Truyen30h.Net

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM

93-94

riri_pipi

CHU DU ĐÁNH HỎA CÔNG Ở XÍCH BÍCH

Sau khi dẹp yên miền bắc, năm 208 Tào Tháo đem đại quân xuống miền nam đánh Lưu Biểu. Binh mã Tào Tháo chưa tới Kinh Châu, Lưu Biểu đã ốm chết. Con Lưu Biểu là Lưu Tông nghe nói thanh thế quân Tào lớn mạnh thì sợ hãi rụng rời, vội cử người đến xin hàng. Lúc đó, Lưu Bị đang giữ Phàn Thành (nay là thành phố Tương Phàn, Hồ Bắc) nghe tin quân Tào tiến đánh liền lui về Giang Lăng (nay là Giang Lăng, Hồ Bắc). Dân chúng Kinh Châu thấy Lưu Bị đối đãi tốt với dân, liền tình nguyện cùng đi theo quân Lưu Bị. Tào Tháo đến Tương Dương, nghe tin Lưu Bị rút về Giang Lăng, lại dò biết ở đó có kho lương lớn của Lưu Biểu, sợ Lưu Bị chiếm mất nên dẫn 5000 khinh kỵ đuổi gấp. Quân mã của Lưu Bị phải đem theo vũ khí trang bị nặng nề, lại phải hộ tống hơn 10 vạn dân đi theo, nên mỗi ngày chỉ đi được hơn 10 dặm. Kỵ binh của Tào Tháo mỗi ngày đêm đi được 300 dặm, nên rất nhanh chóng đuổi kịp Lưu Bị ở dốc Đương Dương, Trường Bản (nay ở đông bắc huyện Đương Dương, Hồ Bắc).

Quân Lưu Bị bị kỵ binh Tào Tháo chia cắt, đánh tan tác, may nhờ có Trương Phi chặn được ở dốc Trường Bản nên Lưu Bị và Gia Cát Lượng mới đem được một số ít quân thoát khỏi quân truy kích. Nhưng đường về Giang Lăng đã bị đã bị quân Tào án ngữ, Lưu Bị đành lui về Hạ Khẩu (nay là thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc). Tào Tháo chiếm được Giang Lăng, liền tiến quân men theo Trường Giang về phía đông, gần tới Hạ Khẩu. Gia Cát Lượng nói với Lưu Bị: "Tình hình rất nguy cấp, chỉ còn một cách cầu cứu Tôn Quyền".

Vừa may lúc đó Tôn Quyền cũng sợ Tào Tháo chiếm mất Kinh Châu, nên phái Lỗ Túc đến tìm Lưu Bị bàn việc liên hiệp chống Tào. Gia Cát Lượng liền cùng Lỗ Túc đến Sài Tang (nay ở tây nam Cửu Giang, Giang Tây) gặp Tôn Quyền. Khi yết kiến Tôn Quyền, Gia Cát Lượng nói: "Nay Tào Tháo đã chiếm được Kinh Châu, đang chuẩn bị đánh Đông Ngô. Nếu tướng quân quyết tâm chống lại thì nên sớm đoạn tuyệt quan hệ với Tào Tháo và liên hợp với chúng tôi; nếu không thì thà hàng quách Tào Tháo. Lúc này mà còn do dự thì tai họa đến nơi, thì không còn kịp đối phó nữa".

Tôn Quyền hỏi lại: "Thế tại sao Lưu Bị không đầu hàng Tào Tháo đi?"

Gia Cát Lượng nghiêm chỉnh nói: "Lưu tướng quân là dòng dõi nhà Hán, có tài đức trùm trời, sao có thể cúi đầu hàng phục Tào Tháo được?".

Tôn Quyền nghe Gia Cát Lượng nói thế, bị kích động, cũng nói: "Ta cũng không thể đem đất đai Giang Đông và 10 vạn quân mã biếu không cho kẻ khác. Nhưng Lưu tướng quân vừa thua trận, làm sao chống lại được Tào?".

Gia Cát Lượng nói: "Xin tướng quân yên tâm. Tuy Lưu hoàng thúc mới thua trận, vẫn còn 2 vạn thủy quân. Quân Tào tuy đông nhưng từ xa đến đã rất mệt mỏi. Vả lại quân miền bắc không quen thủy chiến, dân Kinh Châu không tuân phục chúng, nếu chúng ta đồng tâm hiệp lực thì nhất định đánh thắng được chúng".

Nghe Gia Cát Lượng phân tích, Tôn Quyền thấy vững tâm, phấn khởi, liền lập tức triệu tập tướng lĩnh, bàn cách đánh quân Tào. Đúng lúc đó, Tào Tháo gửi chiếu thư tới. Thư viết: ta phụng mệnh hoàng đế, đem quân nam chinh. Nay trong tay ta có 80 vạn binh hùng tướng mạnh, sẵn sàng đọ sức với tướng quân" .

Tôn Quyên đưa thư cho các quan xem, đại đa số đều hoảng sợ, không biết nói sao. Trương Chiêu là đại thần kì cựu nhất của Đông Ngô, nói: "Tào Tháo dùng danh nghĩa thiên tử đem quân thảo phạt. Nếu chúng ta chống lại, là thua về lý. Vả lại, xưa nay chúng ta vẫn dựa vào sự hiểm trở của Trường Giang, nay ưu thế đó không còn nữa. Tào Tháo đã chiếm được Kinh Châu, có hàng ngàn chiến thuyền. Chúng tiến đánh theo cả 2 đường thủy bộ thì ta chống đỡ sao nổi. Vì vậy, theo thiển ý, ta chỉ còn có cách đầu hàng thôi".

Trương Chiêu nói xong, có rất nhiều người phụ họa. Chỉ có Lỗ Túc im lặng, lạnh lùng nghe, không nói một lời. Tôn Quyền thấy thế rất bực dọc, bỏ cuộc họp đi ra ngoài, Lỗ Túc liền ra theo. Tôn Quyền kéo tay Lỗ Túc, hỏi: "Tiên sinh thử nói xem, nên thế nào bây giờ?".

Lỗ Túc nói: "Ý kiến bọn Trương Chiêu vừa rồi không thể nghe theo được. Nếu nói chuyện đầu hàng thì Lỗ Túc này đầu hàng còn được chứ tướng quân sao có thể làm như thế. Bởi vì nếu đầu hàng thì Túc này có thể bỏ về quê, giao du với các danh sĩ, gặp cơ hội còn có thể làm quan cấp châu, quận. Còn nếu tướng quân đầu hàng, thì 6 quận Giang Đông này đều rơi vào tay Tào Tháo, tướng quân còn biết đi đâu?".

Tôn Quyền thở dài nói: "Lời của mọi người vừa rồi, thật khiến Quyền này vô cùng thất vọng. Chỉ có lời tiên sinh mới hợp ý ta".

Tan họp, Lỗ Túc khuyên Tôn Quyền triệu tập ngay Chu Du đang ở Phiên Dương về để bàn bạc. Chu Du về đến Sài Tang, Tôn Quyền lại triệu tập các quan văn võ lại họp bàn. Trong cuộc họp, Chu Du khảng khái nói: "Tào Tháo về danh nghĩa là thừa tướng triều Hán, nhưng thực tế là gian tặc triều Hán. Lần này hắn đến đây là tự tìm lấy cái chết, sao có thể đầu hàng hắn được?". Tiếp đó, Chu Du phân tích cho mọi người rất nhiều điều bất lợi của Tào Tháo: quân miền bắc không quen thủy chiến, lại từ xa xôi tới một chiến trường lạ lẫm, thủy thổ không hợp, nhất định sẽ phát sinh tật bệnh. Binh mã tuy nhiều, nhưng không thể phát huy được tác dụng.

Nghe Chu Du phân tích, Tôn Quyền hết do dự, cả quyết đứng lên, rút phăng bảo kiếm, chém sạt một góc bàn, rồi nghiêm nghị tuyên bố: "Ý ta đã quyết, ai còn nói đến chuyện đầu hàng thì sẽ như chiếc bàn này".

Tối hôm đó, Chu Du lại một mình đến gặp Tôn Quyền nói: "Tôi đã cho quân do thám tìm hiểu rõ ràng, Tào Tháo hư trương thanh thế, nói là có 80 vạn quân; kì thực chỉ có hơn 20 vạn, trong đó lại có nhiều quân mới thu phục ở Kinh Châu, không thật lòng theo Tào. Chỉ xin tướng quân trao cho tôi 5 vạn tinh binh, tôi bảo đảm đánh bại được hắn".

Hôm sau, Tôn Quyền phong Chu Du làm đô đốc, giao cho chỉ huy 3 vạn thủy quân, hiệp lực với Lưu Bị cùng chống lại Tào Tháo. Chu Du lĩnh binh tiến quân, gặp tiền quân Tào Tháo ở Xích Bích (nay ở núi Xích Cơ, ở phía tây huyện Vũ Xương, Hồ Bắc). Quả nhiên đúng như dự liệu của Chu Du, quân Tào nhiều người không quen thủy thổ, đã phát sinh dịch bệnh. Hai bên chạm trán, tiền quân của Tào Tháo thua trận, buộc phải rút về bờ bắc Trường Giang. Chu Du dẫn quân đóng ở miền nam, 2 bên đối diện ghìm giữ nhau. Đúng như nhận định của Chu Du, binh sĩ quân Tào là người miền bắc, không quen thủy chiến, mỗi khi gặp sóng gió, binh sĩ trên thuyền say sóng, không còn sức chiến đấu. Tào Tháo phải cho xích chặt các thuyền lại với nhau để thuyền đỡ chòng chành.

Hoàng Cái, bộ tướng của Chu Du thấy tình hình đó, liền hiến kế: "Quân Tào nhiều, quân ta ít, nếu tách riêng thuyền ra thì ta bất lợi, nay chúng đã liên kết cả lại bằng xích sắt thì theo thiển ý của tiểu tướng, ta có thể dùng hỏa công để đánh bại chúng".

Chu Du thấy đó là 1 ý kiến hay liền bàn với Hoàng Cái, sai Hoàng Cái viết 1 bức thư gửi sang cho Tào Tháo, xin tình nguyện rời bỏ Đông Ngô, đem chiến thuyền dưới quyền sang hàng Tào. Tào Tháo cho rằng trước lực lượng mạnh của mình, các tướng lĩnh Đông Ngô dao động muốn hàng là điều tự nhiên, nên không đề phòng gì. Hoàng Cái sai binh sĩ chuẩn bị 10 thuyền lớn, trên chất đầy củi nỏ và cỏ khô tẩm dầu, bên ngoài phủ vải che kín, cắm đầy cờ quạt. Lại chuẩn bị 1 số thuyền nhẹ, buộc sau thuyền lớn để khi phóng hỏa thì chuyển người sang, xông pha chiến đấu. Tháng 11 , đang mùa rét đậm, tiết trời bỗng chuyển sang ấm, gió nam nổi lên. Đêm đó Hoàng Cái đem quân giương buồm trên 10 thuyền lớn dẫn theo thuyền nhỏ, đi như tên bắn ngược dòng Trường Giang tiến về phía thủy trại Tào. Tướng sĩ quân Tào nghe tin đại tướng Đông Ngô dẫn chiến thuyền đến hàng, đều chen chúc đứng trên mũi thuyền trông ngóng. Không ngờ, chiến thuyền Đông Ngô cách thủy trại quân Tào khoảng 2 dặm thì 10 thuyền lớn đùng đùng bốc lửa. Lửa nhờ sức gió nhanh chóng bốc cao và như những con rồng lửa lao và thủy trại Tào. Chiến thuyền quân Tào đã xích chặt vào nhau, trong lúc bối rối, không gỡ ra kịp nên lập tức bén lửa, bốc cháy. Chỉ trong chốc lát, mặt sông Trường Giang biến thành 1 biển lửa. Lửa từ thủy trại lan cả sang doanh trại trên bờ, khiến quân Tào vừa chết cháy, vừa chết đuối. Quang cảnh kinh hoàng tán loạn, không còn chỉ huy được nữa.

Thấy doanh trại Tào trên bờ bắc bốc cháy, Chu Du lập tức dẫn quân vượt sông tiến đánh mãnh liệt. Lửa cháy sáng rực, trống trận vang lừng, tiếng hô giết vang dội khiến quân Tào không biết đối phương có bao nhiêu quân, không còn dám chống đỡ, chỉ cuống quýt tìm đường tháo chạy. Tào Tháo dẫn tàn binh bại tướng chạy về theo đường nhỏ Hoa Dung (nay ở tây nam huyện Tiên Giang, Hồ Bắc). Con đường này rất chật hẹp, lầy lội, kỵ binh đi lại khó khăn. Tháo vội sai quân chặt cành cây và cắt cỏ lát đường rồi thúc kỵ binh liều mạng vượt qua. Vì vội vã, số binh lĩnh làm việc lát đường bị ngựa dẫm chết, nằm la liệt trên đường.

Lưu Bị hiệp lực với Chu Du đem cả quân thủy và bộ đuổi riết tới tận Nam Quận (nay là Giang Lăng, Hồ Bắc). Mấy chục vạn đại quân vừa chết bệnh, vừa chết trận mất quá nửa, số còn lại tan tác khắp nơi. Tào Tháo đành cử Tào Nhân, Tào Hoảng, Nhạc Tiến chia nhau giữ Giang Lăng và Tương Dương, con mình dẫn tàn binh về Hứa đô. Qua đại chiến Xích Bích, cục diện phân chia 3 nước đã cơ bản hình thành.


HOA ĐÀ TRỊ BỆNH

Tào Tháo đại bại ở Xích Bích, chạy về Hứa đô, trong lòng buồn bã. Đúng vào lúc đó, đứa con nhỏ mà Tào Tháo yêu mến nhất là Thương Thư lại mắc bệnh nặng, tìm nhiều thầy thuốc mà vẫn không có hiệu quả. Nhìn thấy đứa con sắp chết, Tào Tháo thương cảm than: "Nếu có Hoa Đà, thì con ta không phải chết sớm thế này".

Hoa Đà là 1 thầy thuốc nổi tiếng trong lịch sử y học Trung Quốc, là người đồng hương với Tào Tháo. Từ lúc trẻ tuổi, Hoa Đà đã thông lầu kinh truyện, đặc biệt là tinh thông y học. Dù gặp loại bệnh kì dị, khó khăn thế nào, nếu được Hoa Đà cứu chữa, thì tuyệt đại đa số trường hợp đều khỏi. Các quan lại địa phương cho tới thái úy trong triều, nghe danh tiếng của Hoa Đà, nhiều lần mời ra làm quan, nhưng ông đều từ chối. Hoa Đà đoán bệnh vô cùng chuẩn xác. Có lần, 2 viên quan bị nhức đầu phát sốt, lần lượt tìm tới xin Hoa Đà chữa trị. Hoa Đà xem bệnh cho 2 người, cho 1 người đơn thuốc đi ngoài, 1 người đơn thuốc phát tán mồ hôi. Có người đứng cạnh thấy Hoa Đà cho 2 đơn thuốc khác nhau thì lấy làm lạ, liền hỏi tại sao bệnh tình giống nhau mà lại cho đơn thuốc khác nhau. Hoa Đà nói: "Triệu chứng bệnh tuy giống nhau nhưng thực chất căn nguyên bệnh lại khác nhau. Người trước do nguyên nhân bên trong, nên phải cho uống thuốc để tống chất độc ra theo đường tiêu hóa; còn người sau chỉ là do ngoại cảm, nên cho thuốc phát tán mồ hôi là khỏi". Quả nhiên, 2 viên quan uống thuốc, đều nhanh chóng khỏi bệnh.

Có 1 viên tướng họ Lý, mời Hoa Đà tới xem bệnh cho vợ. Hoa Đà tới, xem mạch nói: "Đây là do lúc mang thai bị tổn hại thân thể, cái thai còn tại trong bụng".

Viên tướng nói: "Vợ tôi bị sảy thai, thai đã ra rồi mà".

Hoa Đà nói: "Theo chẩn đoán của tôi, thai còn ở trong bụng".

Viên tướng không tin, sau khi Hoa Đà đi khỏi, hơn 100 ngày sau, bệnh người vợ càng nặng thêm, lại phải mời Hoa Đà đến xem. Hoa Đà nói: "Đúng là có một cái thai chết lưu. Nguyên là phu nhân có mang sinh đôi, một thai đã bị sảy, một thai vẫn còn trong bụng".

Hoa Đà liền cho thuốc kết hợp với châm cứu, quả nhiên làm thoát ra được 1 cái thai đã chết. Bệnh nhân nhanh chóng được bình phục. Hoa Đà không những giỏi về nội khoa mà còn thành thạo cả giải phẫu ngoại khoa. Ông chế ra một loại thuốc gọi là "Ma phất tán". Một bệnh nhân bị đau bụng dữ dội, mới qua 10 ngày, râu tóc và lông mày rụng hết. Hoa Đà chẩn đoán nói: "Đó là trong tùy tạng có viêm nhọt, phải mau chữa trị".

Hoa Đà cho bệnh nhân uống ma phất tán, rồi mổ khoang bụng, cắt bỏ phần bị hoại tử, rồi khâu bụng lại, dán thuốc cao. Bốn năm ngày sau, vết mổ liền lại, 1 tháng sau bệnh nhân bình phục. Lịch sử còn ghi chép rất nhiều truyền thuyết về tài chữa bệnh của Hoa Đà. Như trường hợp có 1 viên thái thú bị bệnh, rất nhiều thầy thuốc chữa không khỏi. Hoa Đà xem bệnh thấy bệnh này chỉ có thể khỏi khi bệnh nhân lên cơn nóng giận dữ dội. Ông cố ý đòi thật nhiều tiền đặt trước, rồi cứ rề rà không cho đơn thuốc. Mấy ngày sau, ông đột nhiên bỏ đi, để lại một bức thư mắng mỏ viên thái thú là mắc bệnh như thế là đáng đời, mình làm mình chịu. Thái thú quả nhiên nổi giận, cử người tìm bắt Hoa Đà. Người con của thái thú biết Hoa Đà có dụng ý, ngầm dặn dò người nhà chớ có bắt Hoa Đà. Thái thú nghe nói không bắt được Hoa Đà thì nộ khí xung thiên, uất quá thổ ra toàn máu đen. Ngờ đâu, sau khi thổ ra máu, bệnh tự nhiên khỏi.

Tào Tháo xưa nay có bệnh nhức đầu. Mỗi khi công việc bận rộn, đầu lại đau không chịu nổi. Nghe nói Hoa Đà chữa bệnh giỏi có tiếng, liền cho mời đến. Hoa Đà châm cứu mấy lần, bệnh nhức đầu ngừng hẳn. Tào Tháo không cho ông đi, mà lưu lại làm thầy thuốc trong nhà để chữa bệnh cho mình. Hoa Đà thích chữa bệnh cứu người, không muốn bị giữ lại để chỉ khư khư ôm hòm thuốc phục vụ một mình Tào Tháo. Có lần, ông mượn cớ về thăm gia đình, luôn tiện lên núi tìm thuốc. Tào Tháo không nghi ngờ gì, để ông đi. Hoa Đà về đến nhà, bảo người nhà viết 1 bức thư cho Tào Tháo, nói vợ ông mắc bệnh rất nặng, phải ở lại chăm sóc, không về ngay Hứa đô được, Tào Tháo nhiều lần viết thư thúc giục nhưng Hoa Đà vẫn lần lữa không đến. Tào Tháo lại ra lệnh cho các quan ở quận huyện đến tìm, Hoa Đà đều từ chối không đi.

Tào Tháo nổi nóng, liền phái sứ giả đến huyện Tiều điều tra, và dặn sứ giả: "Nếu vợ Hoa Đà ốm thật thì tặng ông ta 40 hộc (hộc - đơn vị do dung lượng thời cổ, bằng 10 đấu) lương và định thời hạn để Hoa Đà trở lại. Nếu Hoa Đà nói dối thì lập tức bắt đem về".

Kết quả Hoa Đà bị bắt giải về Hứa đô. Tào Tháo cho rằng Hoa Đà dối trá, phạm vào tội đại nghịch vô đạo, liền ghép ông vào tội chết. Mưu sĩ Tuân Húc cảm thấy hình phạt đó quá nặng, liền khuyên Tào Tháo: "Hoa Đà có y thuật rất cao minh, nếu giết ông ta thì thiệt thòi cho nhiều người. Xin thừa tướng xử phạt khoan dung".

Tào Tháo vốn cũng là người yêu chuộng nhân tài, nhưng từ sau khi đánh bại Viên Thiệu, bắt đầu có tính kiêu ngạo, lại đang cơn nóng giận, không chịu nghe lời Tuân Húc, hầm hầm tuyên bố: "Chẳng lẽ trong thiên hạ không còn có ai chữa bệnh giỏi như hắn ta hay sao?". Nói xong, liền sai người giết ngay Hoa Đà.

Trong lúc Hoa Đà bị giam trong ngục, bên mình luôn có bộ sách y học quí do ông dựa vào bao năm kinh nghiệm để viết nên. Ông không ngờ mình lại bị ghép vào tử tội, không có cách nào cứu vãn được. Nhưng lại tiếc bộ sách đã chứa đựng kiến thức và tâm huyết nhiều năm, nếu để mất đi thì thiệt thòi lớn cho đời. Trước ngày thụ hình, ông mời viên quan coi ngục đến nói: "Xin ông hãy giữ gìn bộ sách này. Sau này có thể chữa bệnh giúp đời".

Nhưng viên quan coi ngục nhát gan, sợ tiếp nhận bộ sách đó, sau này Tào Tháo truy cứu sẽ bị liên lụy nên nhất định không chịu nhận. Hoa Đà thất vọng, ngẩng lên nhìn trời than thở rồi xin quan ngục lại cho một mớ lửa, đốt cháy bộ sách quí đó trong ngục. Sau khi Hoa Đà chết, Tào Tháo lại mắc bệnh nhức đầu, nhưng không thầy thuốc nào chữa khỏi được. Song Tào Tháo vẫn không chịu nhận sai lầm, còn nói: "Tên Hoa Đà này cố ý không chịu chữa khỏi bệnh cho ta. Dù ta không giết hắn, cũng không mong gì hắn hết lòng vì ta".

Mãi tới khi đứa con nhỏ là Thương Thư chết, Tào Tháo mới hết sức hối hận, nhưng đã muộn. Hoa Đà chết, con cái và học trò ông vẫn tiếp tục chữa bệnh cứu người. Nhưng đáng tiếc là bộ sách vô giá của ông đã vĩnh viễn thất truyền.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net