Truyen30h.Net

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM

53-54

riri_pipi

YẾN TIỆC Ở HỒNG MÔN

Sau khi tiếp nhận sự đầu hàng của Chương Hàm, Hạng Vũ muốn nhân dịp nước Tần nổi loạn, đem quân với Hàm Dương. Đại quân đến Tân An (nay là Tân An, Hà Nam), số quân Tần đầu hàng bàn bạc với nhau:" Gia đình chúng ta ở Quan Trung, bây giờ đánh vào đó, người bị tai nạn lại chính là gia đình chúng ta. Nếu đánh vào không được, quân Sở lại đem chúng ta sang phía đông, gia đình chúng ta sẽ bị triều Tần giết hết. Làm thế nào bây giờ?".

Các bộ tướng nghe thấy lời bàn bạc đó, liền báo với Hạng Vũ. Hạng Vũ sợ không quản lý được, liền nảy ra ý định tàn sát, trừ Chương Hàm và hai hàng tướng ra, còn lại chỉ trong một đêm, đem chôn sống hết hơn 20 vạn quân Tần. Từ đó về sau, Hạng Vũ nổi tiếng là người tàn bạo. Đại quân của Hạng Vũ đến cửa Hàm Cốc, thấy trên cửa quan có quân đóng giữ, không cho tiến vào. Tướng sĩ giữ cửa quan nói: "Chúng tôi vâng lệnh Bái Công, bất kì đội quân nào cũng không cho vào". Hạng Vũ bừng bừng nổi giận, hạ lệnh cho tướng sĩ đánh mạnh vào Hàm Cốc quan. Binh lực của Lưu Bang ít, nên chẳng mấy lúc, Hạng Vũ đã đánh vào cửa quan, sau đó tiếp tục tiến lên, đến thẳng Tân Phong, Hồng Môn (nay ở đông bắc Lâm Đồng, Thiểm Tây) rồi đóng quân lại.

Thủ hạ của Lưu Bang có một viên quan tên là Tào Vô Thương, muốn đi theo Hạng Vũ, liền phái người đến mật cáo với Hạng Vũ: "Lần này Bái Công vào Hàm Dương là muốn làm vương ở đó". Hạng Vũ nghe tin, nổi giận chửi rủa tàn tệ. Mưu sĩ Phạm Tăng nói với Hạng Vũ: "Lần này Lưu Bang vào Hàm Dương, không tham lấy của cải và gái đẹp, tỏ rằng ông ta có mưu đồ lớn. Bây giờ không tiêu diệt đi thì hậu loạn sẽ khôn cùng".

Hạng Vũ hạ quyết tâm tiêu diệt binh lực của Lưu Bang. Lúc đó, quân của Hạng Vũ có 40 vạn, đóng tại Hồng Môn. Quân của Lưu Bang có 10 vạn, đóng tại Bá Thượng. Hai bên đóng cách nhau 40 dặm, lực lượng lại rất chênh lệch, nên Lưu Bang ở vào tình thế rất nguy hiểm. Chú của Hạng Vũ là Hạng Bá, vốn là bạn cũ của Trương Lương đã từng chịu ơn cứu mạng của Trương Lương. Ông ta sợ nếu hai bên đánh nhau thì Trương Lương sẽ bị nguy hiểm, liền phóng ngựa suốt đêm tới Bá Thượng gặp Trương Lương, khuyên Trương Lương nên trốn đi. Trương Lương không chịu rời bỏ Lưu Bang, và nói cho Lưu Bang biết tình hình đó.

Lưu Bang liền cùng Trương Lương đến gặp Hạng Bá, ra sức biện bạch là bản thân không hề có ý chống Hạng Vũ, xin Hạng Bá nói giúp với Hạng Vũ. Hạng Bá nhận lời và dặn Lưu Bang nên thân đem lễ vật tới chào Hạng Vũ. Sáng hôm sau, Lưu Bang dẫn Trương Lương, Phàn Khoái và hơn 100 tùy tùng, đến Hồng Môn bái kiến Hạng Vũ. Lưu Bang nói: "Tôi cùng với tướng quân đồng tâm hiệp lực đánh quân Tần, tướng quân ở phía bắc sông, tôi ở phía nam sông (Hoàng Hà). Bản thân tôi cũng không ngờ lại vào được cửa quan trước. Hôm nay gặp tướng quân ở đây, thật là một việc vui mừng. Ngờ đâu lại có người gièm pha trước mặt tướng quân khiến tướng quân giận dữ. Thật là một điều đại bất hạnh".

Hạng Vũ thấy Lưu Bang ăn nói nhún nhường, liền tiêu tan cơn giận, thật thà nói: "Đó chính là do Tào Vô Thương, bộ hạ của ông nói ra. Nếu không, ta làm sao biết được". Hôm đó, Hạng Vũ giữ Lưu Bang ở lại quân doanh dự tiệc, mời Phạm Tăng, Hạng Bá, Trương Lương cùng dự. Trong tiệc rượu, mấy lần Phạm Tăng đưa mắt ra hiệu cho Hạng Vũ và nâng ngọc quyết đeo bên mình lên, tỏ ý yêu cầu Hạng Vũ hạ quyết tâm thừa cơ giết ngay Lưu Bang. Nhưng Hạng Vũ cố ý làm ra vẻ không nhìn thấy. Phạm Tăng thấy Hạng Vũ không nỡ hạ thủ, liền lấy cớ đi ra ngoài tìm người anh em họ của Hạng Vũ là Hạng Trang, nói: "Đại vương của chúng ta (chỉ Hạng Vũ) mềm yếu quá. Anh hãy vào chúc rượu, rồi lựa dịp đâm chết Lưu Bang đi cho xong".

Hạng Trang vào chúc rượu, rồi nói: "Trong quân không có gì giải trí, tôi xin múa kiếm giúp vui". Nói xong, rút kiếm ra múa, mỗi lúc tiến dần tới trước Lưu Bang. Hạng Bá thấy dụng ý của Hạng Trang là muốn giết Lưu Bang, liền nói: "Để ta cùng múa đôi cho vui". Rồi ông ta cũng rút kiếm ra múa, vừa múa vừa lấy thân mình ra che đỡ cho Lưu Bang, khiến Hạng Trang không thể tới gần được. Trương Lương thấy tình hình căng thẳng, liền xin phép đi ra ngoài, tìm Phàn Khoái đang đứng ngoài cửa chính. Phàn Khoái vội hỏi: "Có việc gì vậy?". Trương Lương nói: "Tình thế rất nguy cấp, hiện Hạng Trang đang múa kiếm, có ý muốn hạ thủ Bái Công".

Phàn Khoái nhảy lên nói: "Đã thế thì cùng chết". Rồi tay phải cầm kiếm, tay trái cầm thuẫn, xông vào quân doanh. Vệ sĩ muốn ngăn lại, Phàn Khoái cầm thuẫn gạt mạnh, làm vệ sĩ ngã quay ra đất. Ông ta gạt màn, xông thẳng vào, giận dữ nhìn Hạng Vũ, đầu tóc dựng ngược, hai mắt trợn trừng, tưởng như nứt cả kẽ mắt. Hạng Vũ giật mình, chống kiếm hỏi: "Kẻ nào đó? Đến đây làm gì?"

Trương Lương đã cùng vào, trả lời thay: "Thưa Đại vương, đây là người đánh xe cho Bái Công, tên là Phàn Khoái". Hạng Vũ nói: "Đúng là một tráng sĩ". Rồi gọi tùy tùng mang đến cho Phàn Khoái một bát rượu và một đùi lợn. Phàn Khoái vừa uống rượu vừa giận dữ nói: "Lúc trước, Hoài Vương có giao hẹn với tướng sĩ là ai vào cửa quan trước, người đó sẽ được phong vương. Nay Bái Công vào trước, đã không lên làm vương, lại niêm phong kho tàng, đóng cửa cung điện, đem quân đóng ở Bá Thượng, ngày ngày mong chờ tướng quân đến. Công lao to lớn như thế, đã không được khen thưởng gì, mà tướng quân lại còn muốn giết ông ta. Đó là tướng quân lại muốn đi theo con đường cũ của Tần Vương, tôi trộm lấy làm lo thay cho tướng quân".

Hạng Vũ nghe nói, không trả lời được, chỉ nói: "Ngồi xuống đi". Phàn Khoái liền ngồi xuống cạnh Trương Lương. Một lát sau, Lưu Bang đứng dậy đi tiểu, Trương Lương và Phàn Khoái cùng theo ra. Lưu Bang trao lễ vật cho Trương Lương để dâng lên Hạng Vũ, nhờ Trương Lương từ biệt giúp với Hạng Vũ, còn mình cùng Phàn Khoái theo đường tắt chạy về Bá Thượng. Lưu Bang đi một lúc lâu, Trương Lương mới trở vào, nói với Hạng Vũ: "Lưu Bang tửu lượng kém, đã uống quá say nên xin phép trở về trước, có sai tôi dâng lên một đôi bạch bích tặng tướng quân và một đôi ngọc đẩu tặng á phụ (chỉ Phạm Tăng)".

Hạng Vũ nhận bạch bích, để cạnh chỗ ngồi, còn Phạm Tăng thì đùng đùng nổi giận, quăng ngọc đẩu xuống đất, rút kiếm băm vằm tan nát, nói: "Hầy! Đúng là thằng trẻ con (chỉ Hạng Vũ). Chẳng có cách nào bày mưu kế cho được. Sau này, người giành được thiên hạ, nhất định sẽ là Lưu Bang, chúng ta chỉ có việc chờ bị bắt làm tù binh thôi".

Cuộc yến tiệc dày công sắp đặt, đã kết thúc một cách không kèn không trống như vậy đó.


TIÊU HÀ ĐUỔI THEO GIỮ HÀN TÍN

Hạng Vũ vào Hàm Dương, giết chết Tần Vương Tử Anh và hơn 800 quí tộc Tần, rồi hạ lệnh đốt cháy Cung A Phòng. Hơn 50 vạn binh sĩ theo Hạng Vũ vào Hàm Dương, không ai là đã không chịu sự áp bức của triều Tần. Nhìn thấy Cung A Phòng tráng lệ, nghĩ tới mối hận cũ, lòng căm thù bốc lên ngùn ngụt. Nay được lệnh của Hạng Vũ, mỗi người đều góp một mớ lửa. Đám cháy lớn bốc lên suốt 3 tháng trời mới tắt. Cung A Phòng chỉ còn lại một đống tro tàn. Hạng Vũ vốn là một quí tộc nước Sở, nhân cơ hội khởi nghĩa nông dân mà tham gia cuộc chiến tranh chống Tần. Sau khi diệt triều Tần, ông không nghĩ tới quyền lợi của quảng đại nông dân, nên lại quyết định phân phong đất đai, khiến cục diện thống nhất của Trung Quốc lại bị chia năm xẻ bảy.

Lúc đó, thủ lĩnh danh nghĩa là Sở Hoài Vương, Hạng Vũ đổi gọi ông là Nghĩa đế, bề ngoài tuy thừa nhận là đế, nhưng thực tế chỉ có hư danh, mọi việc phân phong đều do Hạng vũ chủ trương. Ông cho các quí tộc cũ của sáu nước và các tướng lĩnh có công, tất cả 18 người làm vương, và tự xưng là Tây Sở Bá Vương. Thời kì Xuân thu đã có Bá Vương, Hạng Vũ tự xưng Bá Vương có nghĩa là tự tuyên bố mình có quyền ra lệnh cho các chư hầu, các chư hầu đều phải nghe theo sự chỉ huy. Đến năm sau, Hạng Vũ cũng giết luôn vua bù nhìn là Nghĩa đế.

Sau khi phân phong, các chư hầu phải mang quân về đất phong của mình. Hạng Vũ cũng kéo quân về đô thành Bành Thành (nay là thành phố Từ Châu, Giang Tô). Trong 18 chư hầu, Hạng Vũ kỵ nhất là Lưu Bang. Ông phong Lưu Bang ở vùng xa xôi nhất là Ba Thục và Hán Trung, gọi là Hán Vương. Lại phân phong miền Quan Trung cho ba hàng tướng Tần là Chương Hàm và hai người khác, yêu cầu họ chặn đường, không để Lưu Bang ra khỏi đất phong. Hán Vương Lưu Bang rất không hài lòng về đất phong của mình, nhưng vì binh lực nhỏ yếu, không thể so đo được với Hạng Vũ, đành dẫn quân về Nam Trịnh (nay ở phía đông Hán Trung, Thiểm Tây) là đô thành của vùng này.

Đến Nam Trịnh, Hán Vương phong Tiêu Hà làm thừa tướng; Tào Tham, Phàn Khoái, Chu Bột làm tướng quân, chuẩn bị lực lượng để tranh đoạt thiên hạ với Hạng Vũ. Nhưng binh lính dưới quyền ông chỉ muốn về quê hương, ngày nào cũng có người bỏ trốn, làm cho Hán Vương lo lắng ăn không ngon. Một hôm bỗng có người vào báo: "Thừa tướng trốn mất rồi". Hán Vương lo cuống quít, như bị chém đứt một cánh tay. Đến sớm ngày thứ ba, Tiêu Hà mới trở về. Hán Vương nhìn thấy vừa giận, vừa mừng, trách Tiêu Hà: "Tại sao ngươi lại bỏ trốn?".

Tiêu Hà nói: "Thần đâu có bỏ trốn? Thần chỉ đuổi theo giữ kẻ bỏ trốn lại thôi". Hán Vương hỏi: "Ngươi đuổi theo ai?". Tiêu Hà nói: "Hàn Tín".

Hàn Tín vốn là người ở Hoài Âm. Sau khi Hạng Lương khởi binh, dẫn quân qua Hoài Âm, Hàn Tín liền đi theo, làm một tên lính trong quân Sở. Hạng Lương chết, Hàn Tín lại theo Hạng Vũ. Hạng Vũ thấy Hàn Tín nhanh nhẹn hơn một tên lính thường, liền cho làm một chức quan nhỏ. Mấy lần Hàn Tín hiến kế, Hạng Vũ đều không dùng. Hàn Tín rất thất vọng. Tới khi Hán Vương vào Nam Trịnh, Hàn Tín liền đi theo Hán Vương. Hàn Tín đến Nam Trịnh, Hán Vương cũng chỉ cho làm một chức quan nhỏ. Có lần, Hàn Tín phạm pháp, suýt bị chém đầu. May mà lúc đó, một bộ tướng của Lưu Bang là Hạ Hầu Anh đi qua, Hàn Tín liền kêu lớn: "Hán Vương không muốn chiếm thiên hạ hay sao mà lại chém tráng sĩ".

Hạ Hầu Anh thấy dáng điệu Hàn Tín quả là một trang hảo hán, liền tha ông ta ra và tiến cử với Hán Vương. Hán Vương cử Hàn Tín làm chức quan quản lý lương thực. Sau đó thừa tướng Tiêu Hà gặp Hàn Tín, cùng nhau đàm đạo, thấy Hàn Tín là người có tài, rất khâm phục và nhiều lần đề nghị Hán Vương trọng dụng, nhưng Hán Vương vẫn không nghe theo. Hàn Tín thấy Hán Vương không trọng dụng mình, nên nhân lúc nhiều người bỏ trốn cũng tìm cơ hội trốn đi. Tiêu Hà được tin Hàn Tín bỏ trốn, liền vội vã tự mình cưỡi ngựa tốt đuổi theo. Đuổi suốt hai ngày mới theo kịp và giữ Hàn Tín lại.

Hán Vương thấy Tiêu Hà đuổi theo giữ Hàn Tín, thì nổi giận nói: "Tướng tá bỏ trốn có tới hàng chục người mà ngươi không quan tâm, lại đuổi theo giữ Hàn Tín là cớ làm sao?".

Tiêu Hà nói: "Tướng thông thường thì có hay không cũng được, nhưng nhân tài như Hàn Tín thì có một không hai. Nếu Đại vương muốn ở Hán Trung suốt đời thì không cần dùng đến Hàn Tín; còn nếu muốn chiếm lấy thiên hạ thì không thể không dùng ông ta. Như vậy, Đại vương định thế nào?".

Hán Vương nói: "Đương nhiên ta muốn sang phía đông, chứ sao lại muốn ở đây mãi".

Tiêu Hà nói: "Đại vương muốn giành thiên hạ thì mau mau trọng dụng Hàn Tín. Nếu không trọng dụng thì trước sau anh ta cũng bỏ đi thôi".

Hán Vương nói: " Thôi được, ta nghe lời ngươi, cho ông ta làm tướng"

Tiêu Hà nói: "Phong làm tướng cũng không giữ được ông ta đâu"

Hán Vương nói: "Thì phong ông ta làm đại tướng vậy".

Tiêu Hà phấn khởi nói: "Đại vương thật là sáng suốt".

Hán Vương bảo Tiêu Hà gọi Hàn Tín tới, định phong ngay làm đại tướng. Tiêu Hà thẳng thắng nói: "Thường ngày đại vương ít chú ý đến lễ tiết. Phong đại tướng là một việc lớn, không thể tùy tiện gọi người ta đến như trò đùa của trẻ con. Nếu đại vương quyết tâm phong Hàn Tín làm đại tướng, thì phải chọn ngày tốt, lập đàn, tiến hành nghi thức bái tướng long trọng mới được".

Hán Vương nói: "Cũng được! Ta nghe theo ngươi"

Trong trại Hán lưu truyền tin tức: Hán Vương đang chọn ngày lập đàn bái tướng. Mấy tướng theo Hán vương từ đầu từng có công, đều phấp phỏng không ngủ được, cho rằng chắc chắn chức đại tướng sẽ phong cho mình. Đến ngày bái tướng, mọi người mới được biết là người được phong làm đại tướng lại là anh chàng Hàn Tín mà hàng ngày ai cũng coi thường, thì tất cả đều ngơ ngác. Sau khi cử hành nghi thức bái tướng, Hán Vương tiếp kiến Hàn Tín và nói: "Thừa tướng đã nhiều lần tiến cử tướng quân. Tướng quân nhất định có kế sách hay, xin tướng quân chỉ giáo". Hàn Tín tạ ơn tướng quân, sau đó trình bày tường tận cho Hán Vương nghe mọi điều kiện của hai bên Hán, Sở (chỉ Hạng Vũ), và cho rằng nếu đông chinh nhất định sẽ chiến thắng Hạng Vũ. Hán Vương càng nghe càng phấn khởi, cứ tiếc mãi là không sớm phát hiện nhân tài. Từ đó về sau, Hàn Tín chỉ huy tướng sĩ, thao luyện binh mã, dần dần chuẩn bị đủ điều kiện để tiến sang phía đông đánh Hạng Vũ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net