Truyen30h.Net

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM

CHU THẾ TÔNG GẠT BỎ PHÙNG ĐẠO

riri_pipi

Khi quân Liêu rút lui khỏi Khai Phong, Lưu Tri Viễn, đại tướng của Hậu Tấn liền xưng đế ở Thái Nguyên rồi dẫn quân xuống phía nam. Dọc đường tiến quân, quân đội của Lưu Tri Viễn giữ kỷ luật nghiêm minh, được nhân dân Trung nguyên hoan nghênh và ủng hộ. Tướng Liêu ở các địa phương nghe tiếng đồn, đều hoang mang rút chạy. Trong 1 thời gian ngắn, Lưu Tri Viễn đã thu phục được Lạc Dương, Biện Kinh. Tháng 6 năm đó (947), Lưu Tri Viễn định đô ở Biện Kinh, đổi quốc hiện là Hán. Đó là hoàng đế Cao Tổ của Hậu Hán. Lưu Tri Viễn làm hoàng đế được 10 tháng thì chết, con là Lưu Thừa Hựu nối ngôi. Đó là Hậu Hán Ẩn Đế. Lúc này, nội bộ triều Hậu Hán xảy ra động loạn. Ẩn Đế sợ các tướng có quyền lực quá lớn, nên bí mật sai người đến Nghiệp Thành ám sát đại tướng Quách Uy, bị Quách Uy phát hiện, đem quân nổi dậy chống lại. Năm 950, Quách Uy lật đổ triều Hậu Hán, được các tướng sĩ tôn lên làm hoàng đế. Năm 951, Quách Uy lên ngôi tại Biện Kinh, đổi quốc hiệu là Chu, đó là Hậu Chu Thái Tổ. Vì xuất thân nghèo khổ nên Hậu Chu Thái Tổ Quách Uy hiểu được nỗi khổ của dân. Ông cũng được học hành chút ít, nên chú ý trọng dụng nhân tài và quan tâm cải cách chính trị. Dưới sự cai trị của quách Uy, tình hình hỗn loạn của thời Ngũ Đại bắt đầu được an định lại.

Khi Hậu Chu mới thành lập, em của Lưu Tri Viễn là Lưu Sùng không phục tùng sự thống trị của Hậu Chu, liền chiếm cứ Thái Nguyên, trở thành 1 chính quyền cát cứ. Lịch sử gọi chính quyền này là Bắc Hàn (một trong 10 nước). Để đối kháng với Hậu Chu, Lưu Sùng liền nương tựa vào nước Liêu, tôn vua Liêu làm "hoàng đế chú", nhiều lần nhờ sự giúp đỡ của quân Liêu, đem quân đánh Hậu Chu nhưng đều bị Chu Thái Tổ đánh bại. Năm 954, Chu Thái Tổ mất, ông không có con trai. Sai hoàng hậu có người cháu là Sài Vinh, từ nhỏ đã thông minh lanh lợi, lại giỏi giang võ nghệ, được Chu Thái Tổ nhận làm con. Khi Chu Thái Tổ mất, Sài Vinh kế thừa ngôi hoàng đế. Đó là Chu Thế Tông.

Chu Thế Tông vừa lên ngôi, Lưu Sùng ở Bắc Hán cho rằng tình hình triều Chu không ổn định, đây là thời cơ tiến chiếm Trung nguyên, liền tập trung 3 vạn quân và mượn thêm 1 vạn kỵ binh của Liêu, tiến công vào Lạc Châu (trị sở ở Trường Trị, Sơn Tây ngày nay). Tin tức truyền tới Biện Kinh, Chu Thế Tông lập tức triệu tập các đại thần lại bàn. Ông ta nêu ý kiến là sẽ dẫn quân thân chính để chống lại liên quân Liêu và Bắc Hán. Các đại thần nói: "Bệ hạ vừa lên ngôi, lòng người dễ xao động, bệ hạ không nên thân chinh, mà cử một tướng khác đi thì hơn".

Chu Thế Tông nói: "Chu Sùng nhân lúc ta có việc tang, lại có ý coi ta còn trẻ và mới lên ngôi, toan nuốt chửng Trung nguyên. Lần này đích thân hắn đem quân tới, ta không thể không đích thân đối phó với hắn".

Các đại thần thấy thái độ của Chu Thế Tông kiên quyết như thế, thì không ai nói gì nữa. Chỉ có 1 lão thần đứng lên phản đối, đó là thái sư Phùng Đạo. Phùng Đạo là viên tể tướng ngay từ thời Hậu Đường Minh Tông. Sau đó, trải qua 3 triều đại, vẫn giữ được ngôi vị đó. Trước mặt các hoàng đế, ông ta giỏi tùy cơ ứng biến khéo ăn nói, nên mọi hoàng đế đều ưa thích. Khi quân Liêu chiếm Biện Kinh, ông chủ động đến triều kiến vua Liêu. Các hoàng đế của vương triều mới cũng thích dùng ông. Vì vậy, dù ở vương triều nào, ông vẫn giữ được chức vị quan trọng, là tể tướng, thái sư, thái phó. Lần này, Phùng Đạo thấy Chu Thế Tông còn trẻ tuổi, liền thấy tư cách nguyên lão để khuyên ngăn việc xuất chính. Chu Thế Tông nói với Phùng Đạo: "Xưa kia Đường Thái Tông bình định thiên hạ, đều tự mình cầm quân. Ta sao có thể chỉ chú ý an toàn cho mình?".

Phùng Đạo cười nhạt nói: "Bệ hạ có thể so được với Đường Thái Tông chăng?".

Chu Thế Tông thấy Phùng Đạo có vẻ coi thường mình, rất bực nói: "Chúng ta có binh lực lớn mạnh, muốn tiêu diệt Lưu Sùng, thật dễ dàng như lấy núi Thái Sơn đè nát trứng, có gì đáng lo?".

Phùng Đạo nói: "Chẳng biết bệ hạ có thể như một trái núi được không?".

Chu Thế Tông nổi giận, phất tay áo rời khỏi triều đình. Sau đó, 1 số đại thần khác ủng hộ chủ trương của ông. Chu Thế Tông liền quyết định thân chinh. Từ đó, Chu Thế Tông hết sức chán ghét Phùng Đạo. Ít lâu sau, ông cử Phùng Đạo đi trông coi việc tu tạo lăng mộ Chu Thái Tổ. Phùng Đạo bị gạt bỏ, buồn rầu lâm bệnh rồi chết. Chu Thế Tông dẫn đại quân đến Cao Bình (thuộc tỉnh Sơn Tây ngày nay) thì gặp quân Bắc Hán. Hai bên bày trận, chuẩn bị giao tranh. Lưu Sùng thấy quân Chu không nhiều, kiêu ngạo nói: "Nếu sớm biết thế này, ta cần gì phải mượn quân Khiết Đan nữa. Lần này, không những ta phải đánh bại quân Chu, mà còn cho Khiết Đan thấy ta lợi hạ thế nào!".

Lưu Sùng chỉ huy quân Bắc Hán tiến công mãnh liệt sang trận địa quân Chu, các tướng chỉ huy hữu quân bên Chu không giữ được, dẫn kỵ binh lui chạy, bộ binh vì vậy cũng đầu hàng rất nhiều. Thấy tình hình nguy cấp, Chu Thế Tông thân tự xông pha tên đạn đốc chiến. Hai viên tướng dưới quyền ông là Triệu Khuông Dận và Trương Vĩnh Đức, mỗi người dẫn 2000 thân binh xông sang trận địch. Binh sĩ Chu thấy Chu Thế Tông trầm tĩnh ứng chiến, cũng hăng hái xung sát, 1 người địch nổi 100 người, tranh nhau xông sang đất địch. Quân Bắc Hán bị đánh tan vỡ như núi lở. Quân Liêu ở phía sau, thấy quân Bắc Hán thất bại, không dám giao chiến với quân Chu, đều lẳng lặng lui quân. Quân Bắc Hán của Lưu Sùng bị đánh thua, cứ lui dần, bị truy kích ráo riết, lại không có viện binh. Cuối cùng, chỉ còn lại hơn 100 kỵ binh, lếch thếch chạy về Tấn Dương.

Qua trận đại chiến Cao Bình, danh tiếng của Chu Thế Tông trở nên vang dội. Sau khi trở về Biện Kinh, ông bắt tay vào việc chỉnh đốn quân đội, giảm nhẹ đóng góp cho dân, chuẩn bị cuộc chiến tranh nhằm thống nhất đất nước. Hai năm sau, ông dẫn quân thảo phạt Nam Đường (một trong 10 nước), đánh chiếm được 14 châu phía bắc Trường Giang. Sau đó, lại hạ lệnh bắc phạt, dẫn quân tiến theo 2 đường thủy lục, thu phục được 1 vùng đất lớn phía bắc. Đáng tiếc là trong khi nguyện vọng thống nhất toàn quốc đang được thực hiện, thì ông lại bị bệnh mất.

Năm 959, Chu Thế Tông mất sau 8 năm trị vì, con nhỏ mới 7 tuổi là Sài Thế Huấn lên nối ngôi. Đó là Chu Cung Đế.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net