Truyen30h.Net

[Dã sử Việt] Đông Kinh năm ấy - Lê Thánh Tông, Phùng Chiêu nghi

CHƯƠNG 3: SỢI DÂY TÌNH

bonnienguyennnnn

Trịnh Phương Liên đi bên cạnh Phùng Thục Giang, chỉ nhìn thoáng qua cũng biết là hai thiếu nữ đã gắn bó với nhau từ nhỏ. Một người là con gái quan gián nghị đại phu ngày ngày kề cận khuyên can thánh thượng, một người là con gái rượu của thầy thuốc nổi tiếng nhất nhì chốn Đông Kinh. Tài năng và đức độ của thầy Thả là chuyện mà hỏi bất kì người dân kinh thành nào cũng biết, từ cậu bé tóc còn để trái đào hay ông lão tuổi đã ngoài sáu mươi. Nhưng tính cách thầy thì lạ lùng, không thích vào cung, không ưa hưởng vinh hoa phú quý, chỉ thích cả đời tự do ngoài dân gian chữa bệnh cứu người. Vậy nên dù tiếng thơm của thầy có bay xa, dù nhiều lần quan lớn họ Phùng có ngỏ ý giới thiệu thầy vào cung, thầy vẫn một mực chối từ. Trong suy nghĩ của thầy Thả, tránh càng xa hoàng cung càng tốt, ấy mới là cách giữ thân an toàn.

Vợ chồng thầy Thả chỉ có một mình Phương Liên, năm nay cũng đã đến tuổi vấn tóc cài trâm. Phương Liên nhẹ nhàng hơn, đoan trang hơn Thục Giang, nhưng nhút nhát hơn, hay ngượng ngùng hơn Thục Giang. Trái với cái miệng liến thoắng không ngừng nghỉ của bạn mình, những lúc Thục Giang mải mê kể chuyện trên trời dưới biển, Phương Liên chỉ yên lặng lắng nghe, đôi lúc lại ồ lên một vài tiếng bất ngờ.

"Vậy có khi nào gặp lại, hai cậu ấy sẽ bắt Giang tạ lỗi không?"

Phương Liên ngồi xuống phần gốc cây gạo đã đâm ngược lên khỏi mặt đất, tạo thành những chỗ nghỉ chân cho người đi đường. Nàng kéo Thục Giang xuống bên cạnh, tròn mắt hỏi lại Thục Giang. Phương Liên đang nghĩ, nếu người hôm đó gặp hai cậu thiếu niên là nàng chứ không phải Thục Giang, có lẽ nàng sẽ bật khóc đứng chôn chân ở đúng chỗ này. Thục Giang mạnh mẽ, dạn dĩ hơn nàng, da mặt cũng dày hơn nàng. Quả thực, Thục Giang không giống cha một chút nào. Phùng đại nhân là quan văn nho nhã, nhưng Thục Giang lại cứng đầu, ngang ngạnh, bướng bỉnh hơn.

"Tôi biết làm sao được! Nhưng nếu người ta bắt vạ thì tôi phải chịu thôi, tôi làm bẩn áo người ta thật mà."

Nàng bặm môi, không muốn nhắc đi nhắc lại chuyện về hai kẻ ấy nữa. Thục Giang vốn định kể cho Phương Liên chuyện mẹ muốn gả nàng đi, vậy mà suốt cả tháng trời ở bên nhà thầy Thả, nàng cứ phải ngậm thuốc nhuộm đến chát xít cả mồm miệng, đến ăn uống còn chán chứ đừng nói tới việc muốn trò chuyện cùng ai. Vừa đi, nàng vừa thủ thỉ với Phương Liên chuyện mẹ muốn gả nàng cho một cậu ấm nào đó mệnh Mộc, để sau này hắn sẽ bao bọc, chở che cho nàng. Chẳng mấy chốc mà bước chân của hai thiếu nữ dừng đúng gốc cây gạo hôm trước. Giờ thì không phải lác đác vài đóa, không phải lác đác vài cành, mà cả cây gạo đang nở xoè những bông hoa cuối cùng. Tán cây tròn to, che rợp cả một vùng như một cây đuốc đỏ rực đang bừng bừng chạy đua với cái nắng đầu hạ. Mùa này, con nước sông Nhị còn nhỏ, thuyền bè thong dong đi lại, chẳng ai bảo ai nhưng cứ đi qua đây đều chậm lại mái chèo, như thể muốn thu hết cái dáng vẻ rực rỡ của gốc gạo già.

Phương Liên háo hức nhặt lấy vài bông gạo rụng bên gốc, vẫy vẫy Thục Giang lại ngồi cùng. Nàng cố nhớ lại những lời thầy dặn về công dụng của hoa gạo, nhưng chỉ nhớ loáng thoáng được vài điều.

"Mỗi tháng u tôi đều bị đau bụng. U cứ đau là thầy sẽ sắc hoa gạo khô, lấy nước cho u uống."

"Vậy thì là hoa gạo khô sắc thuốc có thể chữa được đau bụng rồi. Liên xin thầy cho tôi một chút hoa gạo khô được không?"

Thục Giang khều khều cánh tay Phương Liên. Thiếu nữ còn đang tủm tỉm cười khi nghĩ đến cảnh thầy cần mẫn chọn từng bông hoa, rồi tỉ mỉ châm lửa sắc thuốc cho u uống.

"Sao? Giang lấy hoa gạo làm gì?"

"Tôi làm bánh, làm trà, làm món gì ngon có thể ăn được. Chứ thuốc thì u tôi ghét lắm!"

"Chuyện đó thì có khó gì." Phương Liên nhoẻn miệng cười, để lộ hai hàm răng đều, đen bóng màu nhuộm mới. "Mà tôi bảo này, hoa gạo còn chữa được cả bỏng nữa đấy!"

Tiếng vỗ tay tán thưởng phía sau khiến hai thiếu nữ giật mình quay lại. Nhìn thấy gương mặt quen thuộc của kẻ áo đen, Phùng Thục Giang nén tiếng thở dài, cố gắng vẽ ra một nụ cười gượng gạo.

Kẻ áo đen lên tiếng trước, rồi bước về phía hai người. Vẫn là ánh mắt sắc lẹm, đen thẳm như muốn xoáy vào tâm can người đối diện. Nhưng hôm nay, đuôi mắt ấy lại hơi cong lên thoáng như đang cười.

Phương Liên tò mò, mắt không rời hai người thiếu niên trước mặt. Toàn bộ ánh mắt nàng đổ dồn phong thái phiêu diêu tự tại của người áo lam đi phía sau. Trái với vẻ chăm chú của Phương Liên, Thục Giang chán chường đưa mắt nhìn họ, khẽ gật đầu.

Kẻ áo đen bất ngờ nở một nụ cười hiền lành khác xa với vẻ cao ngạo lúc đầu. Trong khoảnh khắc ấy, thực sự Thục Giang đã nhìn thấy tia nắng ấm áp trong đáy mắt hắn, tựa như một nguồn sinh khí từ đâu trỗi dậy, kéo hắn về gần với con người hơn. Tuy hắn cười lên rất đẹp, rất rạng rỡ nhưng vẫn cô đơn, cô đơn trong giọng nói khô khốc.

"Thôi thì thế này. Hai lần không hẹn mà gặp, âu cũng là cái duyên của hai học trò với các cô đây. Không biết hai anh em tôi có được dịp biết tên hai cô để tiện bề xưng hô hay không?"

"Trịnh Phương Liên."

Thục Giang chưa kịp cản thì Phương Liên đã nhanh nhảu đáp lời. Nhìn dáng vẻ gấp gáp, lại có đôi phần bẽn lẽn trước người áo lam của Phương Liên, Thục Giang đánh mắt đi nơi khác, trong lòng nhận ra một cơn gió xuân đang thổi khẽ trong lòng người bạn của mình..

"Phùng Thục Giang."

"Giang là sông? Bảo sao lần nào gặp cô đây cũng ở ngay sông Nhị."

Kẻ áo đen khoát tay, ngang nhiên ngồi xuống bên cạnh hai thiếu nữ. Nụ cười nhạt dần, hắn quay sang phía Thục Giang, giọng nói nhẹ nhàng, không còn cảm giác bức người như lúc trước.

"Phùng tiểu thư, Trịnh tiểu thư, thứ lỗi cho anh em ta có phần lỗ mãng. Học trò là Lê Nghi Dân, em trai đây là Lê Khắc Xương. Duyên kì ngộ chắc hẳn không đến lần hai. Hi vọng có thể kết bằng hữu với hai vị tiểu thư."

Lê Khắc Xương gật đầu mỉm cười theo câu nói của Lê Nghi Dân. Phương Liên lén đưa mắt về phía Khắc Xương, đôi má đào hây hây trong gió. Yểu điệu thục nữ, hẳn là đã gặp đúng quân tử hảo cầu.

Thục Giang không nói gì, chỉ có cái gật đầu thay cho lời đồng ý. Đúng là cái duyên, đúng là có thể kết bằng hữu với nhau. Các người cho đó là cái duyên, vậy thì cứ coi như hữu duyên thật sự đi.

Ráng chiều nhuốm màu lên bốn bóng hình cao thấp bên gốc cây gạo cổ thụ. Mối lương duyên này, kết bên bờ sông Nhị, có cây đại thụ trăm năm làm chứng. Mối lương duyên này, bốn người họ nguyện khắc ghi suốt đời, mãi mãi chẳng bao giờ quên.

Lê Nghi Dân, từ ngày ấy, chúng ta đã kết thành bằng hữu như vậy. Ta còn nhớ, anh cũng nhất định không được phép quên.

——

Lê Tư Thành gấp cuốn sách đang đọc dở, chống cằm nhìn ra giữa hồ. Thuỷ đình này xây sát mép nam hồ, ngay gần kẻ Bưởi. Nắng lên, dân trong kẻ lũ lượt kéo giá ra phơi giấy. Len lỏi trong huyện người ấy phất phơ dây nón quai thao của hai thiếu nữ nọ. Nhìn thấy thiếu niên trong thuỷ đình, thiếu nữ rảo chân, bước vào đình, nhanh chóng hạ nón.

Nguyễn Minh Huyên năm nay đã đến tuổi vấn tóc cài trâm, nhưng cái cơ duyên trong lần theo mẹ đi lễ chùa năm nào đã khiến nàng tương tư mãi một bóng hình. Trong đêm Trung thu năm ấy, khi thả đèn hoa đăng xuống hồ Dâm Đàm, nàng đã nguyện ước một đời một kiếp có thể bình yên bên người mà mình yêu thương. Nàng không còn ít tuổi. So với những thiếu nữ tuổi trăng rằm ngoài kia, nàng không khác nào một bà lão già đã ế chỏng chơ. Rồi người đời nói rằng nàng khó gần, kiêu kỳ nên không ai muốn hỏi cưới. Rồi người đời rỉ tai nhau do cha nàng quyền cao chức trọng nên không ai dám với cao. Người đời có mải mê bàn tán điều gì về nàng đi chăng nữa nàng cũng chẳng bận tâm. Đời người con gái chỉ cần một chính nhân quân tử, mà nàng thì lại nguyện đem cuộc đời ấy gắn liền với cái tên Lê Tư Thành.

Hắn từng khen nàng đẹp, từng khen nàng đàn hay, từng khen nàng biết ngâm thơ, biết ra câu đối. Nhưng hắn chưa một lần ngỏ ý kết duyên. Vậy mà Minh Huyên vẫn ngây ngốc chờ đợi.

Bữa nay, nàng mang đến cho Tư Thành cặp sáo trúc, vì nghe cha nói Bình Nguyên vương cũng có hứng thú với thứ này. Nhưng đáp lại sự nhiệt tình, ân cần của nàng, Lê Tư Thành chỉ khẽ gật đầu:

"Xin cô, đã phiền cô rồi."

Minh Huyên sượng trân trước vẻ lạnh nhạt, xa cách kì lạ của Lê Tư Thành. Ánh mắt hắn vẫn chăm chú nhìn về phía đàn sâm cầm đang hứng ánh mắt trời ở giữa hồ. Nàng lặng lẽ lui về, rồi kéo đứa hầu gái khỏi thuỷ đình, để lỡ sau lưng một cái lắc đầu tiếc rẻ.

——

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, cây vẫn đứng đó, vẫn thay lá như bao mùa. Chỉ có con người ngày một trưởng thành hơn, chẳng còn giống những người xưa cũ.

Lê Nghi Dân nhìn tên thuộc hạ trước mặt, âm thầm đưa mắt đánh giá. Vừa mới ngày nào hắn gặp y, y mới chỉ là một đứa trẻ sáu, bảy tuổi mặt mày nhem nhuốc bùn đất, máu me, nước mắt, ngồi khúm núm bên vệ đường. Lê Nghi Dân còn nhớ rất rõ, lúc hắn nhìn thấy anh em Lê Đắc Ninh ngồi thu lu trong góc, anh trai y đã chết cứng rồi. Lê Đắc Ninh khi ấy còn quá nhỏ để hiểu được hết những mất mát mà y vừa trải qua. Anh trai y, người thân duy nhất của y trên cõi đời sẽ vĩnh viễn không bao giờ mở mắt ra ngắm nhìn vầng dương trên trời và mỉm cười với y nữa.

Lê Nghi Dân tiến đến bên cạnh hai anh em Lê Đắc Ninh, phần vì tò mò, phần vì thương cảm. Chỉ cần liếc qua, Nghi Dân biết anh trai Đắc Ninh đã chết, chết vì đói, chết vì lạnh, chết vì nghèo khó, chết vì bất công. Hắn ngồi xuống bên cạnh Đắc Ninh, nhìn cái bánh dày đang bóc dở trong tay y còn lấm tấm vài giọt nước mắt, khẽ thở dài.

"Mau ăn đi! Rồi ta giúp cậu chôn cất anh trai."

Lê Nghi Dân đã nói với Lê Đắc Ninh như thế. Hắn không nhớ khi ấy đã lấy đâu ra dũng khí để nói với y như thế. Một đứa trẻ mười tuổi nhìn thấy người chết không sợ, lại dám khẳng định chắc nịch sẽ giúp đỡ một đứa trẻ nghèo khó khác. Hắn không bao giờ quên được khoảnh khắc ấy, khi Lê Đắc Ninh ngước đôi mắt ầng ậng nước lên nhìn hắn. Y đang cố giấu khỏi đáy mắt sự vỡ nát như thể trái tim đang bị ai đó nhẫn tâm giẫm gót giày lên. Từ giây phút ấy, Lê Nghi Dân biết đứa trẻ trước mặt cần một nơi để trú ngụ, cần một người dẫn dắt, cần một con đường để đi. Không biết duyên kiếp đưa đẩy ra sao, ngay lúc ấy, Lê Nghi Dân đã quyết định sẽ giữ Lê Đắc Ninh lại bên mình.

Hắn đánh mắt xuống cái bánh dày lần nữa, có ý giục Lê Đắc Ninh nhanh lên. Từng miếng bánh hôm ấy Lê Đắc Ninh cắn vào đều mang trong đó sự ấm áp của đứa trẻ vừa giúp anh em y, sự ân cần của người thiếu niên đang kiên nhẫn ngồi đợi y, và cả sự lạnh lẽo, khô khốc của số phận. Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má gầy gò của Đắc Ninh. Đã rất lâu rồi y không khóc. Khi cả gia đình họ bị đẩy ra đường vì không đóng nổi sưu thuế, y không khóc. Khi thầy u phải bán em gái út cho một tay buôn trà ở đạo Bắc, y không khóc. Khi thầy u không chịu được cái đói, cái lạnh mà gục xuống ngoài khu đất hoang ở ngoại ô, y không khóc. Khi anh trai cứ dần dần lạnh đi ngay trong tay mình như vừa rồi, y cũng không khóc. Y còn tưởng nước mắt mình đã bị sự nghiệt ngã của cuộc đời này hong khô mất rồi. Vậy mà khi Lê Nghi Dân nói với y câu nói ấy, y lại bật khóc. Cuối cùng thì người anh trai dùng cả tính mạng của mình để bảo vệ y cũng sẽ không phải chết đường chết chợ, chơ vơ nằm đó giữa đất trời lạnh lẽo nữa. Nước mắt giàn dụa đầy mặt, Lê Đắc Ninh vừa ăn ngấu ăn nghiến, vừa nuốt từng miếng bánh xuống vì sợ nghẹn, vừa cố cất tiếng hỏi Lê Nghi Dân.

"Tại sao cùng được thầy u sinh ra, cùng có gia đình, có anh chị em nhưng các người thì được ăn no còn chúng ta thì không?"

Câu nói ấy như lời đánh thức tâm trí Lê Nghi Dân. Câu hỏi của đứa trẻ trước mặt làm loé ra trong đầu hắn một ý nghĩ thật điên rồ. Đúng vậy, tại sao cùng là con người mà số phận lại không giống nhau?

"Vì cậu là cậu, ta là ta, cuộc đời không ai giống ai hết. Cậu không thể biến thành ta, ta cũng không thể sống thay cậu. Nhưng ta có thể giúp cho cuộc sống của cậu sau này không còn khổ sở như vậy nữa."

Lê Nghi Dân vuốt vuốt lưng Đắc Ninh, đưa cho y bình nước. Hắn đánh giá đứa trẻ trước mặt một lượt. Đứa trẻ này mang trong mình một nỗi uất hận quá to lớn. Y mất cha, mất mẹ, mất anh trai, mất nhà cửa, em gái bị bán đi không biết ngày tương phùng. Y mất hết người thân, nhà tan cửa nát, cầu bơ cầu bất giữa cuộc đời. Y hướng ánh mắt ngây thơ nhưng tủi buồn để nhìn vào những số phận khác, y so sánh bản thân với họ, và y hận. Nỗi uất hận ấy cứ ngày một lớn lên. Lê Nghi Dân nhìn đôi lông mi dày cụp xuống bất lực, trầm giọng hỏi.

"Vậy theo cậu, tại sao cậu lại ra nông nỗi này?"

Lê Đắc Ninh rón rén ngước mắt nhìn Lê Nghi Dân. Đắc Ninh nhận ra tong mắt hắn sự đồng cảm, thấu hiểu, không hề có chút tò mò hay đa nghi. Bàn tay y lúng túng không biết cất vào đâu, mấy đầu ngón tay cứ miết đi miết lại miếng lá chuối bọc bánh, không làm sao ngăn được những giọt nước mắt liên tiếp tí tách nhỏ lên lá. Từng lời nói đứt đoạn cùng tiếng nấc, nhưng trong mỗi câu mỗi từ ngoài đau thương còn chất chứa biết bao căm hờn.

"Mẹ ta bảo là do thái hậu và bệ hạ vô phúc. Họ có cuộc sống sung sướng trong cung vàng điện ngọc nhờ tiền thuế mà dân lành nộp. Nhưng phải có tiền thì mới nộp được thuế. Mấy năm rồi dịch bệnh, sâu hại mùa màng liên tiếp, nhà ta không có gạo ăn, thì lấy đâu tiền mà nộp thuế cho họ? Rồi họ cho quân lính đi đánh trận, bao nhiêu anh trai gần nhà ta đã bị bắt đi hết. Vậy là vừa không có tiền, vừa không có người cày cấy. Thầy u ta chết hết rồi, anh trai ta cũng chết rồi, em gái ta bị bán đi rồi. Tại sao các người có tiền có của, có thể cho người khác đồ ăn, có thể cho người khác tiền bạc, còn thầy u ta đến manh chiếu bọc xác trước khi chôn cũng không có? Tại triều đình, tại thái hậu, tại vị bệ hạ đó phải không?"

Hoá ra trong suy nghĩ của dân chúng, cuộc sống cơ cực của họ ngày hôm nay hoàn toàn là do triều đình. Vốn ban đầu chỉ là thương cảm, đến lúc ấy Lê Nghi Dân mới nhận ra ý nghĩ điên rồ vừa loé lên lúc nãy là thứ gì. Thứ ấy luôn được mẹ hắn gieo vào trong trí óc non nớt của hắn từ thuở tấm bé. Đó là sự hận thù. Lê Nghi Dân không còn cảm thấy cảm thông với Lê Đắc Ninh nữa, hắn chỉ cảm thấy y thật giống mình, nhưng đáng thương hại hơn. Chợt lòng Nghi Dân muốn thử một lần nuôi dưỡng sự hận thù trong người Đắc Ninh, để xem sau này, nó có thể lớn đến nhường nào.

"Ít nhất thì cậu phải cùng ta đi chôn cất anh trai chứ! Xong chưa? Đứng lên đi!"

Thấy Lê Đắc Ninh đã ăn hết cái bánh, Lê Nghi Dân phủi áo đứng dậy, không quên xách nách y theo. Hắn chỉ phất tay một cái, đã có hai kẻ hầu từ đâu bước tới, nhẹ nhàng khiêng anh trai Lê Đắc Ninh đi phía sau hai người. Từ ngày hôm ấy, Lê Đắc Ninh coi Lê Nghi Dân là thần, là người đã một lần nữa giúp y tái sinh. Nhưng từ trong sâu thẳm trái tim y, chưa bao giờ y ngừng tìm kiếm cậu bé ngây ngô đã cho anh em y hai chiếc bánh dày hôm nào.

Lê Đắc Ninh thấy Lê Nghi Dân nhìn mình không chớp mắt, khẽ đằng hắng một tiếng đánh động. Đôi khi nhắc lại những chuyện xưa cũ, Lạng Sơn vương vẫn hỏi y đã tìm lại được cậu bé giúp anh em y ngày đó chưa. Những khi ấy, Đắc Ninh chỉ lặng lẽ lắc đầu. Hơn mười năm đã trôi qua, dù cho kí ức về ngày hôm đó mãi mãi không thể nào phai nhạt, nhưng Đắc Ninh đã quên hoàn toàn gương mặt của cậu bé đó. Xem chừng nếu tính tuổi, cậu bé đó cũng tầm tuổi y, nếu tính dáng vóc, cậu bé đó cũng xấp xỉ y. Nhưng có một điều Đắc Ninh giữ kín trong lòng không nói với Nghi Dân, là chuyện cậu bé ấy vì cứu anh em y mà bị bọn trẻ con đẩy ngã vỡ đầu, có thể nơi ấy sẽ để lại một vết sẹo.

"Điện hạ. Giờ thần đã nắm được cấm binh trong tay. Đại sự của điện hạ, thần xin một lòng phò tá."

Đắc Ninh biết vị trí của mình không giống với đám giang hồ được Nghi Dân huấn luyện ngoài kia. Chúng là đám trùng cực độc đang được hắn cất giữ đợi ngày tấn công kẻ địch. Còn bản thân y giống một con diều hâu săn mồi, một con bồ câu đưa thư hơn là thứ vũ khí đoạt mạng mà chủ nhân nâng niu bồi dưỡng. Nhưng Đắc Ninh không lấy chuyện ấy làm mình buồn rầu. Bởi hôm ấy nếu không có Nghi Dân đưa đôi bàn tay ra nâng y lên, có lẽ giờ y đã trở thành một trong số cả ngàn hồn ma chết bờ chết bụi, một trong số cả ngàn cái xác khô được quăng đầy ngoài ngoại ô, có lẽ thân xác y đã trở thành bữa ăn cho thú săn mồi hay thậm chí là thức ăn cho chính những người sống khác. Nghĩ đến đây, Lê Đắc Ninh không khỏi cảm thấy lờ lợ ở cổ họng. Cuộc sống của y từ xưa đến giờ luôn gắn liền với mùi thức ăn hoà lẫn mùi xác chết và mùi máu.

Lê Nghi Dân buông quân cờ trong tay xuống, gật gù nhìn Lê Đắc Ninh. Đây đúng là một con chó săn mà hắn đã thuần hoá thành công. Ngọn lửa hận thù trong mắt Đắc Ninh ngày ấy tựa như sắp tàn đến nơi. Nhưng qua ngày qua tháng, qua những câu chuyện mà Nghi Dân kể cho y về cuộc đời hắn, ngọn lửa hận thù ấy đang được vun vén đợi dịp bùng lên. Đến ngày hôm nay, ẩn dưới đôi mắt đen sâu thẳm như viên mã não của Đắc Ninh, hắn đã nhìn thấy một ngọn lửa hận thù đang bừng bừng cháy. Hận thù vì nhà tan cửa nát, hận thù vì thân nhân sinh li tử biệt. Lê Đắc Ninh một mực tin rằng vì hoàng đế bất tài vô năng, vì thái hậu tàn ác nanh nọc nên dân chúng mới lầm than, nên gia đình y mới li tán. Y đã nguyện làm tất cả để cùng Lê Nghi Dân lật đổ những thứ đang khiến con người khổ đau, lật đổ triều đình không coi trọng mạng người, lật đổ những kẻ giẫm đạp lên tình cảm gia đình, ví như hoàng đế, ví như thái hậu. Đây là điều Lê Nghi Dân hài lòng nhất, tin tưởng nhất ở đứa trẻ mà y đã xách về mười năm trước.

"Đừng nói đến hai tiếng "đại sự". Ta cũng chỉ muốn cuộc sống của mọi người đều tốt đẹp hơn. Những thứ vốn thuộc về ai thì phải trả về đúng cho chủ của chúng."

Giọng nói của Lê Nghi Dân nhẹ bẫng như không hề có một chút hận thù, một chút căm ghét, một chút mưu mô nào. Hắn đứng lên, cất bước về phía bãi bồi ngoài sông Nhị, nơi có gốc gạo già trăm năm tuổi. Trong ánh mắt của hắn khi ấy sáng lên một niềm vui hân hoan như đứa trẻ đợi mẹ đi chợ về sẽ cho miếng quà. Lê Đắc Ninh nhẹ nhàng bước theo hắn, cách phía sau vài ba bước, như cách mà mười năm nay y vẫn thường hay làm.

Đằng đông, vài đám mây đen chợt ùn ùn kéo đến. Bước chân Lê Nghi Dân không vì thế mà chậm lại, bước chân Lê Đắc Ninh cũng không ngừng theo sát chủ nhân.

———

Hết chương 3.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net