Truyen30h.Net

Lich Su Trung Quoc 5000 Nam

VIÊN LẠC DƯƠNG LỆNH CỨNG CỔ

Sau khi Hán Quang Vũ Đế trấn áp xong 2 đội quân khởi nghĩa nông dân lớn là Lục Lâm, Xích Mi lại tiến hành trấn áp hai thế lực cát cứ lớn ở Lũng Hữu và Thục, thống nhất lại Trung Quốc. Hán Quang Vũ Đế đóng đô ở Lạc Dương. Để phân biệt với triều Hán do Lưu Bang sáng lập đóng đô ở Trường An gọi là Tây Hán, lịch sử gọi vương triều này là Đông Hán hoặc Hậu Hán.

Sau khi lập vương triều Đông Hán, Hán Quang Vũ Đế biết rằng dân chúng rất chán ghét các cuộc chiến tranh giành giật đất đai giữa các địa chủ cường hào các địa phương; vì vậy ông đã vận dụng chính sách vỗ về dân chúng như giảm nhẹ tô thuế, giải phóng nô tỳ, giảm bớt quan lại và mấy lần hạ lệnh đại xá thiên hạ. Do đó, đầu thời Đông Hán, kinh tế được khôi phục và phát triển. Quang Vũ Đế biết rằng chinh phục thiên hạ cần dựa vào vũ lực, nhưng cai trị thiên hạ lại phải dựa vào pháp luật. Nhưng pháp luật chỉ có hiệu lực với dân chúng, còn đối với hoàng thân quốc thích thì vẫn không phát huy được tác dụng. Thí dụ Quang Vũ Đế có người chị cả là Hồ Dương công chúa, thường cậy thế có em là hoàng đế để làm mọi chuyện ngang ngược. Ngay đến bọn tay sai của bà cũng không coi pháp luật của triều đình ra gì.

Quan lệnh Lạc Dương Đổng Tuyên là một người cứng cỏi. Ông cho rằng hoàng thân quốc thích mà phạm pháp thì cũng phải chịu tội như mọi người. Hồ Dương công chúa có một tên gia nô cậy thế hành hung, giết người. Hung thủ trốn trong phủ công chúa, Đổng Tuyên không thể vào khám xét trong phủ công chúa, nên ông cử người hàng ngày chờ ngoài cổng phủ để đón bắt. Một hôm, Hồ Dương công chúa ngồi xe đi ra ngoài, có tên hung thủ đó đi cùng. Đổng Tuyên được tin, liền dẫn nha dịch tới ngăn xe công chúa lại. Hồ Dương công chúa cho rằng ông đã xúc phạm tới mình, liền sầm mặt mắng: "Tên Lạc Dương lệnh này to gan thật! Dám ngăn trở xe của ta sao?"

Đổng Tuyên không hề sợ hãi, rút bảo kiếm ra vạch ngang dưới đất, thẳng thắn quở trách Hồ Dương công chúa dung túng gia nô phạm pháp giết người. Ông không đếm xỉa đến sự ngăn cản của công chúa, sai nha dịch bắt ngay hung thủ, xử tử tại chỗ. Hành động đó khiến Hồ Dương công chúa tức uất người. Bà vào cung, khóc lóc kể với Quang Vũ Đế việc Đổng Tuyên ức hiếp mình. Quang Vũ Đế nổi giận, lập tức cho gọi Đổng Tuyên vào cung, ra lệnh cho nội thị đánh Đổng Tuyên trước mặt Hồ Dương công chúa để bà hả giận. Đổng Tuyên nói: "Xin bệ hạ hãy khoan đánh hạ thần, để hạ thần nói xong, sẽ xin tình nguyện được chết".

Hán Quang Vũ Đế nổi giận đùng đùng nói: "Ngươi còn có gì để nói nữa?"

Đổng Tuyên nói: "Bệ hạ là một hoàng đế trung hưng, cần phải tôn trọng pháp lệnh do chính hoàng đế ban ra. Nay bệ hạ lại để công chúa dung túng nô bộc giết người, thì làm sao cai trị thiên hạ được? Bệ hạ không cần phải đánh, thần xin tự sát trước mặt bệ hạ". Nói xong, ông đứng dậy lao đầu vào cột

Hán Quang Vũ Đế vội bảo nội thị giữ ông lại, thì Đổng Tuyên đã toạc đầu, máu chảy đầm đìa. Hán Vũ Đế thấy Đổng Tuyên nói đúng, và tự thấy đáng ra không nên trách phạt ông. Nhưng để giữ thể diện cho Hồ Dương công chúa, Quang Vũ Đế yêu cầu ông dập đầu lạy xin lỗi công chúa. Đổng Tuyên thà chết chứ nhất định không chịu khấu đầu. Nội thị ấn đầu ông xuống đất, ông chống hai tay, vươn cổ lên, cố sức không để đầu chạm đất. Nội thị biết Quang Vũ Đế cũng không muốn trị tội ông, nhưng để mở lối thoát cho Quang Vũ Đế, liền nói lớn: "Muôn tâu bệ hạ, cổ Đổng Tuyên rất cứng, không sao ấn xuống được".

Quang Vũ Đế đành cười, ra lệnh: "Dẫn anh chàng cứng cổ này ra ngoài".

Hồ Dương công chúa thấy Quang Vũ Đế tha Đổng Tuyên thì rất tức giận nói: "Khi bệ hạ còn là bình dân, còn dám lưu giữ những tội nhân phạm tử tội trốn trong nhà mình, không cho quan lại vào khám xét. Nay đã làm thiên tử, tại sao lại không trừng trị được một tên quan nhỏ như Lạc Dương lệnh".

Hán Vũ Đế nói: "Chính vì bây giờ em đã là thiên tử nên không thể hành động như lúc còn là bình dân nữa".

Cuối cùng, Quang Vũ Đế không những không trị tội Đổng Tuyên, mà còn thưởng cho ông ta 30 vạn đồng tiền vì đã chấp hành pháp luật nghiêm minh. Đổng Tuyên về đến dinh quan, liền đem toàn bộ số tiền đó chia cho cấp dưới. Sau đó, Đổng Tuyên tiếp tục trừng trị các hành động phi pháp của bọn hào môn quí tộc. Các thổ hào ở Lạc Dương nghe đến tên Đổng Tuyên là sợ phát run. Người đời gọi ông là "ngọa hổ" (con hổ nằm). Khi đó những quan cai trị giữ nghiêm pháp luật, ngoài Đổng Tuyên còn có nhiều người khác, điển hình là một viên quan nhỏ giữ cổng thành Lạc Dương, tên là Chất Uẩn. Có lần, Hán Quang Vũ Đế mang theo một số người ra ngoài thành Lạc Dương đi săn. Khi trở về, trời đã tối. Xa giá hoàng đế về tới cửa đông thì cổng thành đã đóng. Quan thị vệ tùy tòng gọi người giữ thành mở cổng, nhưng Chất Uẩn cự tuyệt. Hán Quang Vũ Đế thân tới cửa thành gọi bảo Chất Uẩn mở cửa. Không ngờ, Chất Uẩn trả lời: "Ban đêm nhìn không rõ, không thể tùy tiện mở cổng".

Hán Quang Vũ Đế không biết làm thế nào, đành vòng xe sang cổng khác, vào thành. Hôm sau, Hán Quang Vũ Đế đang định gọi Chất Uẩn vào trách mắng thì không ngờ đã nhận được sớ tấu của Chất Uẩn dâng lên. Sớ tấu viết: "Bệ hạ đi săn vào vùng rừng núi xa xôi, ban ngày còn chưa đủ, mãi tới đêm khuya mới về. Cứ như vậy thì làm sao giải quyết được quốc gia đại sự?".

Hán Quang Vũ Đế xem sớ tấu, liền thưởng cho Chất Uẩn 100 tấm vải và giáng chức viên quan đã mở cổng cho vào.


LẤY KINH, RƯỚC TƯỢNG PHẬT

Năm 63 tuổi, Hán Quang Vũ Đế bị bệnh mất. Thái tử Lưu Trang nối ngôi, tức là Hán Minh Đế. Có lần, Hán Minh Đế nằm mơ, thấy có một người vàng, trên đầu có đội một đạo hào quang sáng chói, bay vòng xung quanh điện rồi bỗng bay thẳng lên không về phía tây. Hôm sau, hoàng đế kể lại giấc mơ đó cho các đại thần, nhiều đại thần không nói được rõ người vàng tỏa hào quang đó là ai. Chỉ có bác sĩ Phó Nghị nói: "Thiên Trúc có một vị thần được gọi là Phật, người vàng mà bệ hạ nằm mơ thấy đúng là Phật ở Thiên Trúc".

Thiên Trúc mà Phó Nghị nói còn gọi là Thận Độc, nơi xuất sinh của Thích Ca Mâu Ni, người sáng lập ra Phật giáo (Thiên Trúc là tên gọi nước Ấn Độ thời cổ, Thích Ca Mâu Ni sinh ở nước Ấn Độ thời cổ, nay thuộc Nepan). Thích Ca Mâu Ni sinh khoảng năm 565 TCN, vốn là một vương tử. Truyền thuyết nói vào năm 29 tuổi, Thích Ca Mâu Ni vứt bỏ đời sống vương giả, xuất gia tu đạo. Ông sáng lập ra tôn giáo gọi là Phật giáo. Thích Ca Mâu Ni tuyên truyền giáo lý phật giáo khắp nơi. Ông truyền giáo trong 43 năm, thu nạp rất nhiều môn đồ. Mọi người tôn xưng ông là Phật Đà. Sau khi ông mất, các đệ tử ghi chép lại học thuyết của ông, soạn thành kinh. Đó tức là Kinh Phật.

Lời của Phó Nghị đã khêu gợi tâm lý hiếu kì của Hán Minh Đế. Ông liền phái hai viên quan là Thái Âm và Thái Cảnh đến Thiên Trúc xin Kinh Phật. Thái Âm và Thái Cảnh vất vả lặn lội qua trăm núi ngàn sông, cuối cùng đã tới được nước Thiên Trúc. Người Thiên Trúc nghe nói sứ giả Trung Quốc đến xin Kinh phật thì rất hoan nghênh. Thiên Trúc có 2 sa môn (chức sắc cao cấp của phật giáo), một người tên là Nhiếp Ma Đằng, một người tên là Trúc Pháp Lan, đã giúp Thái Âm và Thái Cảnh hiểu được ý nghĩa của kinh phật. Thái Âm và Thái Cảnh liền mời họ sang thăm Trung Quốc.

Năm 67 công nguyên, Thái Âm và Thái Cảnh dẫn 2 sa môn, dùng ngựa trắng thồ một tượng phật và 42 chương kinh phật đi qua Tây Vực về Lạc Dương. Hán Minh Đế không rõ kinh phật và cũng không hiểu đạo lý phật giáo, nhưng vẫn đối đãi hết sức tôn kính với 2 vị sa môn đưa kinh phật đến giảng. Năm sau ông hạ lệnh xây một ngôi chùa ở phía tây thành Lạc Dương theo đúng kiểu cách ở Thiên Trúc và nuôi con bạch mã thồ kinh ở đấy. Ngôi chùa đó vì vậy có tên là Bạch Mã tự (nay ở phía tây thành phố Lạc Dương). Hán Minh Đế không hiểu kinh phật, Vương Công đại thần cũng không tin phật giáo, nên người đến thắp hương cúng lễ ở Bạch Mã tự cũng không đông. Riêng Sở Vương Lưu Anh là hết sức coi trọng, đặc biệt phái người đến Lạc Dương để thỉnh giáo 2 vị sa môn. Hai vị sa môn liền họa một bức tượng phật và chép một bài kinh phật trao cho đem về.

Ảnh phật và Kinh phật được đem về đặt trong phòng của Sở vương. Sở vương Lưu Anh liền treo tượng phật trong cung để sớm chiều lễ bái. Sở vương Lưu Anh là người có dã tâm. Ông ta mượn danh nghĩa tín ngưỡng phật giáo để kết giao với các phương sĩ và dùng mọi thủ đoạn mê tín để lừa người. Năm 70 công nguyên, có người cáo giác với Hán Minh Đế, nói Sở vương Lưu Anh tụ tập bè đảng, tự đặt ra quan chức, muốn làm phản. Hán Minh Đế liền cử người điều tra, thấy đúng có những dấu hiệu mưu phản, liền tước bỏ vương vị của Sở vương, đày ông ta tới Đan Dương. Lưu Anh đến đó biết tội của mình liền tự sát. Hán Minh Đế còn tra xét những người có quan hệ với Lưu Anh. Sở vương Lưu Anh trước đó đã đưa tất cả những người có tiếng tăm trong nước vào một danh sách. Khi phát hiện danh sách, triều đình liền chiếu theo đó bắt tất cả mọi người được ghi tên, làm rất nhiều người bị liên lụy. Việc đó kéo dài hơn một năm, khiến nhiều người chết.

Sau đó, một đại thần tâu với Hán MInh Đế rằng đại đa số người bị bắt là oan uổng. Hán Minh Đế tự mình tra hỏi quả nhiên phát hiện trong nhà ngục Lạc Dương đang giam giữ hơn 1000 người vô tội, liền hạ chiếu thư xá miễn cho tất cả. Hán Minh Đế tuy cử người đi xin kinh phật và tượng phật, nhưng không tin theo phật giáo mà đề xướng học thuyết Nho gia. Ông còn thân đến nhà Thái học (trường đại học thời cổ) để giảng kinh sách (sách kinh điển của Nho gia). Theo nói lại, có tới hàng chục vạn người tới xem và nghe giảng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net