Truyen30h.Net

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM

TRẬN THẢM BẠI THỔ MỘC BẢO

riri_pipi

Khi Minh Thái Tổ trị vì, ông rút kinh nghiệm việc hoạn quan chuyên quyền dẫn tới tình hình hỗn loạn trong các triều đại trước, nên đã ban bố 1 quy định không cho phép hoạn quan tham gia vào chính sự. Ông viết quy định đó trên 1 tấm gang lớn, treo trong cung, yêu cầu con cháu đời sau phải tuân theo. Nhưng đến đời Minh Thành Tổ, quy định đó bị phế bỏ. Vì đã cướp ngôi hoàng đế từ tay cháu, Minh Thành Tổ luôn lo ngại bị các đại thần phản đối, chỉ tin tưởng vào các hoạn quan ở gần mình. Sau khi dời đô lên Bắc Kinh, ông cho thiết lập "đông xưởng" ở ngoài Đông An Môn, chuyên dùng để do thám các đại thần và dân chúng, phát hiện những ai có biểu hiện mưu phản. Ông sợ các đại thần ngoài hoàng cung không đáng tin cậy, nên trao cho các thái giám thân tín làm đề đốc đông xưởng. Vì vậy, quyền lực các hoạn quan ngày càng lớn. Đến đời Minh Tuyên Tông, ngay đến việc phê duyệt sớ tấu, cũng do hoạn quan viết thay hoàng đế, gọi là "Tư lễ giám". Quyền lực của hoạn quan lại càng lớn hơn.

Vào 1 năm, hoàng cung tuyển chọn 1 loạt thái giám. Một tên lưu manh ở Úy Châu (nay là huyện Úy, Hà Bắc) tên là Vương Chấn, hồi trẻ có được học hành chút ít, đi thi mấy lần không đỗ, chỉ làm chức giáo quan ở huyện. Sau, hắn phạm tội, đáng ra phải sung quân, nhưng nghe nói trong cung tuyển thái giám, liền tình nguyện xin hoạn để vào cung. Trong cung, rất ít thái giám biết chữ, chỉ có Vương Chấn là tương đối biết chữ nghĩa nên được bọn thái giám gọi là Vương tiên sinh. Sau, Minh Tuyên Tông cử hắn giúp thái tử Chu Kỳ Chấn đọc sách. Chu Kỳ Chấn tuổi trẻ ham chơi, Vương Chấn liền bày ra đủ trò vui để chiều ông hoàng đế tương lai. Vì vậy, hắn được Chu Kỳ Trấn rất yêu mến. Minh Tuyên Tông chết, Chu Kỳ Trấn nối ngôi khi vừa tròn 9 tuổi. Đó là Minh Anh Tông. Vương Chấn liền được phong làm Tư lễ giám, giúp Minh Anh Tông phê duyệt mọi sớ tấu. Minh Anh Tông chỉ 1 mực say mê hoan lạc, không hỏi han gì tới quốc sự, Vương Chấn nhân cơ hội đó, nắm đại quyền về quân sự chính trị trong tay. Các quan trong triều ai làm hắn phật ý, thì nếu không bị cách chức, cũng bị sung quân. Nhiều vương công quí thích xúm vào nịnh nọt Vương Chấn, gọi hắn là "Ông phụ" (tức coi như cha, ông). Quyền lực của Vương Chấn lên tới tuyệt đỉnh trong triều.

Lúc bấy giờ, bộ lạc Ngõa Lạt của Mông Cổ ở phía bắc Trung Quốc rất lớn mạnh. Năm 1449, thủ lĩnh Ngõa Lạt là Dã Tiên dẫn sứ đoàn 3000 người tới Bắc Kinh, đem tiến cống 1 số ngựa và yêu cầu ban thưởng vàng bạc. Vương Chấn phát hiện thấy Dã Tiên báo gian số người, nên giảm bớt tiền thưởng. Dã Tiên cầu hôn con gái triều Minh cho con trai hắn, cũng bị Vương Chấn cự tuyệt. Điều này làm Dã Tiên nổi giận, liền dẫn kỵ binh Ngõa Lạt tiến công Đại Đồng. Tướng Minh giữ Đại Đồng đem quân chống lại, bị quân Ngõa Lạt đánh cho đại bại. Quan chức phòng thủ biên giới gửi công văn cáo cấp lên triều đình. Minh Anh Tông hoảng hốt triệu tập các đại thần lại bàn. Đại Đồng ở cách Úy Châu, quê hương của Vương Chấn không xa. Ở đó có nhiều ruộng nương của Vương Chấn. Hắn sợ Úy Châu bị quân Ngõa Lạt xâm chiếm, nên tìm mọi cách xin Anh Tông dẫn quân thân chinh. Thượng thư bộ binh là Quảng Dã và Thị lang bộ binh Vu Khiêm đều cho rằng triều đình chưa chuẩn bị đầy đủ, không thể để hoàng đế ngự giá thân chinh được. Minh Anh Tông vốn không có chủ kiến, Vương Chấn nói gì cũng nghe theo. Vì vậy, mặc cho các đại thần khuyên ngăn, Anh Tông hấp tấp quyết định thân chinh. Minh Anh Tông để em là Thành vương Chu Kỳ Ngọc cùng Vu Khiêm ở lại giữ Bắc Kinh; còn mình cùng Vương Chấn, Quảng Dã và hơn 100 quan chức, dẫn 50 vạn đại quân xuất phát từ Bắc Kinh, rầm rộ tiến lên Đại Đồng. Lần ra quân này không được chuẩn bị kỹ lưỡng, kỷ luật quân đội lỏng lẻo, trên đường lại gặp mưa to gió lớn, mới đi được mấy ngày, lương thực đã không được tiếp tế đủ. Binh sĩ vừa đói vừa rét, nên vừa chạm trán với quân Ngõa Lạt, đã kêu khổ gầm trời. Tới gần Đại Đồng, quân lính thấy trên đồng ruộng ngoại vi phơi đầy thi thể quân Minh, thì càng mất tinh thần. Có đại thần thấy tinh thần quân lính xuống thấp, liền khuyên Anh Tông lui quân, bị Vương Chấn chửi mắng thậm tệ, lại phạt quì 1 ngày.

Mấy hôm sau, đội tiền phong của quân Minh bị quân Ngõa Lạt tiêu diệt hoàn toàn ở bên thành Đại Đồng. Các cánh quân Minh vội vã lùi lại. Tới lúc đó, Vương Chấn cảm thấy tình hình nguy cấp, mới hạ lệnh lui quân về Bắc Kinh. Lẽ ra, đã lui quân thì cần càng nhanh càng tốt, nhưng Vương Chấn lại muốn vênh vang với quê hương Úy Châu, nên khuyên Anh Tông về Úy Châu đóng lại mấy ngày. Mấy chục vạn tướng sĩ rời Đại Đồng, đi 40 dặm tới Úy Châu. Lúc đó, Vương Chấn nghĩ lại, thấy để số quân đông như thế về Úy Châu, sẽ xéo nát hết hoa màu trên đồng ruộng của hắn, nên vội vàng hạ lệnh quay lại. Vì đi quanh co như thế nên đã kéo dài thời gian hành quân, bị quân truy kích của Ngõa Lạt đuổi kịp. Quân Minh vừa chống đỡ, vừa rút lui tới tận Thổ Mộc Bảo (ở phía đông Hoài Lai, Hà Bắc ngày nay). Lúc đó, trời đã xế chiều, có người khuyên Anh Tông nên nhân lúc trời chưa tối, đi gấp tới thành Hoài Lai gần đó rồi hãy nghĩ, đề phòng khi quân Ngõa Lạt đánh tới, đã có thành quách cố thủ. Nhưng Vương Chấn thấy mấy ngàn cỗ xe chở tài sản của hắn chưa tới kịp, nên nhất định bắt toàn quân dừng lại ở Thổ Mộc Bảo. Thổ Mộc Bảo tuy gọi là "bảo" (có nghĩa là thành quách, pháo đài) nhưng thực ra không có thành quách gì. Đại quân Minh, cả người và ngựa đi suốt mấy ngày, khát cháy cổ nhưng không tìm ra nguồn nước. Cách Thổ Mộc Bảo 15 dặm có 1 con sông, đã bị quân Ngõa Lạt chiếm. Quân lính phải đào giếng lấy nước, nhưng đào sâu tới 2 trượng (6,6m) vẫn không thấy nước.

Hôm sau, trời vừa mờ sáng, quân Ngõa Lạt tới Thổ Mộc Bảo, vây chặt quân Minh lại. Minh Anh Tông biết khó phá được vây, đành cử người sang gặp Dã Tiên xin hòa. Dã Tiên biết Minh còn nhiều quân, nếu chỉ dùng sức mạnh thì sẽ bị thiệt hại, liền giả vờ đồng ý nghị hòa, cho ngừng tiến công. Minh Anh Tông và Vương Chấn ngỡ là thực, rất vui mừng, liền ra lệnh cho quân lính ra vùng xung quanh tìm nước. Quân lính tranh nhau tìm tới các hào rãnh và ngòi lạnh, tất cả ồn ào hỗn loạn, các tướng không thể ngăn lại được. Lúc đó, quân Ngõa Lạt từ các nơi mai phục ở 4 phía ào ạt xông tới, vung trường thương đại đao thét lớn: "Kẻ nào đầu hàng sẽ không giết".

Quân Minh bị bất ngờ, cuống cuồng vứt bỏ khôi giáp, chạy thục mạng tan tác. Quân Ngõa Lạt đuổi theo sát, số quân Minh bị bắt bị giết nhiều không kể xiết. Binh bộ thượng thư Quảng Dã cũng chết trong đám loạn quân. Minh Anh Tông và Vương Chấn được cấm quân hộ tống, mấy lần muốn phá vây, nhưng không ra được. Vương Chấn thường ngày tác uy tác phúc, lúc đó sợ hãi run như cầy sấy. Tướng lĩnh cấm quân là Hàn Trung xưa nay vốn đã căm giận tên hại nước hại dân đó, phẫn nộ xông tới nói: "Ta vì nhân dân trăm họ, phải giết tên gian tặc là mày!". Nói xong, vung búa lớn trong tay nện thẳng vào đầu Vương Chấn, kết thúc tính mạng của hắn. Hàn Trung giết xong Vương Chấn, liền xông vào giao chiến dữ dội với quân Ngõa Lạt, cuối cùng hy sinh giữa trận.

Minh Anh Tông thấy không còn hy vọng chạy thoát, liền xuống ngựa, ngồi dưới đất chờ chết. Các đại thần phù tá đều bị quân Ngõa Lạt xông vào chém giết (trong số đó có Trương Phụ, viên tướng tàn bạo đã từng cầm quân xâm chiếm Việt Nam thời Hồ). Minh Anh Tông bị quân Ngõa Lạt bắt làm tù binh. Lịch sử gọi sự kiện đó là "Thổ mộc chi biến" (sự biến Thổ Mộc). Qua cuộc chiến đó, 50 vạn quân Minh bị tổn thất 1 nửa. Lực lượng triều Minh thương tổn nặng nề. Thủ lĩnh Ngõa Lạt là Dã Tiên càng thêm ngang ngược. Kinh thành Bắc Kinh bị uy hiếp nghiêm trọng. Công việc phòng thủ Bắc Kinh trở thành của Chu Kỳ Ngọc và Vu Khiêm.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net