Truyen30h.Com

Vegaspete Buc Thu Thu Muoi Bay


Tôi đã phân hoá thành Alpha khi sắp mười tám tuổi.
Kết quả này chẳng hề bất ngờ, dẫu gì ba tôi là một Alpha, và mẹ tôi cũng thế trước khi phân hoá lần thứ hai thành Omega.
Tôi không cảm thấy có gì đặc biệt trong quá trình phân hóa, chỉ là đang trên lớp tự học thì cảm thấy dường như mình sốt nhẹ. May thay, giáo viên chủ nhiệm của chúng tôi là một người giàu kinh nghiệm, thầy xách tôi đến thẳng phòng cách ly phân hoá và tiêm cho tôi một mũi. Cả quá trình không xảy ra rắc rối nào, thậm chí tôi còn kịp học lớp tiếng Anh vào buổi chiều sau khi kiểm tra xong ở bệnh viện.

Nhưng vợ bác hai rất lo lắng: "Liệu mười tám tuổi có quá sớm không". Bác nói.
"Không sớm đâu ạ". Tôi đáp: "Thời bây giờ chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Bạn bè con nhiều đứa đã phân hoá từ lúc mười sáu mười bảy tuổi rồi."

Bác gái thôi nói, nhưng lông mày nhíu chặt lại. Tôi biết bác không muốn bàn về vấn đề trưởng thành của thanh thiếu niên với tôi.

Thấy không khí không ổn, bác hai chen vào định đổi chủ đề: "Vậy sinh nhật mười tám tuổi con muốn quà gì?"

Bác cả bên cạnh phàn nàn: "Càng già càng cứng nhắc, làm gì có ai lại đi hỏi thẳng người ta muốn quà gì".

"Tặng gì con cũng không từ chối". Tôi nhún vai: "Đắt cũng được ạ, càng nhiều càng tốt".

Mọi người cười rộ lên, nhưng cười xong lại im bặt.
Bầu không khí lại bắt đầu kì quặc. Vợ bác hai rốt cuộc cũng không kìm được nữa, bác ngập ngừng lên tiếng: "Thư năm nay... không ở chỗ bác. Ở chỗ bác Chan của con".
"Con biết rồi" Tôi đáp: "Mấy ngày trước con đã hỏi bác ấy, đến đúng ngày bác ấy sẽ gửi qua cho con."

Thư là của mẹ viết cho tôi.
Mỗi năm một bức, bắt đầu từ sinh nhật hai tuổi của tôi.
Tôi thực sự rất tò mò làm thế nào ông ấy có thể dành thời gian khỏi sự bận rộn để viết thư.
Dĩ nhiên không ai có thể trả lời tôi.

Mẹ tôi ra đi khi tôi mới hơn một tuổi, độ tuổi mà tôi vừa biết dùng chữ "Pete" để đặt câu.

Đó là vào một buổi đầu xuân, thời tiết mát mẻ nhưng trời trong, mẹ mặc cho tôi một chiếc áo len do bà cố đan. Vì tránh cà rốt trong đĩa ăn của mình mà tôi chạy khắp sân, vừa chạy vừa gào lên: "Không ăn cà rốt. Pete ăn cà rốt. Pete là kẻ háu ăn."

Mẹ bị tôi chọc cười. Ông từ bỏ việc đút tôi và bắt đầu ăn bữa trưa của mình.
Tôi chạy hai vòng là mệt, rồi quay trở lại cạnh mẹ, tròn mắt nhìn ông ấy ăn cà ri.
"Venice muốn thử cà ri không?"
Tôi gật đầu. Mẹ tôi lấy chiếc thìa nhỏ múc một ít đút cho tôi.
Chưa nhóp nhép được mấy tôi đã nhè ra.
"Cà rốt!" Tôi hét lên, rồi khóc oà vì áo len của mình dính bẩn.

Đây xem như là một trong số ít ỏi những ký ức trực tiếp về thời gian mẹ con tôi bên nhau. Thật tiếc, khuôn mặt của mẹ khá nhạt nhoà trong trí nhớ của tôi. Tôi chỉ nhớ về mái tóc bị nắng chiều nhuộm vàng và ngón tay hơi thô ráp lau vết cà ri trên mặt tôi. Còn "má lúm đồng tiền" và "đôi mắt cong cong như vành trăng non mỗi khi cười" thì hầu hết đều do vợ bác hai và những người khác kể tôi nghe.

Điều này khiến tôi gặp khó khăn trong việc hoàn thành bài tập vẽ ba mẹ mình do cô giao hồi còn học mẫu giáo.

Đêm hôm đó tôi vẽ ba xong trong mười phút, và sau đó dành cả đêm để vẽ mẹ, vừa nghe nhóm người bác cả kể chuyện vừa vẽ.

Ngày hôm sau, khi tôi nộp bức tranh, cô giáo chỉ vào hình người nhỏ bé với mái tóc vàng và đôi mắt to, hỏi tôi: "Đây là Venice ư?"
"Không phải ạ, " Tôi nói: "Đây là Pete."
"Ồ, đây là mẹ của Venice à. Tại sao mẹ lại cao bằng Venice?"
Tôi không trả lời.
Giáo viên lại chỉ vào hình bên cạnh và hỏi: "Vậy những chú chim nhỏ và bông hoa này là do mẹ nuôi phải không?"
"Không ạ. Chim là Pete, hoa là Pete. Mặt trời này cũng là Pete."

Tôi không hề vẽ bừa đâu nhé, tôi đã vẽ một cách nghiêm túc sau khi nghe lời kể của chú Arm và chú Pol. Cũng vì lúc đó tôi không biết vẽ thiên thần chứ nếu không đã có thêm một thiên thần trên bức tranh đó.

Điều quan trọng nhất là mẹ tôi cũng từng nói có thể xem chim bay qua và hoa hồng trong sân như là ông ấy.
Ông đã nói thế trong bức thư đầu tiên ông viết cho tôi.

"Venice gần đây có ăn món ngon nào mới hay không? Có phải đã hơi nhớ mẹ hay không?

Lúc mẹ còn nhỏ, nhưng lớn hơn Venice bây giờ một chút, mẹ cũng rất nhớ mẹ của mẹ. Nhưng mẹ của mẹ không thể trở về, mẹ bèn học được một mẹo: xem cái cây to trong sân như là mẹ, có điều gì muốn nói thì cứ kể hết cho nó nghe. Mẹ sẽ kể với cây to rằng hôm nay tập đấm bốc rất mệt nè, nhưng ngày mai là có thể đến nhà bà ngoại rồi, sẽ được ăn món trứng cuộn thật ngon.

Nếu Venice nhớ mẹ, cũng có thể làm như vậy. Con có thể trò chuyện với những chú chim trong sân và cả những bông hồng mà ba trồng. Con biết đấy, mẹ thực sự có thể nghe thấy, bởi vì mặc dù trông có vẻ mẹ không ở bên cạnh con, nhưng thực ra mẹ đang ngồi trên lưng chú chim hoặc bên trong bông hoa, luôn ở bên Venice. "

Tôi khi ấy vẫn chưa biết hết mặt chữ, bức thư đấy là do vợ bác hai đọc cho tôi nghe, và đọc rất nhiều lần.
Mẹ đã đưa tất cả mười sáu bức thư cho bác gái, ông nghĩ rằng có lẽ Porsche là người duy nhất có thể kìm lòng không bóc bì thư khi nhìn thấy dòng chữ "For my sweetheart Venice" trên đó. Sự thật đúng là như thế.

Mãi đến khi tôi ngừng hỏi "Tại sao con không nhìn thấy Pete trong hoa" mà thực sự bắt đầu làm theo những gì mẹ nói, bác gái mới trịnh trọng giúp tôi cất lá thư đi, đặt trong chiếc hộp chocolate mà tôi yêu thích nhất.

Bê chiếc hộp lớn, tôi ngẩng đầu hỏi bác gái: "Vậy là Pete đã đi tới một nơi rất xa rồi ạ? Lúc con hỏi, cô giáo đã trả lời như thế."

Porsche nói với vẻ khó khăn: "Đúng vậy".

"Thật kỳ lạ" Tôi nói, "Cô giáo của con đâu quen Pete, làm sao cô ấy biết Pete đã đi vắng."

Bác gái không nói, tôi tiếp tục hỏi: "Cô còn nói có thể sẽ rất rất lâu về sau con mới gặp được Pete. Rất rất lâu là bao lâu, ngày kia kìa kỉa ạ? Khi Vegas trở về, Pete cũng sẽ trở lại, phải không? "

Bác gái vẫn không nói gì, ông chỉ hơi run rẩy, ngồi xổm xuống và ôm tôi vào lòng.

Vào ngày kia kìa kỉa, mẹ tôi không về. Khi ba tôi về, mẹ tôi vẫn không về.
Tôi đã rất nhiều lần đọc những bức thư ông viết cho tôi, và nói chuyện với hoa với chim trong sân liên tục hơn sáu trăm ngày, nhưng mẹ tôi vẫn không quay lại.

Rồi bỗng một ngày nọ tôi hiểu ra, rất rất lâu nghĩa là mẹ sẽ không về nữa.

Bởi vì một tháng sau ngày đút tôi ăn cà ri, ông đã chết rồi. Bị bắn chết bởi một kẻ không biết là người Ý hay người Nhật.

Một tuần sau khi ông mất, nhóm người bác hai của tôi đã giành lại thi thể sắp thối rữa của mẹ từ tay ba tôi, thay cho ông bộ quần áo sạch sẽ che đi lỗ hổng trên ngực và chôn ông dưới đất Chumphon.

Ngoại trừ mười bảy bức thư cho tôi và một câu nói cho ba, dường như mẹ không để lại gì cả.

Khi đó tôi không biết và chẳng quan tâm rằng mẹ đã để lại lời nhắn gì cho ba, tôi chỉ quan tâm đến những lá thư của mình.
Năm tôi bốn tuổi, bác gái đưa tôi đến Chumphon.

Nhưng tôi không muốn đến mộ mẹ, tôi ngồi trên bậc thang trước cửa nhà bà cố và khóc lóc om sòm: "Con muốn thư của Pete! Con muốn thư của Pete!"

"Nhưng mấy ngày trước con vừa nhận được bức thư thứ ba của cậu ấy rồi, không phải ư? Chúng ta đã giao hẹn rồi mà, mỗi năm một lá."

"Con muốn thư của Pete!"
"Venice, bác biết con nhớ mẹ. Không phải bây giờ chúng ta đến gặp cậu ấy sao, có gì muốn nói con cũng có thể nói với cậu ấy."

"Con muốn! Thư! Của Pete!"

Porsche không hiểu, rằng nói chuyện với khối đá khắc tên mẹ thì có ích gì? Giống như nói chuyện với hoa và chim, mãi mãi không nhận được lời hồi đáp.

Nhưng ông ấy không hổ là người mà mẹ tôi tin tưởng, ông chỉ đứng đó, nhìn tôi khóc lả đi cũng không giao ra lá thư thứ tư, thậm chí trong đêm tôi sốt cao cũng vẫn không, ông chỉ đọc đi đọc lại ba bức thư đầu tiên, để tôi nguôi ngoai sau những câu chuyện mẹ tôi đã viết.

Sau này nghĩ lại, thật ra hồi đó mình cũng không khó chiều cho lắm, quậy khóc mấy lần rồi thôi.
Nếu nói nhọc lòng, vậy hẳn là ba tôi rồi.

Ai cũng tưởng sau hôm tìm thấy xác mẹ, ba tôi sẽ đi theo ông ấy, nhưng không. Ông nhốt mình và mẹ trong phòng, nghe đi nghe lại đoạn ghi âm trước khi chết mẹ đã gửi cho ông.

Lúc bác hai và chú ba phá cửa đã chuẩn bị sẵn tâm lý sẽ bị bắn, nhưng một lần nữa nằm ngoài dự đoán của mọi người, sau khi nghe bác cả gào lên: "Mày muốn nó đời đời kiếp kiếp không được yên nghỉ sao?", ba tôi đã buông tay, để người khác đưa thi thể mẹ tôi đi.

Tang lễ của mẹ tôi kéo dài bảy ngày. Ba tôi ngất đi vào ngày thứ ba vì đã không ăn ngủ nhiều hôm.
Khi ba tỉnh dậy, bác gái có đến và chỉ nói một câu: "Hoặc mày nghe lời Pete, hoặc ngay bây giờ tao bắn mày."

Tôi không biết ba tôi ngày đó đã phản ứng thế nào, nhưng sau khi xuất viện và đưa linh cửu của mẹ tôi về Chumphon thì ông trở nên bận bịu. Ông bận chuyện công ty, cũng bận giết những người Ý và Nhật Bản đó.
Thực ra đối với tôi cũng không có gì khác biệt, khi mẹ tôi còn sống ba cũng rất bận. Nhưng điều lạ là sau khi mẹ tôi mất, tần suất ba về nhà cũng chẳng ít đi.
Mặc dù về cơ bản là tôi không gặp được ông, nhưng vào ban đêm khuya khoắt sẽ nghe thấy tiếng ba và chú tôi nói chuyện.

Tôi sẽ lầu bầu gọi "Vegas?" sau đó ngủ thiếp đi mà không kịp đợi đáp lời, buổi sáng tôi thức dậy thì nghe chú nói rằng ba tôi có về nhưng đã ra ngoài từ rất sớm.

Tôi thường "ồ" một tiếng cho qua. Không sao cả. Chuyện ăn uống, sinh hoạt của tôi đã có dì bảo mẫu lo liệu, ra ngoài chơi thì có vợ chồng bác hai đưa đi, tối thì ngủ với chú. Ba tôi có ở nhà hay không cũng chẳng sao.

Chỉ là khoảng thời gian trước và sau sinh nhật tôi thì sẽ "có sao" một chút.

Tôi nghe bác hai bảo rằng ba ngày sau hôm sinh nhật hai tuổi của tôi, sáng sớm ông ấy mở cửa ra thì thấy ba tôi đang ngồi xổm trước cửa nhà, trên người máu nhỏ tong tỏng, ông mở lời hỏi: "Porsche có đấy không? Tôi biết Pete đã đưa thư gửi Venice cho anh ta giữ. Tôi chỉ đọc bức đầu tiên thôi".

Bác hai không mấy dễ chịu mà trả lời rằng đã đưa thư cho tôi rồi và bắt ông phải sửa soạn lại bản thân trước đã.

Bởi thế mà ngày hôm ấy đập vào mắt tôi đầu tiên đó là ba tôi với cánh tay quấn băng gạc, ngồi ở đầu giường nhìn tôi bằng cặp mắt long lanh. Thế là tôi đành phải đưa cho ba cái hộp chocolate mà tôi nhét trong áo gối, và hăm he ba phải trả lại cho mình sau khi đọc xong, vì ban đêm tôi không ngủ được nếu thiếu nó.

Bức thư một trang giấy mà ba tôi đọc cả ngày trời, tối đến tôi chuẩn bị đi mách với chú thì ba mới trả lại bức thư.
Ba nhìn tôi đang ôm chiếc hộp và hỏi: "Venice... Tối nay con có muốn ngủ với ba không?"
Tôi trợn tròn mắt, lắc đầu, nhưng ngẫm nghĩ lại, tôi thấy vậy cũng được.

Thực ra, ngủ với ba hay ngủ với chú cũng không khác nhau mấy, nhưng bác cả lại thở dài sau khi biết chuyện, lại còn lẩm bẩm: "Thằng Macau ẩu quá, bộ không sợ nửa đêm Vegas bóp cổ đứa nhỏ rồi tự nả mình một phát đạn hay sao."

Khi đó tôi nào có hiểu vì sao bác cả lại nói thế.
Tuy tôi không giống mấy bạn khác được chơi trò cưỡi ngựa trên vai ba mình, nhưng tôi cũng chưa từng bị ba đánh đập mắng mỏ, bởi vậy tôi không sợ ba.

Vegas chỉ hơi kỳ lạ, tôi nghĩ, ba tôi chỉ hơi kỳ lạ mà thôi.

Sự thay đổi xảy ra khi tôi sắp bước vào tiểu học.
Tối đó tôi, bác cả với mấy người khác xem phim truyền hình. Xem mãi xem mãi, tôi chợt nhận ra còn mỗi mình trong phòng. Tôi vặn nhỏ âm lượng TV xuống và nghe thấy tiếng ồn ở tầng dưới.

Ba tôi đứng trên tấm thảm ngay chính giữa phòng khách, một tay túm tóc một người đàn ông, tay kia tì miệng súng trên thái dương người đó.

Theo vai vế, tôi phải gọi người đó là ông bác, nhưng ba tôi không cho tôi gọi lão như vậy, ba chỉ kêu tôi gọi là "Korn lão gia". Tôi chưa bao giờ thấy Korn lão gia thảm hại như vậy, khuôn mặt bầm tím bị ghì dưới đất. Lão đang hét lên: "Tao không biết mấy thằng Ý đó sẽ bắn thật. Pete nó..."
Ba tôi đỏ lừ mắt, đấm lão ta thêm một cú: "Ông không biết hả, ông chỉ đếch quan tâm thôi. Đừng vùng vẫy nữa, tôi chưa bao giờ nghĩ loại người như ông cũng biết sợ."
Korn hộc máu mồm, đột nhiên lão nhoẻn cười: "Ừ đấy, biết hay không biết à, dù sao cũng chỉ là một con chó không còn trung thành muốn chạy trốn. Có điều chết rồi cũng hơi tiếc, dù sao đã nuôi lâu vậy rồi. Tao cũng không ngờ nó khôn vậy, đoán ra tao sẽ lợi dụng nó để uy hiếp mày. Nhưng đoán được thì đã sao, dù nó chết cũng phải giao mày ra giúp tao xử lý đám người kia."

Xung quanh, bác cả bác hai và chú ba đều đang đứng, không ai trong số họ chĩa súng vào ba tôi.

Korn càng cười rộ hơn. "Giờ đây, Vegas, mày có thể giết tao rồi, mày thắng. Mày thắng rồi đấy, nhưng vậy thì sao?"
Lão nhìn ba tôi, rồi liếc sang tôi đang đứng ngơ ngác trên cầu thang.

Khoảnh khắc ba tôi bóp cò, bác cả đứng chắn trước mặt tôi và lấy tay bịt tai tôi lại.

Tôi ngẩng đầu lên, trong im ắng tôi trông thấy khuôn mặt đẫm nước mắt của bác ấy.

Hôm đó ba bế tôi về nhà, tôi đứng trước cửa phòng vệ sinh nhìn ba ung dung lau vết máu trên mặt rồi rửa sạch tay.
"Muốn ăn mì gói không?" Ba hỏi tôi.
Tôi lắc đầu, rồi lại gật.
Vậy là ba úp hai bát mì. Tôi ăn nửa bát còn ba ăn bát rưỡi.

Đêm đầu tiên thời mẫu giáo tôi mất ngủ, trong đầu chốc chốc là câu nói "bóp chết đứa nhỏ" của bác cả, chốc chốc lại vụt qua rất nhiều khuôn mặt.
Ba tôi đã giết bác cả của ông, tôi nghĩ, vậy thì bác cả, bác hai và chú ba của tôi chắc sẽ không cho tôi đến nhà họ.

Nhưng ba không siết cổ tôi, dù sao trước khi tôi chìm vào giấc mơ, ông không hề đặt tay lên cổ tôi. Ông nằm quay lưng về phía tôi, hồi lâu sau, ông sột soạt móc thứ gì đó ra khỏi túi quần ngủ.

Ba đang nghe đoạn ghi âm mà mẹ tôi để lại cho ông, tôi biết.
Tôi cũng rất muốn lấy những bức thư trong hộp của mình ra xem, nhưng đèn đã tắt. May mắn thay, tôi đã thuộc nằm lòng nội dung mỗi bức thư, thế là tôi buộc mình không nghĩ gì khác mà bắt đầu nhớ lại thư mẹ đã viết cho tôi.

".....
Mẹ biết chạy xe đạp trên cát rồi. Nhưng không phải là loại xe bánh nhỏ dành riêng cho trẻ con đâu, mà là loại xe to có bánh lớn á. Lúc đầu mẹ cứ bị ngã hoài, nhưng cát mềm mềm, ngã cũng không đau, cơ mà có lẽ mấy chú cua nhỏ bên cạnh đang cười trêu mẹ. Thế là mẹ chạy qua bên kia, hái chiếc lá chuối to gấp lại thành chiếc hộp, bắt mấy con cua nhỏ thả vào trong đó.

Sao có thể để nó chê cười mẹ, phải không nào. Hầy, nhưng mà á, khi mẹ đạp xe một vòng xong quay lại, mấy con cua nhỏ đó đã chạy hết trơn. Không còn cách nào khác, mẹ đành gấp thêm ít lá chuối rồi đem về cho bà ngoại nấu chút xôi nếp vàng.
......."

Hôm sau, lúc tôi thức dậy ba vẫn đang ngủ.

Từ sau đêm đó ông trở nên nhàn rỗi, tôi thấy như vậy không sao cả.

Mối quan hệ cha con của gia tộc này thật kỳ quái, ví như hai tuần sau khi lão Korn chết, tôi lại có thể ra vào phòng bác cả và xem phim cùng ông ấy.

Bình thường, trừ việc đưa rước tôi đi học như thể check-in thì ba tôi ngủ, không ngủ được cũng nhắm mắt nằm trên giường.
Tôi biết ông đang nhớ mẹ tôi. Nhưng đến khi tôi tan học, ông cứ bắt tôi phải ở cùng phòng với ông. Mới đầu cũng ổn, tôi làm bài, ba thì ngủ, trước giờ không hề chuyện trò. Nhưng sau đó có lẽ ngủ nhiều quá nên đau đầu, ba tôi nằm mãi nằm miết, rồi đứng dậy để tìm thuốc giảm đau.

Tôi nghe thấy tiếng ba cứ lục đục sau lưng, bèn nói: "Ba à, ba có thể nhỏ tiếng chút không."
Ông phớt lờ tôi, tìm thấy thuốc rồi lại lạch cạch rót nước, uống thuốc xong thì tạm dừng vài phút rồi bắt đầu ồn ào tiếp, chả biết ông tìm đâu ra cuốn sách xem tướng tay mà nằng nặc đòi xem cho tôi.

Hồi ấy tay tôi không to bằng nửa bây giờ, phiền quá nên tôi đưa tay phải cho ông xem còn tai trái tiếp tục viết bài. Ba vân vê tay tôi, hào hứng lật sách và lớn tiếng phân tích thế này thế nọ, tương lai tôi sẽ thế nọ thế kia theo những gì sách viết.

Tôi dạ dạ vâng vâng, nhưng không nghe lọt một chữ.
Cuối cùng, ông vỗ một cái vào lòng bàn tay tôi và hô to: "Ái chà Venice, con có số giàu sang trường thọ đấy." Câu này nghe y hệt giang hồ lừa đảo, vả lại ông bô còn đang mặc một chiếc quần ngủ cũ mèm đã xắn nửa với bộ râu xồm xoàm, lời nói ra càng chẳng có sức thuyết phục.

Tôi nghĩ nếu không phải tôi phát hiện mấy gói thuốc rỗng trong thùng rác thì ba còn làm phiền tôi dài dài.

Chú tôi đưa ông vào bệnh viện rửa ruột, bác sĩ đề nghị nằm viện để theo dõi.
Chính bác cả đứng ra nói không cần nằm viện mà đưa tới Chumphon.

Khi đến Chumphon, chú tôi không dám mang theo thuốc gì, ngay cả ba tôi bị côn trùng cắn cũng phải dùng phương thuốc dân gian của bà cố.

Không được uống thuốc, ba tôi bắt đầu nghiện trò lặn nước.

Có lẽ vì bà tôi từng kể điều mẹ tôi tiếc nuối nhất trước khi rời xa gia đình đến Bangkok là chưa học lặn thành thạo. Tóm lại ba tôi bắt đầu trầm vào không gian giáp ranh sinh tử nơi không có trọng lực không có âm thanh không cách nào tự giải thoát ấy.
Lúc đầu còn đỡ, ông ở trong nước hai ba tiếng là ra. Nhưng một ngày nọ, hoàng hôn đã buông xuống mà ba tôi vẫn chưa về nhà, chú tôi lo sốt vó, có điều chú không biết bơi, cuối cùng chính ông cố đã vớt người ba bất tỉnh của tôi về.

Bà cố tôi niệm kinh nửa đêm ba tôi mới tỉnh lại. Bà cụ nhìn ba tôi, không cho ông nói gì mà chỉ tự lầm rầm liên tục "Tỉnh lại là tốt rồi, còn sống là tốt rồi".
Bà vào bếp nấu cơm, tôi ngồi trên giường chống quai hàm nhìn ba và hỏi: "Ba, ba muốn chết sao?"

"Ba ở dưới nước ... nhìn thấy Pete rồi."

_______Lauudee_____

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Com