Truyen30h.Net

Học văn

Sóng

zoombyna

SÓNG
- Xuân Quỳnh -
A. KHÁI QUÁT
1. Tác giả (1942 - 1988)
- Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ thời kỹ kháng chiến chống Mỹ. Thơ Xuân Quỳnh thể hiện trái tim phụ nữ đôn hậu, chân thành, giàu đức hy sinh và lòng vị tha. Trong thơ Xuân Quỳnh, khát vọng sống, khát vọng yêu chân thành, mãnh liệt luôn gắn liền với những dự cảm lo âu.
- Xuân Quỳnh là một phụ nữ gặp nhiều bất hạnh trong cuộc đời, là một tâm hồn phụ nữ nhạy cảm, nhân hậu, một nghệ sỹ tài năng, một con người giàu nghị lực để có thể vượt lên những gian truân, thử thách trong cuộc đời. Nhà thơ Vũ Tú Nam nhận xét: “Thơ Xuân Quỳnh trong sáng, cái trong sáng đã được gạn lọc qua những nỗi đau, đó là niềm kiêu hãnh và là biểu hiện sự quý trọng của chị đối với người đọc”
2. Tác phẩm :
2.1. Xuất xứ, vị trí:
- “Sóng” là một trong những bài thơ thành công nhất của Xuân Quỳnh về đề tại tình yêu. Bài thơ được viết năm 1967, in trong tập “Hoa dọc chiến hào” (1968).
- “Sóng” cũng là một trong những bài thơ thể hiện chân thực, gắn bó nhất vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ luôn khao khát được yêu thương, gắn bó, trái tim luôn trăn trở lo âu, luôn mong được dâng hiến và hy sinh cho tình yêu.
2.2. Kết cấu hình tượng:
Bài thơ là sự vận động và phát triển song hành của hai hình tượng “sóng” và “em”. “Em” là cái tôi trữ tình của nhà thơ, là hình tượng được miêu tả trong những cung bậc khác nhau của tình yêu. “Sóng” là hình tượng nghệ thuật được Xuân Quỳnh sáng tạo để diễn tả những cảm xúc, tâm trạng, những sắc thái tình cảm vừa phong phú, vừa phức tạp của một trái tim người phụ nữ đang rạo rực khao khát yêu đương. “Sóng” chính là hình ảnh ẩn dụ cho trái tim người phụ nữ đang yêu , là sự hóa thân thân phận của “em”. Hai hình tượng ấy khi phân đôi để soi chiếu sự tương đồng, khi hòa nhập để âm vang, cộng hưởng. Trái tim người phụ nữ đang yêu soi vào "sóng"  để nhận ra mình, thông qua "sóng" để thể hiện những rung động, đam mê, khao khát... Hai hình tượng này đan cài, quấn quýt với nhau từ đầu đến cuối bài thơ, soi sáng cho nhau, nhằm diễn tả sâu sắc, thấm thía hơn những khát vọng tình yêu trào dâng mãnh liệt trong lòng nữ sỹ. Với hình tượng "sóng", bài thơ làm hiện lên hình ảnh người phụ nữ đứng trước đại dương, mang tâm thế của một cá thể đối diện với cái vô biên, vĩnh hằng, từ đó mà liên tưởng, suy tư, chiêm ngưỡng về tình yêu như một nhu cầu tự nhận thức, tự khám phá cái tôi trữ tình. Cảm xúc của bài thơ vì thế vừa sôi nổi, mãnh liệt, vừa có chiều sâu của triết lý.
2.3. Âm hưởng của bài thơ chính là âm hưởng của sóng, trước hết là sóng biển và sau đó là sóng lòng, là nhịp đập bồi hồi của trái tim người phụ nữ đang yêu. Thể thơ với những dòng thơ thường không ngắt nhịp, sự đắp đối các thanh bằng, trắc ở cuối mỗi câu thơ, khổ thơ, những từ ngữ trùng điệp, những cặp từ sóng đôi hô ứng, xô đuổi nhau từ cuối bài đã tạo nên âm hưởng dạt dào, nhịp nhàng, gợi nhịp điệu những con sóng miên man, bất tận, vô hạn vô hồi, khi ào ạt trào dâng, lúc êm đềm đằm lắng. Đó cũng đồng thời là nhịp đập của những con sóng lòng, những đợt sóng của đam mê khao khát và da diết yêu thương đang cuộn trào trong trái tim người phụ nữ.
B. TÌM HIỂU BÀI THƠ:

Bình giảng bốn khổ thơ đầu bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
I/ Mở bài:
- Tác giả, tác phẩm (A1, 2a)
- Đoạn thơ bình giảng là bốn khổ đầu của bài thơ, trong đó nhân vật trữ tình sa vào sóng để tự nhận thức những đặc tính, những trạng thái tâm lý bí ẩn, riêng tư đầy nữ tính của một trái tim đang đắm say trong tình yêu
II/ Thân bài:
1. Kết cấu hình tượng
2. Phân tích cụ thể
a) Khổ đầu:
- Những câu thơ trong khổ đầu miêu tả sóng vừa chân thực, cụ thể, vừa tiềm tàng những nét nghĩa ẩn dụ gợi liên tưởng đến tình yêu của người phụ nữ:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ”
+ Trước hết, đây là sự thất thường muôn thuở của sóng. Đại dương vốn luôn hàm chứa những trạng thái đối lập, những thay đổi đột ngột, bất ngờ, khi “dữ dội”, “ồn ào” bão tố, khi “lặng lẽ”, “dịu êm” yên ả…
+ Những trạng thái ấy đã gợi liên tưởng thật tự nhiên đến trái tim người con gái khi yêu bởi cũng như sóng, trái tim vốn rất nhạy cảm, rất dễ bị tổn thương của người con gái luôn bao hàm những trạng thái tâm lý đầy mâu thuẫn phức tạp, thất thường, “dữ dội - ồn ào” là sóng mà “lặng lẽ - dịu êm” cũng vẫn là sóng, khi vui, lúc buồn, khi mãnh liệt sôi nổi, lúc dịu dàng đằm thắm, khi hờn giận, lúc đắm say, khi gần gũi như những con sóng âu yếm vỗ bờ, lúc xa xôi như những con sóng rời bờ, tít tắp ngoài khơi… Tất cả những trạng thái thất thường ấy đều là tình yêu. Tình yêu luôn là sự thống nhất kỳ lạ của những mâu thuẫn, luôn mang trong mình những trạng thái tâm lý phức tạp, đầy biến động vì “tình yêu muôn thuở - có bao giờ đứng yên”
- Tới hai câu sau, “sóng” xuất hiện trong mối quan hệ với “sông” - “bể”:
“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
+ Có thể hiểu hai câu thơ ở những nét nghĩa khác nhau. Khi coi “sóng” là một chủ thể cảm nhận, câu thơ sẽ là một lời tuyên bố kiên quyết: nếu sông không hiểu nổi những khát vọng mãnh liệt của mình thì sóng dứt khoát từ bỏ nơi chật hẹp đó, tìm ra tận bể, nơi có sự đồng cảm lớn lao, nơi có thể tìm thấy tình yêu thật sự trong cái cao cả bao dung của bể lớn. Người phụ nữ thường khao khát những bến bờ bình yên của tình yêu, nhưng không vì thế mà cam chịu, nhẫn nhịn, họ chủ động, kiêu hãnh, mạnh mẽ và quyết liệt kiếm tìm sự đồng điệu tri âm.
+ Cũng có thể hiểu “sông” như một trạng ngữ chỉ không gian nơi chốn, “sông” là bối cảnh, là hoàn cảnh sống, là yếu tố thường có sức chi phối mạnh mẽ tới tâm hồn, tính cách con người, lúc đó câu thơ thể hiện một cố gắng không mệt mỏi của “sóng” để có thể sống với bản ngã của mình: giới hạn chật hẹp của hai bên bờ sông làm bức bối những con sóng, trong lòng sông, sóng không thực sự là mình, “không hiểu nổi mình”. “Sóng” tìm ra biển lớn để thỏa sức vẫy vùng, để trở thành chính mình giữa mênh mông phóng khoáng, để nhận ra mình trong những mãnh liệt đam mê. Trong trường liên tưởng của tứ thơ, nếu “sóng” không còn là “sóng” bởi những giới hạn chật hẹp thì tình yêu cũng không còn là tình yêu bởi những điều kiện ràng buộc. Người phụ nữ không chấp nhận sự tầm thường nhỏ hẹp, khao khát một tình yêu lớn lao, muốn được giải phóng khỏi mọi giới hạn, để con người thực sự là mình, tình yêu thực sự là tình yêu.
Như vậy, dù hiểu theo nghĩa nào, bản chất của tình yêu cũng đều mang những nét tương đồng với sóng, cũng đều khao khát vươn tới sự lớn lao, phóng khoáng, khôn cùng.
b) Khổ thứ hai:
- Nếu ở khổ đầu sóng được miêu tả trong không gian thì tới khổ hai, sóng được soi chiếu trong thời gian:
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế”
“Sóng” được đặt giữa ngày xưa và ngày nay. Những khái niệm chỉ thời gian và ý nghĩa khẳng định của cụm từ “vẫn thế” đã đem đến một ý niệm vĩnh hằng cho sóng bởi trong thực tế, biển là một thế giới vô biên, vĩnh viễn, xao động.
Theo quan niệm của Xuân Quỳnh, “nỗi khát vọng của tình yêu” xôn xao, rạo rực trong mỗi trái tim là khát vọng đã có từ muôn đời của nhân loại và mãnh liệt nhất là của tuổi trẻ, “khát vọng tình yêu” của con người giống như những con sóng của đại dương, mãi trường tồn và vĩnh cửu với thời gian, năm tháng.
- Hai câu thơ sau là một ẩn dụ tinh tế:
“Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
Trong cảm nhận của người phụ nữ đứng trước đại dương, mặt biển tựa vồng ngực trẻ trung cường tráng của đất trời, “sóng” tựa nhịp thở phập phồng mang khát vọng tình yêu bồi hồi trong ngực biển và trong câu thơ của Xuân Quỳnh, người đọc được đến với một phát hiện thú vị: chính khát vọng tình yêu bồi hồi khiến ngực biển muôn đời trẻ trung. Hình tượng thơ đã làm hiện ra một tương đồng rạo rực: biển tựa như con người, sóng là nhịp đập của trái tim của trái tim yêu đương, còn biển thì còn sóng, còn con người thì còn khát vọng tình yêu. Cũng như sóng, tình yêu là khát vọng vĩnh hằng của con người.
c) Khổ ba + bốn:
Giấu mình trong hình tượng sóng ở khổ 1+2, đến khổ 3, 4, hình tượng “em” đã trực tiếp xuất hiện. “Em” được đặt trong sự đối diện với muôn trùng sóng biển, với cái vô biên vô hạn của trời đất và tình yêu. Khi đứng trước cõi vô biên huyền diệu, người ta thường quên đi những cái nhỏ nhặt tầm thường mà chỉ nghĩ đến những gì lớn lao cao cả nhất. Người phụ nữ trong tâm hồn nhà thơ đã hướng suy ngẫm của mình tới những điều lớn lao huyền diệu, đó là “anh”, “em” và “biển lớn”:
“Trước muôn trùng sóng biển
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn”
- Khi tình yêu đến, trước những khát vọng mãnh liệt của tình yêu, con người thường có nhu cầu khám phá những bí ẩn vốn luôn tồn tại trong lòng nó và cắt nghĩa cội nguồn của tình yêu. Song tình yêu lại là trạng thái tâm lý không dễ giải thích bằng lý lẽ thông thường, khó ai có thể trả lời chính xác về nguyên nhân và khởi nguồn của tình yêu, đúng như Xuân Quỳnh đã từng khẳng định: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu...”
- Tâm hồn luôn trăn trở của Xuân Quỳnh cũng thường trực nỗi khắc khoải tự nhận thức về mình cùng những nỗi băn khoăn, suy ngẫm của tình yêu. Suy ngẫm hiện lên trong các câu hỏi về sóng: sóng bắt đầu từ đâu? “Từ nơi nào sóng lên?”..., về gió: “Gió bắt đầu từ đâu?”... và sau cùng lại trở về với câu hỏi muôn đời: “Khi nào ta yêu nhau?”. Những câu hỏi dồn dập như những con sóng nối tiếp đến vô cùng, miên man không dứt, đưa suy ngẫm của con người đến vô tận.
+ Câu hỏi đầu tiên về sóng, lời đáp dễ dàng, chóng vánh:
“Sóng bắt đầu từ gió”
Câu hỏi thứ hai đầy những băn khoăn trăn trở của lý trí: nếu “sóng bắt đầu tư gió” thì “gió bắt đầu từ đâu?”. Câu trả lời xuất hiện nhưng lại mơ hồ chơi vơi giữa hai câu hỏi về gió và tình yêu:
“Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”
+ Câu trả lời giống như một cái lắc đầu nũng nịu của em khi nhận ra cả gió và tình yêu đều bất ngờ, đều không thể cắt nghĩa, đều không có lý lẽ hay quy luật, nếu có thì đấy cũng là quy luật riêng của trời đất, lý lẽ riêng của tình yêu. Em không biết “gió” có từ đâu, em không biết những xao xuyến của trời đất có từ bao giờ cũng như em không biết “khi nào ta yêu nhau”, càng không thể cắt nghĩa vì sao ta yêu nhau. Đây cũng là một quy luật phổ biến trong tình yêu: trực cảm thường đến trước lý trí, thậm chí còn dẫn dắt lý trí, và chính sự bí ẩn của trực cảm lại là yếu tố tạo nên nét quyến rũ, say đắm của tình yêu.
+ Cấu trúc đảo của hai câu cuối khổ 4 - đáp trước hỏi sau khiến câu trả lời duyên dáng như một nụ cười vừa bối rối, vừa hạnh phúc: bối rối vì sự bất lực của lý trí và hạnh phúc khi nhận ra một điều kỳ diệu của lý trí: tình yêu lớn lao hơn mọi thứ lý trí trên đời, tình yêu hồn nhiên, giản dị mà mãnh liệt như sóng, như gió, như thiên nhiên muôn đời bí ẩn, như một lẽ tự nhiên huyền diệu của đất trời.
III/ Kết bài:
- Thông qua những ẩn dụ, hoán dụ, những phép điệp tạo sự xao xuyến cho âm hưởng thơ, bốn khổ thơ đầu đã thể hiện chân thực những sắc thái phong phú, phức tạp và đầy quyến rũ của tình yêu, diễn tả sâu sắc trái tim bồi hồi, rạo rực và trăn trở, những trạng thái tâm lý với những nét riêng đầy nữ tính của Xuân Quỳnh.
- Nghệ thuật: thể thơ 5 chứ, nhịp điệu (A.2.3)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net