Truyen30h.Net

Tan Man 12

Tại sao người ta thường nói rằng Hy Lạp là cái nôi của nền văn minh nhân loại?

Vì Hy Lạp cổ là quốc gia đầu tiên có họp hành, hội nghị, bầu cử, và... đóng thuế (những ai ghét trả thuế, giờ bạn đã biết rõ "thủ phạm" rồi nhé). Tuy luật lệ vẫn còn sơ khai, và thành phần trong Hội đồng (chính phủ thời ấy) cũng toàn cháu chắt của các ông vua bà chúa cả, nhưng ít ra Hy Lạp cũng hoạt động theo cách khoa học, hay khoa học hơn các cường quốc khác.

Tác phẩm "School of Athens" (Trường học tại Athens), Raphael, 1510. Dân Hy Lạp nổi tiếng thích đọc sách, làm thơ, làm toán, ngắm sao (môn thiên văn rất phổ biến) nên đã mở trường, mở lớp đàng hoàng. Học sinh ở đây chủ yếu là giàu có, bởi tiền học phí cao chót vót. Rõ phân biệt giai cấp! Nhưng trước Công nguyên mà được thế này là mừng lắm rồi. Khác với Troy, Athens không thiên về bạo lực.

Dĩ nhiên, vốn sẵn lòng đam mê văn thơ, người Hy Lạp có chế tích về chuyện bầu cử này. Một trong những nhân vật chính của tích không ai khác ngoài nữ thần Athena – biểu tượng của công lý, chiến lược, và sự thông thái. Câu chuyện cũng gắn liền với tên gọi "Athens" mà dân Hy Lạp đặt cho thủ đô. Sau bài viết giới thiệu Athena, xin có thêm bài để giải thích rõ hơn về nữ thần này.

Hồi đó, Athen là một thành phố không tên, vô chủ, trông chán òm. Vua trị vì mảnh đất này (mang tiếng "bộ mặt của đất nước") là một ông nửa người nửa rắn tên Cecrops. Ngay cả vua cũng quái dị, hoang dã. Với năng khiếu về bất động sản, thần trí tuệ Athena và thần biển Poseidon dự đoán rằng nơi đây sẽ phát triển thành một trung tâm văn hóa, kinh tế sầm uất. Thế nên cả hai xông vô giành nhau mảnh đất này. Không thích gây gổ vớ vẩn, Athena đề nghị Poseidon so tài với mình theo kiểu "đấu thầu". Ai tặng được món quà ý nghĩa nhất cho thành phố, người ấy thắng.

Poseidon chịu liền. Ông chọc đinh ba xuống đất, làm nó nứt toác và một dòng suối chảy ra, người dân trầm trồ nhìn dòng suối một cách đầy thán phục. Nhưng khi họ múc nước uống thì thấy nước có vị mặn chát (thần biển mà lị), quà của Poseidon nhìn thì đẹp nhưng lại vô dụng, xem ra ông thần biển chỉ giỏi mỗi việc quảng cáo sản phẩm.

Đến lượt Athena, nữ thần này chôn một hạt giống xuống đất, một lúc sau nó nảy mầm và biến thành cây ô-liu. Nhìn rất mộc mạc, nhưng đây là một món quà hữu dụng, dầu ô-liu có thể dùng làm chất đốt, hoặc làm dầu ăn; trái thì làm thực phẩm; còn thân cây thì cung cấp gỗ cho bà con xây nhà. Vị vua Cecrops, tuy trông quái dị thế chứ lại có đầu óc, phán Athena thắng cuộc. Và vùng đất mang tên Athens từ đó.

Tác phẩm "Athena và Poseidon tranh giành lãnh thổ", Benvenuto Tisi, 1512. Athena đang cãi nhau với Poseidon xem ai mới xứng đáng sở hữu mảnh đất màu mỡ này. Giáo của Athena trông giống một mũi tên dài quá cỡ, nhưng đinh ba của Poseidon thì rất chính xác. Tisi vẽ Athena đứng, cao hơn Poseidon (đang ngồi) một cái đầu, ám chỉ Athena sẽ thắng vì thông minh hơn?

Tác phẩm "Cuộc so tài giữa Athena và Poseidon", Halle Noel, vẽ năm 1748, sơn dầu, khổ 156×197 cm, hiện bày ở bảo tàng Louvre, Paris. Poseidon (cầm đinh ba, đứng trên vỏ sò do hai thủy quái khiêng) tạo dòng suối mặn chát, trong khi Athena trồng cây ô-liu.

Poseidon cáu, muốn cầm đinh ba choảng nhau với Athena, nhưng Zeus – chắc do không muốn thấy cảnh anh trai bị thua thêm lần nữa – xông tới cản. Zeus nảy ra sáng kiến, đề nghị 12 thần của đỉnh Olympia bỏ phiếu bầu người thắng cuộc cho nó văn minh (thế là có bầu cử nhé). Trong 12 thần thì có 6 thần nữ 6 thần nam (lúc này thần rượu Dionysus chưa chào đời), trừ Athena và Poseidon không được bầu, thì 5 nữ thần bỏ phiếu cho Athena, 4 nam thần bỏ phiếu cho Poseidon (đây là cuộc bầu cử đầu tiên nên cũng có chút thiên vị giới tính). Zeus vô dụng, không dám chọn ai nên bỏ phiếu trắng (nghĩ ra luật mà lại không theo, rõ chán!). Athena thắng 1 phiếu. Nhưng để vuốt giận Poseidon, phụ nữ Hy Lạp từ đó bị tước quyền tham gia chính trị và con cái bắt đầu mang họ bố thay vì họ mẹ.

Nhắc tới Athens, không thể bỏ sót đền thờ Parthenon mà dân chúng xây dựng cho Athena trên đỉnh Arcopolis. Dĩ nhiên bây giờ nó chẳng còn nguyên vẹn nữa, và rất nhiều đồ vật, tượng v.v... của nó hiện đang nằm ở... Anh Quốc (Chính phủ Hy Lạp đang đòi chính phủ Anh trả lại hiện vật, nhưng dân Ăng-lê vẫn không thèm trả). Tác phẩm "Arcopolis" này do kiến trúc sư người Đức tên Leo Von Klenze vẽ vào năm 1846. Nó được phác thảo dựa trên các dấu tích của nền, của móng còn sót lại tới ngày nay; và phần nào cho phép người xem thấy được vẻ đẹp hoành tráng của Parthenon cách đây hơn 2000 năm, với ngôi đền chính và vô số các đền phụ.

Tác phẩm "Acropolis", Thomas Ender, khoảng thế kỷ 18. Đền Parthenon nằm thoai thoải trên đỉnh đồi. Athens trong trí tưởng tượng của Thomas có vẻ không sầm uất cho lắm.

Parthenon ngày nay. Chỉ ngôi đền chính và một số cột đá còn sót lại! Thật đáng tiếc.

Lý do tại sao Parthenon bị tàn phá như vậy? Thời gian? Thời tiết. Câu trả lời là: con người. Trong hình là tác phẩm "Thánh Paul thuyết giáo ở Athens", Raphael, 1513. Sau khi Hy Lạp rơi vào tay La Mã, Parthenon được bảo quản rất tốt. Nhưng vài thế kỷ sau thời Chúa Giê-su trở đi thì những người theo ông bắt đầu đập phá những ngôi đền thuộc tôn giáo cũ, rồi cũng có đợt Parthenon bị phe đạo Hồi chiếm. Chiến tranh tôn giáo đã "góp phần" hủy hoại rất nhiều đền đài cổ. Bất cứ ai tới Athens thuyết giảng cũng đập phá một ít để thể hiện sức mạnh, sau này hối hận thì đã muộn. Raphael theo đạo Thiên Chúa như bao họa sĩ châu Âu khác của thời đại ấy, nhưng tranh vẽ Thánh Paul của ông nhìn rất hiền lành, chẳng có chút đập phá gì.

Vậy là mọi người biết thêm một ít về Athena, cũng như về ông Zeus – người thường xuất hiện để cưỡng bức thiên hạ nhưng chẳng có được một quyết định nào ra hồn, từ chọn hoa hậu đến bỏ phiếu. Xin hẹn gặp lại trong một tích khác nữa, về một vị thần khác của đỉnh Olympia.

-Soi-

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net