Truyen30h.Net

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM

SỰ BIẾN CỬA HUYỀN VŨ

riri_pipi

Sau khi Đường Cao Tổ lên ngôi, liền phong Lý Kiến Thành làm thái tử, Lý Thế Dân làm Tần vương, Lý Nguyên Cát làm Tề vương. Trong 3 người, phải kể Lý Thế Dân là người có công lao lớn ở Thái Nguyên, ban đầu là do ông đề xuất, trong mấy cuộc chiến sau đó, ông cũng lập được nhiều chiến công nhất. Chiến công của Lý Kiến Thành không bằng Lý Thế Dân, chỉ vì là con cả nên mới được phong thái tử. Lý Thế Dân không những gồm đủ trí, dũng mà thủ hạ cũng có nhiều nhân tài. Trong phủ Tần vương về văn thì có 18 học sĩ loại như Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối; về võ thì có những dũng tướng nổi danh như Uất Trì Kính Đức, Tần Thúc Bảo, Trình Giảo Kim. Thái tử Kiến Thành biết mình không có uy tín bằng Lý Thế Dân, nên sinh lòng đố kị, liền cùng em là Tề vương Lý Nguyên Cát liên hợp để loại trừ Lý Thế Dân.

Kiến Thành, Nguyên Cát dùng biện pháp gây thiện cảm, thường xuyên nịnh nọt các hoàng phi được cha sủng ái để nhờ họ nói tốt cho mình trước mặt Đường Cao Tổ. Lý Thế Dân không chịu làm như vậy. Sau khi bình định Đông Đô, có bà phi đòi có những bảo vật lấy được từ cung Tùy và yêu cầu phong quan tước cho thân thích của mình, đều bị Lý Thế Dân từ chối. Vì vậy, các sủng phi thường nói tốt cho thái tử và nêu nhiều thiếu sót của Tần vương. Đường Cao Tổ tin lời các sủng phi, dần dần lạnh nhạt với Lý Thế Dân. Lý Thế Dân nhiều lần lập được công lớn, Kiến Thành và Nguyên Cát ngày càng ghen ghét, muốn mau chóng trừ bỏ. Có lần Kiến Thành mời Lý Thế Dân đến Đông cung uống rượu, Thế Dân uống mấy chén bỗng nhiên bụng đau quặn. Thủ hạ vực về cung, ông thổ ra huyết, thuốc thang mãi mới khỏi. Lý Thế Dân hiểu rằng Kiến Thành đã dùng rượu độc định hại mình.

Kiến Thành, Nguyên Cát muốn hại Lý Thế Dân, nhưng lại sợ thủ hạ của Lý Thế Dân có nhiều dũng tướng, nếu gây sự sẽ gặp khó khăn. Vì vậy họ nghĩ cách mua chuộc các dũng tướng đó. Kiến Thành phái người mang 1 phong thư và 1 xe vàng bạc đến biếu Uất Trì Kính Đức, tỏ ý muốn cùng Kính Đức kết bạn. Uất Trì Kính Đức nói với người mang thư: "Tôi là bộ hạ của Tần vương. Nếu đi lại riêng tư với thái tử và mang lòng này nọ với Tần vương thì sẽ trở thành kẻ tiểu nhân tham vàng bỏ nghĩa. Một người như vậy thì có ích gì cho thái tử". Nói rồi, nhất định từ chối không nhận xe vàng bạc.

Kiến Thành bị Uất Trì Kính Đức cự tuyệt thì giận run người. Sợ lộ việc này, đêm đó Kiến Thành sai thích khách đến nhà Uất Trì Kính Đức hành thích. Uất Trì Kính Đức đã dự liệu đến khả năng đó, nên cố ý ở rộng cửa, nằm trên giường giữa nhà, để cây trường mâu bên cạnh. Thích khách lẻn vào sân, thấy tình hình đó, lại biết Uất Trì Kính Đức có vũ dũng hơn người, nên không dám hành động. Kiến Thành, Nguyên Cát thất bại trong chuyện này, liền nghĩ kế khác. Lúc đó, Đột Quyết xâm phạm Trung nguyên, Kiến Thành tâu với Đường Cao Tổ, xin cử Nguyên Cát thay Thế Dân đem quân bắc chinh. Sau khi được Đường Cao Tổ phong làm chủ soái, Lý Nguyên Cát lại xin điều 3 viên tướng Uất Trì Kính Đức, Tần Thúc Bảo và Trình giảo Kim cùng số tinh binh của phủ Tần vương sáp nhập vào đội quân của mình. Làm như vậy, để tước bớt lực lượng của Lý Thế Dân, tạo thuận lợi cho việc trừ bỏ sau này.

Có người báo âm mưu đó cho Lý Thế Dân biết. Lý Thế Dân thấy tình thế nguy cấp liền mời người con cậu là Trưởng Tôn Vô Kỵ và Uất Trì Kính Đức đến bàn bạc. Hai người đều khuyên Lý Thế Dân ra tay trước, Lý Thế Dân nói: "Anh em tàn sát lẫn nhau là chuyện chẳng đẹp đẽ gì. Thôi hãy để họ động thủ trước, rồi ta sẽ đối phó sau".

Uất Trì Kính Đức và Trưởng Tôn Vô Kỵ vội vã nói, nếu Lý Thế Dân không ra tay thì họ không thể cứ ngồi trong phủ Tần vương để chờ chết được. Thấy bộ hạ kiên quyết, Lý Thế Dân liền quyết tâm hành động. Ngay đêm đó, Lý Thế Dân vào cung tố cáo với Đường Cao Tổ về việc thái tử Kiến Thành đồng mưu với Nguyên Cát mưu hại mình. Đường Cao Tổ quyết định sớm hôm sau sẽ gọi cả 3 anh em vào cung để tự xét hỏi. Sớm hôm sau, Lý Thế Dân sai Trưởng Tôn Vô Kỵ và Uất Trì Kính Đức dẫn 1 toán tinh binh mai phục tại cửa Huyền Vũ phía bắc hoàng cung, chờ Kiến Thành và Nguyên Cát tới. Chốc lát sau, Kiến Thành và Nguyên Cát cưỡi ngựa tới. Đến cạnh cửa Huyền Vũ, Kiến Thành và Nguyên Cát thấy không khí có vẻ khác thường, nên sinh nghi, quay đầu ngựa chuẩn bị đi về. Lý Thế Dân từ trong cửa Huyền Vũ phóng ngựa ra, kêu to: "Điện hạ, chớ đi". Nguyên Cát quay mình lại, cầm cây cung đem theo sẵn, muốn bắn chết Thế Dân. Nhưng vì hồi hộp quá, không giương được cung. Lý Thế Dân nhanh mắt, nhanh tay, bắn 1 phát tên, giết chết Kiến Thành. Ngay lúc đó, Uất Trì Kính Đức dẫn 70 kỵ binh xông ra, bắn 1 phát tên, giết chết Nguyên Cát. Các tướng sĩ ở Đông cung và phủ Tề vương nghe tin cửa Huyền Vũ có biến, liền huy động hết lực lượng tiến đánh phủ Tần vương. Lý Thế Dân vừa chỉ huy tướng sĩ chống lại, vừa sai Uất Trì Kính Đức vào cung tâu với Đường Cao Tổ.

Đường Cao Tổ đang chờ 3 con vào triều kiến, thì thấy Uất Trì Kính Đức cầm trường mâu xồng xộc chạy vào, tâu lớn: "Thái tử và Tề vương nổi loạn. Tần vương đã giết được chúng. Tần vương sợ làm kinh động bệ hạ nên sai thần vào hộ giá". 

Cao Tổ biết rõ sự việc đã xảy ra, kinh sợ và thương tâm, ngồi lặng đi không biết nói gì. Tể tướng Tiêu Vũ nói: "Kiến Thành, Nguyên Cát vốn không có công lao gì. Hai người đố kỵ Tần vương nên đã thực hiện gian kế. Nay Tần vương đã tiêu diệt được họ, thì là việc tốt. Bệ hạ giao việc nước cho Tần vương thì sẽ không có chuyện gì cả!".

Đến bước này, Cao Tổ có phản đối cũng vô ích, đành làm theo ý các đại thần, tuyên bố Kiến Thành, Nguyên Cát có tội, ra lệnh cho tướng sĩ các phủ phải chịu sự chỉ huy của Tần vương. Hai tháng sau, Đường Cao Tổ nhường ngôi cho Tần vương, tự mình làm Thái thượng hoàng. Lý Thế Dân lên ngôi. Đó là Đường Thái Tông.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net