên cạnh mộ của ông nội, cây hồng nơi này cũng rất cao lớn, lá cây tươi tốt xanh mơn mởn, ngả bóng râm che kín một khoảng vừa đủ để che chở cho ngôi mộ của cặp vợ chồng già. 

Lúc vùi đất, Dư Duy sực nhớ ra một chuyện, quay sang hỏi Dư Thu: "Ba, nhà ở quê có bán không?" 

"Không bán, chắc chắn sẽ không bán." Ông Dư vỗ vỗ bờ vai của anh, vừa là câu trả lời, mà cũng vừa là lời hứa hẹn: "Chỉ còn nhà vẫn còn ở đây, nơi này vĩnh viễn là quê hương của chúng ta."

Bày tiệc đãi hàng xóm để cảm ơn là chuyện của Dư Thu với Nhạc Lam, ông Dư bảo Dư Duy với Ôn Biệt Yến về trước, sắp hết hè rồi nên đừng để trễ ngày khai giảng. 

Trước khi về thành phố, Dư Duy bỗng dưng bảo có gì đó mình quên lấy, phải về nhà một chuyến. 

Đồ đạc cần mang đi đều đặt trong cốp xe của Dư Thu rồi, còn có gì để quên cơ chứ. 

Trong lòng Ôn Biệt Yến cũng ngầm hiểu đó là gì, nhưng cậu không vạch trần, cũng không đi theo anh, chỉ ngoan ngoãn ngồi trên phiến đá chờ anh, chờ anh lấy được thứ mà mình quên ra rồi cũng không hề lên tiếng ngăn cản. 

Mặc kệ ấn tượng của bà trong cậu có sâu đậm đến nhường nào, suy cho cùng thì bà cũng chỉ là một bà lão phúc hậu cậu từng gặp một lần trong đời mà thôi. 

Nhưng Dư Duy thì không giống vậy.

Đây là nơi mà anh sinh ra và nơi lớn lên, bà là người đã chăm sóc anh từ thuở còn thơ, chỉ cần bà vẫn còn sống thì đây vẫn sẽ là nhà của anh, là nơi mà anh có thể trở về bất cứ lúc nào. Nhưng bà đã chẳng còn, hết thảy nhớ mong chỉ còn là vỏ rỗng, người ấy nay đã nằm ở khoảng đất nho nhỏ cạnh sườn núi, mặc cho anh có kêu gào bao lần đi chăng nữa cũng sẽ chẳng nghe thấy hồi âm. 

Người từng cùng anh mò cua đào tổ chim đã chẳng còn, chú chó dữ canh vườn và lão hòa thượng cũng đã đi mất, vườn cây hoang phế, chùa miếu khóa cửa không còn hương khói, chỉ còn lại những kỉ niệm vùi dưới tàng cây hồng. 

Tất cả những gì tươi đẹp của chốn thôn quê này giờ đây chỉ còn là kí ức. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net