Truyen30h.Net

[Dã sử Việt] Đông Kinh năm ấy - Lê Thánh Tông, Phùng Chiêu nghi

CHƯƠNG 1: THIẾU THỜI

bonnienguyennnnn

Đông Kinh, Thái Hoà năm thứ sáu*

*Năm 1448

Gần trưa, chợ vãn hẳn người. Lác đác chỉ còn vài sạp hàng ế ẩm, mấy người bán hàng đang thu dọn nốt. Từ xa nhìn lại, người ta chỉ trông thấy đỉnh đầu của họ. Đầu cúi, lưng còng, họ cần mẫn vun hết đống hàng thừa vào hai cái sọt, quẩy gánh lên vai, không nói câu gì tiến về phía cổng thành. Thời tiết giá lạnh đã khiến mọi vật như đóng băng cả lại, đến khuôn mặt của mọi người cũng không lộ ra cảm xúc gì. Tất cả chỉ là sự khô cứng, lạnh lẽo. Mùa đông lạnh đến cắt da cắt thịt, cả đất trời phủ một màu trắng xoá mờ mắt. Đây là thứ màu sắc tinh khôi nhất, nhưng cũng là thứ màu sắc lạnh lẽo nhất trên đời. Gần trưa nhưng sương vẫn chưa tan hết, lảng vảng trước mắt người đi đường như một lớp bụi mờ ảo. Giữa lớp khói sương ấy, người ta thấy một đứa trẻ mới hơn sáu tuổi nhảy chân sáo, trong tay là mấy đồng xu lẻ, vui vẻ chạy tới gánh bánh dày của bà lão già. Lê Hạo đưa ánh mắt tò mò lướt qua mấy sạp hàng quanh lối đi, chỉ còn vài đống rễ rau, vài mảnh vải bố rách nát mà người ta đã chẳng thèm dùng đến nữa. Bước chân nó càng lúc càng nhanh hơn, tiến về phía cuối chợ. Phải nhanh lên thôi, nếu không bà sẽ bán hết hàng mất.

Lê Hạo đã mất cả buổi sáng xin mẫu thân, để có thể được chạy ra chợ mua bánh dày như bây giờ. Bỗng nhiên đêm qua, khi cả bốn đứa trẻ con còn đang lăn lộn mãi chẳng ngủ được, An Hải nhắc đến bánh dày làm nó thèm đến cồn cào cả ruột. Nó nghĩ đến lớp vỏ bánh dày, dai, thơm lừng được nhào kĩ lưỡng từ bột nếp non, rồi lại nghĩ đến lớp nhân đỗ vàng ươm như nắng, lẫn trong ấy là mấy miếng mỡ béo ngậy. Chỉ mới nghĩ tới đây, Lê Hạo cứ thao thức không thôi. Cuối cùng nó vẫn nằm gác chân lên người An Hải mà ngủ. Nhưng chỉ cần tia sáng đầu tiên của ngày cuối đông ló ra, Lê Hạo đã bật ngược người dậy, nhanh nhanh chóng chóng chạy đi tìm mẫu thân. Nó đã bàn với An Hải rồi, chỉ cần ba đứa giúp nó xin mẫu thân, nó sẽ chia bánh cho cả ba anh em. Thế rồi Lê Hạo giằng cái chổi từ tay An Hải để quét sân chùa, giằng cái giẻ lau từ tay An Sơn để lau ban thờ, rồi lại giằng cả đống lạc trong tay An Hà để thay nó bóc vỏ. Cuối cùng thì nó cũng làm xong chừng ấy việc, mà ba anh em An Hải cũng thay nó xin được mẫu thân mấy đồng lẻ để đi mua bánh. Cầm tiền trong tay, Lê Hạo hí hửng chạy đi trước, không thèm đợi An Hải. Chẳng mấy mà cái bóng nhỏ xíu của nó đã mất dạng sau huyện người ngoài phố.

Bà cụ bán hàng chỉ còn đúng hai cái bánh dày, chỗ xu lẻ mà Lê Hạo có cũng chỉ đủ mua nốt hai cái bánh ấy. Gương mặt bầu bĩnh của nó tiu nghỉu như bánh đa ngâm nước, mím môi nhận hai cái bánh từ tay bà cụ. Nó ngoan ngoãn chào bà cụ, hẹn bà hôm khác rồi quay người bước về phía chùa. Lê Hạo vừa bước dọc đường chợ, vừa nhẩm tính trong đầu. Cả nó và ba anh em An Hải là bốn đứa, nhưng chỉ có hai cái bánh thôi. Nó đã hứa sẽ chia bánh cho ba anh em, nó không thể nuốt lời được. Hơn nữa, mấy đồng xu này là do ba đứa xin cho Lê Hạo, chứ để tự nó đi xin thì mẫu thân còn cho nó mấy roi vào mông không chừng. Thôi mỗi đứa đành ăn nửa cái vậy. Lê Hạo nghĩ bụng, phải vừa ăn vừa thèm thì miếng ngon mới nhớ lâu được. Bụng bảo dạ, nó cất hai cái bánh vào trong ngực áo, xoa xoa bàn tay còn âm ấm lên má mình. Nó thích thú thở đằng miệng, một làn hơi toả ra xung quanh. Lê Hạo cảm thấy mình thật giống một tiên ông, có thể sử dụng phép thuật để giúp đỡ mọi người.

Bỗng trước mặt Lê Hạo xuất hiện một đám đông láo nháo. Ở đây chẳng thấy người lớn nào cả, chỉ có khoảng chục đứa trẻ con, đứa nào đứa nấy cao hơn nó gần một cái đầu, đang tụ lại quanh thứ gì đó. Nó nghe tiếng bọn trẻ con cười cợt chế nhạo, chân chúng nó thi nhau đạp vào cái đống nằm ở giữa kia. Lê Hạo tò mò, mon men lại gần, giật mình nhận ra bọn nó đang vây quanh hai đứa trẻ khác. Nhưng nó bé quá, không thể kiễng lên để nhìn qua vai mấy đứa này được, nên đành cúi cúi người xuống ngó nghiêng qua chân bọn nó. Là hai đứa con trai. Đứa lớn hơn đang ôm đứa bé hơn, quay đầu ra đúng lúc gặp ánh nhìn hiếu kì của Lê Hạo. Lần đầu tiên trong cuộc đời, Lê Hạo nghĩ rằng có thể dùng từ cầu cứu để miêu tả ánh mắt của đứa lớn lúc ấy. Tựa như có một nguồn động lực to lớn thúc vào sau lưng, Lê Hạo đứng thẳng người, chống nạnh quát to.

"Này mấy đứa kia, sao lại cậy đông bắt nạt người yếu thế?"

Tiếng cười im bặt, cả đám trẻ con không động tay động chân nữa, từng đứa một quay người lại nhìn Lê Hạo. Đến khi nhận ra chủ nhân của giọng nói đanh thép ấy là một đứa trẻ con còn bé hơn bọn nó, tiếng cười đùa lúc nãy lại ồ lên nhưng lần này vang hơn, dài hơn, như muốn chế giễu vào cái tính anh hùng rơm của Lê Hạo. Tự nhiên, trong người Lê Hạo có một cơn tức giận ùa lên, nó xông tới, húc đầu mình vào bụng đứa béo nhất đám. Thằng béo bị đòn bất ngờ, lùi ra sau mấy bước, chới với suýt ngã vào đám rễ rau cạnh đấy. Giữ được thăng bằng rồi, thằng béo ba máu sáu cơn đứng thẳng người, đẩy uỵch một cái vào vai Lê Hạo, khiến nó ngã dúi dụi, đầu va vào thanh gỗ người ta dựng ở đó để chăng mái. Thằng béo còn định lao đến chỗ Lê Hạo lần nữa cho bõ cơn tức thì bị thằng lớn nhất đám ngăn lại. Thằng lớn nhìn thứ gấm vóc Lê Hạo đang mặc trên người, lại nhìn lên cái trán đã bắt đầu rỉ máu của nó, thì thầm vào tai thằng béo rồi hất tay. Cả đám trẻ con chục thằng chạy biến về phía cuối chợ, không ngoái đầu lại.

Phải một lúc sau, Lê Hạo mới định thần, nhận ra bọn nó đã đi hết, chung quanh im lìm, chỉ có tiếng gió sột soạt. Nó sờ tay lên trán thì thấy máu đã thấm đầy đầu ngón tay. Nhưng cơn đau và nỗi sợ chưa kịp đến thì đập vào mắt nó là hai đứa trẻ con từ nãy đến giờ vẫn đang ôm nhau nằm co ro trên đất. Nó bò lồm ngồm ra chỗ ấy, lay lay người chúng nó.

"Này, này, hai anh ơi, hai anh có sao không?"

Lê Hạo dùng hai tay hai chân để bò về phía chúng nó chứ chẳng kịp đứng thẳng lên. Nếu không phải lúc nãy nhìn thấy ánh mắt của đứa lớn vô cùng thảm thiết, thê lương, Lê Hạo đã nghĩ rằng đây là hai xác chết. Chúng nó hoàn toàn không phản ứng gì khi Lê Hạo chạm vào người. Đến lúc này thì Lê Hạo hoảng sợ thật. Nó ra sức lay hai cơ thể đang quấn chặt lấy nhau ấy để chúng nó nhúc nhích, hoặc ít nhất là dựng được chúng nó thẳng dậy. Hình như đây là hai anh em. Đứa anh ôm chặt đứa em, dùng cả thân thể lớn hơn của mình để che chở cho em. Lê Hạo lay mãi, lay mãi đứa lớn mới phản ứng một chút. Lê Hạo phải dùng hết sức mới kéo được hai đứa nó ngồi dậy, dựa lưng vào cái cột ọp ẹp phía sau. Sức của một đứa trẻ mới sáu tuổi, lại vừa bị một đám lớn hơn bắt nạt, giờ còn phải kéo hai đứa này ngồi dậy, đã hoàn toàn cạn kiệt. Lê Hạo ngồi bệt xuống đối diện hai đứa chúng nó, thở hổn hển. Đứa anh nhìn Lê Hạo đầy ái ngại, nhưng không biết nên làm gì, cũng chẳng biết nên nói gì, chỉ biết thì thào trong họng "Đội ơn cậu." Mặt mũi chúng nó bê bết bùn đất, lẫn giữa bùn đất còn nhằng nhịt cả những vết xước rơm rớm máu. Làn da chúng nó trắng bủng trắng beo. Đây không phải làn da trắng mịn màng như mẫu thân, cũng không phải làn da trắng hồng như quả đào giống Lê Hạo. Nó chắc chắn đây không giống làn da của người sống mà giống mấy xác chết trôi người ta hay vớt được ở dưới sông lên hơn. Lê Hạo nhìn những mạch máu chỗ đỏ, chỗ tím loang lổ trên gương mặt, trên bàn tay, trên bàn chân, trên bất cứ chỗ nào lộ ra khỏi lớp quần áo của chúng nó. Nó nhìn lớp áo quần mỏng tang, vá nhằng vá nhịt, rách nát thảm thương hai đứa đang mặc trên người rồi nhìn lại lớp áo bông của mình. Thì ra làn da của chúng nó trông như con ma da* vậy là do mặc không đủ ấm.

*Người chết đuối biến thành ma quỷ làm loạn dưới nước.

Lê Hạo nhìn anh em nó đến ngẩn cả người. Nó biết trong cuộc sống có người giàu, có người nghèo, có người sống sung sướng từ tấm bé, như các anh của nó, có người hồi bé tí không sướng lắm nhưng giờ cũng sung sướng như nó, nhưng có người thì từ hồi còn nhỏ xíu đã phải sống khổ sở như anh em nhà này. Lê Hạo thì chỉ việc ăn, học chữ, chơi với ba anh em An Hải rồi làm việc nhà. Từ bé đến giờ, nó chưa bao giờ phải chịu sự thiệt thòi nào. Thậm chí đến bây giờ, ba anh em An Hải cũng phải khom lưng, cúi đầu với nó y như với mẫu thân. Nhưng nhìn hai anh em này mà xem. Đứa anh chắc tầm tuổi anh Nghi Dân của nó, còn đứa em chắc bằng tuổi nó, nhưng ngồi cạnh thì bé hơn hẳn Lê Hạo. So với cái dáng béo tròn của Lê Hạo, trông đứa em không khác gì cây tò hè mà ông cụ già tóc bạc hay nặn mỗi khi có lễ có hội. Thằng cu vừa bé, vừa gầy lại vừa mỏng manh, cảm tưởng chỉ cần ai đó lỡ tay là người nó sẽ gãy làm đôi y như tò he vậy. Tự nhiên nó thấy hai anh em nhà này thật đáng thương. Nó chợt nhận ra đây là cảm giác những đứa trẻ con muốn bảo vệ nhau. Vậy mà cái lũ mất nết kia lại dám đánh người ta ra nông nỗi này.

Đứa anh ho khù khụ, đôi mắt mệt mỏi muốn cụp xuống. Lúc ấy Lê Hạo mới thấy đôi mắt đứa em có rung động. Nó vỗ vỗ lưng anh mình, bặm môi không biết nên nói gì. Đứa anh thở chẳng ra hơi, trong cơn ho lại hắt xì một cái, máu mũi cứ thế ào ào chảy xuống. Đứa em càng cuống hơn, nhưng vẫn nhất quyết không hé răng nửa câu. Lê Hạo không biết làm thế nào, đành rón rén bò lại gần, thì thầm với chúng nó.

"Cậu phải đưa anh cậu tới thầy lang thôi."

Đứa em ngước mắt lên lườm nó, khiến Lê Hạo giật mình ngồi ngửa ra phía sau né tránh ánh nhìn ấy. Rõ ràng nó chỉ là một đứa trẻ con giống Lê Hạo, nhưng đôi mắt của nó thật khác biệt. Đôi mắt của nó rất đẹp, nhưng cũng rất buồn. Lê Hạo nhìn vào sâu thẳm con ngươi đen láy ấy, nó như thấy được một thứ ánh sáng trong suốt như viên mã não. Viên mã não ấy đang nứt vỡ thành hàng ngàn những mảnh nhỏ xíu như dằm gỗ cứa vào đôi mắt người đối diện. Nó ngớ người mất vài khắc, rồi mới nhận ra mình thật vô duyên. Trông hai anh em nhà nó thế này, mùa đông còn phải đi chân đất, lại bị đám trẻ con kia bắt nạt, cơm chưa chắc đã được ăn, lấy đâu ra tiền để đi chữa bệnh. Lê Hạo ngượng chín mặt.

"Nhưng sao mấy đứa đó lại bắt nạt anh em cậu vậy?"

"Anh trai muốn tìm đồ ăn thừa nhưng chúng nó bảo chúng ta là lũ mồ côi ăn cắp."

Đứa em mím chặt môi, nói như gằn ra từng lời trong cổ họng. Hẳn là nó phải uất ức lắm, giọng nói mới vừa run rẩy, vừa căm phẫn như thế. Lê Hạo không biết nên làm thế nào cả. Hai đứa trẻ này đáng thương quá. Vừa bị đói, vừa bị rét, lại bị bệnh, lại không có tiền, lại còn bị mấy đứa trẻ con lưu manh đổ oan. Đột nhiên Lê Hạo cảm thấy hơi ấm đang toả ra từ trong ngực áo mình. Dù trong lòng vô cùng tiếc nuối, nó cũng hào phóng lôi hai cái bánh dày ra, ấn vào lòng đứa em.

"Tôi không có tiền, tôi chỉ có bánh thôi. Hai người ăn đi đã, tôi vừa mới mua đấy. Đừng đi đâu cả, đợi tôi một lát tôi sẽ tìm người tới giúp."

Nói rồi, Lê Hạo đứng bật dậy, phủi phủi áo quần. Trước khi biến mất sau những sạp hàng chằng chịt trong chợ, nó vẫn không quên dặn hai anh nọ "Đừng có đi linh tinh, tôi sẽ quay lại ngay!"

Nhưng khi Lê Hạo kéo được An Hải tới nơi thì chợ đã chẳng còn ai nữa. Nó nhớn nhác nhìn ngang ngó dọc, chỉ thấy miếng lá chuối gói bánh chỏng chơ ở chỗ vừa nãy ba đứa ngồi với nhau. An Hải liếc qua, không nhịn được cơn tức, chửi thề một câu, rồi nhanh chóng bịt kín miệng vì biết mình vừa làm sai. Lê Hạo quay ra cười cười bắt thóp được An Hải. Nhưng từ bé đến giờ, nó lúc nào cũng nhường An Hải vì cái vẻ cao ngạo, lạnh lùng lúc nào cũng treo giữa mặt kẻ này. An Hải kéo một bên mép lên, lệch cả một bên mũi, cố gắng trưng ra trên mặt vẻ bực bội nhất có thể.

"Cậu Hạo của tôi ơi người ta ăn bánh của cậu xong còn không thèm để lại một lời cảm ơn nữa. Tôi về mách phu nhân thì lại ăn no đòn cùng cậu."

An Hải cúi xuống nhặt miếng lá chuối, tung tẩy đưa đi đưa lại trêu ngươi trước mặt Lê Hạo. Lê Hạo không thèm để ý đến cái dáng vẻ kiêu căng của An Hải, đứng mím môi suy nghĩ, không biết hai anh em nhà kia đã chạy đi đâu mất rồi. Hai đứa nó đang bị thương, đứa lớn vừa nãy còn bị chảy máu mũi nữa. Bộ dạng của đứa lớn ấy xem chừng không ổn chút nào. Nếu không nhanh đưa nó đi khám thầy lang, Lê Hạo chỉ sợ nó sẽ mất máu mà chết mất. Nó lại sờ sờ lên chỗ trán vừa được băng lại. Cũng vì An Hải lôi nó đến chỗ thầy lang băng bó lâu quá, nên chắc hai anh em nhà kia không đợi được nó, đành dắt nhau đi chỗ khác rồi. Lê Hạo chưng hửng, lại quay ra nguýt dài An Hải một cái. Cái thói kiêu ngạo của tên này ngấm vào sâu tận trong máu từ bé, Lê Hạo chẳng bao giờ thèm chấp. Kể cả trong cái lần đầu tiên gặp An Hải, dù mặt mũi cả ba anh em nhà nó đều nhem nhem nhuốc nhuốc như vừa được sư thầy lôi từ bãi rác ra, thì trên người An Hải vẫn toả ra sự kiêu căng khó gần hơn hai đứa em.

Lê Hạo lại nghĩ đến đứa em lúc nãy. Nó cũng khó gần. Trên người nó toả ra một thứ áp lực khiến Lê Hạo không dám tiến tới. Thứ áp lực ấy dường như nóng giãy, có thể khiến đôi tay bỏng rát khi chạm vào. Đó không phải là sự kiêu ngạo giống An Hải. Lê Hạo cảm giác thằng bé đó cố tình xa lánh mọi người vì không muốn phiền đến ai, trong khi chính cái sự xa lánh của nó mới khiến anh em nó khổ sở vậy. Thế giới của thằng bé đó ngăn cách với thế giới của mọi người bằng một bức tường vô hình, bỏng rát và cứng cỏi. Nhưng trước giờ, Lê Hạo luôn là một đứa hết sức vô tư, hết sức tích cực. Cái chưng hửng nhanh chóng tan biến đi khi Lê Hạo nghĩ đến hai cái bánh dày mà nó đã nhường cho hai đứa. Nó thực sự vui vẻ khi nghĩ rằng anh em nhà đó ăn đã ăn bánh dày của nó, vậy thì ngày hôm nay hai đứa sẽ không bị đói bụng nữa rồi. Lê Hạo mở cờ trong bụng, mặc kệ An Hải đứng đực ra như phỗng, nó quay người về phía chùa Huy Văn, vừa đi vừa huýt sáo.

——

Người thiếu phụ tầm ngoài ba mươi lặng lẽ bước từng bước chậm rãi về phía thành Xương Giang xa xa. Vạt áo giao lĩnh lam khói thi thoảng lại phất phơ trước gió, chiếc nón quai thao che gần kín gương mặt, chặn đứng cái nhìn tò mò của mấy kẻ hiếu kỳ hai bên đường.

Tay trái thị kéo dây cương ngựa, tay phải nắm chặt bàn tay của đứa con gái nhỏ chỉ mới hơn mười tuổi đang lẽo đẽo, cố gắng vừa như đi vừa như chạy cho kịp bước chân mẹ. Mấy gia đinh cũng xuống dắt ngựa, chầm chậm đi sát theo mẹ con họ.

"Thục Giang có thích học cưỡi ngựa không?"

Đứa con gái nhỏ giật mình khi bất ngờ nghe mẹ gọi tên. Nó níu lấy cánh tay rồi nhoài người về phía mẹ khiến dây xà tích đeo ở thắt lưng va vào nhau vang lên vài tiếng leng keng. Đôi mắt nó tròn xoe nhìn mẹ không rời, tựa như chuyện được học cưỡi ngựa là chuyện tuyệt vời nhất nó từng được nghe.

"U vừa gọi con ạ?"

Bước chân người thiếu phụ dừng hẳn lại, mặc cho sỏi đá dưới chân lạo xạo khô khốc. Thị nhìn đứa con gái nhỏ của mình hồi lâu, rồi lại đưa mắt về phía cổng thành cao lớn phía trước. Ánh mắt thị phủ đầy một màn khói bụi dặm trường chinh chiến như chính tòa thành cũ kỹ này. Cơn gió xuân hây hẩy không giúp không khí ấm áp hơn là bao. Nó chỉ khiến cho bụng dạ người thiếu phụ nhộn nhạo chẳng yên, giống như cảm giác xóc nảy nhưng sảng khoái khi thả hồn mình trên yên ngựa.

"Con gái họ Trần, không ai không từng rong ruổi trên lưng ngựa giữa những cánh đồng bao la. Nhưng Thục Giang lại họ Phùng..."

Giọng thị ngày một nhỏ đi. Những lời cuối cùng hoà vào bụi bặm hai bên đường, nương theo ngọn gió cuốn đi xa mãi.

Đứa con gái nhỏ cố căng tai lắng nghe những lời mẹ nó nói. Nhưng nó không nghe thấy gì cả ngoài tiếng gió vun vút bên tai hoà với tiếng nước sông Thương thi thoảng lại ùa vào từng đợt. Kể từ khi biết để ý, nó đã nhận ra, đôi khi mẹ nó sẽ trầm mặc như vậy, thầm thì như vậy. Lắm lúc, nó còn tưởng bà đang trò chuyện với hư vô. Người ta đang kéo nhau ra bờ sông hát giao duyên, trao nhau những lời tình tứ bên dòng sông quan họ nhưng người thiếu phụ chỉ thẩn thơ, đưa ánh mắt mơ hồ về phía toà thành trì nhuốm màu khói lửa. Đôi tay bà lơi dần, bước chân vô định nhưng dứt khoát tiến về phía cổng thành Xương Giang.

Đã mấy mùa thanh minh, Thục Giang đều lẽo đẽo theo sau mẹ về lễ bái ở Xương Giang như thế. Xương Giang chẳng phải quê thầy, cũng chẳng phải quê mẹ, càng chẳng phải nơi cả họ Phùng nhà nó đang ở. Nhưng có một sợi dây vô hình nào đó luôn cột chặt Xương Giang với mẹ nó. Và mẹ nó, lại cột chặt sợi dây ấy vào cuộc đời nó.

Nó như bị mê hoặc bởi cái nắng, cái gió, cái bụi đường, cái màu sương khói, cái mùi chiến chinh luôn luẩn quẩn vương vấn lấy toà thành này.

———

Hết chương 1.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net