Truyen30h.Net

Tan Man 4

Dù bạn là người Bắc hay Nam, khi đặt chân lên đất Sài Gòn mà có người rỉ tai đi ăn cơm bà Cả Đọi thì xin bạn đừng chần chừ. Không phải là nhà hàng sang trọng với những món cao lương mỹ vị, quán cơm bà Cả Đọi chỉ có những món ăn hết sức bình dị mang đậm chất Bắc do một người phụ nữ gốc Hà Nội chế biến.

Sinh ra ở làng Đồng Nhân, Bạch Đằng, Hà Nội, bà Hoàng Thị Túc cùng chồng vào Sài Gòn từ những năm 50 của thế kỷ trước và không quên mang theo những món ăn đặc sắc của người Hà Nội. Mặc dù không trải qua trường lớp nấu ăn nào nhưng bà Túc được kế thừa nghệ thuật ẩm thực vốn rất tinh túy của người Hà thành qua những buổi làm cỗ bàn. Cho đến tận bây giờ, tại quán cơm bà Cả Đọi, những người con xứ Bắc vẫn có thể tìm thấy các món như canh cua nấu với rau rút, khoai sọ, cá bống kho niêu đất, rồi cà pháo, ốc om... thân quen để xua đi nỗi nhớ quê hương. Chất dân giã mộc mạc trong các món ăn như tâm tình của chủ quán gửi đến những người đồng hương để rồi khi thưởng thức có người tư tưởng như tìm lại được bạn tri âm.

Từ một quán ăn nhỏ ở trên lầu tại số 2 Phan Văn Hân (chợ Thị Nghè), đến nay quán bà Cả Đọi đã có thêm hai cơ sở nữa tại số 11 Tôn Thất Thiệp (Quận 1) và 42 Trương Định. Tuy nhiên, quán nhỏ ban đầu có vẻ vẫn gây được ấn tượng hơn cả với lượng thực khách ra vào nườm nượp. Ngồi ăn cơm ở đây thực khách còn có một thú vui rất đỗi bình dị là được ngắm quang cảnh tấp nập của một chợ đầu mối thuộc loại lớn nhất thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh "miếng ngon nhớ lâu", người ta nhớ tới quán cơm bà Cả Đọi còn vì cái tên mộc mạc mà độc đáo của nó. Cái tên Cả Đọi này được biết là đọc chệch từ hai chữ "cả đói" mà một nhà báo đã đặt cho quán của bà. Nguyên do là vì quán cơm bình dân này vốn là nơi lui tới của tầng lớp văn nghệ sĩ nghèo của Sài Gòn xưa. Tuy nhiên cũng có người lại bảo rằng cái tên Cả Đọi có nguồn gốc hai chữ "cả đội" do tướng Nguyễn Cao Kỳ của chế độ ngụy quyền Sài Gòn đặt cho quán sau một lần dẫn cả đội lính tới ăn cơm ở đây. Tuy đã gần 80 tuổi nhưng bà Túc vẫn vào Nam ra Bắc nhân dịp 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Chuyện trò với bà tôi mới được biết rằng ngoài niềm tự hào về các món ăn bình dị bà còn rất hãnh diện được là nguyên mẫu cho nhân vật bà chủ quán cơm trong tiểu thuyết "Ông cố vấn" của nhà văn Hữu Mai.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net