Truyen30h.Net

Văn tuyển sinh thi vào lớp 10

Những vấn đề cần phân tích trong truyện ngắn

__Wen__

Truyện ngắn là một thể loại văn học. Nó thường các câu chuyện kể bằng văn xuôi và có xu hướng ngắn gọn, súc tích và hàm nghĩa hơn các câu truyện dài như tiểu thuyết. Thông thường truyện ngắn có độ dài chỉ từ vài dòng đến vài chục trang.

Theo Tô Hoài:"Truyện ngắn chính là cách cưa lấy một khúc trong đời sống."

Mỗi người sẽ dạy cho các em cách phân tích truyện ngắn khác nhau. Nhưng với kinh nghiệm của chị, thông thường khi bắt tay vào phân tích một tác phẩm truyện ngắn chị làm theo những ý sau. Với những ý này, các e sẽ tránh sa vào lỗi diễn nôm và kể lại câu chuyện.

A. Nội dung.

1.Nhan đề: Có những tác phẩm được đặt tên và có dụng ý riêng của tác giả. Đi phân tích ý nghĩa nhan đề sẽ làm bài em sâu sắc hơn. Ví dụ nhan đề "Lặng lẽ Sa Pa".

+ Lặng lẽ Sa Pa, đó chỉ là cái vẻ lặng lẽ bên ngoài của một nơi yên tĩnh, vắng vẻ, nơi mà nhắc đến tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, nhưng thực ra đằng sau cái vẻ lặng lẽ của Sa Pa là cuộc sống sôi nổi của những con người đầy trách nhiệm đối với công việc, đối với đất nước, với mọi người mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng một mình trên đỉnh núi cao.

+ Gợi ra sự đối lập, nhan đề tác phẩm làm nổi bật chủ đề: ca ngợi những con người ngày đêm lao động hăng say, đầy nhiệt huyết, miệt mài lặng lẽ, âm thầm cống hiến cho đất nước.

2.Cốt truyện: là một hệ thống cụ thể những sự kiện, biến cố, hành động trong tác phẩm tự sự và tác phẩm kịch thể hiện mối quan hệ qua lại giữa các tính cách trong một hoàn cảnh xã hội nhất định nhằm thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Cần phân biệt nó với sườn truyện, sườn truyện là cái khung bao bọc cốt truyện. Cốt truyện chính là những sự kiện sự việc dựa trên sườn truyện được chi tiết hóa lên. Trong cốt truyện lại bao gồm nhiều yếu tố để phân tích.

+ Bối cảnh, không gian nghệ thuật là chất liệu hiện thực tác giả đưa vào để tạo một thế giới cho nhân vật tồn tại. Bối cảnh của truyện có thể linh hoạt thay đổi để nổi bật tâm trạng của nhân vật. Ví dụ khi phân tích Làng, không gian nghệ thuật được tạo dựng trong chiến tranh để khắc họa rõ lòng yêu nước của nhân vật, bối cảnh được xây dựng là lúc ông Hai lúc tản cư, lúc ở chợ nghe tin, lúc về đến nhà. Phân tích bối cảnh để nó làm phông nền nổi bật nét tâm lý tính cách nhân vật.

+Tình huống truyện: là sự kiện, hoàn cảnh, tình thế cao trào, là nút thắt mở của câu chuyện. Nó chứa đựng những mâu thuẫn, những điều bất thường, nghịch lý trong cuộc sống hàng ngày của nhân vật. Từ đó tạo nên hoàn cảnh tình thế cho nhân vật, bắt buộc nhân vật phải có sự lựa chọn, thể hiện tư tưởng, tâm lý, hành động của nhân vật.

Tác dụng của tình huống truyện

Với cốt truyện: Thúc đẩy cốt truyện phát triển, tạo kịch tính.
Với nhân vật: Thể hiện tính cách, tâm lí nhân vật.
Với chủ đề, tư tưởng tác phẩm: Làm sáng rõ tư tưởng.

Phân loại.

Tình huống tâm lí: Đây là tình huống khi diễn ra giúp làm sáng tỏ đặc điểm tâm lí của nhân vật. Ví dụ tác phẩm "Làng" nhà văn Kim Lân đã xây dựng cảm xúc của ông Hai khi nghe tin làng mình theo giặc, từ đau khổ tột cùng cho đến vui sướng khi thông tin được làm sáng tỏ.

Tinh huống hành động: Tình huống hành động giúp bộc lộ diễn biến hành động qua đó làm rõ nét tính cách nhân vật. Ví dụ trong "Những ngôi sao xa xôi" trong tình huống Phương Định phải phá bom là tình huống thử thách giúp ta thấy phẩm chất cao đẹp, tình đồng chí của cô gái này.

Tình huống nhận thức: Đây là tình huống không nhằm miêu tả hành động hay tâm lí mà thông qua đây nhà văn giúp nhân vật hiểu ra quy luật cuộc sống.
3. Nhân vật.
Cách phân tích một nhân vật dựa trên những yếu tố cơ bản sau.
- Chân dung lai lịch, nguồn gốc xuất thân.
- Ngoại hình, cử chỉ, hành động.
- Số phận.
- Vẻ đẹp tâm hồn.

Phân tích xong các ý trên thì em sẽ nêu giá trị hiện thực (tố cáo, phê phán, bóc trần xã hội) và giá trị nhân đạo trong tác phẩm (cảm thông, trân trọng, ca ngợi vẻ đẹp của con người).

B. Nghệ thuật.

- Cách xây dựng tình huống truyện.
- Cách phân tích tâm lý nhân vật.
- Ngôi kể (Ngôi 1 thì bộc lộ rõ nội tâm của nhân vật chính, giúp người đọc bắt cùng tần số và hiểu nhân vật đang nghĩ gì, sẽ hành động gì. Ngôi 3 thì có cái nhìn khách quan, đa chiều, đa diện).
- Giọng văn tác giả trong tác phẩm (có thể dựa vào phong cách sáng tác để liên hệ).

Lưu ý: Trong quá trình phân tích nhớ trích dẫn chứng, nếu không dễ bị nói là diễn nôm tác phẩm. Phân tích không phải là kể lại, mà phải nêu được ở nhân vật, ở chi tiết đó em hiểu được gì, tác giả gửi dụng ý gì vào đó.

Trên đây là những vấn đề căn bản khi phân tích truyện ngắn. Cảm ơn các bé của chị đã theo dõi. Love all <3

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net