Truyen30h.Net

[ĐM] Trốn Thoát Khỏi Thư Viện - Điệp Chi Linh

Chương 279 + 280: Mê cung thi từ 03 + 04

sbtinwonderland

~ NHÀ THƠ CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC, ĐỖ PHỦ ~

Việt Tinh Văn nhìn mọi người, hỏi: "Các cậu muốn sang bên Đỗ Phủ trước, hay bên Mạnh Hạo Nhiên trước?"

Kha Thiếu Bân đề nghị: "Đỗ Phủ đi? Dù sao hồi trung học cũng từng học rất nhiều thơ Đỗ Phủ, dù chúng ta có quên thì chắc chắn Tinh Văn vẫn nhớ mà!"

Chương trình học phổ thông yêu cầu học sinh học thuộc rất nhiều thơ, thơ từ cũng là một dạng bài không thể thiếu trong bài thi. Nhưng sau khi lên đại học, vì các chuyên ngành được phân chia cụ thể hơn, độ khó và áp lực của môn chuyên ngành không ngừng tăng lên, rất nhiều sinh viên không tiếp xúc với văn học nữa, dần dần sẽ quên những bài thơ, văn từng thuộc.

Nói gì đến một bài thơ chưa từng xuất hiện trong chương trình học, đến một văn bản từng thuộc làu làu thời thấp ba, sau mấy năm đại học cũng không còn mấy ai viết lại được nữa.

Mỗi chuyên ngành có hướng đào tạo riêng, khoa tiếng Trung là nơi chuyên bồi dưỡng nhân tài nghiên cứu tiếng Hán. Lần này gặp chương trình học về văn học, đương nhiên mọi người đều tin tưởng năng lực của Việt Tinh Văn. Cũng như khi gặp mê cung toán học, mọi người đều không do dự nghe theo Giang Bình Sách vậy.

Việt Tinh Văn cũng nghiêng về bên Đỗ Phủ hơn, cậu nói với Giang Bình Sách: "Vậy chúng ta đi bên phải, sau khi khám phá hết khu vực bên phải, nếu không tìm thấy lối ra thì quay ngược lại đây. Cậu ghi lại bản đồ những nơi từng đi qua, tôi sợ lúc đó nhiều đường rẽ quá sẽ bị loạn."

Giang Bình Sách gật đầu, "Được, tôi sẽ vừa đi vừa vẽ."

Việt Tinh Văn dẫn mọi người đi qua cánh cửa giữa vách tường, rẽ phải.

Nơi này không còn là sông nước nữa, mà là một con đường rộng thênh thang. Thuyền nhỏ của Lý Bạch đã biến mất, một con ngựa xuất hiện, ông xoay người lên ngựa, vung roi chạy đi. Kha Thiếu Bân thấy vậy lập tức thu Tiểu Đồ về, mọi người xếp thành hàng đi sau Lý Bạch. Để đuổi kịp Lý Bạch đang cưỡi ngựa, Việt Tinh Văn quyết đoán khởi động kỹ năng tăng tốc toàn đội "Nhanh như chớp điện".

Khoảng năm phút sau, Lý Bạch dừng ngựa trước một vọng lâu.

Một bóng người xuất hiện dưới vọng lâu, ông ta mặc áo vải màu xanh sẫm, đầu đội chiếc mũ đen, toàn thân không còn phụ kiện nào khác, thoạt trông vô cùng giản dị.

Khung nổi xuất hiện trước mắt...

Mở khóa nhân vật mới: Đỗ Phủ.

Nhà thơ nổi tiếng thời Đường. Tự Tứ Mỹ, hiệu Thiếu Lăng Dã Lão.

Đi theo Đỗ Phủ tiếp tục khám phá mê cung.

Tiến độ khám phá 10%.

Việt Tinh Văn nhớ khi họ gặp Lý Bạch, tiến độ khám phá mê cung là 5%. Lúc này gặp được Đỗ Phủ, tiến độ khám phá biến thành 10%. Cậu quay lại nhìn Giang Bình Sách, nhỏ giọng hỏi: "Chẳng lẽ mỗi khi mở khóa một nhà thơ, tiến độ khám phá sẽ tăng 5% sao?"

Giang Bình Sách gật đầu tán thành, "Ừ, rất có thể mê cung này có 20 nhà thơ, phân tán ở khắp nơi. Sau khi mở khóa toàn bộ nhà thơ, trả lời đúng toàn bộ câu hỏi, tiến độ khám phá lên tới 100% mới có thể tìm thấy lối ra."

Vậy nên, yêu cầu của môn học này về kiến thức thật sự rất cao. Tác phẩm của nhiều nhà thơ như vậy, lỡ như gặp bài nào không biết, không thể trả lời đúng, sẽ không thể khám phá cả mê cung.

Lưu Chiếu Thanh nói: "Môn này nhìn vào chỉ có 4 tín chỉ, nhưng lại không dễ chút nào! Như bài 'Hiệp khách hành' vừa rồi đó, nếu Tinh Văn không học thuộc cả bài, viết lại không sai chữ nào thì chúng ta không mở được cơ quan rồi."

Việt Tinh Văn cười, an ủi mọi người: "Hẳn những người xuất hiện ở đây đều là nhà thơ nổi tiếng. Em tin là thư viện sẽ không quá đáng quá, dù sao cũng chỉ là môn học 4 tín chỉ, nếu đề thi quá khó, không phải tất cả các nhóm đều tạch môn này sao?"

Kha Thiếu Bân gật đầu, nói: "Cũng phải! Bài nào hơi khó nhằn hẳn sẽ có gợi ý, không có chuyện bài nào cũng bỏ trống bắt chúng ta học thuộc cả bài đâu nhỉ?"

Cậu vừa dứt lời, Lý Bạch và Đỗ Phủ đã bắt đầu chào hỏi nhau.

Hai nhà thơ gặp nhau là cảnh tượng ngàn thu khó gặp, mọi người lập tức yên lặng. Họ nhìn Đỗ Phủ mời Lý Bạch vào ngồi trong vọng lâu, ông còn lấy một vò rượu, hai người nhìn nhau cười, hào sảng đối ẩm.

Mười hai bạn học nhìn nhau.

Mọi người đứng bên cạnh nhìn "Thi Tiên" và "Thi Thánh" uống rượu như chốn không người, không biết hai người đang nói chuyện gì, vô cùng vui vẻ, nhưng cảnh tượng trước mắt tựa như "phim câm", tiếng nói chuyện của Lý Bạch và Đỗ Phủ không truyền đến tai họ.

Gặp tri kỷ ngàn ly vẫn ít, hai người uống vô cùng vui vẻ.

Khi một vò rượu đã xuống bụng, Đỗ Phủ lại cầm bút, viết hai hàng chữ lên bức tường phía trước vọng lâu: "Nhìn nhau, thu đến, hãy bềnh bồng; Chưa luyện đan sa thẹn Cát Hồng."

Khung đáp án gồm hai hàng ô trống xuất hiện bên dưới.

Mọi người đồng loạt nhìn sang Việt Tinh Văn, nhìn cậu tỏ ý hỏi cậu có biết không.

Việt Tinh Văn bước lên một bước, cậu cầm bút, nhanh chóng viết nốt nửa còn thiếu của bài thơ này vào chỗ trống: "Chén tít hát ngao cho hết buổi; Vì ai hùng hổ quá cuồng ngông?"

— Tặng Lý Bạch, Đỗ Phủ; Trích Thơ Đỗ Phủ, Hoàng Trung Thông, NXB Văn học, 1962

Đáp án chính xác, bài thơ hoàn chỉnh trên bức tường tỏa ra ánh sáng dịu nhẹ.

Mà khi Đỗ Phủ đã viết xong, Lý Bạch cũng cầm bút lông lên, ông vung bút viết lên bức tường đá bên cạnh, viết hai dòng thơ: "Từ biệt bạn hiền uống rượu say, ao hồ, lầu các vốn xưa nay; Thạch môn ta tới chơi cho đã, tiệc rượu tiễn đưa suốt cả ngày."

Hai hàng phía dưới vẫn bỏ trống, Việt Tinh Văn bước lên một bước, cầm bút lông viết nốt bài thơ: "Sông Tứ nhấp nhô như sóng say, núi Tô nổi bật cảnh hồ này; Xa nhau như cỏ bay trong gió, cạn chén chia ly hẹn có ngày."

— Tiễn Đỗ Phủ ở Thạch Môn phía đông quận Lỗ, Lý Bạch; Dịch thơ: Công Tuấn.

Kha Thiếu Bân đẩy kính, nhìn bài thơ trên bức tường, đoạn nói: "Bài này tớ còn chưa thấy bao giờ! Hầy, sao đến khoa Nhân văn tớ lại thấy mình như đứa mù chữ thế nhỉ?"

Việt Tinh Văn cười nói: "Những thứ này không phải nội dung học của ngành các cậu, cậu không biết cũng rất bình thường. Bây giờ cậu viết một dãy code máy tính cho tớ xem, tớ cũng thấy mình như mù chữ thôi."

Nghe cậu nói vậy, tâm trạng Kha Thiếu Bân tốt hơn nhiều, lập tức hỏi han: "Hai bài này là Đỗ Phủ và Lý Bạch viết tặng nhau đúng không?"

Việt Tinh Văn gật đầu, giải thích: "Trong lịch sử, Lý Bạch và Đỗ Phủ chỉ gặp nhau ba lần, lần đầu là năm Thiên Bảo thứ ba thời Đường, Lý Bạch bị ép rời khỏi Trường An, gặp gỡ và làm quen với Đỗ Phủ ở Lạc Dương, trở thành bạn thân thiết. Hai người hẹn gặp nhau tại Lương Tống, cũng là Hà Nam bây giờ. Mùa thu năm đó, họ hẹn nhau đến Lương Tống. Mùa xuân năm thứ hai, họ lại gặp nhau ở Sơn Đông, cùng du ngoạn Sơn Đông. Khi tạm biệt, họ đã tặng nhau hai bài thơ này."

Dù lời kể của Việt Tinh Văn rất bình tĩnh, nhưng tâm trạng lại xúc động khôn tả.

Suốt lịch sử, cuộc gặp của rất nhiều danh nhân đã để lại giai thoại ngàn đời, Lý Bạch và Đỗ Phủ là nổi tiếng nhất trong số đó. Cả một đời họ chỉ gặp nhau ba lần, nhưng chính ba lần gặp mặt này đã giúp họ thành tri kỷ trọn đời.

Hai người chênh nhau 11 tuổi, cùng uống rượu, cùng ngâm thơ, trò chuyện, sung sướng biết bao!

Gặp được một tri kỷ trong thời đại bấp bênh này là chuyện quá khó khăn. Rất nhiều năm sau đó, họ không gặp lại nhau, lại chưa từng quên nhau, cũng để lại cho đời sau vô số kiệt tác.

Nhà thơ Việt Tinh Văn thích nhất thời trung học là Lý Bạch và Đỗ Phủ. Hồi năm nhất, cậu còn từng viết luận văn nghiên cứu thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ, vô cùng quen thuộc với thơ của hai người này. Nhưng cậu chưa từng nghĩ rằng, lại có ngày mình được thấy cảnh Lý Bạch và Đỗ Phủ gặp nhau trong thư viện.

Cảm giác thời không giao loạn này khiến cậu rất rối bời.

Lý Bạch và Đỗ Phủ trước mặt cậu không phải người thật, chỉ là nhân vật hư cấu thư viện tạo ra, cũng không thể nghe tiếng họ nói chuyện. Nhưng Việt Tinh Văn rất muốn nói một câu, các phẩm của hai người đã trở thành báu vật của văn hóa Trung Quốc, được lưu truyền không ngừng nghỉ, được người đời sau khắc ghi.

***

Cuộc gặp kết thúc, sau khi Lý Bạch và Đỗ Phủ chia tay, Lý Bạch biến mất trước mắt họ, Đỗ Phủ thì lên ngựa đi tiếp. Mọi người nhìn nhau, lập tức đi theo ông.

Đinh ninh rằng Đỗ Phủ sẽ đưa họ đến gặp nhà thơ tiếp theo, nhưng mới đi không bao lâu, mọi người đã thấy một cảnh tượng đầy xót xa...

Chiến tranh loạn lạc, dấu vết chiến loạn ở khắp nơi.

Lá cờ cháy rụi ngã bên đống đổ nát, xương cốt vứt bừa bên đường bị thú hoang gặm đến biến dạng, mẹ góa con côi ăn không đủ no, khóc lóc cầu xin miếng ăn, bà lão một đêm bạc đầu vì con cái tử trận...

Cảnh tượng dân nạn khắp nơi lướt qua hai bên đường, như bộ phim điện ảnh.

Là nhà thơ chủ nghĩa hiện thực nổi tiếng nhất thời Đường, Đỗ Phủ luôn quan tâm đến đời sống nhân dân, trong thời đại rối ren sau loạn An Sử, ông đã sáng tác vô số bài thơ chạm đến trái tim. Dù người đời sau không tự bước qua thời kỳ này cũng có thể cảm nhận được nỗi khổ mà dân chúng khi đó phải chịu đựng qua thơ của ông.

Việt Tinh Văn vốn tưởng rằng lần này họ sẽ thi những bài thơ nổi tiếng của Đỗ Phủ, như những câu thơ được yêu thích "Lên chóp đỉnh mà trông, lè tè muôn núi dưới", "Cửa son rượu thịt ôi, ngoài đường xương chết buốt"...

Không ngờ, những hàng chữ dày đặc lại xuất hiện trong khung nổi, thoạt trông đã biết là trường thi. Trong đó còn có không ít chỗ trống, hiển nhiên là cần họ điền nốt.

Mà tên của bài thơ ở trên cùng, lại là "Tân hôn biệt", "Vô gia biệt", "Thùy lão biệt"!

Đây không phải những bài thơ cần học trong sách ngữ văn trung học, cũng chỉ có sinh viên yêu thích thơ từ của khoa Văn mới tìm tòi nghiên cứu tác phẩm của Đỗ Phủ.

Quả nhiên, ngay khi đề bài xuất hiện, Giang Bình Sách nói: "Tôi nhớ hồi năm nhất, cậu từng viết một bài luận phân tích tác phẩm tiểu biểu 'Tam lại', 'Tam biệt' của Đỗ Phủ."

Giang Bình Sách không yêu thích thơ văn, nhưng thường xuyên tự học cùng Tinh Văn, hắn ngồi cạnh Việt Tinh Văn, từng thấy không ít tài liệu Việt Tinh Văn đọc, cũng ghi nhớ từng bài luận Việt Tinh Văn viết.

Vậy nên khi nhìn thấy bài thơ trong khung đáp án, Giang Bình Sách đã biết... Lần này chắc ăn rồi.

Quả nhiên, Việt Tinh Văn mỉm cười nói: "Đúng vậy. 'Tam lại' và 'Tam biệt' là tác phẩm tiêu biểu của Đỗ Phủ viết về nỗi khổ chiến tranh mang lại cho dân chúng, mặc dù bài nào cũng rất dài, nhưng tôi không nhớ sai một chữ nào!"

"Tam lại" và "Tam biệt" của Đỗ Phủ, bảo cậu nhắm mắt viết cậu cũng viết được.

Huống chi, lúc này cứ cách mỗi câu lại có một câu gợi ý, với Việt Tinh Văn mà nói thì vô cùng đơn giản.

Cậu bước lên, cầm bút lông, nhanh chóng điền vào chỗ còn thiếu.

"Kết tóc làm vợ anh; Giường chiếu chưa ấm hơi; Chiều cưới, sớm xa nhau; Vội vàng chi thế trời?..."

— Tân hôn biệt, Đỗ Phủ; Trích Thơ Đỗ Phủ, NXB Văn hoá thông tin, 1996.

"Người còn không tin tức; Người chết lấp bùn lầy; Thằng tôi nhân thua trận; Tìm lối cũ về đây..."

— Vô gia biệt, Đỗ Phủ; Dịch thơ: Khương Hữu Dụng.

"Bốn cõi còn chưa lặng; Gần già chẳng đặng an; Con cháu chết trận hết; Sống làm gì một thân..."

— Thùy lão biệt, Đỗ Phủ; Trích Thơ Đỗ Phủ, Hoàng Trung Thông, NXB Văn học, 1962.

Tân nương có trượng phu bị bắt ra trận ngay sau khi tân hôn; chàng thanh niên về quê cũ lại chẳng còn nhà để về; cụ già cô độc khi những người con đã chết trận nơi sa trường... Tân hôn biệt, Vô gia biệt, Thùy lão biệt, ba bài thơ, chữ nào cũng đẫm máu và nước mắt, vẽ nên khung cảnh bi thảm của dân chúng thời đó.

Thấy Việt Tinh Văn nhanh nhẹn điền hết chỗ trống, tâm trạng mọi người đều phức tạp.

Ba bài, bài nào cũng 16 hàng, 32 câu ngắn, 160 chữ, tổng cộng là 480 chữ. Rất khó học thuộc cả bài thơ dài như vậy, trí nhớ của Tinh Văn thật sự rất xuất sắc, không sai chữ nào.

Có điều, là học sinh giỏi khoa tiếng Trung, biết những tác phẩm tiêu biểu của Đỗ Phủ cũng hợp lý mà?

Dù sao cũng đúng như đàn anh Lưu nói, lần này để Tinh Văn cân team là được!

Điệp Chi Linh: Không thích đọc thơ có thể bỏ qua phó bản này ~ Còn mấy chương nữa sẽ kết thúc.

~ NHÀ THƠ BIÊN ẢI ~

Sau khi Việt Tinh Văn thuận lợi điền kín thẻ đáp án trên tường, lại có hai lối rẽ xuất hiện phía trước, hệt như lúc nãy, bên mỗi lối rẽ đều có một mũi tên chỉ hướng, đường bên phải được chú thích [Phong cảnh biên cương], bên trái là [Phong tình nông thôn].

Mọi người nhìn nhau, rồi quay sang nhìn Việt Tinh Văn, "Lần này chọn bên nào?"

Việt Tinh Văn nghĩ hồi, "Đi bên phải trước đi. Nếu em đoán không nhầm thì bên đường 'Phong cảnh biên cương' này , rất có thể sẽ xuất hiện những nhà thơ biên tái[121] nổi tiếng thời Đường."

[121] Thi nhân phái biên tái thường tả những cảnh bi hùng nơi biên ải. Phong trào này được khởi xướng từ thời Nam-Bắc triều và Sơ Đường; song tới thời Thịnh Đường, sau khi An Lộc Sơn nổi dậy, các tiểu quốc phương Bắc thay phiên nhau quấy nhiễu biên cương, nó mới phát triển mạnh mẽ. (Tham khảo Đại cương văn học Trung Quốc).

Lam Á Dung nói: "Chị nhớ bốn nhà thơ tiêu biểu phái biên tái là Cao Thích, Vương Xương Linh, Sầm Tham, Vương Chi Hoán."

Việt Tinh Văn gật đầu, nói: "Đúng vậy, trong đó Cao Thích và Sầm Tham đều là bạn thân của Đỗ Phủ, vậy nên nếu chúng ta đi đường 'Phong cảnh biên cương', rất có thể sẽ dẫn tới hai nhà thơ này."

Giang Bình Sách đánh dấu lên bản đồ trên giấy, mọi người tiếp tục rẽ phải.

Đi theo Đỗ Phủ thêm một quãng, khung cảnh hùng vĩ chợt hiện lên trước mắt... Đang buổi chạng vạng, trời chiều ngả về tây, áng mây bên trời nhuốm màu đỏ lửa, các chiến sĩ biên cương đang chăn thả về nhà, trên thảm cỏ rộng rãi vô biên và vắng vẻ, đàn cừu trắng tinh là nét điểm xuyết xinh đẹp nhất trên nền cỏ xanh. Dần đà, sắc trời tối đi, trăng sáng treo cao, tiếng sáo tộc Khương du dương vang vọng bên tai.

Khi phong cảnh chậm rãi thay đổi như mở bức họa cuốn, thẻ đáp án trên khung nổi cũng xuất hiện trước mắt mọi người: "Tuyết sạch trời Hồ ngựa chăn về;_______; Hoa mai thử hỏi nơi nào rụng;_______"

Câu trên đã cho gợi ý, yêu cầu mở từ điển tìm chữ điền câu dưới.

Việt Tinh Văn nói: "Đây là bài 'Trên thành nghe thổi sáo' của Cao Thích, chỗ trống hẳn phải điền 'Khèn Khương trăng sáng trại quân nghe' và 'Quan ải một đêm gió bộn bề'."

— Trên thành nghe thổi sáo, Cao Thích; Trích Đường – thơ một thuở, NXB Văn hoá – Thông tin, 1999.

Câu thơ đọc lên trôi chảy, quả nhiên là miêu tả phong cảnh hùng vĩ chốn biên cương trước mắt.

Kha Thiếu Bân nói: "Mỗi người tìm một chữ theo thứ tự đi!"

Mọi người lập tức mở từ điển, mỗi người một chữ, nhanh nhẹn điền kín đáp án.

Thông báo quen thuộc hiện lên trước mắt...

Mở khóa nhân vật mới: Cao Thích.

Tự Đạt Phu, nhà thơ biên tái nổi tiếng thời Đường.

Vui lòng đi theo Cao Thích, tiếp tục khám phá mê cung.

Tiến độ khám phá: 15%.

Bóng dáng Đỗ Phủ biến mất trước mắt, sau đó Cao Thích xuất hiện, ông dắt ngựa đi tiếp, gió cát đầy trời biên cảnh, cảnh tượng xung quanh không ngừng thay đổi, khung đề bài cũng không ngừng xuất hiện.

Lần này đề bài cho gợi ý phần trên, yêu cầu thí sinh tự điền phần dưới.

Mười dặm vàng pha bóng nhật vân; Nhạn xuôi gió bấc tuyết bay nhanh.

Việt Tinh Văn nói: "Chớ buồn nẻo trước không tri kỷ; Thiên hạ ai người chẳng biết anh?"

Đây là bài thơ nổi tiếng nhất của Cao Thích, là một bài thất ngôn ông sáng tác khi tiễn bạn tốt Đổng Đình Lan, đương nhiên Việt Tinh Văn đọc bài thơ này không hề khó khăn.

Tiếp tục tiến lên, bóng dáng Cao Thích dần dần biến mất, thời tiết xung quanh đột nhiên thay đổi, bông tuyết to như lông ngỗng bay đầy biên cương phía bắc hoang vu, người nọ đứng một mình giữa tuyết mịt mù, ông vung bút nhanh chóng viết chữ xuống nền tuyết.

"Gió bấc đất khô trắng cỏ tàn; Trời Hồ tháng tám tuyết bay sang;

Dường như đêm gió xuân về lại; Ngàn vạn hoa lê nở rộn ràng."

Kha Thiếu Bân vừa thấy hai câu này đã kích động nói: "Bài này tớ vẫn nhớ này, từng học hồi cấp hai rồi, có phải 'Bài hát tuyết trắng tiễn phán quan họ Vũ về kinh' của Sầm Tham không?"

Tân Ngôn quay sang nhìn cậu, bình tĩnh hỏi: "Cậu nhớ cả nội dung?"

Kha Thiếu Bân khẽ ho một tiếng, cậu hắng giọng, bắt đầu đọc thuộc: "Tan tác bay khua rèm lụa ướt; Áo cừu không ấm mỏng chăn màn...... Đường núi loanh quanh đâu thấy bóng; Chỉ còn dấu ngựa tuyết in không."

— Bài hát tuyết trắng tiễn phán quan họ Vũ về kinh, Sầm Tham; Dịch thơ: Nguyễn Phước Hậu.

Mọi người xung quanh nghiêm túc nghe, cả bài thơ có 18 câu, vậy mà cậu đọc liền một hơi, không ngập ngừng chút nào, có thể thấy bài thơ này để lại ấn tượng rất sâu sắc với cậu.

Việt Tinh Văn mỉm cười giơ ngón cái, "Đúng rồi, không sai chữ nào."

Kha Thiếu Bân đẩy kính, nghiêm túc nói: "Tới năm ba đại học, nhiều kiến thức hồi cấp ba tớ đều trả thầy cô hết rồi. Nhưng bài này thì tớ nhớ cực rõ luôn, bởi vì hồi đó giáo viên văn gọi tớ lên, bảo tớ đọc thuộc trước cả lớp, lại còn bảo tớ đọc bắt nhịp cho mọi người đọc theo nữa."

Tân Ngôn lạnh lùng nói: "Cậu đọc được lưu loát cả bài, giáo viên còn khen cậu thông minh."

Kha Thiếu Bân cười tươi như hoa, "Cô cũng đâu có khen sai."

Tân Ngôn: "..."

Tên này chưa từng biết từ khiêm tốn viết thế nào, Tân Ngôn ngoảnh đi mặc kệ cậu, tự giác mở từ điển điền chữ.

Mỗi người tìm một câu, chẳng mấy chốc đã điền xong.

Khu vực mờ sương phía trước dần rõ ràng, thông báo quen thuộc cũng xuất hiện...

Mở khóa nhân vật mới: Sầm Tham.

Nhà thơ biên tái nổi tiếng thời Đường, ông với Cao Thích cùng được xưng là "Cao Sầm".

Vui lòng đi theo Sầm Tham, tiếp tục khám phá mê cung.

Tiến độ khám phá: 20%.

Đi tiếp, trận tuyết dần ngừng hẳn, Sầm Tham dừng bước, quay đầu nhìn lại, nhẩm một câu thơ: "Ngóng về quê cũ cách sơn xuyên; Tay áo ướt đầm, lệ triền miên."

Khung đáp án không xuất hiện, nhưng nếu NPC đã đọc thẳng đề thơ, có lẽ, cách giải đề cũng là đọc nửa câu sau?

Nghĩ vậy, Việt Tinh Văn lập tức đối thơ: "Trên ngựa gặp nhau, không giấy bút; Nhờ bạn nhắn dùm vẫn bình yên."

— Gặp sứ vào kinh, Sầm Tham; Dịch thơ: Phụng Hà.

Sầm Tham gật đầu với Việt Tinh Văn, rồi chợt biến mất giữa nền tuyết.

Mọi người ngơ ngác nhìn nhau. Lưu Chiếu Thanh nhìn ngó xung quanh, đoạn nói: "Sao lại không tung chiêu như bình thường nữa vậy? NPC tự nhiên biến mất, không dẫn đường cho chúng ta nữa?"

Kha Thiếu Bân nói: "Phía trước vẫn có đường, chúng ta đi tiếp hay quay lại?"

Việt Tinh Văn im lặng một lát, nói: "Nếu đã có đường thì đi tiếp đi."

Con đường phía trước không một bóng người, cả con đường thẳng tắp rộng mênh mông, không có gì cản bước họ, không gian xung quanh ngày càng hoang vắng, đừng nói là người, còn chẳng có lấy bóng cây nào. Mọi người bồn chồn đi thêm 10 phút, chợt thấy một biên ải xuất hiện phía xa.

Nơi biên quan cũ kỹ chỉ có vài binh sĩ canh gác, cùng một đội lính xếp hàng ngay ngắn ra ngoài quan.

Bên cạnh, một nhà thơ cầm cành cây, phóng khoáng viết một hàng thơ lên tường đất biên quan, "Trăng sáng Tần xưa, ải Hán xa; Người đi muôn dặm chưa về nhà."

Việt Tinh Văn thấy ông dừng lại bèn bước lên, nhặt cành cây bên cạnh rồi viết nốt câu sau: "Long Thành ví thử còn phi tướng; Âm Lĩnh ngựa Hồ dám vượt qua!"

— Xuất tái, Vương Xương Linh; Trích: Đường thi tuyển dịch, NXB Thuận Hoá, 1997.

Lam Á Dung ngạc nhiên hỏi: "Người này là Vương Xương Linh? Là bài 'Xuất tái' của ông ấy sao?"

Việt Tinh Văn gật đầu, "Vâng, ông có viết hai bài 'Xuất tái', đây là một trong hai bài."

Dứt lời, quả nhiên, khung thông tin quen thuộc lại xuất hiện...

Mở khóa nhân vật mới: Vương Xương Linh.

Tự Thiếu Bá, nhà thơ biên tái nổi tiếng thời Đường.

Vui lòng đi theo Vương Xương Linh, tiếp tục khám phá mê cung.

Tiến độ khám phá: 25%.

Khung thông tin chớp nhoáng rồi biến mất, Vương Xương Linh lại bắt đầu cầm cành cây viết lên đường đất, ông vung bút, viết ra nửa trên bài thơ: "Biển xanh, núi tuyết ẩn mây ngàn; Thành côi xa ngắm ải Ngọc Quan."

Việt Tinh Văn viết sang bên cạnh, "Bắc phạt, bụi vàng xuyên áo giáp; Chưa diệt Lâu Lan, chẳng về làng!"

— Tòng quân hành 4, Vương Xương Linh; Dịch thơ: Phụng Hà.

Vương Xương Linh phóng bút như bay, "Ngọc Môn núi ngất mấy nghìn trùng; Núi bắc núi nam lửa tứ tung."

Việt Tinh Văn bình tĩnh viết tiếp: "Người trẩy thú xa toàn thấy lửa; Ngựa đi chẳng để dấu non cùng!"

— Tòng quân hành 7, Vương Xương Linh; Trích: Dịch thơ: mailang.

Sau khi viết liên tục ba bài thơ, những hàng chữ trên tường lập lòe ánh sáng, sau đó, Vương Xương Linh cũng biến mất, cánh cửa biên ải dần mở ra.

Mọi người nhìn nhau, tiếp tục đi thẳng.

Sau khoảng 10 phút đi đường, một nhà thơ xuất hiện phía trước, ông quay người ngẩng đầu, dường như đang nhìn về quê hương xa xăm, quả nhiên, khung đáp án bên cạnh lại xuất hiện.

"Hoàng Hà,mây bạc ngỡ liền nhau;_______; Sáo Khương đừng oán chi dương liễu;_______."

Việt Tinh Văn lập tức đọc: "Mảnh thành trơ trọi, núi vút cao. Gió xuân đâu đến Ngọc Môn nào."

— Ra ải – Khúc Lương Châu, Vương Chi Hoán; Dịch Thơ: Phụng Hà.

Lam Á Dung nói: "Khúc Lương Châu của Vương Chi Hoán?"

Việt Tinh Văn gật đầu, "Em cũng không ngờ, bốn nhà thơ biên tái lại xuất hiện đầy đủ."

Khung thông báo quen thuộc lại hiện lên...

Mở khóa nhân vật mới: Vương Chi Hoán.

Tự Quý Lăng, nhà thơ biên tái nổi tiếng thời Đường.

Vui lòng đi theo Vương Chi Hoán, tiếp tục khám phá mê cung.

Tiến độ thu thập 30%.

Ghi chú: Đã mở khóa đủ "Bốn nhà thơ biên tái", nhận được đạo cụ mê cung "Bút lông gợi ý", sau khi dùng đạo cụ, bút lông sẽ tự động điền một chữ lên khung đáp án, đạo cụ được dùng tối đa 14 lần."

Việt Tinh Văn mừng rỡ, nói: "Đạo cụ này rất thực dụng. Em cũng không thể bảo đảm mình biết hết tất cả bài thơ, lỡ như gặp bài nào không biết có thể dùng bút gợi ý."

Giang Bình Sách nhìn cậu, "Tôi cảm thấy đến khi ra khỏi mê cung chúng ta cũng không dùng đến cây bút này."

Việt Tinh Văn khẽ ho một tiếng, "Cậu có lòng tin với tôi đến vậy sao?"

Giang Bình Sách nói: 'Ừ, ít nhất cho đến bây giờ những bài xuất hiện đều là tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ nổi tiếng, tất cả đều nằm trong phạm vi nghiên cứu của cậu. Trí nhớ của cậu vẫn rất tốt, gần như thuộc tất cả thơ từ cậu từng tìm kiếm. Vậy nên tôi tin rằng những câu tiếp theo cũng không thể làm khó cậu."

Kha Thiếu Bân đẩy kính, nhỏ giọng nói: "Lúc Bình Sách khen người khác đúng là vừa có bằng chứng vừa có lý luận, hoàn toàn không có vẻ gì là nịnh hót luôn, y như đang nói sự thật vậy."

Giang Bình Sách quay sang nhìn cậu, "Tôi đang nói sự thật."

Kha Thiếu Bân: "..."

Thẳng thắn vậy sao? Cách nịnh hót xịn sò nhất lịch sử, hôm nay cậu học được rồi!

Hứa Diệc Thâm híp mắt cười, nói: "Đương nhiên không dùng tới là tốt nhất, nhưng có nó trong tay, chúng ta sẽ có thêm một sự bảo đảm."

Lưu Chiếu Thanh nhìn lên đồng hồ trên khung nổi, nói: "Đã qua một tiếng rồi, chúng ta cần rời khỏi mê cung trong tám tiếng, hẳn là đủ thời gian nhỉ?"

Lam Á Dung nói: "Hiện giờ chúng ta đã gặp sáu nhà thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, Cao Thích, Sầm Tham, Vương Xương Linh và Vương Chi Hoán, tiến độ khám phá là 30%. Xem ra suy đoán ban đầu của Tinh Văn đúng rồi, mỗi khi gặp một nhà thơ sẽ tăng thêm 5% tiến độ khám phá, muốn rời khỏi mê cung, phải mở khóa ít nhất 20 nhà thơ."

Kha Thiếu Bân bỗng nói: "Mọi người nhìn đi, Vương Chi Hoán biết mất rồi!"

Mọi người đồng loạt quay đầu... Trước mặt họ là một màn sương, Vương Chi Hoán đi vào trong sương, bóng lưng nhanh chóng biến mất, song, sương mù không hề tản đi.

Việt Tinh Văn vội vàng dẫn mọi người đi theo Vương Chi Hoán, nhưng họ chỉ có thể đi tới rìa màn sương, không thể tiến thêm một bước, tựa như có một bức tường không khí cản bước họ.

Lưu Chiếu Thanh khó hiểu: "Không đi qua được, vậy tức là đây là đường cụt sao?"

Kha Thiếu Bân nói: "Trước đây khi gặp mỗi nhà thơ, sau khi chúng ta trả lời câu hỏi thì sương mù phía trước sẽ tản ra, con đường mới xuất hiện. Ở đây không có đường mới, chúng ta cũng không thể đi tiếp, hẳn là tới đường cụt rồi."

Việt Tinh Văn nhìn Giang Bình Sách: "Cậu vẽ bản đồ tới đâu rồi?"

Giang Bình Sách mở bản đồ trước mặt Tinh Văn, nói: "Ở chỗ Lý Bạch có một ngã rẽ, Đỗ Phủ thêm một ngã rẽ, ở mỗi ngã rẽ chúng ta đều rẽ phải. Nói cách khác, cho đến giờ chúng ta vẫn luôn khám phá khu vực bên phải mê cung. Nếu chỗ này không phải lối ra chính xác, vậy phải quay về lối rẽ khi trước, thử đi bên trái."

Việt Tinh Văn hỏi: "Quay lại chỗ Lý Bạch hay chỗ giao giữa phong cảnh biên ải và phong cảnh nông thôn?"

Giang Bình Sách nghĩ hồi, nói: "Về chỗ nông thôn đi, vẽ bản đồ tiện hơn."

Việt Tinh Văn dứt khoát nói: "Mọi người tranh thủ thời gian nào, Tần Lộ di chuyển mảng kiến tạo về đó!"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net