Truyen30h.Net

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM

119-120

riri_pipi

ĐÀO KHẢN TẬP KHUÂN GẠCH

Sau khi Tổ Địch mất, vương triều Đông Tấn liên tiếp xảy ra mấy lần nội loạn, Tấn Nguyên Đế muốn kiềm chế thế lực họ Vương, bị Vương Đôn đem quân tiến công Kiến Khang, giết 1 loạt đại thần đã chủ trương chống lại mình. Sau khi Tấn Minh Đế, con của Tấn Nguyên Đế lên ngôi, Vương Đôn lại tiến đánh Kiến Khang 1 lần nữa, nhưng thất bại rồi ốm chết. Đến đời Tấn Thành Đế (con của Tấn Minh Đế), Tô Tuấn, tướng trấn thủ Lịch Dương (nay là huyện Hòa, tỉnh An Huy) khởi binh chống lại triều đình, đánh vào Kiến Khang. Các đại thần trong triều bó tay, không có cách gì đối phó. Sau nhờ có thứ sử Kinh Châu là Đào Khản đem quân đánh dẹp. Trải qua 2 năm trời mới dẹp yên được cuộc nổi loạn của Tô Tuấn. Trong thời Vương Đôn còn đắc thế, Đào Khản vốn là bộ hạ của Vương Đôn. Vì lập được công trong chiến đấu, được làm thứ sử Kinh Châu. Có kẻ đố kỵ nói xấu ông với Vương Đôn, Vương Đôn bèn điều ông tới Quảng Châu. Lúc đó Quảng Châu còn là 1 vùng hoang vắng, điều tới Quảng Châu trên thực tế là 1 sự giáng chức.

Đến Quảng Châu, Đào Khản không hề nản chí, mỗi buổi sớm, ông đều khuân 100 viên gạch từ thư phòng ra ngoài sân; đến tối lại khuân số gạch trên từ sân vào thư phòng (gạch thời đó có kích thước và trọng lượng rất lớn, thường từ 5-10kg/viên). Nhiều người thấy ông ngày nào cũng làm như vậy lấy làm lạ, liền hỏi ông tại sao lại làm thế. Đào Khản trả lời nghiêm túc: "Tôi tuy gửi mình ở miền nam, nhưng trong lòng lúc nào cũng nghĩ tới việc khôi phục Trung nguyên. Nếu cứ quen với cuộc sống nhàn hạ, thì sau này khi đất nước cần đến, tôi làm sao đảm đương được nhiệm vụ? Vì vậy, hằng ngày tôi phải mượn việc này để rèn luyện gân cốt".

Sau khi Vương Đôn thất bại, vương triều Đông Tấn mới thăng Đào Khản lên chức Chinh Tây đại tướng quân kiêm thứ sử Kinh Châu. Trăm họ ở Kinh Châu nghe tin Đào Khản được trở về thì đều vui mừng tranh nhau đến chào đón. Tuy đã làm đến chức quan đứng đầu 1 châu, nhưng Đào Khản vẫn hết sức thận trọng, cần mẫn. Mọi việc từ lớn đến nhỏ trong nha môn Kinh Châu, ông đều thân tự kiểm tra, không bao giờ buông lỏng. Ông thường nói với bộ hạ: "Đại Vũ là một thánh nhân mà vẫn quí trọng từng chút thời gian, còn chúng ta là những người bình thường, về trí tuệ và năng lực còn kém xa Đại Vũ, lại càng phải quí trọng thời gian, sao có thể tham hưởng an nhàn được. Nếu lúc còn sống không có cống hiến gì cho đất nước, khi đã chết không để lại tiếng tăm gì tốt; thì chẳng phải uổng phí một đời hay sao?".

Một số quan lại dưới quyền ông ham rượu chè cờ bạc nên thường làm lỡ việc công. Đào Khản vô cùng giận dữ khi biết việc đó. Ông sai người đi thu hết các đồ dùng để uống rượu và đánh bạc, ném xuống sông và cho phạt roi tất cả số quan lại đó. Từ đó về sau, những người phạm lỗi đều sợ, không dám tái phạm nữa. Một lần, trên đường đi thị sát, ông thấy 1 người đi đường vừa đi vừa thuận tay ngắt những bông lúa chưa chín ở cánh ruộng ven đường, rồi vung vẩy trên tay chơi nghịch. Đào Khản cho gọi người đó lại hỏi: "Ngươi ngắt những bông lúa này để làm gì?".

Người bị hỏi liền nói thực: "Không để làm gì cả. Chỉ là tiện tay ngắt mà thôi".

Nghe trả lời, Đào Khản đùng đùng nổi giận, mắng: "Bản thân ngươi không cày cấy, lại vô duyên vô cớ phá hoại lúa má của người ta. Sao lại có thể như thế được?". Nói rồi hạ lệnh cho binh lính trói người đó lại, đánh cho 1 trận rồi mới thả ra.

Dân chúng thấy thứ sử quan tâm đến việc bảo vệ lúa má hoa màu như vậy thì đều phấn khởi, hăng hái sản xuất. Vùng Kinh Châu nhờ đó mà dần dần sung túc. Kinh Châu ở ven Trường Giang có nghề đóng thuyền. Các xưởng của nhà nước, trong khi đóng thuyền dư ra những mẩu gỗ và tre. Thường thường, người ta vứt bỏ hoặc đốt những thứ đó đi. Nhưng Đào Khản lại lệnh cho cấp dưới thu nhặt những mẩu trẻ gỗ đó, cất vào kho. Mọi người không hiểu làm thế để làm gì, nhưng không dám hỏi. Sau đó, nhân ngày tết đầu năm, các quan lại ở Kinh Châu đều đến phủ thứ sử để chúc tết Đào Khản. Vào lúc trước tết mấy ngày, trời xuống tuyết lớn. Đến ngày tết thì trời trở ấm, tuyết tan đường xa lầy lội, trước phủ thứ sử do xe ngựa đi nhiều nên đường vừa lầy, vừa trơn. Lúc đó Đào Khản mới sai bộ hạ lấy những mẩu gỗ tre trong kho ra trải lên mặt đường, Nhờ thế, đi đường không còn trơn nữa. Lại 1 lần khác, thủy quân Đông Tấn đóng thuyền, cần có nhiều đinh tre. Đào Khản lại sai mở kho, lấy số đầu tre đã khô, rất thích hợp cho việc dùng làm đinh, cung cấp đủ cho nhu cầu của thủy quân. Tới lúc đó, mọi người mới khâm phục sự nhìn xa và tác phong tỉ mỉ chu đáo của Đào Khản.

Đào Khản làm quan cai trị kiêm chỉ huy quân sự suốt 41 năm trời. Do ông giữ nghiêm pháp luật, làm việc thận trọng, chu đáo nên mọi người đều tin phục. Theo nói lại, trong vùng ông cai trị, trật tự xã hội hết sức ổn định, thực sự đạt tới mức: "Ban đêm không cần đóng cửa. Ngoài đường không ai nhặt của rơi".


NHÀ THƯ PHÁP VƯƠNG HY CHI

Trong thời Đông Tấn "họ Vương, họ Mã chung thiên hạ", họ Vương chiếm địa vị 1 dòng họ cao sang, đầy quyền lực. Con cháu của gia tộc Vương Đạo, Vương Đôn đều được làm quan. Phần lớn trong số những quan lại đó là những kẻ hèn kém, bất tài. Nhưng chính trong gia tộc đó lại nảy sinh 1 nhà thư pháp nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Đó là Vương Hy Chi. Từ nhỏ, Vương Hy Chi đã ham thích viết chữ. Theo kể lại, thường ngày khi đi đường, ông thường dùng tay vạch vào không khí để luyện chữ, có lúc vạch vào quần áo nên làm quần áo rất mau rách. Trải qua rèn luyện say mê, mài miệt nên thư pháp của Vương Hy Chi đạt tới 1 trình độ rất cao.

Vì xuất thân trong 1 gia đình đại sĩ tộc, lại có tài hoa xuất chúng, nên các công khanh đại phu trong triều đều tiến cử ông ra làm quan. Ông đã làm tới chức nội sử và Hữu Quân tướng quân. Ông không thích cảnh phồn hoa của kinh thành, chỉ ham thích phong cảnh đẹp ở Cối Kê. Hễ có thời gian nhàn rỗi là dạo chơi sơn thủy cùng bạn bè. Một lần, Vương Hy Chi cùng bè bạn mở tiệc rượu ở Lan Đình thuộc Sơn Âm, Cối Kê. Mọi người vừa uống rượu vừa làm thơ. Cuối cùng Vương Hy Chi cao hứng vung bút viết 1 bài văn kỉ niệm cuộc gặp mặt đó. Đó là bài "Lan Đình tập tự" nổi tiếng. Bản "Lan Đình tập tự" đẹp đẽ do chính tay Vương Hy Chi viết ra đó, xưa nay vẫn được coi là của quí về nghệ thuật thư pháp Trung Quốc. Tiếc thay, bản chính đó đã thất truyền.

Thư pháp của Vương Hy Chi ngày càng nổi tiếng. Người thời đó đều coi mỗi chữ do ông viết ra là của báu. Theo nói lại, một lần ông đến chơi nhà 1 học trò, người học trò tiếp ông nhiệt tình. Ông ngồi cạnh 1 cái bàn mới, thấy mặt bàn sạch sẽ, láng bóng, liền nổi hứng viết chữ, bảo người học trò mang bút mực đến. Người học trò mừng không tả xiết, vội đem bút mực tới cho Vương Hy Chi. Ông liền viết lên mặt bàn mấy dòng chữ làm kỉ niệm, rồi ra về. Mấy hôm sau, người học trò đó có việc, đi khỏi nhà; người cha vào dọn dẹp thư phòng, ngỡ là mặt bàn bị mực làm hỏng, liền dùng dao cạo hết vết mực đi. Người học trò trở về, thấy mấy dòng chữ trên mặt bàn không còn nữa thì buồn rầu, ảo não mất mấy ngày. Lại 1 lần khác, Vương Hy Chi tới 1 làng, thấy ngoài chợ có 1 bà già đang rao bán 1 sọt đầy quạt hình lục giác đan bằng nan tre. Loại quạt này quá thô sơ, không trang trí gì nên chẳng ai chú ý, xem chừng khó mà bán được Bà già hết sức lo lắng, chạy khắp chợ rao đến vã mồ hôi. Vương Hy Chi thấy tình cảnh đó, rất thương bà già, liền tiến tới nói với bà: "Loại quạt của cụ không có hình vẽ, cũng không có chữ, nên khó bán là phải. Tôi viết giúp cụ mấy chữ lên cái quạt, cụ thấy thế nào?".

Bà cụ không biết Vương Hy Chi, nhưng thấy ông nhiệt tình như thế, liền trao sọt quạt cho ông. Vương Hy Chi lấy bút mực, viết lên mỗi chiếc quạt 5 chữ như rồng bay phượng múa, rồi trao trả lại cho bà cụ. Bà cụ già không biết chữ, chỉ thấy chữ viết ngoằn nghoèo, rất chán nản. Vương Hy Chi an ủi: "Cụ đừng ngại, cứ nói với người mua rằng đây là chữ của Vương Hữu Quân viết".

Ông đi khỏi, bà cụ cứ theo lời dặn, rao lên. Người trong chợ thấy đúng là thư pháp của Vương Hữu Quân, liền tranh nhau mua. Chỉ 1 loáng, cả sọt quạt đã bán hết.

Các nghệ thuật gia mỗi người đều có sở thích riêng, người thì thích trồng hoa, người thì thích nuôi chim. Nhưng Vương Hy Chi lại có niềm say mê đặc biệt: bất kì ở đâu có ngỗng đẹp, ông đều có hứng thú đến xem hoặc mua về thưởng ngoạn. Ở Sơn Âm có 1 đạo sĩ muốn nhờ Vương Hy Chi viết cho 1 cuốn "Đạo Đức Kinh", nhưng ông t biết rằng Vương Hy Chi không dễ chép kinh cho ai. Sau, ông ta dò biết Vương Hy Chi rất thích chơi ngỗng trắng, liền tìm mua 1 đàn ngỗng trắng thuộc loại giống tốt. Vương Hy Chi nghe nói nhà đạo sĩ có loại ngỗng đẹp, liền tìm đến xem. Khi tới gần nhà đạo sĩ thì thấy trên dòng sông bên cạnh có 1 đàn ngỗng đang bơi thông thả, con ngỗng nào cũng có bộ lông trắng muốt, làm tôn chiếc mỏ đỏ trên chiếc cổ cao, trông rất đáng yêu. Vương Hy Chi đứng bên bờ sông ngắm mãi, càng ngắm càng say, không muốn rời khỏi nữa. Sau đó, ông bảo người nhà thương lượng với đạo sĩ là người chủ của đàn ngỗng, để ông ta bán đàn ngỗng cho mình.

Đạo sĩ cười nói: "Vương Công đã thích như thế, cũng chẳng cần tốn kém làm gì, tôi xin biếu Người tất cả. Có điều, tôi chỉ có một mong muốn là được Người chép cho một quyển kinh".

Vương Hy Chi không do dự, liền chép ngay 1 bản "Đạo Đức Kinh" và nhận về 1 đàn ngỗng đẹp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net