Truyen30h.Net

Thiên hạ kỳ duyên [Cảm hứng lịch sử, cung đấu, báo thù] -Ánh Tuyết Triều Dương

Chương 9: Quang Thục hoàng thái hậu

AnhTuyetTrieuDuong

Sau tiếng thông truyền quen thuộc của Đặng Phúc, đám nội thị canh cửa Nhữ Hiên các đồng loạt quỳ xuống trước thánh giá. Tư Thành lệnh cho bọn họ giữ im lặng rồi bước vào bên trong. Trên chiếc giường gỗ đặt ở góc nhà, người con gái đó vẫn nằm mê man bất tỉnh từ tối qua. Mí mắt nàng khép chặt, cánh mũi thở ra từng hơi thở yếu ớt, và từ miệng vết thương trên thái dương của nàng, một dòng máu đỏ thẫm chầm chậm vương xuống.

Tư Thành đứng bên đầu và chăm chú quan sát Hoàng Lan. Đặng Phúc hiểu ý bèn lớn giọng hô:

"Ai là người đầu tiên phát hiện ra việc này?"

Cửa lớn hé mở. Một cung nữ chỉ trạc mười sáu, mười bảy tuổi rón rén bước vào. Đó là người mà Hoàng Lan từng sống chết đòi dẫn ra khỏi Thanh Phục khu.

"Bẩm bệ hạ, là con ạ." Nguyệt Hằng kính cẩn đáp. Nếu nói về địa vị, hiện giờ Hoàng Lan là người không có địa vị rõ ràng. Nàng không còn là cung nữ nhưng cũng chưa thành phi tần. Nguyệt Hằng băn khoăn mãi, cuối cùng chợt nhớ ra cái cách mà hoàng thượng từng gọi Hoàng Lan lúc ở Thanh Phục khu, thế là nàng ta cũng bắt chước gọi theo. "Lúc sẩm tối, con đem cơm đến thì đã thấy tiểu thư Hoàng Lan ngất đi bên cạnh bàn. Có lẽ... có lẽ tiểu thư chẳng may bị ngã ạ..."

Tư Thành ừ một tiếng rồi cho tất cả lui ra. Đến tận khi trở ra, Nguyệt Hằng vẫn thắc mắc tại sao hoàng thượng không vội truyền thái y đến chữa trị cho tiểu thư nhà mình.

Tư Thành ngồi xuống bên cạnh Hoàng Lan. Gương mặt nàng vẫn tĩnh lặng như nước. Ngài khẽ đưa tay vuốt nhẹ tóc nàng, cảm nhận được từng lọn tóc mát lạnh chảy qua kẽ tay, trong không khí còn vương hương bồ kết thoang thoảng. Rồi tầm mắt của ngài chuyển hướng, chú mục vào miệng vết thương đỏ chót trên trán.

Nguyễn Hoàng Lan, càng ngày ngươi càng to gan lớn mật rồi!

Ngón tay đang nhẹ nhàng vuốt tóc ai đó bỗng giật mạnh một cái. Gương mặt thanh tú bình lặng kia chợt nhăn lại. Sau một tiếng rên khe khẽ, Hoàng Lan bật người nhổm dậy. Đối diện với nàng, Tư Thành trưng ra vẻ mặt tỉnh bơ, giống như kẻ vừa ra tay vùi hoa dập liễu không phải là mình.

"Ngủ ngon chứ?" Ngài nén cười hỏi.

Biết rõ bị hỏi đểu, Hoàng Lan ấm ức đưa tay xoa xoa chỗ tóc vừa bị giật. Năm lần bảy lượt tìm cách đào tẩu nhưng đều thất bại, cho nên, nàng cùng đường chọn cách giả chết. Khi Hoàng Lan giả vờ ngất đi, Nguyệt Hằng nhát gan nên không dám đụng vào người nàng, nàng lại chưa hẳn là phi tần để được mời thái y, thành ra an tâm nằm giả chết rồi chờ người ta mang "xác" mình ra khỏi cung. Nào ngờ vở kịch vụng về này đã bị Tư Thành nhìn thấu. Không những nhìn thấu, ngài còn bóc mẽ một cách rất phũ phàng.

Cho nên, nàng cứ đần người ra nhìn người trước mặt.

"Nàng nhìn cái gì? Trẫm vừa cứu nàng đấy, có biết không hả?" Kì thực, lúc biết nàng giả vờ tự sát, Tư Thành bực đến nỗi muốn tọng đầu nàng vô thành giường luôn cho rồi. "Định giả chết để trốn ra khỏi cung? Nàng nghĩ người trong cung đều là đồ bỏ đi chắc? Nếu để kẻ khác phát hiện ra trò hề này, lúc ấy trẫm không cứu nổi nàng nữa đâu!"

Hoàng Lan không thể không thừa nhận Tư Thành nói đúng. Nàng phụng phịu:

"Là do bệ hạ không thả tôi ra nên tôi mới bí quá hóa liều đó thôi."

Ý cười trong mắt Tư Thành biến mất. Ngài nghiêm túc nhìn Hoàng Lan:

"Nàng thực sự chán ghét nơi này đến thế sao?"

"Tôi nói nhiều lần rồi mà." Hoàng Lan thành thật đáp. Nàng chán ghét hình lao, chán ghét Thanh Phục khu nhưng không chán ghét Nhữ Hiên các. Chỉ có điều... "Tôi còn phải về nhà. Mong bệ hạ hiểu cho."

Hoàng Lan chỉ là một kẻ lạc lối vô danh. Nếu có một thân phận cụ thể, nàng càng khó chấm dứt giấc mộng hoang đường này!

"Trẫm thực sự không tra ra được gốc tích của nàng. Ban đầu trẫm còn tưởng nàng là gián điệp hay thích khách, nhưng kì thực, không có gián điệp nào cứ nằng nặc đòi bỏ của chạy lấy người như nàng."

Trong câu nói này còn có một ý nữa, đó là nàng có nhà đâu để đòi về?

"Vì sao bệ hạ cứ nhất định muốn giữ tôi ở lại trong cung? Tôi là kẻ quê mùa, không xinh đẹp, tài nghệ gì cũng không có, ăn nói lại dễ làm mất lòng người khác... giữ tôi lại, bệ hạ không được lợi gì mà?"

Tư Thành cười thầm trong lòng. Đáng lẽ ngài không nên giữ một người có quá khứ và thân phận mơ hồ ở lại bên cạnh. Nhưng không hiểu sao, ngài cảm thấy nàng không cố ý tiếp cận, càng không có chút địch ý hay uy hiếp nào đối với mình.

Điều quan trọng hơn, vì nàng cũng như ngài, cả hai đều tin tưởng tiên sinh vô tội...

Nhưng Tư Thành không tiện nói ra chuyện này nên chỉ đáp:

"Dung mạo không quan trọng bằng đức hạnh, tài nghệ có thể học từ từ, lời nói dễ mất lòng thường là lời nói thẳng... giữ lại một người như nàng, trẫm không thấy có gì đáng sợ cả."

Biết ngài lại cố ý trêu mình, Hoàng Lan vội chớp thời cơ nói nửa thật nửa đùa:

"Nhất định một ngày nào đó, tôi sẽ rời khỏi nơi này."

"Vậy thì trẫm sẽ chờ xem."

Giọng đáp lại nhàn nhạt, có vẻ như đang châm biếm hơn là tin tưởng.

Hoàng Lan bước ra phòng ngoài, khoan khoái tận hưởng hương hoa theo gió thổi đến.

"Có điều này tôi vẫn thắc mắc." Hoàng Lan tò mò nhìn Tư Thành. "Vì sao bệ hạ biết tôi giả chết ạ?"

"Nàng lúc nào cũng nhăm nhe trốn ra ngoài. Việc lớn chưa thành, nàng có lí do gì để tự sát?"

Cũng đúng.

"Hơn nữa..." Ngài thản nhiên nói tiếp. "...trẫm chưa đến nỗi không phân biệt được đâu là máu người, đâu là máu gà."

Hoàng Lan cảm thấy hai bên mang tai nóng bừng.

Không khí trong Nhữ Hiên các đột nhiên trở nên gượng gạo. Tư Thành không nói gì nữa. Hoàng Lan cũng không tiện mở lời. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, ánh mắt của hai người họ vô tình chạm nhau, tưởng rằng hờ hững mà lại xuyên thấu tâm can. Nàng vội cúi xuống uống trà để che giấu đi vẻ mặt lúng túng hiện tại. Kể ra cũng lạ, từ lúc lạc về quá khứ, thứ Hoàng Lan uống nhiều nhất là trà, uống nhiều đến nỗi nàng cũng sắp nghiện luôn thứ thức uống ban đầu chan chát, về sau ngòn ngọt này.

Chừng rất lâu sau, không khí tĩnh lặng cổ quái đó mới bị phá vỡ. Là người của cung Trường Phúc tới. Thái hậu muốn gọi Hoàng Lan tới hầu chuyện.

...

Quang Thục hoàng thái hậu họ Ngô, húy là Ngọc Dao, nguyên là tiệp dư của vua Lê Thái Tông. Năm mang thai tứ hoàng tử Lê Tư Thành, bà bị người ta ghen ghét nên đã buông lời gièm pha, khiến vua Thái Tông sinh lòng ngờ vực, thậm chí còn suýt khép bà vào tội voi giày. Nhờ quan nhập nội hành khiển Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ hết lời khuyên can, bà được vua tha tội nhưng phải rời khỏi cung, bất đắc dĩ nương nhờ chốn cửa Phật. Năm tháng qua đi, Thần phi đã thành thái hậu nhiếp chính, mẹ con bà được gia ân trở về cung. Nào ngờ nhật nguyệt lại đổi dời, vua Nhân Tông băng hà, Lệ Đức hầu bị phế, Gia vương Lê Tư Thành trở thành thiên tử của Đại Việt. Nhìn lại mấy mươi năm sóng gió đã qua, cuộc đời người phụ nữ ấy cũng coi như đã khổ tận cam lai.

Khi Hoàng Lan đến, Quang Thục hoàng thái hậu đang ngồi cầu niệm trước tượng phật. Trái với suy nghĩ của Hoàng Lan về hình ảnh một bà lão tóc bạc trắng, hóa ra thái hậu mới chỉ ngoài bốn mươi tuổi. Bà khoác áo đối khâm màu tím sẫm, tóc búi cao, cổ đeo tràng hạt. Sương tuyết phôi pha chưa thể khuất lấp đi nhan sắc từng khiến quân vương mê đắm một thời. Nếu như Tuyên Từ thái hậu là vầng dương rực rỡ thì bà là vầng trăng trầm lặng hiền hòa.

Biết thái hậu đang nhập tâm cầu niệm nên Hoàng Lan không dám làm ồn. Nàng chỉ hơi khom người cúi chào rồi ngoan ngoãn đứng sang một bên. Cung Trường Phúc vang vọng tiếng tụng mềm như tơ, ảo như khói...

Khi những giọt nắng cuối ngày nhạt dần, động tác đếm tràng hạt của thái hậu cũng ngừng lại. Bà hơi nghiêng đầu về phía Hoàng Lan rồi vẫy tay gọi:

"Con lại đây."

Giọng nói của thái hậu rất nhẹ. Thuận theo lời bà, Hoàng Lan nhích lại gần vài bước.

Thái hậu trìu mến nhìn nàng:

"Con có biết vì sao ta gọi con đến đây không?"

Hoàng Lan mông lung lắc đầu. Nàng chỉ là một kẻ phiền phức vô danh, vì cớ gì mà người tôn quý như thái hậu lại chú ý đến nàng?

"Vì con khiến ta nhớ đến một người bạn cũ của ta." Thái hậu bắt đầu chìm trong những mảng kí ức vụn vỡ. "Ngay từ lúc vô tình nhìn thấy con, ta đã có cảm giác ấy rồi. Ánh mắt của con rất giống với bà ấy. Tiếc rằng những người liên quan đến bà ấy đều không còn nữa..."

Lời nói của thái hậu càng khiến Hoàng Lan hoang mang hơn. Rốt cuộc thái hậu đang nhắc đến ai? Ở thời đại này, nàng có thể giống ai được chứ?

Trong lòng dâng lên cảm giác hiếu kì, Hoàng Lan đánh bạo hỏi:

"Thái hậu đang nói đến ai vậy ạ?"

"Ngọc nữ..." Thái hậu mơ hồ đáp. "... ta mơ thấy Ngọc Hoàng phái ngọc nữ xuống bầu bạn với Tư Thành."

Gương mặt đang hớn hở của Hoàng Lan chợt ỉu xìu xuống. Thật khó để diễn tả cảm giác chưng hửng lẫn lộn của nàng lúc này. Nàng đã quên mất rằng thái hậu là người vô cùng tín Phật. Bà vừa cầu niệm xong, bảo sao nói năng có chút cao siêu lẫn lộn.

Dầu trong đèn đã cạn. Thái hậu vái lạy trước tượng Phật tổ ba cái rồi chậm rãi bước ra ngoài.

Khác với những cung điện đẹp đẽ tráng lệ khác, cung Trường Phúc thực sự là nơi dành cho việc an hưởng tuổi già. Những mái ngói nghiêng mình trong ráng chiều, mượn màu rêu xám để dệt cho mình chiếc áo trầm mặc cổ kính. Sân chính rộng lớn nhưng trống trải, chỉ có vài cung nhân đang lúi húi quét dọn. Theo chân thái hậu, Hoàng Lan bước tới một khu vườn nằm ở mé phải của cung điện. Nơi này chỉ trồng một vài cây gỗ lấy bóng mát, xen giữa mấy khóm hoa đang trầm lặng tỏa hương. Ngoài hồ lác đác vài bông sen nở muộn. Nơi thái hậu ngả lưng là chiếc võng đào vắt ngang hai nhành cây.

Có lẽ cảnh sắc thiên nhiên tĩnh tại ấy đã khiến thái hậu bình tâm trở lại. Bà cho phép Hoàng Lan ngồi xuống cạnh mình rồi hỏi:

"Ta nghe nói chính con là người đã tố cáo chuyện xấu của các nữ quan trong Thanh Phục khu?"

Hoàng Lan khẽ vâng dạ. Nếu nàng không làm, người khác cũng sẽ làm việc đó.

Thái hậu nhìn nàng và mỉm cười:

"Con à, ta biết bản tính của con lương thiện, nhưng lần sau làm gì thì cũng nên suy nghĩ kĩ lưỡng một chút. May mà hoàng thượng đã kể với ta về chuyện tao ngộ của hai người, nếu giả sử con và ngài vô duyên, con nghĩ rằng con có thể sống sót sao? Cuộc sống trong cung không giống như ở bên ngoài. Ở nơi này, kẻ bất nhân bất nghĩa rồi sẽ có ngày phải trả giá, nhưng nhưng người nông nổi tùy tiện thì càng khổ sở hơn. Khi con ở độ tuổi như ta bây giờ, con sẽ hiểu tất cả những điều ấy."

"Cảm tạ thái hậu dạy dỗ, con hiểu rồi ạ."

Hoàng Lan cúi đầu đáp. Thái hậu nói không sai. Nếu như người từng gặp gỡ nàng không phải Tư Thành, nếu như ván cược vào thiện cảm của đế vương thất bại, số nàng coi như chết chắc! Nhưng cũng có điều thái hậu không hiểu. Hoàng Lan vốn dĩ không thuộc về thời đại này. Bắt nàng lập tức thích ứng, nàng thực sự không làm nổi!

"Nói cho ta nghe, vì sao con lại từ chối?" Thái hậu hỏi tiếp. "Trở thành phi tử là điều mà các cô gái trong thiên hạ đều cầu mong..."

Hoàng Lan thở dài:

"Con biết nhiều người thích vào cung làm hậu làm phi, nhưng đối với con, chuyện đó không quan trọng bằng việc được trở về nhà. Một khi nhận lời trở thành phi tử của bệ hạ, đường về của con sẽ càng xa hơn. Mong thái hậu và bệ hạ hiểu cho sự khó xử của con."

Thái hậu kiên nhẫn nhìn sâu vào mắt Hoàng Lan:

"Chúng ta có thể cho con thường xuyên về thăm nhà."

Một chữ "nhà" tưởng chừng rất đỗi bình thường nhưng lại chạm đến nỗi buồn sâu thẳm nhất của Hoàng Lan, khiến đáy lòng nàng dâng lên cảm giác nghèn nghẹn. Ở nơi xa đó, liệu rằng mọi người còn nhớ nàng hay không?

Một chữ "nhà", tưởng gần mà lại rất xa...

Cố gắng giữ bình tĩnh, Hoàng Lan cảm kích đáp:

"Con xin nhận ý tốt của thái hậu, nhưng người thân của con đang ở một nơi rất xa, chỉ có con đi tìm họ chứ họ không thể đến đây tìm con."

"Ta không nghĩ làng Đan Xá lại xa xôi cách trở đến vậy?"

Hoàng Lan thành thật trả lời:

"Làng Đan Xá không phải quê nhà của con ạ."

Dường như thái hậu không bận tâm chuyện quê nhà của Hoàng Lan ở đâu nữa. Bà chỉ cảm thấy người con gái này vừa thành thật vừa khó hiểu!

Hoàng Lan ngồi hầu trà thái hậu thêm một lúc nữa. Sự hiền từ và thấu đáo của thái hậu khiến Hoàng Lan dần mở lòng hơn. Có những khi hứng lên, nàng còn vui vẻ kể cho bà nghe chuyện mình từng đi câu ếch, bắt đom đóm trên triền đê sông Hồng. Tất nhiên những câu chuyện của Hoàng Lan đã được biến tấu đi đôi chút, sông Hồng trở thành sông Nhị Hà, những dấu vết của thế kỉ hai mươi mốt cũng không hề tồn tại. Rõ ràng thái hậu lắng nghe rất chăm chú, nhưng bà chỉ trầm ngâm gật gù, không quá lộ vẻ hứng thú ra ngoài mặt. Dường như sự trầm lặng khó hiểu ấy là điều chỉ thấy được ở người đã kinh qua sóng gió cả một đời, nay đủ tỏ tường để lãnh đạm với mọi sự trên thế gian.

Lúc chuẩn bị rời khỏi cung Trường Phúc, Hoàng Lan tình cờ trông thấy một lão nội thị già đang ngồi trên chiếc chõng tre kê ngoài khu nhà dưới, vừa phe phẩy quạt mo vừa đủng đỉnh kể chuyện gì đó cho mấy cung nhân trẻ tuổi bên cạnh. Trong lòng không nén nổi tò mò, Hoàng Lan dợm bước tới gần. Mấy cung nhân trông thấy nàng thì lễ phép quay ra chào rồi lại tiếp tục lắng nghe câu chuyện dang dở. Giọng kể của lão nội thị chậm rãi, nhẹ nhàng nhưng có chút luyến láy rất thơ, khiến người ta không khỏi phiêu du theo câu chuyện Thạch Sanh chém chằn tinh vốn rất đỗi quen thuộc.

"Ông ấy là Vũ Lương Thiện, đã hầu hạ trong cung qua mấy đời vua rồi." Cung nữ dẫn đường biết Hoàng Lan tò mò nên giải thích. "Cũng giống như Đặng tổng quản, ông ấy từng kề cận, chăm sóc bệ hạ từ hồi nhỏ, sau đó thì theo hầu thái hậu đến tận bây giờ. Đáng lẽ ở tuổi này, ông ấy có thể xuất cung hồi hương, nhưng thái hậu thương tình ông ấy tứ cố vô thân, tuổi già lại thêm đau ốm triền miên nên cho ở lại trong cung, tiếng là ở lại hầu hạ nhưng thực chất không phải làm gì nặng nhọc. Những lúc nhàn rỗi, ông ấy thường gọi chúng tôi lại để kể chuyện cổ tích. Ông ấy thích kể chuyện lắm, cũng biết rất nhiều chuyện xưa tích cũ, người trong cung này ai cũng thích nghe ông ấy kể chuyện..."

Hoàng Lan nghe vậy thì khẽ gật đầu. Dùng những câu chuyện cổ để đếm thời gian trôi đi, ít ra cũng là một cách để thấy thời gian trôi qua không tẻ nhạt và vô nghĩa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net