Truyen30h.Net

Lich Su Trung Quoc 5000 Nam

CUỘC KHỞI NGHĨA Ở LÀNG ĐẠI TRẠCH

Để chống lại Hung Nô, Tần Thủy Hoàng cho xây dựng Trường thành, phái 30 vạn quân và trưng tập rất nhiều dân phu, số lượng có lúc lên tới mấy chục vạn, để mở mang phương nam ông ta lại huy động 30 vạn quân dân. Ngoài ra còn dùng 70 vạn tù phạm đế xây dựng Cung A Phòng đồ sộ và cực kì tráng lệ. Đến khi Nhị Thế lên ngôi, lại trưng tập mấy chục vạn tù phạm và dân phu, để xây dựng lăng mộ Tần Thủy Hoàng với qui mô lớn. Lăng mộ đó xây dựng rất lớn, rất sâu, dùng rất nhiều đồng nấu chảy đổ xuống làm nền móng, bên trên xây dựng những tòa nhà bằng đá, làm đường đi vào mộ và huyệt mộ. Nhị Thế lại sai thợ đào thành hình dạng sông hồ, đồ thủy ngân vào và táng Thủy Hoàng ở đó.

An táng xong, để đề phòng có kẻ đào trộm, lại sai thợ lắp đặt trong mộ những khí cụ giết người. Cuối cùng, để giữ bí mật công trình, liền thủ tiêu tất cả thợ thuyền tham gia xây dựng, chôn xác trong mộ đạo, không chừa lại một người nào. Xây xong phần mộ, Nhị Thế và Triệu Cao lại tiếp tục xây dựng Cung A Phòng. Lúc đó, nhân khẩu toàn Trung Quốc có không quá 20 triệu. Số bị huy động đi xây dựng Trường thành, khai phá miền nam, xây Cung A Phòng, xây lăng mộ và những việc khác, tất cả tới hai-ba triệu, tiêu hao không biết bao nhiêu nhân tài, vật lực, khiến nhân dân kêu ca, oán giận vang trời dậy đất.

Năm 209 TCN, quan địa phương ở Dương Thành (nay ở đông nam Đăng Phong, Hà Nam), cử hai viên quan cấp dưới dẫn 900 dân phu đến Ngư Dương (nay ở tây nam Mật Vân, thành phố Bắc Kinh) làm nhiệm vụ phòng thủ. Hai viên quan chọn trong số tráng đinh hai người to lớn nhất, lại có năng lực làm việc, cử làm đồn trưởng, để họ chỉ huy những người khác. Hai người đó, một người tên là Trần Thắng, người ở Dương Thành, vốn đi làm thuê dài hạn cho người khác. Một người tên là Ngô Quảng, người ở Dương Hạ (nay là huyện Thái Khang, Hà Nam), là một nông dân nghèo khổ.

Khi còn trẻ tuổi, Trần Thắng đã tỏ ra là một người có chí khí. Ông cùng các bạn làm công khác cùng đi làm ruộng cho địa chủ, thường nghĩ: "ta còn trẻ trung, khỏe mạnh, tại sao quanh năm suốt tháng cứ phải đi làm trâu ngựa cho kẻ khác. Thế nào rồi cũng có ngày, ta phải làm nên sự nghiệp lớn." Một lần, trong khi ngồi nghỉ với các bạn bên bờ ruộng, ông nói: "Chúng ta sau này nếu ai giàu sang, đừng quên bạn bè cũ nhé!". Mọi người thấy câu nói có vẻ nực cười, liền nói: "Cái thân đi làm thuê cho người ta, lấy đâu ra giàu sang".

Trần Thắng thở dài, nói: "Ôi, loài chim sẻ, hiểu sao được chí hướng của hồng nhạn". Trần Thắng và Ngô Quảng vốn không biết nhau. Tới khi đi làm phu mới gặp, cùng hoàn cảnh và chí hướng nên nhanh chóng trở thành bạn bè thân thiết. Họ chỉ lo lỡ kỳ hạn, nên ngày ngày mải miết đi lên phía bắc. Đến làng Đại Trạch (nay ở đông nam huyện Túc, An Huy) gặp mưa lớn ròng rã nhiều ngày, nước dân lên ngập đường không đi tiếp được. Họ đành phải nghỉ lại, chờ trời ngớt mưa để tiếp tục hành trình. Pháp luật triều Tần rất nghiêm,dân phu bị điều động nếu đến chậm sẽ bị chém. Mọi người thấy trời mưa liên tục, ai cũng lo cuống như kiến trên chảo nóng, không biết làm sao. Trần Thắng bàn riêng với Ngô Quảng: "Ở đây còn cách Ngư Dương mấy ngàn dặm, không có cách gì đến đúng kì hạn được, chẳng lẽ chúng ta đành đến chịu chết sao?".

Ngô Quảng nói: "Như thế sao được. Hay chúng ta bỏ trốn đi".

Trần Thắng nói: "Trốn mà bị bắt lại cũng chết, vùng lên chống lại cũng chết. Đằng nào cũng chết nhưng chống lại mà chết còn vẻ vang hơn. Dân chúng đã khổ vì triều Tần nhiều lắm rồi. Nghe nói Nhị Thế là một thằng trẻ con, vốn không đến lượt làm hoàng đế. Làm hoàng đế đáng ra phải là Phù Tô, vốn được mọi người yêu mến. Còn Hạng Yên là một đại tướng nước Sở, từng lập công lớn, mọi người đều biết ông ta là một trang hảo hán, hiện nay không biết còn sống hay đã chết. Nếu chúng ta lấy danh nghĩa Phù Tô và Hạng Yên để hiệu triệu thiên hạ, thì người nước Sở nhất định sẽ hưởng ứng chúng ta".

Ngô Quảng hoàn toàn tán thành chủ trương của Trần Thắng. Để thu phục lòng người, họ lợi dụng lòng tin quỉ thần của người thời đó, nghĩ ra một kế, dùng một mảnh lụa, mài chu sa viết lên ba chữ đỏ "Trần Thắng vương" rồi nhét vào bụng một con cá mới đánh được. Binh sĩ mua con cá đó mang về, mổ cá ra, phát hiện thấy ba chữ đó thì vô cùng kinh lạ. Tới nửa đêm, Ngô Quảng lại lẻn đến một tòa miếu cổ gần đó, thắp đuốc lên, trước hết giả làm tiếng cáo kêu, sau đó gào lên "Đại Sở hưng, Trần Thắng vương" (nước Đại Sở dấy lên, Trần Thắng làm vua). Binh sĩ trong doanh trại nghe tiếng, vừa kinh lạ vừa sợ hãi.

Hôm sau mọi người thấy Trần Thắng, đều xì xào nói cho nhau những chuyện nghe được. Lại thấy Trần Thắng hàng ngày đối đãi với mọi người rất tốt, nên càng tôn kính ông ta. Một hôm, hai viên quan uống rượu say, Ngô Quảng cố ý tới chọc tức, nói dù sao thì cũng đã lỡ hạn rồi, chi bằng giải tán cho mọi người trở về thôi. Hai viên quan quả nhiên nổi giận, dùng gậy đánh Ngô Quảng, lại rút kiếm ra, toan chém. Ngô Quảng giằng lấy kiếm, thuận tay chém chết luôn một tên, Trần Thắng chạy đến, giết nốt tên còn lại. Trần Thắng triệu tập các binh sĩ và dân phu lại nói: "Kẻ nam tử, đại trượng phu không nên đi để chết uổng mạng. Nếu chết cũng phải chọn cái chết cho xứng đáng. Vương hầu tướng soái chẳng dành cho riêng ai, miễn kẻ nào có chí là được".

Mọi người hô lớn: "Đúng như vậy, chúng tôi xin nghe theo ngài". Trần Thắng bảo mọi người dựng một cái đài, may một lá cờ, trên viết một chữ "Sở" rất lớn. Mọi người cùng tuyên thệ sẽ một lòng một dạ đánh đổ triều Tần. Họ tiến cử Trần Thắng, Ngô Quảng làm thủ lĩnh. Chín trăm hảo hán liền chiếm luôn làng Đại Trạch. Nông dân gần đó nghe tin, đều mang lương thực tới úy lạo, thanh niên đều đem cuốc xẻng gậy gộc đến xin tòng quân. Người nhiều, không đủ dao kiếm và cờ quạt, họ liền chặt cây đẽo gỗ làm kiếm, chặt tre làm cờ. Như vậy, Trần Thắng và Ngô Quảng đã tổ chức nên cuộc khởi nghĩa nông dân đầu tiên trong lịch sử. Sử sách gọi sự kiện này là "giơ gậy làm cờ".

Quân khởi nghĩa đánh hạ huyện Trần (nay là Hoài Dương, Hà Nam), Trần Thắng mời các phụ lão huyện Trần tới bàn bạc. Mọi người nói: "Tướng quân báo thù cho trăm họ khắp thiên hạ, chinh phạt nước Tần bạo ngược. Công lao to lớn như thế, cần phải xưng vương". Trần Thắng liền được tôn làm vương, lấy quốc hiệu là "Trương Sở" (nước Sở mở rộng).


LƯU BANG VÀ HẠNG VŨ

Sau khi Trần Thắng, Ngô Quảng khởi nghĩa, nhân dân các nơi rầm rộ vùng lên giết quan lại, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa. Không bao lâu, làn sóng nổi dậy của nông dân dâng trên quá nửa nước Trung Hoa. Trần Thắng điều binh khiển tướng đi tiếp ứng cho các cuộc khởi nghĩa khắp nơi. Họ đánh đâu thắng đó, giành được nhiều đất đai. Nhưng vì chiến tuyến dài, hiệu lệnh không thống nhất nên có nơi bị quí tộc cũ của sáu nước chiếm mất. Sau khi khởi nghĩa nổ ra chưa đầy ba tháng, ở các nước Triệu, Tề, Yên, Ngụy đã có nhiều người giương ngọn cờ khôi phục sáu nước, tự lập làm vương.

Trần Thắng phái cánh quân của Chu Văn tiến công về hướng tây, nhanh chóng tiến vào Quan Trung (tức vùng từ Hàm Cốc quan về phía tây) đến gần thủ đô Hàm Dương. Tần Nhị Thế hoang mang lo sợ, vội phái đại tướng Chương Hàm thu thập dân phu và phạm nhân đang làm lao dịch ở Ly Sơn, biên chế thành đội ngũ, phản công lại nghĩa quân. Bọn quí tộc cũ tại sáu nước tự chiếm lĩnh địa địa bàn của mình, không hề tiếp viện cho nghĩa quân. Cánh quân của Chu Văn phải tác chiến đơn độc, cuối cùng thất bại. Ngô Quảng bị kẻ phản bội giết hại ở Huỳnh Dương. Tới tháng thứ sáu từ khi khởi nghĩa bắt đầu, Trần Thắng cũng bị kẻ phản bội giết trên đường lui quân.

Tuy Trần Thắng, Ngô Quảng mất, nhưng ngọn lửa chống Tần do họ nhóm lên vẫn lan rộng khắp nơi. Tại quận Cối Kê ở miền nam (trị sở nay ở Tô Châu, Giang, Tô), thanh thế quân khởi nghĩa rất lớn. Người lãnh đạo nghĩa quân ở Cối Kê là Hạng Lương cùng với cháu là Hạng Vũ. Hạng Lương là con của Hạng Yên, đại tướng nước Sở trước kia. Khi Sở bị đại tướng Vương Tiễn của Tần tiêu diệt, thì Hạng Yên thất bại tự sát. Hạng Lương vẫn muốn khôi phục Sở. Cháu Hạng Lương là Hạng Vũ, một người to lớn và rất thông minh. Hạng Lương thân dạy Hạng Vũ học chữ, nhưng chỉ học mấy ngày, Hạng Vũ không muốn học nữa. Hạng Lương lại dạy Hạng Vũ học múa kiếm, nhưng sau một thời gian, Hạng Vũ cũng bỏ. Thấy Hạng Lương rất giận, Hạng Vũ thản nhiên giải thích: "Học chữ thì có tác dụng gì? Biết chữ, chẳng qua chỉ để viết cái tên mình. Còn học kiếm, dù có giỏi, cũng chỉ để đánh được mấy người, không có gì ghê gớm. Đã học, thì phải học cái gì đối phó được hàng vạn người".

Hạng Lương thấy khẩu khí Hạng Vũ như thế, liền đem binh thư do tổ tiên truyền lại dạy cho Hạng Vũ. Hạng Vũ chỉ nghe qua là hiểu, nhưng chỉ nắm đại ý, không chịu đi sâu vào chi tiết. Hạng Lương vốn là người ở Hạ Tương (nay ở tây nam Túc Thiên, Giang Tô), vì có thù oán với người khác nên tránh đến Ngô Trung thuộc quận Cối Kê. Thanh niên ở Ngô Trung thấy Hạng Lương tài kiêm văn võ đều rất khâm phục, tôn là đại ca. Hạng Lương liền dạy họ học binh pháp, luyện võ nghệ. Khi nghe tin Trần Thắng khởi nghĩa, họ thấy cơ hội đã đến, liền nổi lên giết quận thú Cối Kê, chiếm lấy quận. Chỉ trong mấy ngày, đã tổ chức được một đội ngũ gồm tám ngàn người. Vì đại đa số trong đó đều là người địa phương, nên gọi là "tử đệ binh" (quân con em).

Hạng Lương, Hạng Vũ dẫn 8000 "tử đệ binh" vượt sông, nhanh chóng chiếm được quận Quảng Lăng (trị sở nay là thành phố Dương Châu, Giang Tô), sau đó lại tiếp tục vượt Hoàng Hà, tiến quân lên phía bắc. Trên đường tiến quân, có rất nhiều cánh quân xin sáp nhập, tình nguyện đứng dưới sự chỉ huy của Hạng Lương. Năm sau, lại có cánh quân hơn 100 người do Lưu Bang chỉ huy, đi theo Hạng Lương. Lưu Bang vốn là người huyện Bái (nay là huyện Bái, Giang Tô), đã làm chức đình trưởng (triều Tần qui 10 dặm là một đình, đình trưởng là chức quan nhỏ cai trị trong phạm vi 10 dặm) dưới triều Tần. Một lần, quan trên sai ông ta dẫn dân phu đến Ly Sơn làm lao dịch. Trên đường mỗi ngày lại có mấy dân phu bỏ trốn, Lưu Bang không thể ngăn trở được, nếu cứ tiếp tục như thế, thì đến Ly Sơn, Lưu Bang không còn đủ dân phu để giao nộp nữa.

Một hôm, trong lúc ngồi nghỉ, Lưu Bang nói: "Các anh đến Ly Sơn làm phu, không chết vì mệt nhọc cũng chết vì bị đánh đập. Nếu không chết thì cũng không biết năm tháng nào mới được về quê quán. Bây giờ, ta tha các anh ra, các anh tự đi tìm đường sống đi". Mọi dân phu đều cảm động rơi nước mắt, nói: "Thế còn ngài, ngài sẽ làm thế nào?"

Lưu Bang nói: "Ta cũng không thể trở về được. Thôi thì sẽ trốn đến một nơi nào đó vậy". Lúc đó có hơn 10 dân phu tình nguyện đi theo Lưu Bang. Họ đi đến núi Mang Đãng, ẩn náu ở đó. Qua mấy ngày, đã tập hợp được hơn 100 người. Ở huyện Bái có một người làm văn thư tên là Tiêu Hà và một người coi ngục là Tào Tham, biết Lưu Bang là người nghĩa khí nên rất đồng tình và ngầm giao thiệp với ông. Đến khi Trần Thắng nổi lên chiếm được huyện Trần, Tiêu Hà và dân chúng trong huyện Bái liền giết chết quan huyện và phái người đến núi Mang Đãng mời Lưu Bang về, xin ông đứng đầu huyện Bái. Mọi người gọi ông ta là Bái Công.

Lưu Bang khởi binh ở huyện Bái, chiêu tập được vài ba ngàn người, liền đánh chiếm quê hương của mình là Phong Hương. Sau đó, ông ta dẫn quân đánh chiếm các huyện thành khác, không ngờ số quân ở Phong Hương làm phản. Lưu Bang nghe tin, muốn về chiếm lại Phong Hương, nhưng không đủ quân, đành đến nơi khác mượn quân. Đến Lưu Thành (nay ở đông nam huyện Bái, Giang Tô) thì vừa gặp Trương Lương dẫn hơn một trăm người đi tìm quân khởi nghĩa. Hai người gặp nhau, bàn bạc, thấy trong số quân khởi nghĩa trong vùng, chỉ có Hạng Lương là có thanh thế lớn nhất, liền quyết định đến theo Hạng Lương. Hạng Lương thấy Lưu Bang cũng là một nhân tài, liền cấp cho một số người ngựa để về chiếm lại Phong Hương. Từ đó, Lưu Bang, Trương Lương đều trở thành bộ hạ của Hạng Lương. 

Sau khi các lãnh tụ khởi nghĩa chủ yếu là Ngô Quãng, Trần Thắng mất đi, quyền lãnh đạo các nơi rơi vào tay các quí tộc cũ của sáu nước. Họ tranh giành đất đai của nhau, gây nên tình thế chia năm xẻ bảy. Đại tướng Chương Hàm và Lý Do của Tần toan nhân cơ hội đó để lần lượt diệt từng lực lượng một. Trước tình hình khẩn cấp đó, Hạng Lương mở một hội nghị ở Tiết Thành, quyết tâm chỉnh đốn lại lực lượng khởi nghĩa. Để có danh nghĩa chính đáng, Hạng Lương nghe theo lời mưu sĩ Phạm Tăng, tìm người cháu (tên là Tâm) của Sở Hoài Vương đang lưu lạc trong dân gian, lập làm Sở Vương. Vì người nước Sở vốn thương Sở Hoài Vương vì bị lừa phải chết ở Tần nên đều đi theo. Để tăng thêm sức hiệu triệu, người ta lại tôn xưng vua mới của Sở là Sở Hoài Vương.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net