Truyen30h.Com

Cảm ơn vì là "chúng ta"

Chương 40: Tỉnh dậy

YnHoa54

    Khi tôi tỉnh dậy đã là rạng sáng ngày hôm sau. Vừa hoàn hồn sau giấc mơ dài đáng sợ, đập vào mắt tôi đầu tiên chính là trần nhà trắng phau đầy lạ lẫm, cùng mùi đặc trưng của bệnh viện thoang thoảng nơi khoang mũi. Tôi cực kì không thích mùi bệnh viện, lại thêm không khí lạnh lẽo và tĩnh lặng của nơi này vào ban đêm càng khiến tôi khó chịu.

    Trải qua một giấc mơ dài như thế, vừa tỉnh dậy đã thấy mình ở một nơi xa lạ, tôi vẫn cho rằng mình đang mơ cho nên định ngồi dậy, lại phát hiện cả cơ thể đều đã rã rời, chẳng còn tí sức lực. Nhìn lại mu bàn tay còn đang gắn một cái ống nhỏ nối thẳng tới túi nước biển, tôi càng trở nên hoang mang hơn.

    Đây là hiện thực ư? Mình sốt đến mức nhập viện luôn hả?

    Mẹ tôi vốn vẫn đang ngủ ở chiếc ghế dài gần đó, vừa nghe thấy tiếng tôi động đậy đã lập tức tỉnh dậy. Từ nhỏ đến giờ, tôi vẫn luôn cảm thấy tò mò và nể phục "siêu năng lực" này của các bà mẹ, đặc biệt là mẹ tôi. Khi ở nhà cũ, lúc vẫn còn ngủ chung với ba mẹ, hễ tôi đi vệ sinh, lén chơi điện thoại,... vào nửa đêm đều bị mẹ phát hiện. Còn tôi, cho dù trời có sập xuống, tôi vẫn ngủ say như chết.

    Mẹ sờ trán tôi, rồi đi đến chiếc tủ cạnh giường bệnh, mở một chai nước suối, đưa cho tôi. Tôi uống một hơi hơn nửa chai, sau đó lại nằm xuống giường bệnh. Trong suốt quá trình đó, mẹ tôi hỏi tôi rất nhiều điều nhưng tôi lại chẳng đáp câu nào, phần vì trời vẫn còn chưa sáng, tôi không muốn làm phiền những người khác trong phòng bệnh, phần vì tôi thật sự chẳng biết nên đối diện với mẹ như thế nào sau khi đã biết bí mật của mẹ.

    Tôi phải đối xử với mẹ tôi thế nào đây? Thù hằn, căm phẫn, ghét bỏ?

    Nhưng, với người đã chăm sóc và yêu thương mình vô điều kiện này, sao tôi có thể có những cảm xúc ấy đây?

    Trong lòng tôi hiện giờ chỉ có thất vọng và muốn trốn tránh hiện thực, chỉ thế thôi.

   Tôi nằm đấy nhìn lên trần nhà của phòng bệnh, không ngủ được. Đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng, chẳng nghĩ gì và cũng chẳng muốn nghĩ, đờ đẫng chờ thời gian trôi.

    Qua một lúc, tôi lại học theo cách mình đối diện với mấy mỏm đá lỏm chỏm trong giấc mơ, nhắm mắt, hít một hơi thật sâu, nhẹ nhàng thở ra. Tôi cứ thế lặp lại vài lần, thả lỏng cơ thể, lắng nghe nhịp đập của trái tim mình. Và rồi, tôi một lần nữa rơi vào cơn mộng mị.

    Khi tôi một lần nữa tỉnh dậy đã qua giờ cơm trưa, tia nắng ấm áp chiếu vào khung cửa sổ rọi thẳng đến giường tôi. Từ lần đầu tiên thức dậy lúc rạng sáng, thần trí của tôi cứ lúc mê lúc tỉnh, giấc ngủ chập chờn khiến tôi có hơi đau đầu khi tỉnh dậy mặc cho tôi đã ngủ hơn nửa ngày.

    Mẹ đưa cho tôi chiếc khăn lau mặt, rồi lại đưa đến một ly nước ấm, tiếp đó là một khay cháo thịt bằm nóng hổi vẫn còn đang bốc khói. Tôi bình thản nhận lấy tất cả mấy thứ ấy nhưng chẳng mở miệng nói tiếng nào.

    "Sao vậy?"

    Mẹ tôi lấp lửng hỏi.

    Tôi nhìn mẹ, bày ra vẻ mặt tỏ ý không hiểu hàm ý của câu hỏi vừa rồi.

    "Có chuyện gì thì nói."

    Mẹ tôi vừa gọt trái cây, vừa mất kiên nhẫn nói.

    "Có chuyện gì đâu."

    Tôi lơ đãng đáp.

    Tôi không thể cứ im lặng nữa, nếu không mẹ sẽ lại càm ràm tôi mất. Mẹ không bao giờ vì chuyện tôi bị bệnh mà "thương xót", chỉ cần không vừa ý thì sẽ chửi ngay. Thứ đáng sợ nhất trên đời này chính là lời mẹ mắng và đòn roi của mẹ, dù có là chuyện gì đi chăng nữa cũng chỉ xếp sau thôi.

    "Sao lại không nói chuyện?"

    Mẹ tôi tiếp tục chất vấn.

    "Đau họng, không muốn nói chuyện."

    Tôi tỏ vẻ yếu ớt nói.

    Được dịp, mẹ tôi lại bắt đầu lên án hành vi đi chơi hồi tuần trước của tôi:

    "Cho mày đi chơi với bạn một bữa, mày không những bị thương khắp người, còn để cho bị bệnh đến suýt chết. Mày cũng tài thật đấy con!"

    "Mai mốt có đi bơi hay nghịch nước thì làm ơn mang theo bộ đồ để có cái mà thay ra."

    "Mày bệnh thì mẹ mày khổ chứ ai khổ!"

    ...

    Mẹ tôi là kiểu người "khẩu xà tâm Phật", toàn nói mấy lời khó nghe nhưng trong lòng lại không hề có ý xấu. Tuy mẹ tôi nói như thế nhưng tôi biết, thật ra mẹ đã rất lo lắng cho tôi, vẻ mệt mỏi hiện lên trên khuôn mặt của mẹ lúc này chính là minh chứng hữu hiệu nhất.

    Từ nhỏ cho đến tận bây giờ, mẹ luôn ở bên tôi, đồng hành cùng tôi trong hầu hết các sự kiện trong cuộc đời. Cả tuổi thơ của tôi đều gắn liền với mẹ, mãi cho đến năm tôi 5 tuổi, nghe người ta nói phải đi học mẫu giáo mới dễ xin vào trường tiểu học tốt để học, tôi mới rời khỏi vòng tay mẹ để đi học. Rồi tôi lên tiểu học và sau đó là trung học cơ sở, ngày ngày đều đến trường nhưng buổi trưa vẫn về nhà ăn cơm với mẹ, buổi chiều đi học về lại chăm trẻ phụ mẹ.

Hai năm gần đây, mẹ tôi không nhận giữ trẻ nữa mà chuyển dần sang buôn bán. Tuy buổi trưa, tôi vẫn về ăn cơm với mẹ nhưng nhà tôi đã không còn thường xuyên có những bữa cơm tối ấm áp có đủ tất cả các thành viên trong gia đình nữa. Mỗi hôm đi học về, sau khi ăn cơm, rửa bát xong, tôi lại đóng cửa, lên phòng làm bài tập hoặc xem phim rồi đi ngủ. Có mấy hôm, tôi còn chẳng nói chuyện được với ba mẹ được vài ba câu vì bọn tôi còn chẳng gặp mặt.

    Với tôi, mẹ chính là món quà đặc biệt mà thần linh đã dành tặng cho tôi vì đã phải có mặt ở cuộc đời khốn kiếp này. Người phụ nữ ấy đã đến và trao cho tôi tình yêu thương, sự dịu dàng, ấm áp và cũng không thiếu rất nhiều sự hung dữ, đáng sợ. Dù sao đi nữa, trong lòng tôi, mẹ vẫn luôn là người mà tôi thương nhất trên cõi đời này.

    Tôi tiếp tục nằm viện đến hết ngày hôm nay để theo dõi vì khi được đưa vào bệnh viện, nhiệt độ cơ thể của tôi đã lên đến 40 độ. Tôi tập trung dưỡng bệnh, không để bản thân cứ chìm trong mớ suy nghĩ tiêu cực.

    Giấc mơ ngày hôm qua không phải chính là thông điệp mà vũ trụ muốn gửi đến cho tôi sao, tôi cứ thuận theo ấy mà làm vậy. Không theo đuổi những thứ mơ hồ, xa vời, tập trung vào những thứ trước mắt. Tôi cũng chẳng làm được gì khác ngoài sống tốt cuộc sống của mình, cố gắng tận hưởng những giây phút hiện tại, vì ít ra bây giờ, gia đình tôi vẫn còn đủ ba người. Vả lại, chuyện của người lớn, tôi cũng đâu có giải quyết thay họ được?

    Hay giống như việc tôi rơi xuống từ chiếc tủ trong giấc mơ, khi tôi cứ mãi suy nghĩ về việc rơi, về nơi cơ thể tôi sẽ đáp xuống, để cảm xúc sợ hãi lấn chiếm tâm trí, tôi sẽ cứ rơi mãi, rơi mãi. Nhưng, khi tôi nhắm mắt chấp nhận hiện thực, thuận theo tự nhiên, không ép buộc bản thân mình phải làm gì, tôi lập tức có thể thoát khỏi giấc mơ, không phải đón nhận bất kì cái kết đáng sợ nào. Vậy nên, đối với chuyện này, tôi cứ thuận theo số phận của mình, chuyện tôi cần làm nhất lúc này có lẽ là chuẩn bị tinh thần trước vậy.

    Nghĩ thông, tôi nằm trên giường bệnh ung dung rung chân bấm điện thoại, chốc chốc lại với tay lấy trái cây mẹ đã gọt sẵn bỏ vào miệng nhai nhồm nhoàm, sung sướng như một cô công chúa nhỏ được nuông chiều quen thói.

    Có vẻ như thấy "ngứa mắt" trước dáng vẻ của tôi, mẹ bỏ con dao lên tủ, đánh mạnh vào chân tôi, trừng mắt nhắc nhở. Tôi buông điện thoại, ôm chân, cố nén cơn đau ngồi dậy, thẳng lưng nghe mẹ mắng.

    Thời gian cứ như thế chầm chậm trôi qua, chuyện của ngày hôm qua tựa như làn khói mỏng dần tản theo ngọn gió đông.

    Vì là mùa đông, lại chỉ nằm ì trên giường chẳng động đậy, mồ hôi cũng chẳng ra nhiều đến mức khiến cơ thể bốc mùi nhưng tôi lại là kiểu người rất thích tắm rửa cho nên việc cả ngày không được tắm khiến cho tôi có chút không vui. Trong phòng bệnh cũng có chỗ tắm rửa nhưng việc tắm ở một chỗ xa lạ, dùng chung phòng tắm với mấy người lạ hoắc khiến tôi chẳng còn hứng thú tắm táp, chỉ làm qua loa cho xong rồi đi ra. Xong xuôi, tôi lại nằm xuống giường nhắn tin cho Ngọc.

    "Mẹ, một lát đám con Ngọc đến thăm con đó."

    Mắt vẫn dán vào điện thoại, tôi vui vẻ thông báo với mẹ.

    "Ừ, thì cứ để các bạn đến đi."

    Mẹ tôi bình thản đáp.

    "Mẹ cắt thêm ít trái cây cho bọn con nha."

    Tôi nhìn mẹ, chớp chớp mắt, cười nịnh, nói.

    "Tự đi mà làm."

    Mẹ lườm tôi, đáp.

    "Con có biết làm đâu."

    Tôi thật sự không biết gọt trái cây. Mẹ từng bảo tôi tập làm cho quen nhưng sau nhiều lần nhìn tôi đổ máu vì mấy miếng hoa quả kia, mẹ thôi không ép tôi phải học nữa.

    "Không biết cắt thì khỏi ăn."

    Mẹ hung dữ nói.

    Miệng từ chối nhưng hành động lại trái ngược, mẹ lấy từ túi nilon ra vài quả táo còn lại từ lúc sáng, cầm dao từ từ gọt vỏ rồi cắt thành mấy miếng nhỏ bỏ vào đĩa.

    "Con biết mẹ thương con nhất mà."

    Tôi lại tiếp tục nịnh nọt, làm nũng.

    Chợt, từ cửa ra vào của phòng bệnh vang lên mấy tiếng đằng hắng khiến tôi giật mình.

    Tôi vội quay người, nhìn về hướng vừa phát ra âm thanh. Nhóm bạn của tôi đứng ở cửa phòng bệnh, còn mang đến cho tôi rất nhiều đồ ăn ngon. Ngọc Anh – người tuy chiều nay có một buổi học đàn nhưng giờ này vẫn đến đây với tôi, đạt chứng nhận bạn tốt; Quân Phương – ngày mai còn có một trận thi đấu với trường khác nhưng giờ này lại không ở sân tập cùng đội mà lại ở đây với tôi, đạt chứng nhận bạn tốt (nhưng lại là một đội trưởng xấu); Minh Huy – tôi không rõ lịch trình của cậu ấy nhưng cậu ấy đã cất công đến đây, đạt chứng nhận bạn tốt; Bảo Hân – cô gái bình thường không thường đi ra ngoài với bọn tôi cũng có mặt, đương nhiên cũng nhận được chứng nhận bạn tốt.

    Vẫn còn một người nữa xuất hiện trong đoàn người đến thăm bệnh, một người mà tôi chẳng thể ngờ tới.

    "Thầy Nam, thầy đến đây có chuyện gì vậy ạ?"

    Tôi ngạc nhiên, buộc miệng hỏi ngay khi thấy thầy ấy.

    Tuy sau thi, thầy Nam cho bọn tôi nghỉ xả hơi một tuần, không phải đến lớp học thêm nhưng ngoài lớp của bọn tôi, hôm nay, thầy ấy vẫn còn một lớp của khối 8, sao bây giờ lại ở đây nhỉ?

    Đến cả quần áo cũng chưa thay ra, vẫn là chiếc áo sơ mi xanh dương tươm tất, cùng chiếc quần tây đen phẳng phiu và đôi giày da đắt tiền đấy. Bây giờ cũng đã gần 7 giờ tối, đám bạn của tôi đều đã về nhà thay đồ hết cả rồi mới đến thăm tôi, thầy ấy có việc gì mà sốt ruột thế chứ?

    Mẹ gõ vào đầu tôi, hung dữ nói:

    "Con nhỏ này, thầy đến đây là để thăm con chứ làm gì nữa. Hỏi câu nào thông minh hơn xíu được không?"

    Nói xong, mẹ lại quay sang cười sởi lởi với thầy ấy:

    "Đúng không thầy?"

    Thầy Nam đưa đến cho mẹ tôi một bịch nho, khách sáo mỉm cười gật đầu. Xong, lại quay sang tôi, hỏi:

    "Em cảm thấy thế nào rồi?"

    "Cậu thấy sao rồi?"

    Hai giọng nam một lớn, một nhỏ cùng hỏi một lúc khiến tôi có hơi phản ứng không kịp, hết nhìn người này, rồi lại quay sang nhìn người kia.

    Cuối cùng, tôi quyết định trả lời thầy Nam trước:

    "Em khỏe rồi ạ."

    Sau, lại quay sang Minh Huy mỉm cười nhẹ nhàng, nói:

    "Mình không sao, cảm ơn cậu."

***

    Cả đám tụ họp đông đủ, chúng tôi bắt đầu chơi vài ván game. Ai biết chơi thì mở lên cùng chơi, ai không biết chơi thì ngồi xem hoặc nói chuyện với nhau, còn thầy Nam cứ để mẹ tôi "xử lý".

    Phòng bệnh của bọn tôi có tổng cộng bốn bệnh nhân, tính cả tôi. Trong đó, có hai đứa nhóc khoảng chừng 6, 7 tuổi, là anh em, bị ngộ độc thực phẩm nên phải vào viện. Còn lại là một cô bé 10 tuổi nằm cạnh tôi, nhập viện trước tôi vài ngày vì đau dạ dày.

    Mẹ của hai đứa con trai có tính cách khá giống mẹ tôi, khá cởi mở và hòa đồng, thường sang nói chuyện phiếm với mẹ tôi. Hai đứa nhóc cũng vì vậy mà thường chạy sang bên đây xem tôi chơi game và coi hoạt hình cùng tôi.

    Còn về đứa bé gái, người ở cùng với em ấy ở bệnh viện là dì, tình tình có hơi khó chịu, khuôn mặt lúc nào cũng ở hai trạng thái: lạnh tanh hoặc nhăn nhó, rất đáng sợ. Cô bé ấy cũng rất ít nói, gần như không tương tác với ai trong phòng bệnh, chỉ im lặng đọc sách, không đọc sách cũng sẽ làm bài tập.

    Từ lúc mới đến đây, tôi đã để ý đến con bé vì nó đọc rất nhiều sách, nào là toán nâng cao, tổng hợp đề thi Olympic, sách ôn thi Toeic,... Tôi nhìn thôi cũng cảm thấy đau đầu, chóng mặt, em ấy lại xem rất nghiêm túc, mỗi ngày đều chỉ cắm mặt vào sách vở. Mẹ tôi buổi trưa còn cằn nhằn, bảo tôi lấy con bé giường bên làm gương, bảo tôi bớt xem điện thoại, khi xuất viện về nhà sẽ mua thêm sách về cho tôi đọc.

    Tuy tôi không giỏi như con bé ấy nhưng thành tích cũng đâu có tệ, tôi cũng là "con nhà người ta" trong mắt phụ huynh nhà các bạn đấy!

    Đám con nít bọn tôi mỗi khi sáp lại, đặc biệt là lúc chơi game chắc chắn sẽ không tránh được ồn ào, hệt như đám "giặc con". Mẹ của hai đứa con trai cũng không để ý nhiều, đôi lúc chỉ nhắc nhở bọn tôi vài ba câu để tránh bị bác sĩ la, sau cũng nhập hội tán gẫu với thầy Nam và mẹ của tôi. Mẹ của đứa con gái lại khác, bà ấy cứ lườm nguýt bọn tôi, vẻ mặt cực kì khó chịu. Tôi có hơi "rén", vội kéo tay bọn nó nhắc nhở. Nhưng mỗi khi cao hứng, thật khó để có thể khống chế được tông giọng của bản thân, đặc biệt là thằng Phương – người vốn dĩ đã có sẵn chất giọng khỏe và lớn. Bà cô kia cau có nhăn mày, hung dữ nói:

    "Mấy đứa im lặng chút được không? Không thấy cháu tôi đang học bài à? Có ý thức chút đi!"

    Tôi vội xin lỗi người phụ nữ ấy, rồi kéo đám bạn lại, bàn bạc "kế sách". Bọn tôi chuyển sang cách giao tiếp khác: nhắn tin. Cả đám ngồi cạnh nhau, ôm điện thoại gõ gõ nhấn nhấn, lâu lâu lại nhìn nhau cười khúc khích.

***

    Cuối cùng, bà cô ấy cũng đi mất, cả đám bọn tôi như được giải chú thuật, trở lại nói chuyện rôm rã như ban đầu. Ngọc lấy từ trong túi ra một bộ bài Uno dày cộm được gộp lại từ ba bộ bài nhỏ mà tôi chính là "cổ đông" đóng góp 33,33% vào đấy. Sáu đứa bọn tôi bày bài ra đánh, càng đánh càng nghiện, càng thua càng hăng, chơi đến cười ngất. Hết một ván, hai đứa nhóc đến chỗ bọn tôi xin chơi cùng. Căn phòng bệnh lúc trước vẫn còn khá yên ắng và hiu quạnh, bây giờ lại vô cùng ấm áp và gắn kết, mọi người đều chơi rất vui vẻ.

    Tôi nhường lại chỗ cho hai đứa nhóc, lùi về sau hỗ trợ cho Bảo Hân vì cô ấy chơi khá tệ, ba trận liên tiếp đều về cuối. Có lẽ thuốc đã bắt đầu phát huy tác dụng, tôi cảm thấy hơi buồn ngủ, dựa vào chân giường, lơ đãng nhìn sang chỗ khác. Ánh mắt của tôi vô tình dừng lại ở giường bệnh của đứa bé gái, nó không còn cắm mặt vào mấy cuốn sách chán phèo kia nữa mà đang say sưa nhìn đám người ngồi dưới sàn phòng bệnh chơi bài là bọn tôi đây. Con bé xem rất chăm chú, biểu cảm thay đổi theo diễn biến của ván bài, đôi lúc khẽ trau mày nghĩ ngợi, đôi lúc lại mỉm cười vui vẻ, ánh mắt trong veo cong lại thành hình lưỡi liềm.

    Phát giác được có người đang nhìn mình, con bé ngẩng đầu tìm kiếm xung quanh rồi dừng lại ở chỗ tôi. Tôi vẫn không thu lại ánh nhìn của mình, còn mỉm cười với nó. Con bé xấu hổ cầm quyển sách ở trên giường lên che mặt, vờ như đang đọc. Chốc chốc, nó lại khẽ ló mặt ra khỏi quyển sách để xem xem tôi có còn đang nhìn mình hay không, xong lại lập tức quay về với dáng vẻ cũ khi bắt gặp ánh ánh mắt của tôi.

    Tôi vịn thành giường đứng dậy, tiến đến chỗ cô bé, giành lấy cuốn sách trong tay em ấy. Cô bé thoáng giật mình, hệt như một con rùa con nhút nhát, rụt cổ, chẳng dám nhìn tôi. Nhưng, những cử chỉ và biểu cảm ấy không duy trì được bao lâu thì con bé đã vội đeo lên chiếc mặt nạ tôi cực kì quen thuộc, ngẩng đầu nhìn thẳng vào tôi, xòe tay, nói:

    "Trả sách lại cho em."

    Tuy bên ngoài con bé tỏ ra khá điềm tĩnh nhưng âm thanh phát ra lại có hơi run run.

    Tôi xoay cuốn sách, đặt lại vào tay cô bé, cười, trêu:

    "Em siêu thật đấy! Cầm sách ngược mà vẫn đọc được luôn, chỉ cho chị skill đó với."

    Con bé thẳng thừng đáp:

    "Không thích."

    "Em có muốn chơi không? Nhân lúc dì của em không có ở đây, hay em xuống chơi một chút đi, chị canh cho."

    Tôi bắt đầu mở lời dụ dỗ.

    "Em không muốn."

    Nó lập tức từ chối nhưng đôi mắt lại vô cùng thành thật, len lén liếc sang đám người chơi bài.

    "Là do em sợ thua nên không muốn chơi à? "

    Tôi hỏi dồn.

    "Không phải. Ở trường, em chơi trò này rất giỏi."

    Con bé dùng ánh mắt "rực lửa" nhìn tôi, hùng hồn khẳng định.

    "Làm sao để chứng minh chứ? Em nói miệng không thì làm sao chị tin được."

    Tôi tiếp tục khiêu khích.

    "Em nói thật đó, em chơi với bạn toàn về nhất."

    Con bé có chút dao động.

    "Có khi mấy bạn sợ em buồn nên nhường thì sao, hay là em xuống chơi thử đi. Nếu em thật sự vào được top 3 thì chị mới tin."

    Tôi chốt hạ.

    "Chị cứ xem cho kĩ nhé."

    Con bé hất mặt, đáp.

    Đồng ý nhanh vậy à? Tôi còn tưởng còn phải tốn thêm kha khá chất xám nữa mới có thể thuyết phục được con bé ấy chứ. Giọng điệu con bé tuy tỏ ra không nguyện ý cho lắm nhưng ánh mắt lại phát sáng lấp lánh, nhanh nhẹn chạy sang chỗ đám người đang ngồi bệt dưới đất.

    Tôi thành công kéo con bé vào cuộc vui, bản thân lại lùi về một góc ngồi yên lặng quan sát mọi người. Tôi nhờ Ngọc Anh và Ngọc chú ý con bé giúp mình. Bảo Ân - đứa bé gái ban đầu vẫn còn khá rụt rè, được một lúc lại như biến thành một người khác, càng chơi càng hăng. Có vẻ như mạng con bé ấy và Quân Phương không hợp lắm, nó vừa ngồi xuống, Phương đã về chót hai trận liên tiếp. Phương bực bội tí thì buộc miệng chửi thề trước mặt bọn nhỏ và các vị phụ huynh, cũng may Ngọc bên cạnh phản ứng nhanh, lập tức bịt miệng nó lại trước khi nó kịp phun ra bất cứ "lời vàng ý ngọc" nào.

    Mặc cho mọi người ầm ĩ ở bên cạnh, tôi dựa vào chân giường, nhàn nhã lướt mạng xã hội để hóng chuyện. Mỗi giây, mỗi phút trôi qua, mắt tôi lại nặng thêm vài phần, không ngừng ngáp ngắn, ngáp dài rồi cũng ngủ quên lúc nào chẳng hay. Sau đó, trong cơn mơ hồ, tôi đã vô tình dựa vào lưng của ai đó rất thơm.

***

    Chẳng biết đã qua bao lâu, tôi chợt tỉnh giấc, trước mắt lại là trần nhà trắng phau của phòng bệnh. Không gian tối om, yên ả, chẳng còn sự náo nhiệt, vui vẻ như trước khi tôi thiếp đi, đám trẻ đều đã say giấc trên chiếc giường của mình. Người lớn cũng đang nghỉ ngơi sau một ngày mệt mỏi.

    Tôi đã ngủ bao lâu rồi nhỉ? Là ai mang tôi lên giường vậy? Chỉ nhớ rằng hình như tôi đã ngửi thấy một mùi thơm thoang thoảng, mùi thảo mộc khá dễ chịu.

    Tôi không ngủ được, trằn trọc mãi vì vẫn chưa thích nghi với không khí của bệnh viện lúc về đêm. Cảm giác ám ảnh, rùng rợn của mấy câu truyện, bộ phim kinh dị có đề tài là bệnh viện đem lại khiến tôi không có ấn tượng tốt với nơi này. Tôi trùm chăn, nhắm mắt, suy nghĩ nhiều thứ, nằm như thế cho đến tận sáng.

    Sáng sớm hôm sau, mẹ làm thủ tục xuất viện cho tôi. Đứng trước cổng lớn bệnh viện, tôi vươn vai đầy sảng khoái, hào hứng lẩm bẩm mấy câu:

    "Được về nhà rồi! Lát về phải ngủ đến chiều mới được."

    Mẹ tôi đi lên từ phía sau, khẽ vỗ vào đầu tôi, nói:

    "Buổi trưa còn phải đi học đó, ở đó mà ngủ."

    Tôi cứ ngỡ sẽ được tiếp tục nghỉ ở nhà dưỡng bệnh cho đến hết ngày hôm nay nhưng mẹ tôi - người phụ nữ có tinh thần hiếu học mạnh mẽ không cho phép tôi lười biếng. Vậy là, sau khi ăn cơm trưa xong, tôi ôm theo nỗi bất mãn ngút trời cùng mẹ đến trường.

(☛'∀`*)☛ ♥ Hết chương 42 ♥ ☚(*'∀`☚)

-----------------------------------------

(✿◠‿◠) Đôi lời nhắn gửi của Yên Hoa:

Năm mới, khởi đầu mới, hy vọng mọi mong ước của mọi người đều trở thành hiện thực.

Cảm ơn năm 2023.

Xin chào năm 2024!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Com