Truyen30h.Net

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM

HẠ HOÀN THUẦN GIẬN MẮNG HỒNG THỪA TRÙ

riri_pipi

Sau khi chính quyền Hoằng Quang Đế tan rã, lực lượng chống Thanh ở miền duyên hải vẫn tiếp tục chiến đấu. Tháng 6 năm 1645, 1 số đại thần triều Minh là Hoàng Đạo Chu, Trịnh Tử Long liền lập 1 triều đình mới ở Phúc Châu, tôn Đường vương Chu Duật Kiện lên ngôi. Lịch sử gọi ông là Long Vũ Đế. Một số đại thần khác là Trương Quốc Duy, Trương Hoàng Ngôn ở Thiệu Hưng, lại tôn Lỗ vương Chu Dĩ Hải làm giám quốc. Như vậy, 2 chính quyền Nam Minh đồng thời tồn tại. Để đối phó với lực lượng chống Thanh, triều Thanh liền cử Hồng Thừa Trù, người đã đầu hàng trong chiến dịch Tùng Sơn, làm tổng đốc, đi chiêu phủ miền Giang Nam. Lúc đó, tại Tùng Giang (nay là thành phố Thượng Hải) có 1 số nhân sĩ đang nhen nhóm lực lượng chống Thanh; đứng đầu số đó là Hạ Doãn Di và Trần Tử Long. Hạ Doãn Di có 1 con trai mới 15 tuổi là Hạ Hoàn Thuần, lại là học trò của Trần Tử Long. Từ nhỏ, Hạ Hoàn Thuần đã đọc nhiều sách vở, giỏi văn thơ. Chịu ảnh hưởng của cha và thầy dậy, chàng cũng tham gia cuộc đấu tranh chống Thanh.

Muốn tổ chức chống Thanh mà chỉ có mấy người trí thức thì không đủ. Hạ Doãn Di có 1 học trò là Ngô Chí Quì, làm tổng binh Ngô Tùng, trong tay có 1 số binh lực. Họ liền thuyết phục Ngô Chí Quì cùng chống Thanh. Ngô Chí Quì nhận lời và mang quân tiến đánh Tô Châu. Bước đầu vô cùng thuận lợi, đội tiên phong vào được thành Tô Châu; nhưng Ngô Chí Quì lâm trận thiếu quyết đoán, không kịp thời tăng viện nên số nghĩa quân lọt được vào đã bị bao vây tiêu diệt, số quân chủ lực của Ngô Chí Quì ở ngoài thành cũng bị đánh bại. Không lâu sau, quân Thanh vây đánh Tùng Giang, cha con Hạ Doãn Di cùng với Trần Tử Long vượt được vòng vây, chạy về nông thôn ẩn náu. Quân Thanh truy lùng khắp nơi, còn mong dụ Hạ Doãn Di về tự thú. Hạ Doãn Di không chịu để lọt vào tay quân Thanh, liền lao xuống sông tự sát. Ông để lại di chúc, mong con là Hạ Hoàn Thuần nối chí chống Thanh của mình. Cái chết của cha khiến Hạ Hoàn Thuần vô cùng đau đớn, lại càng căm thù sâu sắc quân Thanh. Chàng và Trần Tử Long bí mật trở lại Tùng Giang, tổ chức quân khởi nghĩa. Lúc đó, họ nghe tin tại Trương Bạch Đăng thuộc Thái Hồ có 1 đội nghĩa quân chống Thanh do Ngô Dị lãnh đạo, đang chấn chỉnh đội ngũ. Hạ Hoàn Thuần bán hết gia sản, quyên góp cho nghĩa quân làm quân phí, và làm tham mưu dưới quyền Ngô Dị. Chàng còn viết 1 tấu chương, cử người mang tới Thiệu Hưng đưa lên Lỗ vương, xin Lỗ vương kiên trì chống lại quân Thanh. Lỗ Vương nghe nói người dâng tấu chương là 1 thiếu niên, hết sức khen ngợi và phong cho chàng chức Trung thư xá nhân.

Thủy quân của Ngô Dị khi ẩn khi hiện bên Thái Hồ, đánh cho quân Thanh tối tăm mặt mũi. Nhưng sau vì có kẻ phản bội, nghĩa quân bị thất bại, Ngô Dị cũng hy sinh. Một năm sau, Trần Tử Long lại bí mật vận động Ngô Thắng Triệu, đề đốc của quân Thanh ở Tùng Giang chống lại Thanh. Lần binh biến này chẳng may bị thất bại, Ngô Thắng Triệu bị giết, Trần Tử Long cũng bị quân Thanh bắt. Trần Tử Long không chịu nhục, trên thuyền áp giải tới Nam Kinh, đã giằng khỏi dây trói, lao đầu xuống sông tự tử. Hạ Hoàn Thuần đang bàng hoàng đau xót trước sự hy sinh của thầy học, thì bị bắt do có kẻ tố giác. Quân Thanh cử nhiều binh lính áp giải chàng về Nam Kinh. Hạ Hoàn Thuần bị giam trong nhà lao suốt 80 ngày, chàng viết cho bạn bè rất nhiều bài thơ hào hùng và bi tráng. Sự uy hiếp của thần chết không làm chàng sờn lòng, chỉ đau lòng về nỗi không thực hiện được tráng chí bảo vệ dân tộc, khôi phục Trung nguyên. Cuộc thẩm vấn Hạ Hoàn Thuần bắt đầu. Kẻ thẩm vấn chính là Hồng Thừa Trù, vị quan to được triều Thanh trao trọng trách chiêu phủ Giang Nam. Hồng Thừa Trù biết Hạ Hoàn Thuần là 1 "thần đồng" nổi tiếng khắp vùng Giang Nam, nên muốn dùng thủ đoạn mềm mỏng buộc Hạ Hoàn Thuần khuất phục. Ông ta hỏi: "Nghe nói cậu gửi tấu chương lên Lỗ vương, có việc đó không?".

Hạ Hoàn Thuần ngẩng đầu lên trả lời: "Chính là chữ viết của ta!".

Hồng Thừa Trù lấy giọng ôn hòa, nói: "Ta xem cậu còn nhỏ tuổi, vị tất đã có thể khởi binh làm phản, hẳn là bị người khác xúi giục. Chỉ cần cậu chịu quay về theo Đại Thanh, ta sẽ cho cậu làm quan".

Hạ Hoàn Thuần làm ra vẻ không biết kẻ đang thẩm vấn mình là Hồng Thừa Trù, lớn tiếng đáp: "Ta nghe nói triều Minh ta có tiên sinh Hồng Hanh Cửu (tên tự của Hồng Thừa Trù) là người hào kiệt. Năm nọ, trong trận đánh Tùng Sơn, ngài đã hy sinh vì nước, làm xúc động trong ngoài. Ta khâm phục sự trung liệt của ngài, nên tuy còn ít tuổi vẫn quyết hy sinh báo thù, sao chịu thua kém".

Câu nói đó làm Hồng Thừa Trù hổ thẹn dở cười dở khóc, toát hết mồ hôi. Binh lính đứng bên cạnh tưởng rằng Hạ Hoàn Thuần không biết Hồng Thừa Trù, vội nhắc nhở: "Đừng nói càn! Ngồi trước mặt ngươi chính là Hồng đại nhân đó!".

Hạ Hoàn Thuần "phì" 1 tiếng, nói tiếp: "Hồng tiên sinh hy sinh vì nước, khắp thiên hạ ai mà không biết. Sùng Trinh Đế còn lập đàn tế, bách quan trong triều đều khóc lóc viếng tang. Còn tên phản bội này sao dám mạo làm tiên liệt, ô nhục đến trung hồn".

Tiếp đó, chàng chỉ mặt Hồng Thừa Trù, không ngừng chửi mắng. Hồng Thừa Trù mặt xám như tro, không còn dám thẩm vấn gì nữa, vội vỗ bàn thét lính lôi Hạ Hoàn Thuần ra ngoài.

Tháng 9 năm 1647, vị thiếu niên anh hùng vừa 17 tuổi đó đã bị sát hại tại Tây Thị, Nam Kinh. Đến nay, phía tây thành Tùng Giang, vẫn còn ngôi mộ chung của 2 cha con liệt sĩ Hạ Doãn Di, Hạ Hoàn Thuần.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net