Truyen30h.Net

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM

83-84

riri_pipi

PHẠM BÀNG VÀO NHÀ GIAM

Khi Hán Linh Đế mới lên ngôi, Đậu thái hậu lâm triều, phong cha là Đậu Vũ làm đại tướng quân, Trần Phiên là thái úy. Đậu Vũ, Trần Phiên là những người ủng hộ phái danh sĩ. Họ gọi những người bị cấm cố chung thân trước kia như Lý Ưng, Đỗ Mật trở lại làm quan. Trần Phiên nói với Đậu Vũ: "Nếu không tiêu diệt hoạn quan thì thiên hạ không thể thanh bình được. Tôi gần 80 tuổi rồi còn tham vọng gì nữa? Tôi còn ở đây, chỉ là để vì triều đình trừ hại, giúp đỡ tướng công lập công". Đậu Vũ vốn cũng có ý đó, hai người bàn nhau, để Đậu Vũ nói với Đậu thái hậu, yêu cầu tiêu diệt hoạn quan. Nhưng Đậu thái hậu lại rất tin hoạn quan giống như Hán Hoàn Đế, nên không sao thuyết phục được. Trần Phiên lại dâng sớ tấu lên thái hậu, nêu ra các tội ác của bọn hoạn quan Hầu Lãm, Tào Tiết, Vương Phủ; Đậu thái hậu vẫn gạt bỏ sớ tấu một bên, không xét tới.

Sự việc tiết lộ đã làm bọn hoạn quan sợ hãi. Tào Tiết, Vương Phủ liền ra tay trước. Chúng cướp ngọc tỉ và ấn thụ của Đậu thái hậu rồi giam lỏng Đậu thái hậu lại. Sau đó dùng danh nghĩa của Linh Đế, tuyên bố Đậu Vũ và Trần Phiên mưu phản rồi bắt giết đi. Thế là hoạn quan lại nắm quyền. Tất cả những người do Trần Phiên, Đậu Vũ đưa lên làm quan đều bị bãi chức. Lý Ưng, Đỗ Mật bị đuổi về quê; một số danh sĩ, thái học sinh càng tôn sùng họ và căm ghét bọn hoạn quan. Bọn hoạn quan cũng coi họ là tử thù, tìm mọi cơ hội hãm hại họ.

Có một danh sĩ là Trương Kiệm từng cáo giác hoạn quan Hầu Lãm. Hầu Lãm để tâm báo thù, vừa gặp lúc gia đình Trương Kiệm đuổi một nô bộc, Hầu Lãm xúi giục người nô bộc đó vu cáo Trương Kiệm cùng 24 người đồng hương kết thành một đảng, phỉ báng triều đình, âm mưu làm phản. Hoạn quan Tào Tiết nắm cơ hội đó xúi giục tay chân dâng sớ tấu, xin Hán Linh Đế ra lệnh bắt đảng nhân. Hán Linh Đế mới 14 tuổi, không hiểu thế nào là đảng nhân, liền hỏi Tào Tiết: "Tại sao lại bắt giết họ? Họ có tội gì?".

Tào Tiết vung tay múa chân, nói một tràng, nào là đảng nhân rất đáng sợ, luôn nói xấu triều đình, nào là họ mưu phản, muốn lật đổ hoàng đế...Hán Linh Đế nghe nói thế, lập tức hạ lệnh lùng bắt đảng nhân trong cả nước. Lệnh truyền xuống, các châu quận đều xôn xao. Có người được tin, vội đến báo cho Lý Ưng. Lý Ưng thản nhiên nói: "Tôi không trốn, nếu trốn sẽ làm hại bao nhiêu người khác. Vả lại tôi đã 60 tuổi rồi, sống chết có số mệnh, trốn tránh làm gì". Ông liền tự đến xin chịu giam, và bị đánh chết. Đố Mật biết không tránh khỏi chết, nên tự sát.

Đốc Bưu của quận Nhữ Nam được lệnh đến Trưng Khương (nay là Yển Thành, Hà Nam) để bắt Phạm Bàng. Tới dịch quán Trưng Khương ông đóng cửa lại, ôm chiếu thư phục trên giường khóc lóc. Người trong dịch quán nghe tiếng khóc, không biết tình hình ra sao. Phạm Bàng nghe tin, liền nói: "Tôi biết viên Đốc Bưu đó khóc là vì không muốn bắt tôi". Ông liền tự đến huyện xin chịu bắt. Huyện lệnh Quách Trấp cũng là người chính trực, thấy Phạm Bàng đến thì giật nảy mình nói: "Trời đất rộng lớn thế này, sao ngài không đi đâu, lại đến đây làm gì?". Ông ta định treo ấn từ quan rồi cùng đi trốn với Phạm Bàng.

Phạm Bàng cảm kích trước biểu hiện đó của Quách Trấp, nhưng nói: "Không cần thiết. Nếu bắt được tôi, có thể triều đình sẽ ngừng việc bắt đảng nhân. Tôi không thể để liên lụy đến ngài. Vả lại, mẹ tôi đã già, nếu tôi đi trốn sẽ làm liên lụy đến người".

Huyện lệnh không có cách nào khác phải đưa Phạm Bàng vào nhà giam và cử người đi đón bà mẹ và các con của Phạm Bàng tới gặp mặt. Phạm mẫu và các cháu theo công sai tới nhà giam thăm Phạm Bàng. Phạm Bàng an ủi bà: "Con chết đi còn có em con phụng dưỡng mẹ, mẹ không nên quá thương tâm".

Phạm mẫu nói: "Con đã theo được gương tốt của hai ông Lý-Đỗ (Lý Ưng và Đỗ Mật) để lại tiếng tốt cho đời sau, thì mẹ cũng thỏa lòng. Mẹ không đau buồn đâu".

Phạm Bàng quỳ nghe mẹ nói xong, quay đầu lại bảo các con: "Xưa nay cha không dạy các con làm việc xấu, vì việc xấu không bao giờ nên làm. Cha vẫn dạy các con làm việc tốt. Thế mà suốt đời cha chưa làm việc xấu, nhưng lại rơi vào tình cảnh này đây".

Người xung quanh nghe ông nói, không ai không rơi nước mắt. Phàm Bàng bị giết, những người lâm vào tai họa như Lý Ưng, Đỗ Mật và ông có tới hơn 100 người. Ngoài ra, còn có sáu, bảy trăm người nổi tiếng trong toàn quốc hoặc có chút thù oán với hoạn quan đều bị hoạn quan vu cáo là đảng nhân và bắt giam. Người bị giết, người bị sung quân, nhẹ nhất cũng bị cấm cố suốt đời. Chỉ có Trương Kiệm, người đối đầu với hoạn quan Hầu Lãm là chạy thoát khỏi cuộc bắt bớ. Ông trốn tránh khắp nơi, nhiều người không quản nguy hiểm tới tính mạng, tình nguyện che giấu ông. Khi quan lại nghe tin tìm đến thì ông đã được báo và trốn đi nơi khác. Vì vậy những người đã che giấu ông đều gặp tai họa, nhẹ thì bị giam giữ, nặng thì chết, thậm chí toàn thể quận huyện đều bị trừng phạt.

Qua hai lần "họa đảng cố", mọi quan chức tương đối ngay thẳng trong triều đình đều bị bức hại. Mọi chức vụ từ nhỏ đến lớn hầu như đều nằm trong tay hoạn quan và vây cánh của chúng.


QUÂN KHỞI NGHĨA KHĂN VÀNG

Hán Linh Đế u mê, tin vào bọn hoạn quan, giao mọi việc triều chính cho chúng, chỉ vùi đầu vào ăn chơi hưởng lạc. Của kho nhà nước dùng hết, để kiếm tiền, bọn chúng liền lập ra một cửa hàng đặc biệt ở Tây Viên. Những kẻ có tiền có thể công khai đến đây mua quan tước. Chúng treo bảng ngoài cửa Hồng Đô, yết rõ giá cả từng loại quan tước. Muốn mua chức thái thú một quận phải bỏ ra 20 triệu, chức huyện lệnh trị giá 4 triệu. Nếu chưa đủ tiền có thể mua chịu, sau khi nhận chức sẽ phải trả gấp đôi. Những kẻ bỏ tiền ra mua chức, khi làm quan liền ra sức bóc lột hút máu mủ dân chúng. Sự đen tối và hủ bại của vương triều Đông Hán có thể coi là tột đỉnh. Sự thối nát của triều đình, sự bóc lột của quan lại cộng thêm thiên tai liên tiếp khiến dân không còn đường sống, chỉ còn cách vùng lên phản kháng.

Bắt đầu từ Ngô quận, một số nông dân nổi lên chiếm huyện thành, giết quan lại. Ở quận Cối Kê, Hứa Sinh khởi binh ở Cú Chương (nay là Từ Khê, Triết Giang), chỉ trong mấy ngày đã tụ tập được hơn 1 vạn người. Hán Linh Đế hạ lệnh đem quân đi dẹp, bị quân khởi nghĩa đánh bại. Thanh thế của Hứa Sinh ngày càng lừng lẫy, liền tự xưng là "Dương Minh Hoàng Đế".

Năm 174, tư mã Ngô quận chiêu mộ người ngựa, liên hợp với quan binh các châu quận, đánh bại Hứa Sinh. Quân khởi nghĩa Ngô quận tuy bị trấn áp, nhưng một cuộc khởi nghĩa vũ trang lớn hơn đang được nhen nhóm. Ở quận Cự Lộc có 3 anh em, người anh cả là Trương Giác, hai em là Trương Bảo và Trương Lương. Cả 3 đều có tài và có hoài bão cứu dân. Trương Giác biết nghề y, chữa bệnh cho người nghèo, không bao giờ lấy tiền nên được người nghèo quý mến và tin theo. Ông biết nông dân chịu sự áp bức bóc lột của địa chủ cường hào và gánh chịu mọi tai họa thiên nhiên, luôn ước mong một cuộc sống thái bình để sống yên ổn. Ông quyết định tổ chức họ lại dưới hình thức tôn giáo, lập ra một đạo gọi là Thái Bình giáo, thu nạp một số đệ tử, cùng đi truyền giáo với ông.

Người tin theo Thái Bình giáo ngày càng nhiều. Trương Giác cử em là Trương Bảo, Trương Lương và các đệ tử đi các nơi vừa chữa bệnh, vừa truyền đạo. Sau khoảng 10 năm, Thái Bình giáo đã truyền đi khắp nước. Dân chúng cả những người theo đạo và không theo đạo, không ai là không biết Thái Bình giáo. Tín đồ các nơi có đến mấy chục vạn. Lúc đó, quan lại các địa phương mới chỉ biết Thái Bình giáo khuyên người ta làm điều thiện và chữa bệnh cho mọi người, không có ai lưu tâm hỏi han cặn kẽ. Trong triều có hai đại thần thấy được mầm mống của nó liền tâu xin Hán Linh Đế hạ lệnh cấm Thái Bình giáo. Hán Linh Đế còn mải lo xây dựng cung điện và hoa viên, không hề chú ý đến Thái Bình giáo. Anh em Trương Giác tổ chức mấy chục vạn nông dân trong 8 châu lại, chia làm 36 phương, phương lớn có từ 1 vạn người trở lên, phương nhỏ có sáu, bảy ngàn người, mỗi phương đều bầu ra thủ lĩnh, do Trương Giác thống nhất chỉ huy.

Họ bí mật ước hẹn với nhau vào ngày mồng 5 tháng 3 năm Giáp Tý (184 TCN) thì đồng thời phát động khởi nghĩa ở kinh thành và trong toàn quốc, nên khẩu hiệu "Trời xanh đáng chết, trời vàng lập nên; vào năm Giáp Tý, thiên hạ địa cát". "Trời xanh" là chỉ vương triều Đông Hán, "trời vàng" là chỉ Thái Bình giáo. Họ còn cử người bí mật viết hai chữ "Giáp Tý" trong các chùa miếu ở Lạc Dương và trên cổng lớn của dinh quan các châu quận để làm ám hiệu khởi nghĩa. Nhưng, còn cách thời gian quy định hơn 1 tháng, nội bộ quân khởi nghĩa có kẻ phản bội, cáo giác với triều đình. Triều đình lập tức khám xét ở Lạc Dương, người phụ trách liên lạc ở Lạc Dương là Mã Nguyên Nghĩa không may bị bắt, hy sinh, hơn 1000 người có liên quan đến Thái Bình giáo bị giết hại. Vì tình hình đột biến đó, Trương Giác quyết định khởi nghĩa trước 1 tháng. Trương giác tự xưng Thiên Công tướng quân, gọi Trương Bảo là Địa Công tướng quân, Trương Lương là Nhân Công tướng quân, nông dân khởi nghĩa ở 36 phương nhận được lệnh của Trương Giác, đồng thời nổi dậy. Quân khởi nghĩa đều quấn khăn vàng trên đầu làm dấu hiệu, nên được gọi là quân Khăn vàng.

Quân khởi nghĩa ở các địa phương tiến đánh các quận huyện, đốt dinh quan, mở nhà giam, tha tù phạm, tịch thu tài sản của quan lại, phá kho lương thực, trừng trị quan lại và địa chủ gian ác. Không tới 10 ngày, cả nước đã hưởng ứng cuộc khởi nghĩa. Quân khởi nghĩa từ các địa phương tiến về Lạc Dương. Văn thư cáo cấp từ các nơi tới tấp bay về kinh đô. Hán Linh Đế cuống quýt triệu tập đại thần bàn biện pháp trấn áp cuộc khởi nghĩa, sau đó phái Hà Tiến làm đại tướng quân, cùng với các tướng Hoàng Phủ Tung, Chu Tuấn, Lư Thực đem mấy cánh quân đi trấn áp quân khởi nghĩa. Nhưng nghĩa quân các nơi như nước trào qua đê vỡ, quân triều đình không chống đỡ nổi. Đại tướng quân Hà Tín phải xin Hán Linh Đế gửi chiếu thư cho các châu quận, để họ tự triệu tập binh mã đối phó với quân Khăn vàng. Lợi dụng cơ hội đó, các tôn thất quí tộc, quan chức các châu quận và địa chủ cường hào nhiều địa phương mượn danh nghĩa đánh quân Khăn vàng, tranh nhau giành giật địa bàn, mở rộng thế lực, khiến cho toàn quốc chia năm xẻ bảy.

Đứng trước cuộc đàn áp đẫm máu của triều đình Đông Hán và địa chủ cường hào các địa phương, quân Khăn vàng đã giữ vững cuộc chiến đấu ngoan cường anh dũng trong 9 tháng. Trong giờ phút then chốt của cuộc chiến đấu, lãnh tụ Trương Giác không may bị bệnh mất; Trương Bảo, Trương Lương lãnh đạo tướng sĩ, nghĩa quân tiếp tục chiến đấu anh dũng và đều lần lượt hy sinh. Quân chủ lực của nghĩa quân tuy đã thất bại, nhưng những cánh quân Khăn vàng còn tiếp tục chiến đấu trong hơn 20 năm nữa. Nền thống trị thối nát của Đông Hán, qua đòn đánh trí mạng của cuộc khởi nghĩa quy mô lớn này, chỉ còn tồn tại thoi thóp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net