Truyen30h.Com

Thuong Mai Va Moi Truong

2.2. Quan hệ giữa thương mại và môi trường

Xuất phát từ các chính sách thương mại sẽ tác động đến hoạt động thương mại và từ đó có tác động nhất định đến hoạt động bảo vệ môi trường. Ví dụ, chính sách cấm buôn bán động thực vật quý hiếm tác động làm cho việc khai thác, buôn bán động thực vật quý hiếm giảm, từ đó có tác dụng bảo vệ môi trường; chính sách cho phép xuất khẩu than tác động làm cho các hoạt động khai thác than diễn ra nhiều hơn, từ đó gây ra nguy cơ suy thoái tài nguyên thiên nhiên.

a. Tác động tích cực

Nhân rộng việc sử dụng các công nghệ mới góp phần bảo vệ môi trường, vì ba lý do sau đây: (1) Do đòi hỏi của thị trường là các hàng hoá phải đáp ứng những tiêu chuẩn về chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã, thậm chí là tiêu chuẩn về tính thân thiện với môi trường mới đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường; (2) Cơ hội tiếp cận với máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại của nước ngoài được mở rộng khi một nước mở cửa thị trường của mình, do đó, doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội để chịu chi phí thấp hơn khi đầu tư vào những máy móc, công nghệ mà họ cần; (3) Tự do hoá thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, mở rộng các mặt hàng xuất khẩu và tăng kim ngạch xuất khẩu, nhờ đó, nguồn cung ngoại tệ gia tăng nên học có điều kiện để nhập khẩu các công nghệ, máy móc ít độc hại, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng.

Làm thay đổi cơ cấu sản xuất trong nước theo hướng có lợi hơn cho môi trường. Lý do: Tự do hoá thương mại là điều kiện để phát triển phân công lao động và chuyên môn hoá sản xuất. Trong quá trình đó, các nước tiến hành điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất theo hướng sao cho có hiệu quả hơn. Việc chấm dứt sản xuất những mặt hàng nhạy cảm với môi trường và thay thế bằng hàng nhập khẩu sẽ có ý nghĩa tích cực trong trường hợp sản xuất trong những không hiệu quả hoặc gây ảnh hưởng xấu cho môi trường do điều kiện sản xuất hạn chế. Ví dụ, ở Trung Quốc, sản xuất giấy và bột giấy là tiêu tốn tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường nên chính phủ đã xem xét việc nhập khẩu hàng hoá cùng loại đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn và bảo vệ môi trường.

Tự do hoá thương mại làm cho quy mô sản xuất gia tăng, hiệu quả sản xuất cao hơn, dẫn đến giảm thiểu những tác động tiêu cực cho môi trường và nâng cao nhận thức về môi trường của cộng đồng. Thể hiện trên hai khía cạnh: (1) Tự do hoá thương mại kéo theo thị trường tiêu thụ hàng hoá được mở rộng. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh lại sản xuất cho hợp lý hơn. Sự phân công lao động và chuyên môn hoá được áp dụng hiệu quả, nhờ đó, có thể sử dụng ít hơn nguồn tài nguyên đầu vào và tạo ra ít chất thải hơn trong quá trình sản xuất; (2) Kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao, kéo theo như cầu bảo vệ môi trường sống cũng cấp bách hơn với những đòi hỏi cao hơn, vì vậy, phát triển thương mại cũng góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mỗi cá nhân và cả cộng đồng.

b. Tác động tiêu cực

Làm tăng nguy cơ lưu thông những sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến môi trường dưới hai khía cạnh: (1) Những sản phẩm không thân thiện với môi trường có thể dễ dàng "di cư" sang các nước đang phát triển, nơi có cơ chế quản lý, nhập khẩu và đầu tư lỏng lẻo, nơi người tiêu dùng chưa đặt ra các đòi hỏi cao đối với sản phẩm thân thiện với môi trường; (2) Nước nhập khẩu, đặc biệt là các nước đang phát triển thường không có đủ thông tin và năng lực công nghệ cần thiết để đánh giá mức độ ảnh hưởng với môi trường của sản phẩm nhập khẩu và xây dựng cơ chế quản lý thích hợp. Ở Việt Nam, Chính phủ chỉ mới khuyến cáo người tiêu dùng đối với với những sản phẩm biến đổi gen để người tiêu dùng xem xét chứ chưa có được một cơ chế kiểm soát thích hợp.

Lợi nhuận thương mại và áp lực cạnh tranh của thị trường buộc các nhà đầu tư sử dụng nhiều quy trình sản xuất, công nghệ không thân thiệc với môi trường để giảm chi phí sản xuất. Tác động này càng trở nên nghiêm trọng đối với các nước đang phát triển.

Tự do hoá thương mại và sản xuất quy mô lớn có thể dẫn đến khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tạo ra nhiều tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Tự do hoá thương mại tạo điều kiện thuân lợi cho tình trạng dịch chuyển nguồn ô nhiễm từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Lý do: (1) Các ngành công nghiệp thải bỏ nhiều chất thải (dệt may, da giầy, hoá chất) thường là những ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ thấp, tốn nhân công, nguyên nhiên vật liệu nhưng hiệu quả kinh tế không cao nên không được các nước phát triển lựa chọn. Trong khi đó, các nước đang phát triển có thể dễ dàng chấp nhận những ngành công nghiệp này để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế của mình; (2) Nhận thức về bảo vệ môi trường của cộng đồng ở các nước phát triển tương đối cao nên đã tạo ra sức ép về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp ở đó, vì vậy những doanh nghiệp gây ô nhiễm khó tìm được chỗ đứng của mình, song họ lại có thể dễ dàng tồn tại ở các nước đang phát triển, nơi nhận thức về bảo vệ môi trường của cộng đồng không cao và lợi ích về kinh tế là yêu cầu hàng đầu của họ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Com