Truyen30h.Net

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM

HẢI THỤY CƯƠNG TRỰC KHÔNG XU NỊNH

riri_pipi

Trong những năm tháng Nghiêm Tung chuyên quyền, không những cha con hắn, mà ngay cả bọn tay chân bên dưới, không tên nào là không dựa thế làm càn, tác uy tác phúc. Trên từ đại thần trong triều đình, dưới đến quan lại các địa phương, không ai là không kiêng dè chúng. Nhưng tại huyện Thuần An tỉnh Triết Giang có 1 viên tri huyện, cứ làm việc theo phép công, không hề sợ đồng đảng của Nghiêm Tung. Viên tri huyện đó là Hải Thụy. Hải Thụy quê ở Quỳnh Sơn tỉnh Quảng Đông. Cha ông mất khi ông còn nhỏ, được mẹ nuôi dưỡng tới lúc trưởng thành, cảnh nhà rất túng bấn. Năm hơn 20 tuổi, ông đỗ cử nhân, làm thầy giáo trường huyện, dạy dỗ học sinh rất nghiêm túc chu đáo. Ít lâu sau, ông được điều về huyện Thuận An tỉnh Triết Giang làm tri huyện. Trước kia các quan huyện khi xử án đều nhận hối lộ, tùy tiện định án. Hải Thụy tới Thuần An, xét xử rất nghiêm minh, chu đáo. Vụ án nào ông xử cũng đều được điều tra đầy đủ không bao giờ để người vô tội bị hàm oan. Nhân dân địa phương đều gọi ông là "Thanh Thiên" (trời xanh). Tổng đốc Triết Giang là Hồ Tông Hiến, cấp trên của ông là đồng đảng của Nghiêm Tung ý thế có người đỡ đầu trong triều đình, nên thả sức vòi vĩnh hạch sách. Ai dám trái lệnh hắn là gặp tai vạ. Một lần, con trai Hồ Tông Hiến dẫn 1 lũ tùy tùng đi qua Thuần An, trú tại trạm khách của huyện.Nnếu là ở 1 huyện khác, quan huyện thấy công tử của Tổng đốc đại nhân tới thì sẽ ra sức hầu hạ cung phụng. Nhưng ở huyện Thuần An, Hải Thụy đã có quy định là bất kì người quyền quý nào qua lại, cũng đều tiếp đãi như khách bình thường.

Tên công tử con Hồ Tông Hiến quen được tôn kính, hầu hạ, nay thấy nhân viên dịch trạm đưa cơm thường lên, cho là coi thường mình, liền nổi giận hất đổ cơm và hét tùy tùng trói nhân viên lại treo lên xà nhà. Nha dịch trong trạm vội báo với Hải Thụy. Hải Thụy vốn đã biết Hồ công tử qua địa phương mình tất sẽ đem tới điều phiền toái. Nay thấy hắn treo nhân viên của mình lên, buộc phải ra tay. Nghe xong báo cáo, Hải Thụy làm vẻ trấn tĩnh nói: "Ngài tổng đốc vốn là một đại thần thanh liêm. Ngài từng căn dặn ta là chiêu đãi quan lại đi qua không được phô trương lãng phí. Nay lại xuất hiện loại công tử ăn chơi làm điêu làm bộ, kiêu ngạo hống hách như thế thì nhất định không phải công tử con Hồ đại nhân đâu. Tất là có kẻ xấu ở nơi nào đó mạo xưng là công tử, để khoe khoang phách lối đánh lừa chúng ta đó thôi". Nói xong, ông đem theo 1 số sai dịch tới trạm khách bắt giữ con Hồ Tông Hiến và lũ tay sai đem về huyện nha thẩm vấn. lúc đầu, Hồ công tử còn dựa thế cha, quát tháo ầm ĩ; nhưng Hải Thụy cứ đổ riệt cho hắn là giả mạo và dọa sẽ dùng trọng hình xử phạt, hắn hoảng sợ phải xuống giọng phân trần. Hải Thụy cho khám hành lý của hắn, phát hiện mấy ngàn lạng bạc, liền cho sung công, rồi quở trách về hành vi làm náo loạn nhà khách và đuổi hắn đi khỏi huyện Thuần An.

Khi tên công tử về tới Hàng Châu, khóc lóc tố cáo với cha, thì báo cáo của Hải Thụy đã đệ lên dinh Tổng đốc, nói có kẻ mạo xưng là công tử, đánh đập dịch lại 1 cách phi pháp. Hồ Tông Hiến thấy rõ con mình đã bị hớ, nhưng trong công văn. Hải Thụy vẫn khẳng định đó không phải là công tử, nếu nay làm to chuyện ra thì lại tự làm mất thể diện, đành phải nuốt giận lờ đi. Không lâu sau, lại có 1 quan ngự sử là Yên Mậu Khanh do triều đình phái tới Triết Giang thị sát. Yên Mậu Khanh là con nuôi của Nghiêm Tung, chỉ giỏi việc hạch sách vòi vĩnh. Đến nơi nào quan địa phương không ngoan ngoãn dâng lên 1 khoản tiền lớn, thì hắn không buông tha. Quan lại các nơi hễ nghe tin Yên Mậu Khanh sắp tới thị sát thì đều lo hoảng. Nhưng Yên Mậu Khanh luôn làm ra vẻ chí công vô tư, giữ nghiêm pháp luật. Hắn thông tri cho các địa phương, nói là xưa nay hắn chỉ thích giản dị, không muốn đón tiếp linh đình. Hải Thụy nghe tin Yên Mậu Khanh sắp tới Thuần An, liền viết cho hắn 1 bức thư. Trong thư viết: "Chúng tôi nhận được thông tri cần tiếp đón đơn giản. Nhưng chúng tôi được biế, mỗi lần ngài tới nơi khác đều có yến tiệc linh đình, khiến chúng tôi rất khó nghĩ! Nếu làm theo thông tri, thì sợ phạm lỗi quá sơ sài với ngài, nếu lại phô trương rầm rộ như các địa phương khác, lại sợ làm trái lệnh của ngài. Vậy xin ngài chỉ bảo cho biết chúng tôi nên làm như thế nào?".

Yên Mậu Khanh thấy lá thư có ý lật tẩy mình thì nghiến răng giận dữ. Nhưng hắn cũng biết từ lâu rằng Hải Thụy là người cứng rắn, thiết diện vô tư, lại biết tin con Hồ Tông Hiến đã bị Hải Thụy cho 1 trận thích đáng thì có ý chờn, đành thay đổi ý định, bỏ quan Thuần An, đi sang địa phương khác. Vì việc đó, Yên Mậu Khanh rất căm Hải Thụy, nên đã xúi đồng đảng vu cáo Hải Thụy với Minh Thế Tông. Cuối cùng, Hải Thụy bị cách khỏi chức vụ tri huyện Thuần An. Sau khi Nghiêm Tung bị bãi chức, Yên Mậu Khanh cũng bị sung quân nơi xa, Hải Thụy mới được khôi phục quan chức, sau lại được điều lên kinh. Hải Thụy tới kinh thành, càng thấy tận mắt sự ngu tối của Minh Thế Tông và tình hình thối nát của triều đình. Tới lúc đó, đã hơn 20 năm Minh Thế Tông chưa từng thiết triều, chỉ ở lỳ trong cung với bọn đạo sĩ. Triều thần không ai dám nói năng gì. Riêng Hải Thụy, tuy giữ 1 chức quan nhỏ nhưng đã dũng cảm viết 1 tấu chương dâng lên Minh Thế Tông. Ông vạch trần mọi hiện tượng thối nát trong vương triều Minh. Trong đó ông viết: "Hiện nay quan lại tham nhũng, hoành hành ngang ngược, dân không sống nổi. Bách tính trong thiên hạ đều bất bình với bệ hạ!".

Sau khi đưa tấu chương lên, Hải Thụy biết rằng xúc phạm Minh Thế Tông như vậy, sẽ khó bảo toàn được tính mạng. Trên đường về nhà, tiện đường ông mua 1 cỗ quan tài. Vợ con thấy thế, đều rụng rời kinh ngạc. Hải Thụy nói câu chuyện trên với người nhà và dặn dò kỹ lưỡng mọi việc sau khi mình chết, cho mọi tôi tớ ra về, rồi chuẩn bị sẵn sàng chờ người đến bắt mang đi xử tử. Quả nhiên, bản tấu chương của Hải Thụy khiến cả triều đình rung động. Minh Thế Tông xem xong vừa giận vừa căm, ném ngay xuống đất, nói với tả hữu: "Mau bắt ngay tên đó lại, không để hắn chạy trốn!".

Một hoạn quan đứng bên cạnh, vốn nghe tiếng Hải Thụy từ lâu, liền tâu với Minh Thế Tông: "Con người này là một kẻ mọt sách. Hắn biết rằng xúc phạm đến bệ hạ sẽ không sống được, nên đã lo toan mọi việc hậu sự. Hắn sẽ không trốn đâu!".

Sau đó, Minh Thế Tông vẫn ra lệnh bắt giam Hải Thụy, giao cho Cấm ý vệ dùng cực hình tra tấn. Tới khi Minh Thế Tông chết, Hải Thụy mới được thả ra.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net