Truyen30h.Net

[Xuyên Không, Cảm hứng Lịch Sử] Lê Sơ Chi Mộng

12. tiến cung

keyif_an_an

12.

Điện Quang Minh vào những ngày cuối cùng của năm Thiệu Bình thứ ba, trời nổi gió, những tảng mây hồng chen chúc xô đẩy lẫn nhau, ngã lên nền trời một quang cảnh hữu tình se lạnh.

Ngô Bằng mặc quan phục màu lam, hai tay đan lẫn nhau đặt trước bụng, sốt ruột đi qua đi lại trước cánh cửa Quang Minh đồ sộ. Từ đằng xa, một nội quan nhỏ con hớt hải chân trước đá chân sau chạy lại phía y, khuôn mặt lấm tấm mồ hôi. Hắn khom lưng kính cẩn thưa.

- Ngô thống lĩnh, bệ hạ đang bàn chính sự với Bùi trung thừa đại nhân, không thể gặp mặt ngài ngay bây giờ.

- Tiêu An tổng quản, vậy khi nào hoàng thượng xong việc phiền ngài nhắn lại có ta đến tìm người để bàn "chuyện cũ".

- Hạ thần xin nghe. - Nói đoạn, người thiếu niên nhỏ cúi người chào Ngô Bằng, nhanh nhẹn lui vào trong.

Bằng không gặp được Hạo, tự dưng cảm thấy bản thân không muốn nói cho Lê Hạo biết về thân phận thật sự của An Sinh. Y đã suy nghĩ cả đêm qua, còn định dùng Huyền Vũ giao thư đến cho hoàng thượng nhưng suy đi tính lại y vẫn nên tự mình nói ra sẽ hay hơn.

....

Kể từ lúc An Sinh đột ngột mất tích sau lần tiễn Lê Hạo rời Ngô phủ, Bằng đã sai rất nhiều người truy tìm tung tích của cô.

Hai hôm trước, thân tín của Bằng báo đã nhìn thấy một cô gái có khuôn mặt giống bức tranh Ngô Bằng họa ở gần chợ, không những thế cô gái ấy còn lên xe ngựa của Lý tổng binh Lý Lăng.

Lý Lăng tuy là một gã công tử èo uột thích ăn chơi quen lêu lổng, nhưng bản chất hắn lại là một người khó đoán. Hoàng thượng xem Lý Lăng như huynh đệ ruột thịt, không chút phòng bị với hắn, Ngô Bằng không thích hắn ta, ngay từ bé y đã không được hoàng thượng coi trọng như hắn dù y có cố gắng hơn Lý Lăng gấp trăn ngàn lần.

Mặc cho đêm hôm khuya khoắt, Ngô Bằng dắt kiếm tháo ngựa phi đến dinh thự của Lý Lăng, trong lòng dâng lên nổi không yên khó tả. Vừa tới nơi, bóng áo đỏ chùm đối khâm kín mặt đã chặn ngang y, An Sinh xuất hiện sau tấm áo kín mít, khuôn mặt xinh đẹp nổi bật giữa bóng tối mờ ảo.

Trăng trên cao như sáng hơn. Bằng ngơ ngẩn nhìn xuống cô, trái tim rung động theo từng nhịp đập.

An Sinh gặp được bạn cũ như chết đuối vớ được cọc, quên luôn cả việc mình đang mặc đồ nữ nhân xông ra gọi tên Ngô Bằng.

Những tưởng chuyện đến đây là hết, ai ngờ quân lính ở phủ Lê đại đô đốc cũng cùng lúc kéo đến bủa vây cả hai.

Ngô Bằng nhảy khỏi ngựa rút kiếm, đám quân lính bắt đầu xấn tới tấn công, những mũi giáo nhọn hoắt nhằm thẳng vào y đều bị y chém gãy.

An Sinh dùng vỏ kiếm Bằng ném cho chống trả quyết liệt, cả hai đánh nhau một hồi, người Lê phủ chi viện ngày một đông lên, An Sinh và Ngô Bằng bị dồn đến trước cửa nhà Lý Lăng, vô tình hắn ta vẫn còn đứng đấy, ngay tức khắc hắn nhận ra người bạn quan trường cùng cô gái suýt đã trở thành thiếp thất của mình.

Mọi thứ dần bị đảo lộn khi Lê Ngân bước tới, An Sinh một thân đỏ rực quỳ xuống tự xưng là con gái Lê Ngân, lời lẽ như đang cố giải vây cho hai người bằng hữu.

Khi dáng hình nhỏ bé ấy rời khỏi tầm mắt hai người con trai đã ra sức bảo vệ cô, cũng là lúc An Sinh phải tự thân đối mặt với số phận thật sự của mình.

....

Sáng sớm tinh mơ, mặt trời vẫn còn say ngủ dưới chân núi đằng đông, những chú gà trống đã siêng năng cất tiếng gáy.

An Sinh lăn qua lăn lại trên chiếc giường rộng lớn, người đắp hai chiếc chăn bông to xụ, trong đầu hiện lên đoạn hội thoại sau khi trở về phủ đại đô đốc.

...

Ở sảnh chính, toàn bộ người thân già trẻ lớn bé trong phủ đứng xếp hàng ngay ngắn, phía tay trái là bốn vị phu nhân nhan sắc trẻ đẹp, họ đều là thê thiếp mà Lê Ngân nạp vào sau khi mẹ Lê Nhật Lệ qua đời. Bên phải là một toán con nít tầm năm sáu đứa trẻ, đoán chừng là con cái, em ruột của Lê Nhật Lệ.

Đại đô đốc Lê Ngân đỡ An Sinh đang quỳ trước mặt mình đứng lên, nhìn sâu vào đôi mắt long lanh của con gái, ôn tồn cất giọng khản đặc.

- Nhật Lệ, ta biết gả con cho hoàng thượng là ta ép buộc con. Nhưng ta thân là đại đô đốc đương triều, là trụ cột nhà họ Lê, nhà họ Lê một đời trinh chiến sa trường, đánh đổi không biết bao nhiêu xương máu và công sức mới có cơ đồ ngày hôm nay, ta không thể để Lê tộc vì ta mà sụp đổ. Con gái, coi như người cha này cầu xin con, cầu xin con hãy chấp nhận chỉ dụ mà đừng gây thêm chuyện phiền phức nữa.

Dứt lời, Lê Ngân cùng hàng chục người trong nhà bỗng dưng quỳ rạp xuống trước mặt An Sinh. Cô luống cuống lùi lại, đưa tay đỡ lấy người đàn ông trung niên, khuôn mặt kiều diễm ánh lên vẻ khó xử tuột độ.

An Sinh có chạy đằng trời cũng không thể nào xóa đi danh phận con gái Lê Ngân, Lê Ngân là người làm quan trong triều, đối với hoàng thượng như đối với trời xanh.

Thánh chỉ lần này chỉ đích danh Lê Nhật Lệ, điều này chứng tỏ địa vị Lê Ngân trong lịch sử không hề tầm thường dù cho An Sinh không một chút ấn tượng với cái tên Lê Ngân.

Cô càng không rõ ngọn nguồn câu chuyện ở sau nhưng một phần nào đó trong An Sinh đã hiểu, Lê Nhật Lệ nhất định phải trở thành phi tần của hoàng đế.

....

Trời vẫn tối om om, An Sinh chỉ vừa chợp mắt sau ngày dài hết trốn chui lủi lại đến đánh đấm, ngoài cửa đã xông vào bốn tỳ nữ lôi cô dậy. An Sinh mắt nhắm mắt mở cọc cằn định miệng hét lên. Chợt nhớ, hôm nay chính là ngày cô phải nhập cung theo chiếu chỉ của hoàng đế.

Sau sự kiện long trọng hôm qua ở đại sảnh nhà họ Lê, An Sinh đã từ bỏ ý nghĩ chạy trốn, cô dành cả một đêm để tính toán những chuyện sẽ xảy ra tiếp theo, cố gắng lắc não nhớ lại số kiến thức lịch sử nghèo nàn mà mình từng được học, nhưng nghĩ mãi cũng chẳng nghĩ ra được gì.

Ở hiện đại cô là một chiến sĩ áo xanh, mỗi ngày đều ru rú trong quân đoàn, nếu không có nhiệm vụ thì hầu hết thời gian cô dành cho việc luyện tập và rèn luyện thể chất, kiến thức sách vở với cô giống như mặt trời và mặt đất không thể chạm vào nhau. An Sinh âm thầm hối hận, tự trách đáng ra cô phải chăm chỉ học hành mới đúng.

Thay xong hỷ phục và trang điểm, mắt An Sinh cuối cùng cũng mở ra, cô soi mình trong chiếc gương đồng mờ ảo, quan sát một thân lộng lẫy đỏ rực.

An Sinh cứ ngỡ bộ hỷ phục đã bị cô làm hỏng nhưng không ngờ Lê Ngân lại phòng sẵn một bộ khác.

Nghĩ cũng đúng, cô bây giờ đã sắp thành mấy nàng phi tử cùng nhau tranh giành, bày mưu tính kế để lấy lòng người chồng cao quý ở nơi đế đô xa hoa bậc nhất Đại Việt.

Nếu phải thật sự như vậy, An Sinh chỉ muốn đóng cửa ngày ngày ở trong phòng sống một đời bình an, hoàng đế có tới vài ngàn giai nhân chắc cũng chẳng đến lượt cô lọt vào mắt xanh của hắn. An Sinh chỉ sợ Lê Ngân lo con gái không nhận được ân sủng liền dùng quyền lực ép hoàng thượng để ý đến cô, tới khi đó cô không thể từ chối, tránh tiếp xúc với đế vương được nữa. Nhưng chuyện ấy còn lâu mới xảy ra.

An Sinh chợt nhớ đến mấy lá thư của Lê Nhật Lệ, lại phát hiện lần này cô sẽ nhập cung. Một tia vui mừng le lói trong đầu, cô cho toàn bộ thư giấu dưới trường kỷ bỏ vô hành lý, hy vọng có thể nhân cơ hội này tìm ra Lê Tư Tề.

Đây là manh mối duy nhất để An Sinh quay trở lại thế kỷ hai mốt. Cô hiện tại đã tuyệt vọng tới mức không thể suy nghĩ thêm gì khác, mọi chuyện rắc rối ở Đại Việt khi không cứ tự động ập cả vào cô.

Đôi lúc An Sinh muốn khóc cho thỏa nỗi nhớ nhà và thỏa nỗi uất ức, nhưng khóc lóc đối với một người cứng rắn như cô sẽ chẳng có tác dụng gì.

Giờ mão điểm, tất cả người trong gia đình Lê Ngân tập trung trước sân lớn, Lê Ngân mặc viên lĩnh gấm nâu, khuôn mặt thấp thoáng dấu hiệu tuổi già, ân cần nhìn đứa con gái xinh đẹp trước mắt, xúc động cất lời.

- Vào cung rồi lời nói cử chỉ phải cẩn trọng, không được hành động tùy tiện như trước.

An Sinh khẽ cúi đầu vâng dạ. Lê Ngân hài lòng, mỉm cười với con gái, đồng thời sai nô tỳ đỡ cô lên cỗ xe ngựa trang hoàng lộng lẫy đỗ phía ngoài. An Sinh kinh ngạc nhìn kiệu hoa hoàng đế ban, lòng thầm cảm thán.

Cỗ xe được bốn con ngựa kéo đằng trước, toàn thân xe đỏ rực, viền phối xung quanh đều là chỉ vàng kim sa, các góc chạm tay đều được bọc vàng giũa mỏng, trên đỉnh xe treo dải dây có quả cầu hỷ.

Người dân khắp nơi đổ ra đường, tò mò nhìn đoàn tùy tùng nối đuôi nhau dài dằng dặc, không có tiếng kèn nhạc, cũng chẳng có lang quân cưỡi ngựa đi trước. Chỉ có một cỗ xe ngựa sang trọng và hàng trăm người hầu theo sau.

....

Bách hợp các là nơi An Sinh sẽ sống sau khi nhập cung.

Trước khi được nô tỳ dẫn về nơi ở mới, An Sinh phải bước qua cánh cửa Trung Trinh môn, nơi các nữ quan trong cung sẽ phụ trách kiểm tra thân thể và phổ biến cung quy.

An Sinh từng xem qua mấy cái quy tắc này trong phim ảnh, nhưng đến lượt mình trực tiếp trải nghiệm cô lại thấy không thoải mái lắm.

Nhập cung cùng ngày với An Sinh còn có hai cỗ xe ngựa khác, tuy cách bày trí không xa hoa và cầu kỳ như xe của An Sinh, nhưng kẻ hầu người hạ đi theo cũng đông không kém.

Cô gái đi đầu tiên tên là Bùi Mai Hương, là con gái của quan Ngự sử trung thừa Bùi Cẩm Hổ, ông mang trọng trách khuyên nhủ, can gián nhà vua, một người luôn kề kề bên hoàng thượng như vậy chắc chắn sẽ nói khéo để con gái mau chóng nhận được hoàng ân.

Người thứ hai tên là Ngô Thị Ngọc Xuân, con gái của Duyên Ý Dụ vương Ngô Từ, Ngô Từ là người có ơn dưỡng dục tiên đế, lại là đại khai quốc công thần của triều đình Lê Sơ, một tiểu thư có thân phận tôn quý như vậy tuyệt đối sẽ không dễ dàng thất sủng.

Nghĩ đến đây, An Sinh bỗng thở phào nhẹ nhõm, thật may cô không phải tiến cung cô độc mà hầu hạ đế vương, nhưng nói tới người cha Lê Ngân của Lê Nhật Lệ, ông là Đại đô đốc tướng quân, trên dưới phủ đều phải vái lạy, chức quan này rốt cuộc lớn cỡ nào nhỉ.

Khi bản thân còn miên man trong mớ suy nghĩ rối rắm, hai vị nữ quan đã làm xong nhiệm vụ, tiếp đến họ cử vào mấy chục cung nữ và nội quan, y phục đồng loạt giống nhau, nữ thì tóc búi cài trâm bạc, khoác viên lĩnh hồng phấn, nam đội nón lục lăng, mặc xiêm y tối màu.

Bọn họ xếp thành hai hàng thẳng tắp, khuôn mặt cúi gằm. Vị nữ quan đầu tiên tiến lại gần An Sinh, hơi khụy đầu gối tay chắp trước bụng, cung kính mở lời.

- Vời lệnh bà chọn kẻ hầu trước ạ.

An Sinh ngẩn ra một lúc, quét mắt quanh những người đang lom khom chờ được chọn.

Theo quy tắc hoàng cung, mỗi phi tần đều được chọn ít nhất hai thị nữ và bốn thái giám phụ trách chuyện ăn ở sinh hoạt hằng ngày. Cô nhắm mắt chỉ bừa hai cô bé một đầu một cuối, lại chỉ thêm một cậu bé đứng chính giữa, bảo với nữ quan.

- Ta chọn ba người này.

Vị nữ quan khụy gối vâng dạ song gọi tên ba người An Sinh vừa chỉ điểm bước lên trên. Bọn họ trông chỉ tầm mười ba mười bốn tuổi, nét ngây dại còn chưa dứt khỏi ánh mắt. Theo thứ tự, ba người lần lượt đưa tay ra vái lạy An Sinh.

- Thị nữ là Phương Ngọc. Bái kiến Chiêu nghi lệnh bà.

- Thị nữ là Đỗ Uyên. Bái kiến Chiêu nghi lệnh bà.

- Nô tài là Phúc An. Bái kiến Chiêu nghi lệnh bà.

Bái kiến xong, An Sinh dắt ba gia nô mới theo vị nữ quan thứ hai cùng đi đến Bách Hợp các.

Bách Hợp các là một phiến điện mang kiến trúc cổ xưa lộng lẫy, các gian cột và trụ xà được làm từ gỗ lim, ngói lưu ly đỏ gắn tượng công phượng uốn lượn giao thoa, cổng vào xây bằng gạch nung vững chắc, trong sân đình có một cái hồ nhỏ đã bỏ hoang từ lâu.

An Sinh bước đi chậm rãi, vạt áo đối khâm bay bay theo cơn gió thoảng qua, cô đang cố gắng khống chế sự hiếu kỳ mỗi lần rẽ sang một dãy trường lang khác.

Cung điện thời Lê Sơ tuy giữ lại hầu hết các thiết kế cũ của cố cung tiền triều Lý, nhưng về cách bày trí và bố cục các cung đã bị thay đổi khá nhiều.

An Sinh từ nhỏ đến lớn chưa từng ghé thăm kinh thành Thăng Long, chỉ nghe đồn lại sau chiến tranh tất cả đã trở thành những đống đổ nát không thể phục dựng, lịch sử vì thế mà mất đi không ít hiện vật giá trị.

Tam cung lục viện của hoàng đế, tất cả chỉ là chiếc lồng son giam cầm không biết bao nhiêu thanh xuân của các cô gái trẻ. An Sinh không muốn số phận của mình cũng bị chôn vùi như những cô gái đó, nhưng dù thoái thác thế nào cô cũng không thể tránh khỏi.

***

Sang ngày thứ hai nhập cung, trưởng quan nội thị sai người đến các điện của các lệnh bà mới được sắc phong, hỏi han xem các bà có gì cần căn dặn thêm.

An Sinh quan sát bố trí trong phòng, lại nhìn ra ngoài khoảng sân rộng trước mắt, nghĩ bụng nơi đây vẫn còn hoang vu và lạnh lẽo, liền gọi người quét dọn tu sửa lại hồ nước, thả thêm mấy con cá nuôi mấy vựa sen, ngoài sân rộng thì cho trồng cây cảnh, bày bên cạnh một bộ bàn ghế.

Cô nhờ Phúc An đi tìm mấy cái chậu to, sáng sáng đều mặc kệ thị nữ can ngăn, xắn tay áo đào đào bới bới trồng trọt rau hoa.

An Sinh đã lên hết kế hoạch cho những ngày tháng nhàn rỗi sắp tới, định bụng sẽ đóng cửa bế quan, hạn chế tiếp xúc tối đa với mấy bà vợ khác của hoàng thượng.

Hậu cung chính là chiến trường của nữ nhân, An Sinh xưa giờ chỉ cầm súng cầm dao, hoàng ân gì đó An Sinh không hợp tranh giành.

Ngày thứ ba, các phi tần mới sẽ đến Thọ Xuân cung yết kiến hai vị thái phi.

An Sinh hỏi qua Đỗ Uyên và Phương Ngọc một chút tình hình trong cung. Dù không có ý định tranh sủng nhưng cô không thể không phòng bị những người phụ nữ khác của hoàng thượng.

Theo thông tin từ hai thị nữ, An Sinh biết được nôm na, xưa kia người đứng đầu hậu cung vốn là Nguyên phi Lê Ngọc Dao, con gái Đại tư đồ Lê Sát. Sau khi hoàng thượng xử Lê Sát tội chết, Nguyên phi cũng vì thế mà bị dáng thành thứ dân, đuổi khỏi kinh thành.

Hoàng thượng còn trẻ tuổi, số lượng phi tần không đông, hiện tại người đang nhận được ân sủng nhiều nhất là Hoa phi Dương Thị, em gái quan đại sứ thái y viện Dương Công Phiếm Ái.

Suốt nhiều tháng liền, đêm nào hoàng thượng cũng cho triệu Dương Thị vào hầu hạ, không lâu sau nàng ta được tấn phong làm Hoa phi, cùng hai vị thái phi của tiên đế coi quản hậu cung.

....

Từ canh ba gà chưa gáy, Đỗ Uyên và Phương Ngọc đã đánh thức An Sinh, kéo cô từ trên giường vào bồn tắm, song lại kéo từ bồn tắm sang bàn trang điểm.

Hôm nay cô đến bái kiến hai vị thái phi, đồng thời ra mắt toàn bộ chị em cùng sống chung dưới mái nhà hoàng tộc. Cảm xúc thì khó tả vì cô chưa bao giờ nghĩ đến cảnh tượng mình trở thành phi tử của hoàng đế sẽ như thế nào, nhưng mệt mỏi và buồn ngủ đối với cô bây giờ vẫn quan trọng hơn.

Trong cung có cung quy. Mỗi một nữ nhân đã là tiểu thư xuất thân từ danh môn, trước khi xuất giá đều cần nắm rõ các lễ nghi tôn tự, cầm kỳ thi họa cũng phải xuất sắc.

Chiếc kiệu gỗ trạm công phượng tinh xảo phủ rèm gấm hoa đậu sẵn trên bậc thềm Bách Hợp. Nội quan Phúc An nhanh chân khom người vén lên một góc rèm.

An Sinh lơ mơ còn chưa tỉnh ngủ, tay trái tay phải hai bên là hai tỳ nữ thân cận đỡ lấy. Kiệu có tám người khiêng, đi đầu là Phúc An, đi sau là Đỗ Uyên và Phương Ngọc.

Vừa tới cung Thọ Xuân, mặt trời đã lấp ló đằng đông.

An Sinh gật gù một lúc, kiệu hơi lắc lư, cô tỉnh dậy nhìn đống quần áo mặc trên người, tính nhẩm cũng tới vài lớp giao lĩnh trong ngoài rồi bồi viên lĩnh vạt dài, váy quây và thắt lưng, lại thêm chiếc miện vàng nặng chịch kéo cổ cô ngả sang một bên. Phi tần hậu cung đúng là vất vả.

Đỗ Uyên dìu An Sinh xuống kiệu. Cô túm váy, kéo tà áo lộn xộn, tay đỡ chiếc miện vàng tua rua những chùm lá bồ đề lấp lánh, thở ra sương khói chui ra ngoài.

Ánh mặt trời vẫn chưa sáng hẳn, những vạt mây xám xanh lững lờ trôi như dòng nước.
Nhiệt độ chỉ áng chừng mười mấy độ C.

An Sinh ôm hai cánh tay, tự nhủ thật may vì tỳ nữ đã quấn cho cô nhiều áo lót.

Ngoài điện chờ, các phi tử của hoàng đế đã đến đông đủ. Đỗ Uyên từng nói, từ thời Thái Tổ đã có lệ không lập chính thất, hễ là hoàng tử nào có mệnh thiên tử, phi tần sinh ra người đó sẽ đương quang thái hậu.

Tuy nhiên, mẫu thân của hoàng thượng năm người ba tuổi đã qua đời, người chăm sóc hoàng thượng khôn lớn chỉ có Trịnh thái phi. Trịnh thái phi lại là mẹ ruột của Quận ai vương Lê Tư Tề. Vì giữa hoàng thượng và quận vương từng có mâu thuẫn, sau đó Trịnh thái phi vì bảo vệ quận vương mà từ mặt hoàng thượng.

An Sinh thấy cuộc sống gia đình đế vương này quá phức tạp, cùng là người nhà sao phải đấu đá lẫn nhau. Lê Thái Tổ Lê Lợi, người này An Sinh biết, nhưng con trai ông ấy thì cô không nhớ tên, các sự kiện sau đó cô cũng mù mờ không rõ.

- Trịnh Thái phi, Phạm Thái phi vời các lệnh bà vào trong ạ.

Các phi tử đồng loạt đứng dậy, mỗi người đều có một tỳ nữ hầu ở bên. Hai nữ quan vừa bước ra thông báo là hai thân tín bên cạnh các thái phi, một thân xanh ngọc, ống vải gài trâm. Phong thái khác hẳn các cung nữ hầu hạ thông thường.

An Sinh nhìn những phi tần quần là áo lượt, bước đi rón rén xếp hàng vào trong, trông họ chưa ai quá hai mươi, nét ngây thơ còn ẩn sau lớp phấn nụ trang điểm và bộ viêm y lộng lẫy.

Chợt cô nhận ra, ở thời này, Lê Nhật Lệ vốn cũng chỉ là một cô bé như bọn họ, cái tuổi còn ăn còn chơi còn muốn nô đùa nhưng lại bị nhốt trong chiếc lồng hoàng cung. An Sinh nở một nụ cười chua chát, tự hỏi mình đang sống cuộc đời của ai, của Lê Nhật Lệ hay của Nguyễn An Sinh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net