Truyen30h.Net

Liễu Tiên Phá Vu

Chương 6

bachhoamot

Liễu Tiên ở phía Nam thành phố rất nổi tiếng.

Nói là Liễu Tiên, nhưng thật ra là một cây liễu rất to, tương truyền đã hàng ngàn năm tuổi, thân cây hai người ôm không xuể, tán rộng bằng cả một ngôi nhà.

Nếu có một đứa bé không dễ nuôi, người ta sẽ tới nhận Liễu Tiên làm cha đỡ đầu, ngắt một cành liễu, vẩy nước trong giếng cổ vào, chấm lên người đứa bé ba chấm, vậy là đứa bé sẽ dễ nuôi hơn hẳn.

Dưới tàng cây liễu có một ngôi miếu đá nhỏ, đã rất lâu đời rồi, toàn bộ đều được xây bằng đá, nếu có ai đến nhận cha thì người bên trong sẽ giúp họ đốt hương.

Đợi khi người dâng lễ ra về, đồ cúng sẽ được phân phát hết cho người lớn và trẻ nhỏ qua đường.

Cha đỡ đầu của tôi cũng là Liễu Tiên, khi còn nhỏ, gia đình tôi đã sống ở Nam thành, bố mẹ công việc vô cùng bận rộn, tôi thường xuyên tới dưới tàng cây liễu, học theo những đứa trẻ lớn hơn xin "cha" đồ ăn.

Đôi khi gặp những người lễ lạt hào phóng, sẽ có trái cây và sữa, có lần còn có cả sô cô la rất khan hiếm vào thời đó nữa.

Tương truyền rằng đeo cành liễu có thể xua đuổi bệnh tật, ngăn ngừa tai họa, trẻ con hay giật mình khóc đêm, chỉ cần bẻ một cành liễu đeo vào người là ổn.

Vào mùa hè, cây liễu rợp bóng mát, bên cạnh có giếng cổ mát rượi, hồi đó điều hòa chưa phổ biến, khi nghỉ hè, đám trẻ con chúng tôi thường tụ tập dưới bóng râm của cây liễu già, cùng nhau làm bài tập, sau đó háo hức nhìn xem nhà ai đến Liễu Tiên làm lễ, đinh ninh sẽ lại có đồ ăn ngon.

Nhưng ngày nghỉ hè thì ít người đến nhận cha đỡ đầu, chúng tôi hầu như không có đồ ăn vặt.

Người lớn dù bận rộn nhưng đã nhìn thấy lũ trẻ con chúng tôi quây quần bên nhau, thì cũng sẽ làm món gì đó ngon ngon cho chúng tôi ăn.

Hôm nay nhà này làm một thùng bánh đúc, ngày mai nhà kia làm một thùng lớn chè đậu xanh, ngày mốt nhà nọ đưa dưa hấu, quả mận hay gì đó. Tất cả đều được bỏ xuống ướp nước giếng mát, chia xong cho chúng tôi còn để lại một phần cho Liễu Tiên nữa.

Lúc đó tôi rất tham ăn, đồ ăn chia cho đều không đủ ăn.

Thế là tôi thường nói với bố mẹ rằng, lớn lên tôi sẽ kết hôn với Liễu Tiên, ngài có rất nhiều, rất nhiều đồ ăn nhưng lại không ăn, nếu gả cho ngài thì tôi có thể ăn luôn cả phần của Liễu Tiên rồi.

Mùa đông thì có người làm lễ tiễn năm cũ, mùa hè thì có bóng râm, một năm bốn mùa đều không trùng lặp.

Sau này bố tôi còn đùa bảo, nếu thích ăn vậy, đợi người khác cúng xong thì cứ ăn đi, nếu có người hỏi thì đáp, Liễu Tiên là cha đỡ đầu của tôi, sau này tôi còn phải gả cho ngài, ăn đồ ăn của chồng mình chẳng phải là bình thường sao.

Lúc đó tôi còn chưa hiểu chuyện, vì một miếng ăn mà lại đi làm thế thật.

Người lớn chia đồ ăn vặt nghe vậy, cũng chỉ cười cười, không quan tâm lắm.

Nam thành không lớn, tới giờ nếu tôi về đó, họ còn lấy chuyện này ra để cười tôi.

Chẳng qua là sau này, khi thành cũ bị phá bỏ, phần lớn người dân đều chuyển về Đông thành, nhưng vẫn có người đến bái lạy cha đỡ đầu, hương khói rất thịnh.

Vì vậy, vừa nghe nói đến Liễu Tiên, mẹ tôi lập tức tỉnh táo, gọi điện ngay cho bố tôi, bảo ông ngày mai xin nghỉ phép đưa tôi đến miếu Liễu Tiên.

Vốn dĩ tôi đột ngột bị u xơ tử cung đã cảm thấy hơi lạ, vì hàng năm công ty đều tiến hành khám sức khỏe tổng quát nhưng lại không phát hiện gì cả.

Hơn nữa cơn đau còn ập đến một cách khó hiểu, bà bác lớn tuổi vừa dùng chiếc vòng bạc cạo một cái đã hết, tôi không muốn tin cũng không được.

Tôi vừa chạm vào chiếc vòng vừa hỏi mẹ: "Mẹ đoán xem là ai nguyền rủa con?"

Lúc mẹ chồng vừa đến bệnh viện, há miệng đã khẳng định rằng tôi không thể sinh con, muốn tôi nuôi con thay Ngô Di, liệu có phải là bà ta không?

"Loại chuyện bất chính này, con chỉ cần biết rõ trong lòng là ai là được, chứ chuyện này có nói ra, không bằng chứng, ai mà tin cho được, có khi còn trách ngược rằng con vu khống cho người ta nữa ấy chứ." Mẹ tôi gọi hộ sĩ đến giúp tôi thay ga trải giường, chỉ kêu tôi đeo vòng tay vào rồi đi ngủ sớm đi.

Tôi trằn trọc suốt cả đêm, mãi cho đến khi không thể chịu đựng được nữa, mới mơ hồ chìm vào giấc ngủ chập chờn, dường như nghe thấy tiếng Ngô Bằng đến, không bao lâu thì là tiếng tru tréo của mẹ chồng, cùng tiếng thì thào trách mắng của mẹ tôi.

Tôi ngủ quá sâu, cố tỉnh lại, nhưng lại không thể mở mắt ra được, sau đó dần dần yên tĩnh nên tôi cũng chẳng quan tâm nữa.

Sáng hôm sau thức dậy, tôi hỏi mẹ, bà chỉ nói rằng Ngô Bằng đã đến thăm tôi, mẹ chồng cũng đi theo.

"Bà ta bảo Ngô Bằng trông con qua đêm thật bất tiện, cứ để bà ta trông cho. Ném đứa con gái quý hóa của bà ta qua một bên để đến trông con?" Mẹ tôi nheo mắt, lắc lắc đầu: "Nghĩ mẹ tin chắc!"

Mẹ chồng bỏ đi là chuyện bình thường, nhưng cả Ngô Bằng cũng đi luôn.

Tôi còn thấy hơi lạc lõng, nhưng nghĩ đến việc hôm nay sẽ đến miếu Liễu Tiên xem thử, tôi vẫn đứng dậy rửa mặt súc miệng.

Lúc rửa tay mới phát hiện, chiếc vòng bạc đêm qua còn sáng bóng vậy mà nay đã đen sì chết lặng.

Tôi cho rằng nó bị ố nhưng để dưới dòng nước, cọ mạnh thế nào cũng vô ích.

Chiếc vòng bạc chuyển sang màu đen chắc chắn không phải là chuyện gì tốt, mẹ tôi thấy thế thì vội vàng chạy tới hỏi y tá số điện thoại của người ở cùng phòng tôi tối qua, muốn hỏi bà bác lớn tuổi kia xem đã xảy ra chuyện gì.

Kết quả khi gọi vào số điện thoại để lại, thì lại là một số trống.

Bộ dạng đêm qua của tôi thực sự đã dọa sợ mẹ tôi rồi, bà vội gọi cho bố, lấy cớ ra ngoài ăn sáng, sốt ruột đưa tôi đến miếu Liễu Tiên.

Tôi tháo chiếc vòng bạc ra, dùng tiền giấy bọc lại, nghĩ đến những chuyện đã xảy ra trong hai ngày qua, cũng thấy vô cùng rối bời.

Khi chúng tôi đến chùa Liễu Tiên thì đã hơn tám giờ sáng, vào mùa này, cây liễu đương lúc xum xuê phủ bóng, có lác đác vài ba người đang múc nước từ trong cái giếng cổ bên dưới gốc cây lên.

Dưới gốc cây liễu mà hai người ôm không xuể, có người trẻ tuổi tóc ngắn, mặc bộ quần áo tập kungfu, nhẹ nhàng dựa vào thân cây liễu, lẳng lặng nhìn mấy người đang múc nước.

Thấy ba người nhà chúng tôi vội vã đến gần, ánh mắt chợt động, nhưng chỉ liếc một cái rồi lại quay đầu đi.

Mẹ dắt tôi đi thẳng vào ngôi nhà đá dưới gốc cây liễu.

Trước đây nơi này có một ông lão canh miếu, bán chút nhang đèn tiền giấy, bánh quy gì đó cho người tới làm lễ chưa chuẩn bị đủ lễ vật.

Bây giờ nó sạch sẽ không còn lại gì, chỉ có một chiếc bàn đá bóng loáng và mấy cái đôn đá cũng sạch bóng không kém.

Mẹ tôi lập tức phân công, kêu bố tôi gọi điện hỏi thăm những người quen cũ còn ở lại thành Nam, xem có biết ai làm lễ ở Liễu Tiên không.

Còn bà sẽ đi vòng quanh hỏi thăm, xem hiện ai là người đang canh giữ miếu, tiện đường mua chút nhang đèn tiền giấy về làm lễ, nếu mà không có ai thì mình tự hóa vậy.

Bà lo lắng đến mức đè tôi xuống dưới gốc cây liễu: "Không có việc gì thì con cứ ôm Liễu Tiên mà khóc, cầu xin ngài phù hộ cho con, biết chưa? Khóc đi!"

Bà sốt ruột quá nên giọng nói cũng hơi đanh lại, người đàn ông ngồi bên cạnh quay đầu lại liếc mắt nhìn tôi.

Lúc đó tôi mới chợt nhận ra rằng anh ta thực sự rất ưa nhìn, một người đàn ông có lông mày lá liễu cùng mắt phượng hơi dài, nhưng trông không hề nữ tính mà ngược lại còn vô cùng đẹp.

Cứ lẳng lặng ngồi như vậy, có cảm giác nhu hòa như nước.

Tôi ngượng ngùng cười cười với anh ta, thấy mẹ vội vàng chạy tới hỏi thăm mấy cụ già đang gánh nước, tôi đứng dậy, vươn tay toan ngắt một cành liễu, định đan thành một chiếc vòng tay hay là cái gì đó.

Cành liễu rủ xuống, vươn tay ra là có thể kéo được, nhưng những cành cây bên trên rất cứng cáp rậm rạp, tôi với hết sức, kéo hồi lâu mà vẫn không kéo xuống được, lại còn làm đứt mất vài cảnh bên dưới.

"Muốn cành liễu à?" Người đàn ông ngồi dưới gốc cây đi tới, từ trên nhìn xuống tôi.

Không phải nói, anh ta rất cao, đứng ở một bên, dáng người y như cây liễu này, trông mảnh khảnh nhưng rất dẻo dai.

Tôi ngượng ngùng gật đầu.

Anh ta đưa tay, nhẹ nhàng kéo xuống cành liễu, chậm rãi rút ra một cành đưa cho tôi: "Biết bện không?"

Vốn dĩ tôi định gật đầu, nhưng khi vừa nhìn xuống, đã thấy những ngón tay mảnh khảnh của anh ta linh hoạt xoay vặn cành liễu, đầu tiên đan những cành cây vào với nhau, sau đó từ đầu đến cuối bện thành một vòng tròn.

Chợt nghĩ đến hồi còn nhỏ, chúng tôi toàn thô lỗ cột luôn hai đầu lại với nhau thành vòng, chứ nào có giống người ta bện đẹp như vậy.

Lúc này mẹ tôi hình như đã hỏi được gì đó bên giếng cổ, chợt gọi tôi một tiếng, "Diêu Dao, con ngồi xuống với Liễu Thăng trước đi, mẹ đi mua tiền giấy về để hóa."

Bà ấy đứng hơi xa tôi, còn vẫy vẫy tay với tôi, tôi cứ tưởng bà ấy nói "Liễu Sinh" ý là ám chỉ cây liễu này nên gật gật đầu.

Rồi tôi ngồi luôn xuống gốc cây liễu, tựa vào thân cây, ngẩng đầu nhìn lên những tấm thẻ cầu nguyện treo đầy bên trên đó.

Có một số là tên của những đứa trẻ nhận cha đỡ đầu, một số là cầu nhân duyên, một số còn khắc cả lên thân cây liễu.

Đó là một kiểu như thiếu niên tỏ tình, hai cái tên được viết cạnh nhau cùng hình mũi tên xuyên qua.

Tôi đưa tay ra chạm vào dòng chữ đó, hơi buồn cười, khi tôi còn nhỏ, có người canh giữ miếu thờ Liễu Tiên, muốn ngắt một cành liễu cũng phải chào hỏi, nếu không chắc cả cây đều đã bị vặt trụi rồi.

Bây giờ không có ai canh giữ, trên thân cây toàn chữ là chữ.

Chẳng qua là thời thế đã thay đổi, tôi ngồi dựa vào gốc cây, nhìn người đàn ông bện vòng đội đầu.

Những ngón tay anh ta thoăn thoắt chuyển động, ánh mắt trầm tĩnh, vừa bện vừa quan sát những người đi đi lại lại lấy nước trong giếng cổ.

Cứ ngồi như thế này, trái tim vốn đang cáu kỉnh và phiền muộn suốt từ khi biết tin Ngô Di mang thai đến giờ của tôi, cũng dần dần bình tĩnh lại.

"Xong rồi." Người đàn ông bện xong liền đưa cái vòng đó cho tôi, đôi lông mày lá liễu dường như chau lại, nhìn chằm chằm tôi, lắc đầu nói: "Trở về đi, vô dụng thôi."

Anh ta cũng đã nghe mẹ tôi nói rằng bà ấy sẽ cúng bái cho Liễu Tiên, nói vô ích chắc là chỉ cúng bái Liễu Tiên cũng vô ích.

Tôi cầm lấy chiếc vòng, đội lên đầu, tiện tay sờ sờ cây liễu: "Đây thế nhưng là cha đỡ đầu của tôi, Liễu Tiên đấy, rất linh nghiệm."

Anh chỉ lắc đầu nói nhỏ: "Lòng người sinh tai vạ, thì cúng bái ai cũng vô ích mà thôi".

Câu nói này cứ như thể của người già bảy tám mươi tuổi vậy.

Tôi đang định vì cha đỡ đầu của mình mà phản bác hai câu, thì lại thấy mẹ tôi cầm một cái túi vội vã chạy đến.

Vừa đi tới, bà đã kéo tôi lên và đẩy tới trước mặt người đàn ông bên cạnh: "Liễu Thăng à, đây là con gái tôi Diêu Dao, gần đây nó đang bị nguyền rủa. Tối hôm qua có một bà bác lớn tuổi bảo chúng tôi tới cúng tế Liễu Tiên, cậu giúp chúng tôi hóa chút vàng mã, cầu xin Liễu Tiên phù hộ với."

Tôi nghe thế mới chợt phản ứng lại, hiện tại người đang canh giữ miếu Liễu Tiên là anh ta ư?

Một người đàn ông trưởng thành, lại ngồi đây để canh giữ ngôi miếu?

Tuy rằng anh ta thật sự có khí chất thoát ly trần thế, nhưng đã là người canh giữ miếu Liễu Tiên, vậy mà lại để cho người ta khắc đầy chữ lên thân cây, nhất định không phải là kẻ cần mẫn gì.

Mẹ đẩy tôi: "Vòng tay đâu."

Tôi mới nhớ đến, lập tức lấy ra chiếc vòng bạc đã bị sẫm màu đưa cho Liễu Thăng.

Liễu Thăng nhìn chiếc vòng, thờ ơ đáp: "Nhuốm đen rồi thì rửa đi, còn đeo được, đi sang bên đó là có thể rửa sạch."

Nói xong lại dựa vào gốc liễu, nhắm mắt lại, như thể chẳng thèm đếm xỉa đến ai nữa.

Mẹ tôi mang vàng mã đến nhờ anh ta đốt giúp.

Anh ta cũng chỉ lắc đầu: "Đốt cũng vô ích thôi, người ta muốn hại mình, mình cúng bái một cái cây thì có ích gì chứ, nên buông tay thì cứ để nó đi đi."

"Này, cậu..." Mẹ tôi trừng mắt nhìn anh ta, hừ lạnh một tiếng, "Cũng không biết là ai kêu cậu canh giữ miếu Liễu Tiên, thảo nào mà hương hỏa biến thành thế này."

Bà không cần tới sự trợ giúp của Liễu Thăng nữa, kêu tôi đến bên cái giếng cổ bên cạnh nhặt hai hòn đá lớn chặn lửa lại, để khi đốt không bị lan đến cây.

Sau đó bảo tôi thắp hương và hóa vàng, quỳ xuống cầu xin Liễu Tiên phù hộ.

Chúng tôi đốt giấy dưới gốc cây liễu, khói bay lơ lửng, Liễu Thăng cũng chỉ dựa vào gốc cây và nhắm mắt lại.

Sau khi mẹ tôi hóa vàng xong, bà dẫn tôi đến bên giếng cổ để rửa vòng tay, còn không ngừng liếc nhìn Liễu Thăng: "Không biết là con cái nhà ai, đang tuổi trẻ trai tráng lại chạy đến đây sống qua ngày, thật lãng phí tướng mạo này, có tay có chân mà không chịu làm việc."

Sau đó lại mắng bố tôi, bảo ông đi gọi điện thoại mà cũng không biết người chạy đâu mất rồi, nhưng một chữ cũng không thèm nhắc đến Ngô Bằng, còn giục tôi uống hai ngụm nước giếng cổ coi như đuổi tà.

Nhưng vừa chạm vào nước giếng đã sợ nó quá lạnh, cơ thể tôi bây giờ thực sự không thể bị lạnh được.

Thế nên tôi chỉ có thể cởi chiếc vòng liễu đang đội trên đầu, ngâm xuống nước giếng cổ, vẩy lên người rồi niệm a di đà.

Sau khi vẩy xong, tôi giũ nước khỏi chiếc vòng để nó khỏi bị nhỏ giọt, rồi lại đội lên đầu lần nữa.

Khẽ liếc nhìn Liễu Thăng, anh ta hình như vẫn tỏ ra thờ ơ ngồi dưới tán cây, lặng lẽ quan sát chúng tôi.

Suy nghĩ một lát, tôi lại lấy chiếc vòng ra, rửa nó bằng nước giếng cổ.

Kể cũng lạ, lúc ở bệnh viện tôi dùng nước vòi cọ rửa chiếc vòng thế nào cũng không thể cọ sạch nó được, nhưng khi vừa dùng nước giếng ở đây, màu đen nhuốm bẩn nó đều đã bị rửa sạch. Mẹ tôi còn lấy một ít lá liễu làm thành bàn chải, ra sức chà xát nó vài lần, cho dù vẫn không thể trở nên sáng bóng, nhưng cũng trắng sạch ra không ít.

Khi chúng tôi làm xong hết, mẹ tôi còn cố ý đi mua một chai nước khoáng lớn, đổ hết nước bên trong ra rồi múc nước giếng cổ đầy chai, bảo rằng lúc về sẽ đun sôi lên cho tôi uống.

Bà múc đầy nước rồi, bố tôi mới trở về, cũng không biết đã đi đâu nghe điện thoại mà sắc mặt càng lúc càng tệ, hô lên kêu chúng tôi để lên xe.

Trước khi rời đi, tôi chạm vào chiếc vòng đan từ cành liễu trên đầu, bèn xin mẹ hai trăm tệ tiền mặt, đi đến dưới gốc cây liễu, nói lời cảm ơn với Liễu Thăng, cũng mặc kệ anh ta có muốn hay không, tôi quấn hai trăm tệ đó lên cây liễu, coi như đây là tôi thành tâm cúng Liễu Tiên.

Lúc tôi đang quấn, Liễu Thăng đứng sau lưng nghiêm nghị nói: "Chỉ cần buông bỏ thứ không thuộc về mình là được rồi."

Tôi cũng không biết cái gì là thứ không thuộc về mình, dù sao cũng không quan tâm anh ta có lấy tiền hay không, theo mẹ lên xe luôn.

Vừa lên xe lại phát hiện ra sắc mặt bố mẹ tôi trông rất tệ.

Tôi cứ tưởng mẹ chồng lại làm bậy gì đó nữa nên gặng hỏi.

Bố tôi quay đầu lại, nhìn tôi như muốn nói điều gì đó, nhưng mẹ tôi đã chặn ông.

"Sớm muộn gì chẳng biết!" Bố nóng nảy trừng mắt nhìn mẹ. 

Rồi ông nói với tôi: "Hôm qua không phải con kêu bố nhờ chú Lương hỏi thăm tình hình của gia đình Ngô Bằng sao, ông ấy đã hỏi người quản lý hộ khẩu bên đó, Ngô Bằng hóa ra là con nuôi."

"Bố mẹ chồng con lấy nhau nhiều năm mà mãi không có con, vốn dĩ bà ta muốn nhận đứa con gái làm con nuôi, nhưng vừa lúc một cô gái mới chia tay bạn trai lại phát hiện ra đã mang thai. Cô gái cứ nhất quyết muốn sinh con, nhưng hai người họ không ai muốn nuôi đứa bé cả. Mẹ chồng con cho chút tiền bồi dưỡng, thế là đã có thể nhận nuôi Ngô Bằng rồi." Bố tôi xoay vô lăng.

Nghiêm túc nhìn tôi, nói: "Sau đó mấy năm Ngô Di mới được sinh ra. Như bên đó thường nói, đó là do sinh mệnh Ngô Bằng mang theo em gái tới, vì thế nên Ngô Bằng luôn phải đối xử rất tốt với Ngô Di."

...

Đôi lời: Các bạn trẻ à, muốn làm gì thì làm, nhưng đừng để lại hậu quả, nhất là đừng có chưa đủ điều kiện nuôi đã mang một đứa bé, vừa tội mình lại tội cả đứa trẻ, tàn nhẫn lắm đấy

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net