Truyen30h.Net

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM

35-36

riri_pipi

ĐIỀN ĐAN ĐÁNH TRẬN BẰNG TRÂU LỬA

Nhạc Nghị ra quân trong nửa năm, liên tiếp đánh chiếm được hơn 70 thành trì của nước Tề, cuối cùng chỉ còn lại Cử Thành (nay ở huyện Cử, Sơn Đông) và Tức Mặc (nay ở đông nam huyện Bình Độ, Sơn Đông) là hai cứ điểm đơn độc. Quan đại phu nước Tề ở Cử Thành lập con của Tề Vương lên làm vua, tức là Tề Tương Vương. Nhạc Nghị sai quân đánh thành Tức Mặc, quan đại phu giữ thành đem quân ra chống cự, bị tử trận.

Thành Tức Mặc không có chủ tướng, suýt rơi vào cảnh hỗn loạn. Lúc đó, trong thành có một người họ hàng xa với Tề Vương, tên là Điền Đan, đã từng chỉ huy quân đội. Mọi người liền tôn ông làm tướng, chỉ huy việc giữ thành. Điền Đan đồng cam cộng khổ cùng binh lính, đưa người trong gia đình và dòng họ mình biên chế vào đội ngũ để chống lại quân Yên. Người Tức Mặc rất khâm phục ông, nên sĩ khí tăng lên rất nhiều.

Nhạc Nghị vây khốn Cử Thành và Tức Mặc suốt ba năm vẫn chưa hạ được. Ở Yên có kẻ ghen tức với Nhạc Nghị, gièm pha với Yên Chiêu Vương: Nhạc Nghị có thể hạ được hơn 70 thành chỉ có trong nửa năm, tại sao mất tới ba năm mà vẫn chưa hạ được hai thành còn lại? Không phải ông ta không làm được việc đó, mà là có ý thu phục lòng người nước Tề, để chờ dịp sẽ tự mình làm Tề Vương.

Yên Chiêu Vương rất tin Nhạc Nghị nên trả lời: "Công lao của Nhạc Nghị to lớn không thể nói hết, cho dù ông ta có làm Tề Vương thì cũng xứng đáng. Tại sao các ngươi lại nói những lời như thế?".

Yên Chiêu Vương còn cử người sang Lâm Tri gặp Nhạc Nghị, phong Nhạc Nghị làm Tề Vương, Nhạc Nghị hết lòng cảm kích, nhưng dứt khoát cũng không nhận tước vương. Do đó, uy tín của Nhạc Nghị ngày càng cao.

Hai năm sau Yên Chiêu Vương mất, thái tử lên nối ngôi, tức là Yên Huệ Vương. Điền Đan được tin đó, cho rằng thời cơ tốt đã đến, liền phái người sang Yên phao tin, nói Nhạc Nghị đã lên ngôi Tề Vương. Trước kia vì còn tiên vương (tức Yên Chiêu Vương) nên Nhạc Nghị chưa dám nhận. Nay vua mới lên rồi, Nhạc Nghị sẽ ở lại Tề làm vương. Nếu nước Yên cử một đại tướng khác sang thì nhất định sẽ hạ được Cử Thành và Tức Mặc.

Yên Huệ Vương vốn có hiềm khích với Nhạc Nghị, nghe tin đồn đó, liền cử Kỵ Kiếp sang làm đại tướng thay cho Nhạc Nghị. Nhạc Nghị vốn người nước Triệu, liền trở về Triệu. Kỵ Kiếp được phong làm đại tướng, đến thay Nhạc Nghị, các tướng sĩ Yên không phục nhưng chỉ hậm hực không dám nói ra.

Kỵ Kiếp hạ lệnh vây chặt Tức Mặc, hết vòng này đến vòng khác. Nhưng ở trong thành Điền Đan đã chuẩn bị đầy đủ kế hoạch phản công. Mấy hôm sau, binh tướng nước Yên thấy dân chúng đang bàn luận, có người nói: "Trước đây Nhạc tướng quân rất tốt, bắt được tù binh còn đối đãi tử tế, dân thường trong thành không phải sợ hãi gì cả. Nếu họ cứ đem tù binh ra cắt mũi đi, thì người nước Tề còn ai dám chống cự nữa". Có người nói: "Phần mộ của tổ tiên chúng ta ở cả ngoài thành, nếu quân đội Yên đào cả lên thì làm thế nào?".

Những lời bàn đó lọt vào tai Kỵ Kiếp, ông ta liền làm theo những lời đó, cắt hết mũi của tù binh, lại sai binh lính đào mồ mả của dân Tề ở ngoài thành lên. Nhân dân trong thành Tức Mặc thấy quân Yên ngược đãi tù binh như thế, hết thảy đều căm thù, lại thấy phần mộ của ông cha ở ngoài thành bị đào bới cả lên thì vô cùng phẫn uất, nhao nhao đòi Điền Đan cho xuất quân, quyết một trận tử chiến với quân Yên.

Điền Đan còn phái mấy người đóng vai các người giàu có trong thành, lẻn ra gặp Kỵ Kiếp, biếu xén tiền bạc rồi nói: "Lương thực trong thành đã hết cả, chỉ mấy hôm nữa sẽ phải đầu hàng. Khi quân đội quí quốc vào thành, xin bảo vệ cho gia đình chúng tôi".

Kỵ Kiếp phấn khởi nhận lễ vật và đồng ý với đề nghị của họ. Vì vậy, quân Yên chỉ đợi thành Tức Mặc đầu hàng, không còn nghĩ gì đến việc chiến đấu nữa. Điền Đan chọn ra 1000 con trâu, khoác vải ngũ sắc ra ngoài, vẽ thêm những hình thù li kì cổ quái, trên sừng có buộc dao nhọn, đuôi buộc bó lau tẩm dầu. Điền Đan còn hạ lệnh đào đường hầm dưới thành, rồi lùa trâu vào. Đến nửa đêm, nhất tề châm lửa vào đuôi trâu, làm chúng hoảng sợ. theo đường hầm lao ra ngoài xông thẳng vào doanh trại quân Yên. 5000 tráng sĩ cảm tử của Tề vung đại đao và trường mâu , theo sau đàn trâu, xông xáo chém giết quân Yên.

Toàn thể dân chúng trong thành từ già đến trẻ, đều trèo lên mặt thành, khua gõ nồi đồng, chậu đồng, hò reo trợ chiến. Tiếng động và tiếng hò reo vang trời dậy đất làm quân Yên đang ngủ say phải choàng dậy, chỉ thấy thấp thoáng dưới ánh lửa hàng đàn quái vật hung dữ đang xông tới. Binh sĩ Yên sợ run người, không còn chiến đấu được nữa. Không kể số binh sĩ Yên bị đàn trâu húc chết và dẫm đạp, không kể số binh sĩ Yên bị 5000 tráng sĩ Tề đâm chém, riêng số cuống cuồng chạy trốn, giày xéo lên nhau mà chết cũng không tài nào tính xuể.

Tướng Yên là Kỵ Kiếp ngồi trên chiến xa, muốn mở một đường máu chạy trốn, nhưng xông được ra ngoài, lại bị quân Yên vây chặt, cuối cùng cũng chết trong đám loạn quân. Quân Tề thừa thắng phản công. Cả nước Tề đều vùng lên hưởng ứng. Các địa phương bị quân Yên chiếm lĩnh nhất tề nổi dậy, giết chết tướng Yên, đón quân của Điền Đan. Chỉ trong vòng mấy tháng, quân dân Tề đã thu phục lại hơn 70 tòa thành bị quân Yên và quân các nước Tần, Triệu, Hàn, Ngụy chiếm lĩnh.

Điền Đan liền đón Tề Tương Vương từ Cử Thành về Lâm Tri. Nước Tề từ tình trạng hầu như mất nước, đã được thu phục lại.


KHUẤT NGUYÊN TRẪM MÌNH

Nước Sở từ khi bị Tần đánh thua, luôn bị Tần ức hiếp. Sở Hoài Vương lại muốn liên hiệp với Tề. Tần Chiêu Tương Vương lên ngôi, liền viết thư cho Sở Hoài Vương, lời lẽ rất khiêm tốn, mời Sở Hoài Vương đến Vũ Quan (nay ở đông nam huyện Đan Phượng, tỉnh Thiểm Tây) để họp và kí kết minh ước. Sở Hoài Vương nhận được thư, thấy rất khó xử: nếu không đi thì sợ Tần mất lòng, nếu đi lại nguy hiểm, liền bàn bạc với các đại thần.

Đại phu Khuất Nguyên nói với Sở Hoài Vương: "Nước Tần tàn bạo như lang sói, chúng ta bị họ ức hiếp đã nhiều lần. Nếu đại vương đến đó nhất định sẽ bị mắc lừa"

Nhưng con của Sở Hoài Vương là công tử Tử Lan lại một mực khuyên Sở Hoài Vương nên đi và nói: "Vì nước ta coi nước Tần là kẻ thù, kết quả đã chết bao nhiêu người, lại mất nhiều đất đai. Nay nước Tần đã muốn hòa hảo với ta, tại sao ta lại từ chối họ?".

Sở Hoài Vương liền nghe theo lời công tử Lan, liền đi sang Tần. Qủa nhiên sự việc diễn ra như Khuất Nguyên dự đoán. Sở Hoài Vương vừa đến Vũ Quan, đã bị binh mã của Tần mai phục từ trước, chặn mất đường về. Trong cuộc hội kiến,Tần Chiêu Tương Vương buộc Sở Hoài Vương phải cắt nhượng đất Kiềm Trung cho Tần. Sở Hoài Vương không đồng ý, Tần Chiêu Tương Vương liền đưa Sở Hoài Vương về giam lỏng tại Hàm Dương, yêu cầu đại thần nước Sở mang đất đai đến chuộc mới tha ra.

Các đại phu nước Sở nghe quốc vương bị bắt, liền lập thái tử lên ngôi vua và cự tuyệt việc cắt nhượng đất đai. Đó là Sở Khoảnh Tương Vương. Công tử Tử Lan được cử làm Lệnh Doãn. Sở Hoài Vương bị giam ở Tần hơn một năm, rất khổ sở, tìm cách trốn khỏi Hàm Dương nhưng bị vua Tần đuổi theo bắt lại. Ông lo buồn sinh bệnh, chẳng bao lâu sau chết ở nước Tần.

Người nước Sở rất bất bình về chuyện Sở Hoài Vương bị nước Tần ức hiếp, bỏ thân ở nước ngoài. Đặc biệt là Khuất Nguyên càng căm uất, ông khuyên Sở Khoảnh Tương Vương chiêu tập nhân tài, xa rời bọn tiểu nhân, khuyến khích tướng sĩ, thao luyện binh mã để báo thù cho đất nước và cho Sở Hoài Vương. Nhưng những lời khuyên của ông không những không có tác dụng gì, mà lại làm cho công tử Tử Lan và Cận Thượng căm ghét. Bọn người này ngày ngày vào vu cáo Khuất Nguyên với Sở Khoảnh Tương Vương: "Đại vương có nghe thấy lời kể tội của Khuất Nguyên không? Ông ta luôn nói với mọi người là đại vương đã quên mất mối thù với nước Tần, là kẻ bất hiếu, các đại thần không chủ trương chống Tần, là kẻ bất trung. Nước Sở sản sinh loại vua tôi bất hiếu bất trung đó thì làm sao mà không mất nước? Đại vương, lời lẽ gì đó thật là khi quân phạm thượng".

Sở Khoảnh Tương Vương nổi giận, cách chức Khuất Nguyên và đày xuống vùng Tương Nam. Khuất Nguyên ôm ấp hoài bão cứu nước cứu dân và chỉ nghĩ cách phú quốc cường dân, lại bị bọn gian thần bài xích, thì uất giận điên người. Sau khi đến Tương Nam, ông thường đi ven bờ sông Mịch La (nay ở đông bắc tỉnh Hồ Nam), vừa đi vừa cất lên lời ca ai oán. Những nông dân vùng đó biết ông là một đại thần yêu nước đều rất thương cảm. Có một ông lão đánh cá trên sông Mịch La, rất khâm phục nhân cách của Khuất Nguyên, nhưng không tán thành tình cảm sầu muộn của ông.

Một lần Khuất Nguyên gặp ông lão đánh cá đó. Ông lão nói với Khuất Nguyên: "Ngài là quan đại phu của nước Sở, tại sao phải đến nông nỗi này?"

Khuất Nguyên nói: "Rất nhiều người là kẻ bẩn thỉu, chỉ có ta là người sạch sẽ. Rất nhiều người đều say khướt, chỉ có một mình ta tỉnh táo, cho nên ta bị đuổi đến đây".

Ông lão không cho thế là phải, nói lại: "Nếu ngài đã thấy mọi người là bẩn thỉu, thì không nên giữ cho mình là thanh cao. Nếu nhiều người đều say, thì ngài cần gì phải tỉnh một mình".

Khuất Nguyên phản đối: "Ta nghe người ta nói rằng: người mới gội đầu, thường hay chải tóc; người mới tắm giặt, thường hay phủi bụi trên quần áo. Ta thà nhảy xuống sông, vùi xác trong bụng cá, chứ không thể nhấn tấm thân sạch sẽ trong bùn nhơ, làm ô uế cả thân mình".

Do Khuất Nguyên không chịu trôi nổi theo thói đời, nên tới năm 278 TCN, vào ngày mồng năm tháng năm âm lịch, ông ôm một hòn đá, nhảy xuống sông Mịch La trẫm mình. Nông dân xung quanh được tin đó, đều bơi thuyền đi tìm cứu Khuất Nguyên. Nhưng nước sông mênh mông, không tìm đâu thấy xác ông. Mọi người mò lặn suốt ngày vẫn không có tăm hơi gì. Ông lão đánh cá rất buồn rầu, liền lấy cơm trong giỏ rắc xuống sông, coi như hiến cho linh hồn Khuất Nguyên.

Đến ngày mồng năm tháng năm năm sau, dân ven sông nhớ tới ngày Khuất Nguyên tự trầm, liền bơi thuyền rắc cơm xuống sông để tế lễ ông. Về sau, họ thay cơm bằng bánh trôi, thay thuyền thường bằng thuyền rồng. Lâu dần mãi trở thành một phong tục. Cứ đến mồng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm, gọi là Tết Đoan ngọ, họ lại tiến hành tục lệ trên.

Khuất Nguyên mất đi, nhưng ông để lại một số tác phẩm thi ca ưu tú, trong đó nổi tiếng nhất là "Ly Tao". Trong tác phẩm ông lên án gay gắt bọn tiểu nhân bán nước, biểu lộ tình cảm yêu nước thương dân của mình, gửi gắm tình cảm vô cùng sâu đậm vào mỗi gốc cây ngọn cỏ của nước Sở. Người đời sau đều công nhận Khuất Nguyên là một nhà thơ yêu nước kiệt xuất của Trung Quốc thời cổ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net