Truyen30h.Net

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM

105-106

riri_pipi

DÃ TÂM CỦA TƯ MÃ CHIÊU

Sau khi giết Tào Sảng được 2 năm, Tư Mã Ý cũng chết. Người thay thế chức vị của Tư Mã Ý là Tư Mã Sư, con cả ông. Đại quyền trong nước Ngụy rơi vào tay 2 anh em Ta Mã Sư và Tư Mã Chiêu. Trong số đại thần, ai dám có ý kiến chống lại, đều bị Tư Mã Sư giết. Ngụy Thiếu đế Tào Phương rất căm tức Tư Mã Sư. Có người khuyên Tào Phương nên tước bỏ binh quyền của 2 anh em họ Tư Mã, nhưng Tào Phương chưa kịp thực hiện ý định, đã bị Tư Mã Sư ra tay trước, bằng cách buộc thái hậu ra chiếu lệnh phế Tào Phương và lập Tào Mao, 1 cháu nội của Tào Phi lên kế vị. Một số tướng lĩnh Ngụy cai trị ở địa phương vốn không phục sự chuyên quyền của họ Tư Mã, nên sau khi Tào Phương bị phế, thứ sử Dương Châu là Văn Khâm và Trấn Đông tướng quân là Quán Khâu Kiệm liền đem quân chống lại Tư Mã Sư. Tư Mã Sư thân đem quân đi đánh, dẹp được 2 đạo quân trên, nhưng trên đường dẫn quân về Hứa đô, Tư Mã Sư bị bệnh mất.

Tư Mã Chiêu liền thay anh làm đại tướng quân. Ba cha con, anh  họ Tư Mã, người sau càng ghê gớm hơn người trước, càng ngang ngược chuyên quyền hơn người trước. Ngụy đế Tào Mao không sao chịu nổi. Một hôm, ông ta cho gọi bọn thượng thư là Vương Kinh và 2 đại thần khác vào cung, thổ lộ lòng căm giận nói: "Dã tâm của Tư Mã Chiêu khắp mọi người đều biết. Trẫm không thể ngồi chờ tới lúc hắn giết mình. Hôm nay trẫm muốn cùng chư khanh đi trừ khử hắn".

Các đại thần đều thấy nếu đối đầu với Tư Mã Chiêu, không khác gì lấy trứng chọi đá, đều khuyên hoàng đế nên nín nhịn, kẻo chuốc lấy tai họa. Nhưng Tào Mao đã rút từ trong tay áo ra 1 đạo chiếu thư đã viết sẵn, quăng xuống đất nói: "Trẫm đã quyết tâm, dù có chết cũng không sợ, mà cũng không hẳn là có thể thất bại mà chết. Các khanh nếu còn lòng trung thành với cơ nghiệp do Võ đế xây dựng, thì hãy một lòng vì trẫm". Nói xong đi thẳng vào nội cung để bẩm với thái hậu. Nào ngờ, trong số 3 vị đại thần trên, đã có 2 vị vội lẻn ra ngoài, báo ngay cho Tư Mã Chiêu biết. Vị hoàng đế mới 20 tuổi là Tào Mao, mang lòng phẫn uất của tuổi trẻ, nhưng không biết chống lại Tư Mã Chiêu bằng cách nào. Ông ta tập hợp số quân cấm vệ ít ỏi trong nội cung, cùng với các thái giám hầu hạ quanh mình, rầm rộ kéo từ trong cung ra toan giết Tư Mã Chiêu. Bản thân Tào Mao rút bảo kiếm, đứng trên xe chỉ huy chiến đấu.

Tướng tâm phúc của Tư Mã Chiêu là Giả Sung dẫn 1 đội quân tới, chặn đứng quân cấm vệ lại. Hai bên xô xát. Tào Mao tiến lên, vung kiếm xông vào đánh. Thủ hạ của Giả Sung thấy hoàng đế tự ra tay, cũng có chút hoảng sợ, có kẻ đã toan tháo chạy. Thủ hạ có kẻ tên là Thành Tế, hỏi Giả Sung: "Tướng quân, chẳng lẽ chúng ta đánh nhau với hoàng thượng sao?".

Giả Sung lớn tiếng quát: "Tư Mã Công bình thường nuôi các ngươi làm gì, mà còn phải hỏi!".

Nghe Giả Sung quát như vậy, Thành Tế liền hăng tiết vung trường mâu tới đâm thẳng vào Tào Mao. Tào Mao không kịp đỡ, bị Thành Tế đâm xuyên qua ngực, gục xuống xe chết ngay. Tư Mã Chiêu nghe tin quân mình đã giết mất hoàng đế, cũng có phần lo ngại, vội đến triều đình, họp các đại thần lại bàn. Trước các triều thần, Tư Mã Chiêu giả bộ bất ngờ, thương khóc thảm thiết, rồi hỏi lão thần Trần Thái: "Lão quan, bây giờ ta nên giải quyết thế nào?".

Trần Thái nói: "Sự việc đã đến nước này, chỉ có chém đầu Giả Sung thì mới tạ tội được với thiên hạ"

Tư Mã Chiêu thấy khó liền nói: "Lão quan xem, còn có thể có biện pháp nào khác nữa không?".

Trần Thái nói: "Theo lão phu, chỉ có thể xử nặng hơn nữa, chứ không thể có biện pháp nào nhẹ hơn được". (ý của Trần Thái là cần phải truy cứu lên tới cấp trên của Giả Sung nữa). Tư Mã Chiêu chột dạ, lặng im không nói gì. Sau đó, Tư Mã Chiêu dùng danh nghĩa thái hậu, ban 1 đạo chiếu thư, chụp cho Tào Mao rất nhiều tội trạng, phế làm bình dân và cố tình dìm vụ án giết vua này đi.

Nhưng mọi người vẫn xôn xao bàn luận, chê trách Tư Mã Chiêu bao che cho hung thủ. Tư Mã Chiêu bất đắc dĩ, liền dồn toàn bộ tội trạng cho 1 mình Thành Tế, qui vào tội đại nghịch vô đạo, đem chém cả nhà. Giết Tào Mao xong, Tư Mã Chiêu chọn trong hoàng tộc họ Tào 1 người ít tuổi là Tào Hoán lên nối ngôi hoàng đế. Đó là Ngụy Nguyên Đế, hoàng đế cuối cùng của Tào Ngụy.


ĐẶNG NGẢI NGẦM VƯỢT KIẾM CÁC

Tư Mã Chiêu đã trừ được Tào Mao, cho rằng nội bộ đã ổn định, liền quyết tâm cử đại quân đi đánh Thục Hán. Lúc đó, những người thay thế Gia Cát Lượng làm thừa tướng là Tưởng Uyển, Phí Vi đều đã mất. Người làm đại tướng quân của Thục Hán là Khương Duy. Khương Duy nuôi hoài bão kế thừa sự nghiệp bắc phạt của Gia Cát Lượng nên hầu như năm nào cũng ra quân đánh Ngụy. Nhưng lực lượng Thục Hán mỗi ngày một yếu, Khương Duy không thể giành được thắng lợi, mà còn bị hao mòn nhiều binh lực. Năm 263, Tư Mã Chiêu phái Đặng Ngải và Gia Cát Tự, mỗi người đem 3 vạn quân. Chung Hội mang mười mấy vạn quân, chia đường tiến đánh Thục Hán. Khương Duy thấy thế quân Ngụy quá mạnh, khó có thể chống chọi lại, liền tập trung quân Thục giữ chặt nơi hiểm yếu là Kiếm Các (nay là huyện Kiếm Các, Tứ Xuyên), không ra giao chiến. Chung Hội dẫn đại quân tới, không đánh vào được.

Đặng Ngải thấy chủ lực quân Thục tập trung cả ở Kiếm Các, liền dẫn tinh binh ngầm đi vòng theo triền núi rậm rạp phía tây Kiếm Các rồi tiến xuống phía nam. Đó là vùng rừng núi xưa nay không có dấu chân người. Đội tinh binh của Đặng Ngải vừa mở lối, bắc cầu. Đi suốt 700 dặm mà vẫn không bị quân Thục phát hiện. Cuối cùng, đội quân Đặng Ngải tới 1 đỉnh núi dựng đứng, dưới là thung lũng sâu, không thể đi tiếp được. Lương khô mang theo đã gần cạn, không thể vòng tìm lối khác, tướng sĩ đều hoang mang lo lắng. Đặng Ngải quyết đoán, dùng chăn quấn chặt thân mình, lăn từ vách đá cao xuống. Quân sĩ thấy chủ tướng dũng cảm, cũng làm theo, từng người một xuống tới thung lũng. Đặng Ngải cho điểm lại quân số, chỉnh đốn đội ngũ, tiến nhanh tới Giang Du (nay là huyện Giang Du, Tứ Xuyên). Quân Thục ở Giang Du không ngờ quân Ngụy xuất hiện từ phía sau lưng, ồ ạt bất ngờ đánh vào tòa thành nhỏ, không được bố phòng vững chắc, không kịp chống trả, phải nhanh chóng đầu hàng.

Đặng Ngải tiếp tục tiến đánh Miên Trúc (nay là tây nam Miên Dương, Tứ Xuyên). Tướng giữ Miên Trúc là Gia Cát Chiêm, con của Gia Cát Lượng. Đặng Ngải đưa thư dụ hàng, nói nếu đầu hàng, sẽ phong làm Lang Nha vương. Gia Cát Chiêm uất giận trước lời lẽ ngạo mạn trong thư, liền sai chém luôn sứ giả, rồi bày trận quyết một phen sống chết. Nhưng quân Thục dưới sự chỉ huy của Gia Cát Chiêm không thể địch nổi đội tinh binh của Đặng Ngải. Gia Cát Chiêm và con là Gia Cát Thượng đều chết trận. Hạ xong Miên Trúc, không còn chướng ngại nào nữa, quân Đặng Ngải xông thẳng tới kinh thành Thục là Thành Đô. Dân chúng Thành Đô không thể nào ngờ quân Ngụy bỗng nhiên đã xuất hiện dưới thành, tất cả nháo nhác sợ hãi, tan tác chạy vào rừng rậm núi cao để lẩn tránh. Triều đình Thục Hán lại càng rối loạn. Hậu chủ cuống quýt triệu tập đại thần tới bàn. Các vị mũ cao áo dài quen sống sung sướng tại kinh thành nằm sâu trong hậu phương, trước tình hình quân địch như trên trời rơi xuống như vậy, cũng cuống quýt không kém. Người thì nêu ý kiến nên mở cửa nam thành chạy trốn, người nêu ý kiến nên chạy sang với Đông Ngô, kẻ khác lại thấy đại quân Ngụy quá hùng dũng, chỉ có đầu hàng là hơn.

Hậu chủ là kẻ nhát gan, lại không bao giờ ý có kiến độc lập, không dám nghĩ tới việc chống lại. Mặt khác, vì toàn bộ quân chủ lực đều tập trung ở Kiếm Các, kinh thành hầu như trống rỗng. Cuối cùng, Hậu chủ chỉ còn cách tự trói mình, dẫn bá quan văn võ mở cửa thành đầu hàng Đặng Ngải. Đặng Ngải vào được Thành Đô, thấy mình lập được công to nhất, lên mặt coi thường Chung Hội là kẻ mang số quân đông hơn nhưng vẫn bị chặn lại trước Kiếm Các. Ngải sai người dâng thư lên Tư Mã Chiêu, xin nhân đà thắng lợi, kéo quân sang diệt luôn Đông Ngô. Không ngờ Tư Mã Chiêu lập tức trả lời: "Không cho phép tự tiện hành động".

Tướng Thục Khương Duy đang cầm cự với Chung Hội ở Kiếm Các, được tin Đặng Ngải tập kích Thành Đô, vừa định mang quân về cứu thì nhận được lệnh của Hậu chủ, yêu cầu phải đầu hàng ngay quân Ngụy. Nhận được lệnh, tướng sĩ Thục vẫn phẫn uất, đau đớn, nhiều người tức giận rút đao kiếm chém bừa vào đá núi. Trước tình hình đó, Khương Duy trầm tĩnh tính toán. Ông bàn mật kế với các tướng thân cận, rồi quyết định đầu hàng Chung Hội. Chung Hội xưa nay vẫn kính trọng tài năng và phẩm cách của Khương Duy nên không coi Khương Duy như 1 hàng tướng bình thường, mà đối đãi trân trọng. Chung Hội cùng Khương Duy khi ra vào đều ngồi chung xe, mời Khương Duy tham gia bàn bạc mọi việc, coi như bạn bè thân thiết. Biết giữa Chung Hội và Đặng Ngải có mối bất hòa, Khương Duy khuyên Chung Hội bí mật viết thư cáo giác với Tư Mã Chiêu là Đặng Ngải mưu phản. Tư Mã Chiêu xưa nay vốn có tính đa nghi, nhận được báo cáo của Chung Hội, liền dùng danh nghĩa của Ngụy Nguyên đế Tào Hoán, cử người tới Thành Đô bắt Đặng Ngải, nhốt vào xe tù chở về Lạc Dương. Sợ Đặng Ngải chống lại, Tư Mã Chiêu lại hạ lệnh cho Chung Hội mang đại quân tới gấp Thành Đô.

Chung Hội tới Thành Đô, đọc chiếu lệnh bắt Đặng Ngải nhốt vào xe tù giải đi rồi sai người giết chết giữa đường. Trừ được Đặng Ngải, toàn bộ binh quyền Ngụy ở Thục đều rơi vào tay Chung Hội. Thấy đất Thục rộng rãi, hiểm yếu, Chung Hội liền nảy ra ý mưu phản, muốn lập một giang sơn riêng. Chung Hội đem ý đó ra bàn với Khương Duy, được Khương Duy nhiệt liệt tán đồng. Bản thân Khương Duy vốn có ý định lợi dụng Chung Hội để giết các tướng lĩnh Ngụy rồi cuối cùng giết luôn Chung Hội, khôi phục lại Thục Hán. Vì vậy, Khương Duy cử người mang mật thư cho Lưu Thiền: "Xin bệ hạ nhẫn nhịn mấy ngày nữa, thần nhất định sẽ có cách khôi phục lại quốc gia".

Chung Hội vẫn tưởng rằng Khương Duy thực lòng hợp tác với mình để chống lại Tư Mã Chiêu, liền giả truyền mệnh lệnh của thái hậu sai mình đem quân thảo phạt Tư Mã Chiêu. Sợ các tướng Ngụy không phục, Chung Hội liền giam lỏng họ trong cung điện Thục. Các tướng sĩ Ngụy đem lòng nghi ngờ Chung Hội, sau có người phao tin là Chung Hội và Khương Duy sẽ giết hết hết các tướng Ngụy. Họ nhao nhao tìm cách chống lại, có người phóng hỏa đốt cung điện. Tình hình hỗn loạn, Chung Hội và Khương Duy không khống chế nổi, đều bị loạn binh giết chết.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net