Truyen30h.Net

Tan Man 4

Cám ơn mẹ! Người phụ nữ vĩ đại nhất trong lòng con, đối với con mẹ luôn là người giỏi giang nhất dù mẹ chỉ là người bán hàng rong...

Xã hội này có trăm nghề kiếm sống khác nhau, có người lao động trí óc, có người lại lao động tay chân và dù làm nghề gì đi nữa, chúng ta đều luôn tự hào về mẹ của mình. Miễn sao đó là nghề minh bạch không vi phạm pháp luật, kiếm được đồng tiền bằng chính công sức bỏ ra thì nghề nào cũng đáng tự hào cả. Và tôi cũng vậy, tôi luôn tự hào và yêu thương người mẹ đã hi sinh vì tôi rất nhiều dù bà chỉ là... người bán hàng rong.

Tôi sinh ra ở một miền quê Hà Nam, nơi còn rất nhiều ruộng vườn, nơi mà nền công nghiệp hóa hiện đại hóa chưa lấn quá sâu, bởi vậy nền nông nghiệp vẫn gắn liền với gia đình, ba mẹ vẫn nuôi tôi lớn, tôi ăn học bằng những sào lúa, ruộng cà. Thế nhưng chị em tôi ngày càng lớn với những ước muốn đỗ đạt theo học tại các trường Đại Học lớn trên thành phố thì khoản chi tiêu ngày càng lớn. Bố mẹ tôi là những người tuyệt vời nhất, dù gia đình chẳng mấy dư giả nhưng bố mẹ luôn dành cho chị em chúng tôi những gì có thể nhất, cố gắng cho tôi đi ăn học bằng bạn bằng bè và cũng lo xa cho tương lai tôi sau này không phải bám mặt vào mấy thửa ruộng ở quê nữa.

Khi tôi mới nhập học tại một trường Đại Học ở Hà Nội, bố mẹ đã phải bán đàn lợn để có tiền lo cho tôi tiền đóng phòng trọ, học phí, rồi sinh hoạt phí, sắm sửa đồ dùng,... Rồi bố tôi đi làm thêm mấy công việc phụ ở dưới quê như làm mộc, làm thợ xây đủ thứ nghề để có thêm tiền trang trải cho tôi vì không thể trông chờ mãi vào nghề làm nông. Năm ấy lúa mất mùa, rau củ thì không được giá mẹ lại phải rời quê lên thủ đô sống cùng tôi, tiện bề chăm sóc và làm một nghề khác, bán hàng rong.

Mẹ đã thử đủ thứ hàng như bán trà nhưng không được là bao vì quán trà Hà Nội mọc lên khá nhiều, mẹ tôi đành chuyển sang bán hoa quả, mẹt hoa quả được mẹ chằng chắc chắn sau xe mà rong ruổi khắp phố phường Hà Nội. Cũng may là nơi đây có khá nhiều công ty văn phòng và du khách nước ngoài tới du lịch nên họ mua cũng nhiều, tiền mẹ thu được cũng đủ để chi cho tôi và mấy đứa em ở dưới quê học hành. Cứ cách vài tuần mẹ và tôi lại khăn gói về quê để dọn nhà cửa, nấu bữa cơm gia đình, đó là khoảng thời gian tôi hạnh phúc nhất, cứ đau đáu chờ đợi tới cuối tuần để được trở về ngôi nhà thân quen với những đứa em nhỏ, ăn một bữa cơm đầm ấm đầy ắp tiếng cười.

Những ngày mùa mẹ trở về quê để cấy mấy sào ruộng cùng bố rồi lại trở ra Hà Nội tiếp tục với nghề bán hàng rong. Mẹ của tôi luôn tất bật với công việc, có những giây phút nghỉ ngơi trở về căn phòng trọ ẩm thấp, nhỏ bé tôi lại thấy mẹ đấm lưng thùm thụp, rồi xoa bóp chân tay, sự vất vả khó nhọc in hằn trên những nếp nhăn trên khóe mắt của mẹ, tôi nhận thấy mẹ ngày càng già đi nhiều quá vì mối lo cơm áo gạo tiền, tôi chỉ ước gì mình học thật nhanh, thật giỏi để đi làm giúp mẹ bớt phần nào gánh nặng. Để đáp lại sự hi sinh của mẹ, tôi đã cố gắng học tập thật tốt, luôn cố gắng để giành được học bổng bớt đi chi phí học tập, điều đó khiến bố mẹ luôn tự hào. Mẹ nói: Con hãy luôn cố gắng theo con đường đã theo đuổi, bố mẹ luôn bên cạnh hỗ trợ con dù nhà mình cũng không mấy dư giả, hãy cố gắng để thay đổi cuộc sống ngày một tốt hơn con nhé!

Vậy đấy mẹ luôn yêu thương tôi, luôn bên cạnh tôi suốt những năm tháng Đại Học, mẹ không chỉ là một người thân mà còn là một người bạn khi có những khúc mắc về cách đối nhân xử thế trong cuộc sống tôi đều giãi bày cùng mẹ. Những ngày mùa Đông mẹ tôi chuyển qua bán ngô luộc, khoai luộc vào buổi tối, vì đó là thời gian bán khá chạy hàng. Hà Nội những ngày cuối tháng Mười Một, những cơn gió se lạnh, những cơn mưa phùn lất phất khiến tôi cảm thấy nao lòng, thương mẹ lắm khi mình ngồi học bàn trong căn phòng ấm áp còn mẹ thì đạp xe bán hàng rong ngoài đường. Chỉ mong ngóng mẹ mau chóng bán hết hàng để về nghỉ ngơi, ăn thêm một bát cơm cho đỡ mệt và đói. Mẹ biết tôi thích ăn ngô nếp luộc nên luôn để dành lại cho tôi một bắp, nhiều lần tôi nói với mẹ: Sao mẹ không bán nốt bắp còn lại này ạ? Thì mẹ tôi nói: Bắp này bị ế! Lạ nhỉ bắp ế tại sao lúc nào cũng đầy đặn, ngon lành, cũng vẫn còn nóng hổi dậy mùi ngô nếp. Tôi biết rằng mẹ tìm cớ để dành phần lại cho tôi, chăm lo sức khỏe cho tôi sau những buổi đêm miệt mài học bài đèn sách.

Tôi hiểu được giá trị lao động qua bàn tay chai sần của mẹ, những giọt mồ hôi thấm trên áo mẹ, những cơn đau nhức mỗi khi trái gió trở trời, tôi hiểu rằng mẹ đã đánh đổi đến nhường nào khi ăn không dám ăn, mặc cũng không dám mặc đẹp chỉ chăm chăm gom góp sắm sửa cho chị em tôi. Bởi vậy tôi đã cố gắng nỗ lực mà học tập hết mình, thật vui khi may mắn đã mỉm cười tôi là một trong những sinh viên xuất sắc nhất của trường nhận học bổng du học nước ngoài toàn phần. Tôi vui và hạnh phúc khi có một tương lai sáng lạn hơn cho mình và cũng nghĩ rằng bản thân còn phải nỗ lực hơn nữa để có thể bù đắp lại những vất vả, hi sinh của mẹ.

Giờ đây khi tôi đã hoàn tất thủ tục cho chuyến bay xa đầu đời của mình, tôi bỗng trở nên lưu luyến chẳng lỡ đi, nhìn bố mẹ và các em mà thương lắm, nước mắt cứ chực trào. Chỉ còn ít ngày nữa thôi là tôi sẽ đến một đất nước xa lạ, nơi chẳng còn hơi ấm của mẹ mỗi đêm nữa, chẳng còn vị ngọt của cái bắp ngô ế mà mẹ để phần nữa, chẳng còn được ăn bữa cơm gia đình đầm ấm vào mỗi ngày cuối tuần nữa. Mọi thứ đều mới lạ, cảm thấy chông chênh, buồn đến nao lòng khi phải xa những người thân yêu.

Mẹ nói khi tôi bay sang nước ngoài học tập thì mẹ vẫn tiếp tục bán hàng rong để gom góp tiền chuẩn bị cho mấy đứa em ở nhà đi học, lo cho chúng học thêm. Mẹ nói tôi là cô con gái mẹ cưng nhất, cũng tự hào nhất và cứ dặn mấy đứa em ở nhà phải noi gương tôi, để có một bước đường thành công làm rạng rỡ gia đình.

Cảm ơn mẹ, người phụ nữ vĩ đại nhất tròng lòng con, với con mẹ là người phụ nữ giỏi giang nhất, mẹ không có nghề nghiệp cao sang như ai đó nhưng dù mẹ làm gì đi chăng nữa, mẹ vẫn là người con tự hào nhất. Là người đã nuôi nấng con khôn lớn rồi dẫn con đi đến những thành công nhờ chính gánh hàng rong của mẹ... Dù mai đây đi xa con vẫn không thể nào quên được hình ảnh gánh hàng rong nhỏ ấy, gánh hàng chứa đựng bao nỗi vất vả của mẹ.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net