Truyen30h.Net

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM

19-20

riri_pipi

TỐNG VĂN CÔNG LÙI NHƯỜNG BA XÁ

Sau khi Tấn Văn Công lên ngôi liền chỉnh đốn nội chính, phát triển sản xuất, dần dần xây dựng nước Tấn thành một nước giàu mạnh. Ông cũng muốn làm bá chủ Trung nguyên như Tề Hoàn Công.

Lúc đó, đúng dịp vua Tương Vương nhà Chu phái người tới xin quân cứu viện. Chu Tương Vương có người em khác mẹ là Thái Thúc Đái liên hợp với một số đại thần, mượn quân của nước Địch về toan chiếm ngôi vua. Chu Tương Vương cùng mấy chục đại thần chạy tới nước Trịnh rồi hạ chiếu, yêu cầu các nước chư hầu mang quân giúp nhà vua trở về Lạc Ấp. Các nước chư hầu có người đến thăm hỏi thiên tử, có người tiếp tế đồ dùng, nhưng không có ai chịu đưa quân tới đánh nhau với nước Địch. Có người nói với Chu Tương Vương: "Trong các nước chư hầu hiện nay, chỉ có Tần và Tấn là đủ mạnh để đánh lại nước Địch, còn các nước khác thì e rằng không làm được". Tương Vương liền sai người đến yêu cầu Tấn Văn Công hộ tống mình về nước.

Tấn Văn Công lập tức phái quân đánh bại nước Địch và giết Thái Thúc Đái cùng bộ hạ, hộ tống thiên tử về kinh thành.

Hai năm sau, con Tống Tương Công là Tống Thành Công lại đến xin cứu viện, nói tướng nước Sở là Thành Đắc Thần dẫn quân các nước Sở, Trần, Thái, Trịnh, Hứa đến đánh Tống. Các đại thần đều nói với Tống Văn Công: "Nước Sở xưa nay vẫn ức hiếp các nước chư hầu ở Trung nguyên, chúa công nên giúp đỡ những nước có khó khăn để xây dựng nghiệp bá. Hiện nay chính là thời cơ để làm việc đó".

Tấn Văn Công từ lâu cũng biết, muốn làm bá chủ Trung nguyên thì phải đánh bại nước Sở. Ông liền tuyển thêm quân, tổ chức làm ba cánh, rầm rộ sang cứu Tống.

Năm 632 trước Công nguyên, quân Tấn đánh bại hai nước tay sai của Sở là Tào và Vệ, bắt sống vua hai nước đó.

Sở Thành Vương vốn không muốn đánh nhau với Tấn Văn Công, nên khi nghe Tấn xuất binh, liền cho người truyền lệnh cho Thành Đắc Thần lui quân. Nhưng Thành Đắc Thần cho rằng sớm muộn cũng chiếm được Tống, không muốn bỏ dở liền phái người về báo cáo với Sở Thành Vương: "Tôi không dám nói là nhất định sẽ đánh thắng, nhưng quyết liều một trận sống mái".

Sở Thành Vương không hài lòng, chỉ trao cho Thành Đắc Thần một ít quân. Thành Đắc Thần cho người đến nói với quân Tấn, yêu cầu thả vua Tào và Vệ ra. Tấn Văn Công nói riêng với vua hai nước đó, đồng ý khôi phục ngôi vua cho họ với điều kiện họ phải đoạn giao với Sở. Hai nước Tào, Vệ phải làm theo ý của Tấn.

Thành Đắc Thần vốn định cứu hai nước đó, không ngờ họ lại tuyệt giao với Sở, Thì nổi giận đùng đùng , nói: "Đây đúng là tên giặc Trùng Nhĩ buộc họ làm như vậy". Liền đốc thúc quân đội đi gấp tới phía quân Tấn.

Quân Sở tiến đến, Tấn Văn Công liền hạ lệnh lui quân, một số tướng nước Tấn không thông nói: "Thống soái của quân ta là quốc quân, thống soái của đối phương chỉ là một tướng bày tôi, sao quốc quân phải nhường một tướng bày tôi?"

Hồ Yển giải thích: "Đánh trận thì phải có lý. Lý đúng thì khí thế mới mạnh được. Trước kia, vua Sở từng giúp chúa công ta. Chúa công ta từng hứa trước mặt vua Sở là nếu hai nước giao chiến thì Tấn sẽ tình nguyện lui nhường ba xá. Việc lui quân hôm nay là để thực hiện lời hứa đó. Nếu chúng ta thất tín với Sở, thì thua về lý. Chúng ta đã lui quân mà họ không chịu thôi, cứ tiến lên ép ta, thì họ sẽ thua về lý, lúc đó chúng ta sẽ giao chiến cũng không muộn".

Quân Tấn lùi chín mươi dặm, về tới thành Bộc (nay ở tây nam Quyên Thành, tỉnh Sơn Đông) mới dừng lại, bố trí trận thế vững chắc. Một số tướng Sở thấy quân Tấn lui, muốn ngừng tiến công nhưng Thành Đắc Thần không chịu, bắt đuổi theo tới thành Bộc, đối diện với quân Tấn.

Thành Đắc Thần còn cử người hạ chiến thư cho Tấn Văn Công, lời lẽ rất ngạo mạn. Tấn Văn Công cử người trả lời: "Ân huệ của quí quốc, chúng tôi xưa nay không dám quên nên đã lùi nhường đến đây. Nay quí quốc đã không thông cảm, thì chỉ còn cách đọ sức trên chiến trường thôi".

Cuộc chiến vừa nổ ra, tướng Tấn đã dùng hai lá cờ lớn ra hiệu cho quân lui chạy. Họ còn buộc cành cây vào sau xe chiến làm bụi tung lên mù mịt tỏ ra là hết sức hoảng loạn.

Thành Đắc Thần xưa nay kiêu ngạo không coi quân Tấn ra gì, liền thúc quân đuổi theo. Không ngờ quân Tấn mai phục sẵn cánh trung quân tinh nhuệ, xông ra đánh, cắt đứt quân của Thành Đắc Thần làm mấy khúc. Hai cánh quân vờ thua cũng quay lại đánh, làm cho quân Sở tan tác.

Tấn Văn Công vội hạ lệnh, cho tướng sĩ chỉ đuổi quân Sở chứ không chém giết. Thành Đắc Thần dẫn tàn quân bại tướng về tới nửa đường, tự thấy hổ thẹn, không biết ăn nói thế nào với Sở Thành Vương liền tự sát. Quân Tấn chiếm được doanh trại quân Sở, tịch thu lương thực, ăn uống trong ba ngày rồi mới ca khúc khải hoàn.

Tin quân Tấn đánh thắng quân Sở truyền tới kinh đô Lạc Ấp. Chu Tương Vương và các đại thần đều cho rằng Tấn Văn Công đã lập công lớn. Chu Tương Vương còn thân tới Tiễn Thổ (nay ở tây nam Nguyên Dương tỉnh Hà Nam) úy lạo quân Tấn. Tấn Văn Công nhân dịp đó, xây dựng cho vua Chu một tòa cung điện mới ở Tiễn Thổ, còn mời các chư hầu đến họp, để lập minh ước. Do đó, Tấn Văn Công trở thành bá chủ ở Trung nguyên.


HUYỀN CAO DÙNG MƯU LUI QUÂN TẦN

Tấn Văn Công đánh bại được Sở, hội họp chư hầu. Quốc quân các nước vốn đi theo Sở như Trần, Thái, Trịnh cũng đến dự họp. Nước Trịnh tuy kí minh ước với Tấn, nhưng vẫn sợ Sở, nên lại ngầm kết minh với Sở. Tấn Văn Công được tin đó, dự định lại hội họp chư hầu để đem quân đánh Trịnh. Các đại thần nói: "Đã họp chư hầu mấy lần rồi. Binh mã nước ta cũng đủ để đối phó với Trịnh, hà tất phải làm phiền các nước nữa".

Tấn Văn Công nói: "Cũng được, nhưng Tần đã ước hẹn với ta là có việc gì thì cũng xuất binh, nên không thể không mời họ".

Tần Mục Công đang muốn mở rộng thế lực sang phía đông, liền đích thân dẫn quân tới nước Trịnh. Quân Tấn đóng ở phía tây, quân Tần đóng ở phía đông, thanh thế rất lừng lẫy. Quốc quân nước Trịnh sợ hãi, vội cử một người ăn nói giỏi là Chúc Chi Vũ đến khuyên Tần Mục Công lui quân.

Chúc Chi Vũ nói với Tần Mục Công: "Hai nước Tần, Tấn cùng đánh nước Trịnh thì nước Trịnh tất sẽ mất. Nhưng Trịnh và Tần rất xa nhau. Nước Trịnh mất, đất đai sẽ hoàn toàn thuộc về nước Tấn, thì thế lực Tấn càng mạnh thêm. Ngày nay, Tấn diệt Trịnh ở phía đông, ngày mai có khả năng họ lại xâm phạm Tần ở phía tây, thì có gì tốt với nước ngài? Ngoài ra nếu nước Tần giảng hòa với chúng tôi, thì về sau, sứ giả của quí quốc qua lại, nước Trịnh sẽ tiếp đãi trân trọng, sẽ thuận lợi cho nước ngài. Mong ngài suy xét cho".

Tần Mục Công nghĩ tới việc lợi hại đối với mình, liền đồng ý giảng hòa với Trịnh. Ngoài ra, còn phái ba viên tướng dẫn hai ngàn quân giúp nước Trịnh giữ cửa bắc thành, còn mình dẫn số quân còn lại về nước.

Tấn thấy quân Tần rút về thì nổi giận. Có người chủ trương đuổi theo, đánh cho một trận, có người nói nên diệt hết hai ngàn quân Tần ở cửa bắc.

Tấn Văn Công nói: "Không có sự giúp đỡ của quân Tần, ta sẽ có biện pháp khác". Ông không đồng ý đuổi đánh quân Tần, mà tìm cách lôi kéo quân Trịnh về phía mình cùng nhau lập minh ước, rồi rút quân về nước.

Ba tướng Tần ở nước Trịnh thấy Trịnh lại ngả theo Tấn thì vô cùng giận giữ, liền cử người về tâu với Tần Mục Công, yêu cầu lại đánh nước Trịnh. Tần Mục Công được tin, tuy rất bực bội, nhưng không muốn gây sự với Tấn Văn Công, đành tạm thời nín nhịn.

Hai năm sau, tức là năm 628 trước Công nguyên, Tấn Văn Công chết, con là Tương Công nối ngôi. Có người lại khuyên Tần Mục Công đánh Trịnh. Họ nói: "Vua Tấn là Trùng Nhĩ vừa chết, chưa cử hành tang lễ. Ta nhân dịp này đánh Trịnh thì Tấn quyết không thể nhúng tay được".

Ba tướng Tần còn ở nước Trịnh cũng dâng biểu về nói: "Việc phòng thủ cửa bắc của nước Trịnh nằm trong tay chúng thần, nếu bí mật đem quân tập kích thì nhất định thành công".

Tần Mục Công triệu tập các đại thần bàn cách đánh Trịnh. Hai đại thần có kinh nghiệm nhất là Kiển Thúc và Bách Lý Hề đều phản đối. Kiển Thúc nói: "Điều động đại quân đi đánh một nước xa như thế, ta hành quân mỏi mệt, mà đối phương đã chuẩn bị sẵn sàng thì sao có thể thắng được, vả lại đường hành quân xa như thế thì giấu được ai?"

Tần Mục Công không nghe, liền cử con của Bách Lý Hề là Mạnh Minh Thị làm đại tướng, hai con của Kiển Thúc là Tây Khuất Truật và Bạch Ất Bính làm phó tướng đem theo ba trăm xe trận, bí mật đi đánh nước Trịnh.

Tháng hai năm sau, quân Tần đến địa giới nước Hoạt (nay thuộc tỉnh Hà Nam), bỗng có người ngăn đường, xưng là sứ thần của nước Trịnh, xin gặp tướng Tần. Mạnh Minh Thị giật mình, tự ra tiếp kiến người đó và hỏi anh ta đến làm gì.

Sứ thần đó nói: "Tôi là Huyền Cao. Vua nước tôi nghe tin ba vị tướng quân đến nước Trịnh, nên phái tôi mang chút lễ vật nhỏ mọn để úy lạo tướng sĩ của quí quốc, tỏ chút lòng thành của chúng tôi". Sau đó, dâng lên bốn tấm da bò thuộc và mười hai con bò béo.

Mạnh Minh Thị vốn dự định tập kích bất ngờ trong lúc quân Trịnh không phòng bị. Thế mà nay sứ thần nước Trịnh đã từ xa đến úy lạo quân đội, chứng tỏ rằng nước Trịnh đã biết từ lâu, yếu tố bất ngờ không còn nữa.

Mạnh Minh Thị nhận lễ vật của Huyền Cao và nói: "Chúng ta không đến nước Trịnh đâu, nước ngài không cần phải lo toan, xin hãy về đi".

Khi Huyền Cao đi khỏi, Mạnh Minh Thị nói với những người dưới quyền: "Nước Trịnh đã phòng bị, tập kích không có hy vọng thành công. Chúng ta rút về thôi". Nói xong, diệt nước Hoạt, rồi đem quân về.

Kỳ thực, Mạnh Minh Thị đã mắc lừa Huyền Cao. Huyền Cao vốn là người buôn bò, đang lùa bò sang Lạc Ấp để bán thì gặp quân Tần ở giữa đường. Ông ta thấy rõ ý định của quân Tần, nếu quay trở lại báo với nước Trịnh thì không kịp, liền nảy ra một mẹo, mạo xưng là sứ thần của nước Trịnh để đánh lừa Mạnh Minh Thị, một mặt sai người đi gấp ngày đêm về nước cấp báo.

Vua Nước Trịnh nhận được tin, vội sai người đến cửa bắc để xem động tĩnh của số quân Tần ở đó, quả nhiên phát hiện họ đang mài đao, kiếm sáng loáng, cho ngựa ăn no để chuẩn bị đánh trận. Vua Trịnh liền không còn giữ khách khí, hạ lệnh đuổi khéo số quân Tần đó về nước, và nói: "Các vị ở nước Trịnh đã quá lâu chúng tôi thật không thể cung cấp lương ăn được nữa. Nghe nói các vị đang chuẩn bị về nước. Xin cứ tự nhiên".

Ba tướng Tần biết chuyện đã bị lộ, thấy không thể ở lại được nữa, liền rút quân ngay trong đêm đó.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net