Truyen30h.Net

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM

91-92

riri_pipi

TÔN SÁCH CHIẾM CỨ GIANG ĐÔNG

Trong khi Tào Tháo và Viên Thiệu tranh giành kịch liệt ở miền bắc thì ở miền nam, một thế lực cát cứ dần dần lớn mạnh. Đó là anh em Tôn Sách, Tôn Quyền ở Giang Đông (nay là vùng Giang Nam, ở hạ du Trường Giang). Cha của Tôn Sách là Tôn Kiên, nguyên là thái thú Trường Sa, vốn là bộ hạ của Viên Thuật. Sau khi Tôn Kiên mất, Tôn Sách đem quân theo Viên Thuật, Viên Thuật thấy Tôn Sách là 1 thiếu niên anh tuấn, rất yêu quí, nói với mọi người: "Nếu ta có được một con trai như Tôn lang thì chết cũng yên tâm".

Tuy nói như vậy nhưng Viên Thuật cũng không trọng dụng Tôn Sách. Tôn Sách muốn được làm thái thú quận nhưng Viên Thuật không cho. Cậu của Tôn Sách là Ngô Cảnh làm thái thú Đan Dương (nay là Tuyên Thành, An Huy) bị thứ sử Dương Châu là Lưu Do đuổi đi. Tôn Sách xin Viên Thuật cho đến Giang Đông giúp cậu đánh Lưu Do. Viên Thuật vốn có mâu thuẫn với Lưu Do, liền cấp cho Tôn Sách hơn 1000 binh mã. Tôn Sách dẫn quân về phía nam, dọc đường có nhiều người xin đi theo. Tôn Sách có người bạn thân từ nhỏ là Chu Du, cũng mang người ngựa đến hội họp. Vì vậy lực lượng dần lớn mạnh lên.

Tôn Sách chiến đấu dũng cảm, quân đội lại có kỷ luật nghiêm minh, nên được dân chúng ủng hộ. Do đó, sau khi vượt sông không những nhanh chóng đánh bại được Lưu Do, giành lại được Đan Dương, mà còn chiếm được quận Ngô và quận Cối Kê. Như vậy, một vùng rộng lớn gồm 8 quận Giang Đông đã bị Tôn Sách chiếm lĩnh. Tôn Sách chiếm được Giang Đông, còn có hoài bão muốn phát triển lên phía bắc. Nhân dịp Tào Tháo và Viên Thiệu đang kìm chân nhau ở Quan Độ, Sách chuẩn bị đánh úp Hứa đô để cướp lấy Hán Hiến Đế. Nhưng đang lúc điều binh khiển tướng, chuẩn bị lương thảo thì xuất hiện một sự kiện bất ngờ. Số là khi đánh chiếm quận Ngô, Tôn Sách giết thái thú ở đó là Hứa Cống, các môn khách của Hứa Cống quyết báo thù cho chủ. Có lần, nhân dịp Tôn Sách lên núi đi săn, họ phục sẵn trong rừng cây bắn lén ra, một phát tên trúng vào mắt Tôn Sách.

Tôn Sách bị trọng thương, mời thầy thuốc điều trị chẳng những không khỏi mà bệnh tình ngày càng nặng. Biết mình không sống nổi, Tôn Sách gọi các bộ hạ đến dặn dò: "Hiện nay chúng ta đã có đất và có quân, có thể đọ sức với người khác. Mong các ông hết lòng giúp đỡ em ta là Tôn Quyền".

Tôn Quyền năm đó 19 tuổi, tuy còn trẻ nhưng vốn thích kết giao bè bạn, quí trọng nhân tài nên đã có tiếng tăm trong giới danh sĩ Giang Đông. Tôn Sách gọi Tôn Quyền tới, trao lại ấn thụ và nói: "Hai anh em ta, nếu xét về tài năng xông pha trận mạc thì em không bằng anh; nhưng xét về mặt xem xét người hiền tài, trọng dụng người có công thì anh không bằng em. Mong em từ nay gắng sức giữ gìn lấy cơ nghiệp ở Giang Đông". Nói xong, Tôn Sách trút hơi thở cuối cùng.

Tôn Quyền gục trên giường khóc lóc thảm thiết. Trương Chiêu khuyên ông nên thay ngay sang quan phục, lên ngựa đi thị sát 3 quận và nhanh chóng phái người tới Ba Khâu (nay là Nhạc Dương, Hồ Nam) báo cho Chu Du biết. Chu Du vội đem quân đi suốt đêm về Ngô Trung cùng với Trương Chiêu giúp đỡ Tôn Quyền trong mọi việc. Lúc đó, nói chung 6 quận ở Giang Đông tuy đã bị Tôn Sách chiếm, nhưng những nơi xa trung tâm vẫn còn những thế lực chưa chịu phục tùng mệnh lệnh. Có người còn chờ xem tình thế ra sao để quyết định thái độ. May nhờ Chu Du, Trương Chiêu đồng tâm hiệp lực phò tá Tôn Quyền nên cục diện mới dần dần ổn định.

Tôn Quyền nhớ lời anh dặn, chú trọng chiêu mộ nhân tài. Chu Du giới thiệu với Tôn Quyền: "Tiểu tướng có người bạn là Lỗ Túc, là người rất có kiến thức, xin tướng quân cho mời đến giúp. Ông ta nhất định sẽ có ích cho tướng quân".

Tôn Quyền liền cử ngay người mời Lỗ Túc đến. Hai người gặp nhau, chuyện trò rất tương đắc. Có lần Tôn Quyền tiếp kiến tân khách khi tiễn mọi người ra về còn lưu Lỗ Túc lại để tiếp tục đàm luận. Tôn Quyền nói: "Nay nhà Hán suy vi, thiên hạ loạn lạc, tôi muốn kế thừa sự nghiệp của cha anh, phù trợ thiên tử nhà Hán, lập nên công nghiệp như Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công xưa kia. Tiên sinh thấy thế nào?".

Lỗ Túc nói: "Kẻ bất tài này đã nghiên cứu kỹ đại thế trong thiên hạ. Nhà Hán không còn hưng khởi được nữa. Thế lực Tào Tháo đã rất lớn mạnh, không thể trừ được hắn ngay. Tôi trộm suy nghĩ thay cho tướng quân: ta hãy nên giữ vững mảnh đất Giang Đông này để chờ đợi thời cơ. Hiện Tào Tháo còn đang bận đối phó với các thế lực ở miền bắc, chưa chú ý đến ta. Ta nên nhân cơ hội này đem quân đánh Lưu Biểu, chiếm lấy Kinh Châu, sau đó sẽ bình định thiên hạ. Như thế có thể sánh với sự nghiệp của Hán Cao Tổ".

Nghe Lỗ Túc phân tích, Tôn Quyền thấy sáng hẳn ra, nhưng ngoài miệng còn nói giọng khiêm tốn: "Lời tiên sinh dạy bảo khiến Quyền này xiết bao cảm kích, nhưng nghĩ mình tài sơ đức mỏng, sao dám có cao vọng như thế!".

Thấy Tôn Quyền tôn trọng nhân tài nên khắp miền Giang Đông, nhiều danh sĩ tìm đến, văn thần võ tướng dưới trướng ngày càng đông đảo, quang cảnh ngày càng hưng vượng. Tào Tháo nghe tin Tôn Quyền kế thừa địa vị của Tôn Sách. Để mua chuộc Tôn Quyền, liền lấy danh nghĩa vua Hiến Đế, phong Tôn Quyền làm Chinh Lỗ tướng quân, kiêm thái thú Cối Kê. Từ đó về sau, trên thực tế, Tôn Quyền đã xây dựng một chính quyền cát cứ ở Giang Đông.


GIA CÁT LƯỢNG VẠCH ĐỐI SÁCH Ở LONG TRUNG

Sau khi đại chiến Quan Độ, Lưu Bị chạy tới Kinh Châu nương nhờ Lưu Biểu. Biểu cấp cho Lưu Bị một số người ngựa, cho ra đóng ở Tân Dã (nay là huyện Tân Dã, Hà Nam). Lưu Bị ở Kinh Châu mấy năm, được Lưu Biểu đối đãi như thượng khách. Nhưng Lưu Bị là người có hoài bão lớn, chí hướng chưa thực hiện được nên trong lòng lúc nào cũng buồn rầu. Có lần, Lưu Bị nắn bóp bắp chân mình, thấy mềm nhẽo thì buồn bã rơi nước mắt. Lưu Biểu nhìn thấy, liền hỏi lý do. Lưu Bị nói: "Không có chuyện gì lớn. Chỉ vì trước kia, Bị này thường xuyên đi trận mạc, hàng ngày không rời khỏi yên ngựa nên bắp chân rắn chắc; nay lâu ngày nhàn rỗi, bắp chân chảy xệ ra. Nhìn ngày tháng qua đi, tuổi sắp già rồi, chẳng làm nên việc gì lớn, nên thấy tự cảm thương thân thế".

Lưu Biểu an ủi một hồi, nhưng Lưu Bị luôn luôn nghĩ tới kế lâu dài, muốn tìm 1 người tài cao học rộng để giúp đỡ mình. Ông nghe nói ở Tương Dương có một danh sĩ là Tư Mã Huy, liền tìm đến bái yết. Tư Mã Huy tiếp đãi rất trân trọng và hỏi xem Lưu Bị cần gì. Lưu Bị nói: "Chẳng dám giấu gì tiên sinh, Bị này tìm đến chỉ để chân thành nghe lời chỉ giáo về đại thế trong thiên hạ".

Tư Mã Huy cười lớn nói: "Một kẻ quê mùa như lão phu, hiểu sao được đại thế thiên hạ. Muốn nói về đại thế thiên hạ, phải là những bậc tuấn kiệt tài năng".

Lưu Bị năn nỉ: "Xin tiên sinh chỉ cho, ở đâu có những người tuấn kiệt như thế?".

Tư Mã Huy nói: "Vùng này có Ngọa Long, lại có Phượng Sồ. Nếu ngài tìm được một trong hai người đó thì có thể bình định thiên hạ".

Lưu Bị vội hỏi: "Ngọa Long, Phượng Sồ là những ai?".

Tư Mã Huy nói: "Ngọa Long tên là Gia Cát Lượng, tự là Khổng Minh; Phượng Sồ tên là Bàn Thống, tự là Sĩ Nguyên".

Lưu Bị hết lời cảm tạ Tư Mã Huy rồi trở về Tân Dã. Đúng lúc ấy có 1 nho sĩ tìm đến gặp. Lưu Bị thấy người đó cử chỉ đàng hoàng, cho rằng nếu không phải Ngọa Long thì cũng là Phượng Sồ, liền tiếp đãi rất nhiệt tình. Sau khi nói chuyện, mới biết người đó là Từ Thứ, một danh sĩ địa phương, nghe nói Lưu Bị đang chiêu mộ nhân tài nên đến xin theo. lưu Bị cả mừng, lưu Từ Thứ lại làm mưu sĩ. Từ Thứ nói: "Tôi có 1 người bạn cũ là Gia Cát Khổng Minh, mọi người gọi ông ta là Ngọa Long, tướng quân có muốn gặp ông ta không?".

Qua lời Từ Thứ, Lưu Bị được biết kỹ về Gia Cát Lượng. Thì ra Gia Cát Lượng không phải là người địa phương. Quê ông ở huyện Dương Đô, quận Lang Nha (nay ở phía nam huyện Nghi Thủy, Sơn Đông). Ông mồ côi cha khi còn ít tuổi. Chú là Gia Cát Huyền, là bạn của Lưu Biểu nên đem ông đến Kinh Châu. Ít lâu sau, ông chú mất, ông liền định cư ở Long Trung (nay ở phía tây Tương Dương, Hà Bắc), dựng một lều nhỏ, vừa cày cấy vừa đọc sách. Ông mới 27 tuổi nhưng học vấn uyên bác, kiến thức hơn người, bạn bè hết sức khâm phục. Ông cũng thường tự ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị khi xưa. Nhưng ông thấy thiên hạ loạn ly, Lưu Biểu lại không phải là người biết dùng nhân tài, nên đành ẩn cư ở Long Trung, sống cuộc đời bình lặng.

Lưu Bị nghe Từ Thứ giới thiệu, liền nói: "Tiên sinh đã là bạn thân của Gia Cát Lượng, vậy phiền tiên sinh không quản vất vả đi cho 1 chuyến, mờ ông ta về đây với bỉ nhân".

Từ Thứ lắc đầu nói: "Làm như vậy không được! Với 1 người như thế, tướng quân nhất định phải tự đến mời thì mới tỏ được thành ý".

Lưu Bị đã nghe Tư Mã Huy nói, nay lại thấy Từ Thứ giới thiệu như vậy, biết rằng Gia Cát Lượng là 1 người hiếm có, liền dẫn theo Quan Vũ, Trương Phi cùng đến Long Trung tìm Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng biết Lưu Bị đến tìm mình, cố ý tránh mặt, nên Lưu Bị tới nơi không gặp được. Quan Vũ, Trương Phi thấy xa xôi phiền phức quá, có ý nản, nhưng Lưu Bị nhớ lời Từ Thứ nói, hết sức kiên nhẫn, đi 1 lần không gặp, lại đi lần thứ 2, rồi đến lần thứ 3. Lần này, sau hồi lâu chờ đợi, Lưu Bị được Gia Cát Lượng tiếp vì thấy Lưu Bị thành tâm và tha thiết quá. Lưu Bị để Quan Vũ và Trương Phi bên ngoài rồi theo Gia Cát Lượng vào lều cỏ. Khi trong lều chỉ có 2 người, Lưu Bị thành khẩn nói: "Nay nhà Hán suy vi, đại quyền rơi vào tay gian thần Tào Tháo. Bị này tuy tài hèn sức kém, vẫn rất muốn cứu vãn cục diện, nhưng không tìm ra kế sách gì, nên một lòng tìm đến đây để xin tiên sinh chỉ giáo".

Gia Cát Lượng thấy Lưu Bị chân thành khiêm tốn như vậy, liền trình bày với Lưu Bị những gì mình đã tính toán và ôm ấp từ lâu. Ông nói: "Hiện nay Tào Tháo đã dẹp xong Viên Thiệu, trong tay có hàng tẳm vạn quân, lại nắm được cái thế hiếp thiên tử để ra lệnh cho chư hầu. Vì vậy khó dùng vũ lực để tranh hơn thua với hắn. Tôn Quyền chiếm cứ một dải Giang Đông đã qua 3 đời. Giang Đông địa thế hiểm yếu, trăm họ đã qui phục ông ta, lại có nhiều nhân tài phù trợ. Xem ra ta có thể liên hợp với ông ta, chứ không thể đánh ông ta". Sau đó, Gia Cát Lượng phân tích tình hình ở Kinh Châu và Ích Châu (nay là Tứ Xuyên, Vân Nam và 1 phần thiểm Tây, Cam Túc, Hồ Bắc, Quí Châu), cho rằng Kinh Châu là địa điểm trọng yếu về quân sự, lại là nơi mà Lưu Biểu không có đủ tài năng để giữ được. Ích Châu là nơi đất đai phì nhiêu, rộng lớn, xưa nay vẫn nổi tiếng là "thiên phú chi quốc" (nơi kho tàng thiên nhiên), mà Lưu Chương là người chủ ở đó lại là kẻ nhu nhược bất tài, không được ai coi trọng.

Cuối cùng, Gia Cát Lượng nói: "Tướng quân là dòng dõi hoàng thất, thiên hạ đều nghe danh. Nếu tướng quân chiếm được Kinh Châu, Ích Châu, ngoài thì liên hợp với Tôn Quyền, trong thì chỉnh đốn nội chính. Một mai có thời cơ, có thể tiến quân từ 2 hướng Kinh Châu, Ích Châu để đánh Tào Tháo. Đến lúc đó, ai mà không chào đón tướng quân? Nếu làm được như vậy sẽ lập nên nghiệp lớn, nhà Hán có thể khôi phục được".

Lưu Bị càng nghe càng thấy khâm phục tầm mắt và kiến thức của người trẻ tuổi đó, liền sụp xuống đất nói: "Lời tiên sinh khiến Bị này như vén màn mây mù mà thấy được mặt trời. Bị xin nghe theo lời dạy của tiên sinh. Xin tiên sinh cùng Bị này xuống núi giúp đời".

Gia Cát Lượng cảm động trước sự thành tâm mến mộ của Lưu Bị, liền cùng với ông về Tân Dã. Sau này người ta gọi sự kiện Lưu Bị đi đón Gia Cát Lượng là "tam cố thảo lư", và ý kiến trình bày của Gia Cát Lượng là "Long Trung đối sách". Từ đó, Lưu Bị coi Gia Cát Lượng như bậc thầy, và Gia Cát Lượng cũng coi Lưu Bị như chúa công của mình, tình cảm giữa 2 người ngày càng thân mật. Quan Vũ và Trương Phi thấy thế thì rất không bằng lòng, luôn phàn nàn sau lưng, cho Gia Cát Lượng còn ít tuổi, chưa chắc đã có tài năng gì mà Lưu Bị phải quá trọng vọng như thế. Lưu Bị giải thích với họ: "Ta gặp được Khổng Minh tiên sinh, như cá gặp nước. Từ nay cấm các ngươi không được ăn nói lung tung". Quan Vũ, Trương Phi không dám nói gì nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net