Truyen30h.Net

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM

57-58

riri_pipi

ĐẠI PHONG CA

Sau trận quyết chiến Cai Hạ, Hán vương Lưu Bang giành được thắng lợi cuối cùng, xây dựng nên vương triều Hán còn lớn mạnh hơn vương triều Tần. Năm 202 TCN, Hán vương Lưu Bang chính thức lên ngôi Hoàng đế, tức là Hán Cao Tổ (niên biểu triều Hán ghi năm đầu là năm 206 TCN, khi Lưu Bang xưng là Hán vương). Hán Cao Tổ đóng đô ở Lạc Dương, sau lại dời về Trường An (nay là Tây An, Thiểm Tây). Từ đó suốt 210 năm, đô thành của nhà Hán đều ở Trường An. Lịch sử gọi thời kì này là Tây Hán hay Tiền Hán.

Sau khi lên ngôi, Hán Cao Tổ mở một yến tiệc mừng công ở Nam Cung, Lạc Dương và nói với các đại thần: "Hôm nay chúng ta cùng nhau vui vẻ, mọi người nói năng không phải kiêng kị gì, các ngươi nói xem tại sao ta lại được thiên hạ? Hạng Vũ tại sao thất bại?"

Đại thần Vương Lăng nói: "Hoàng thượng phái tướng sĩ đánh chiếm được thành trì, đều có phong thưởng, nên mọi người tình nguyện phục vụ; còn Hạng Vũ thì nghi ngờ đố kỵ những người có tài năng và công lao, đánh thắng trận cũng không ghi công cho người ta. Vì vậy mà mất thiên hạ".

Hán Cao Tổ cười nói: "Các ngươi mới biết một, mà không biết hai. Nên nhớ rằng thành công hay thất bại đều phụ thuộc vào việc dùng người. Ngồi trong màn trướng định ra kế sách để giành thắng lợi ngoài ngàn dặm, thì ta không bằng Trương Lương; cai trị đất nước, vỗ về trăm họ, cung cấp lương thực cho tiền phương thì ta không bằng Tiêu Hà; thống lĩnh trăm vạn đại quân, đã đánh là thắng, công phá thành trì là hạ được, thì ta không bằng Hàn Tín. Ba người đó đều là hào kiệt thời nay. Ta biết trọng dụng họ, đó là nguyên nhân giúp ta giành thắng lợi. Còn Hạng Vũ có một Phạm Tăng mà không biết dùng, nên mới bị ta tiêu diệt".

Mọi người đều khâm phục ý kiến của Hán Cao Tổ. Từ đó về sau, người ta gọi Trương Lương, Tiêu Hà, Hàn Tín là "Hán sơ tam kiệt" (ba người hào kiệt đầu đời Hán).

Trong chiến tranh Sở-Hán, có một số đại tướng lập công lớn, Hán Cao Tổ không thể không phong họ làm vương. Những vương chư hầu đó tuy không phải là quí tộc cũ của sáu nước, nhưng đều muốn cát cứ một khoảng đất, không nghe theo sự chỉ huy của triều Hán. Trong số đó, Sở vương Hàn Tín, Lương vương Bành Việt, Hoài Nam vương Anh Bố có công lao lớn nhất, binh lực mạnh nhất. Hán Cao Tổ rất không yên tâm về họ. Một tướng cũ của Hạng Vũ là Chung Ly Muội đang bị Hán Cao Tổ lùng bắt, nhưng lại được Hàn Tín thu dụng.

Năm thứ hai, có người tố giác với Hán Cao Tổ là Hàn Tín mưu phản. Hán Cao Tổ hỏi các đại thần xem các đại thần nên làm thế nào. Rất nhiều người chủ trương nên đem quân đi đánh. Chỉ có Trần Bình phản đối, Trần Bình nói: "Quân đội của Hàn Tín tinh nhuệ hơn chúng ta. Tướng ta dưới quyền Hàn Tín cũng mạnh hơn chúng ta. Dùng vũ lực đối phó với Hàn Tín khó lòng thắng được".

Sau đó, Hán Cao Tổ dùng kế của Trần Bình, giả vờ đi tuần du đến đầm Vân Mộng, lệnh cho các chư hầu đến họp. Hàn Tín nhận được lệnh, không thể không đến. Đến đất Trần, Hán Cao Tổ sai võ sĩ trói Hàn Tín lại, xử tội. Có người khuyên Hán Cao Tổ nghĩ tới công lao cũ của Hàn Tín, nên xử lý khoan hồng. Hán Cao Tổ bèn miễn tội, nhưng thu lại tước Sở vương, giáng phong là Hoài Âm hầu. Sau khi bị giáng chức, Hàn Tín buồn rầu, thường mượn cớ có bệnh, không vào triều kiến. Mấy năm sau, tướng Trần Hy làm phản, tự xưng là Đại vương (vương ở đất Đại), trong một thời gian ngắn chiếm được hơn 20 thành. Hán Cao Tổ sai Hoài Âm hầu Hàn Tín và Lương vương Bành Việt cùng đem quân đánh Trần Hy, nhưng cả hai người đều thác cớ có bệnh, không chịu xuất binh. Hán Cao Tổ đành tự đem quân đi đánh Trần Hy.

Sau khi Hán Cao Tổ đem quân đi khỏi Trường An, có người tố giác với Lã hậu là Hàn Tín đồng mưu với Trần Hy, toan phối hợp với nhau để cùng khởi loạn. Lã hậu bàn bạc kế sách với thừa tướng Tiêu Hà, cố ý truyền ra tin tức, nói Cao Tổ đã bắt được Trần Hy, triệu các đại thần về cung chúc mừng. Hàn Tín về tới cung, bị các võ sĩ mai phục sẵn bắt giết đi. Không đầy ba tháng sau khi Hàn Tín bị giết, Hán Cao Tổ diệt được Trần Hy. Về đến Lạc Dương, lại nhận được cáo giác của thủ hạ Bành Việt, nói Bành Việt mưu phản. Hán Cao Tổ được tin, sai người bắt Bành Việt, giam vào ngục. Sau vì không tra xét thấy chứng cớ mưu phản của Bành Việt, liền giáng ông ta xuống làm dân thường, đày vào đất Thục.

Trên đường đi vào Thục, Bành Việt gặp Lã hậu, liền khóc lóc trình bày là mình vô tội, xin Lã hậu nói giúp với Hán Cao Tổ, cho mình về quê hương. Lã hậu nhận lời, đưa Bành Việt về Lạc Dương. Lã hậu về Lạc Dương, nói với Hán Cao Tổ: "Bành Việt là một tráng sĩ. Đưa hắn ta vào Thục thì khác gì thả hổ về rừng, mua lấy phiền phức sau này" . Hán Cao Tổ nghe lời Lã hậu, liền giết Bành Việt.

Hoài Nam vương Anh Bố nghe tin Hàn Tín, Bành Việt đều bị giết cả, liền quyết tâm nổi loạn. Ông ta nói với bộ hạ: "Hoàng thượng đã già rồi, không thể tự mình đem quân đến đây. Trong số đại tướng chỉ có Hàn Tín, Bành Việt là tài giỏi nhất, đều đã chết rồi. Các tướng khác không phải là đối thủ của ta, không có gì sợ cả".

Anh Bố xuất binh, quả nhiên đánh thắng liền mấy trận, chiếm được toàn bộ đất Kinh Sở. Hán Cao Tổ đành phải mang quân đối địch. Ông ta ra trước trận, mắng Anh Bố: "Ta đã phong ngươi làm vương. Cớ sao ngươi còn làm phản?"

Anh Bố nói thẳng: "Ta muốn làm hoàng đế".

Hán Cao Tổ chỉ huy đại quân tấn công mãnh liệt. Quân Anh Bố bắn tên sang, Hán Cao Tổ bị một phát tên trúng ngực, may mà vết thương không nặng lắm. Ông nhịn đau, tiếp tục chỉ huy tiến công. Anh Bố đại bại tháo chạy, giữa đường bị giết chết. Hán Cao Tổ bình định được Anh Bố tiện đường về thăm quê hương ở huyện Bái, mời các phụ lão và những người quen biết cũ đến dự một buổi tiệc, cho mọi người uống rượu vui chơi thoải mái mấy ngày.

Trong lúc vui vẻ, Hán Cao Tổ hồi tưởng lại quá trình gian khổ trong cuộc chiến với Hạng Vũ, lại nghĩ tới việc sau này cai trị đất nước thế nào, thật không dễ dàng. Ngoài việc các chư hầu không chịu an phận, lại thêm những mối lo ngoài biên cảnh, làm thế nào tìm được đủ dũng sĩ giúp mình bảo vệ ngôi hoàng đế. Nghĩ đến đó, tâm tình xúc động, liền cất tiếng hát:

"Gió thổi lớn, mây cuộn trôi

Oai lưng khắp nước về nơi quê nhà

Mong nhiều dũng sĩ giúp ta

Giữ cho yên ổn sơn hà bốn phương"

BỊ VÂY Ở BẠCH ĐĂNG

Từ sau khi Tần Thủy Hoàng đánh bại Hung Nô, biên cương phía bắc yên ổn được mười mấy năm. Tới khi Tần Thủy Hoàng bị diệt, miền Trung nguyên có chiến tranh Sở-Hán, Hung Nô nhân cơ hội, từng bước lấn xuống phía nam. Thời Hán Cao Tổ, thiền vu (tên gọi chức thủ lĩnh của Hung Nô) Mạo Đồn của Hung Nô mang 40 vạn quân bao vây Hàn vương Tín (quí tộc nước Hàn cũ, tên là Tín, được phong vương, không phải là Hàn Tín) ở đất phong là Mã Ấp. Hàn vương Tín không chống nổi, xin hòa với Mạo Đồn. Hán Cao Tổ được tin, phái sứ giả đến quở trách Hàn vương Tín. Hàn vương Tín sợ bị Hán Cao Tổ trị tội, liền đầu hàng Mạo Đồn.

Mạo Đồn chiếm được Mã Ấp, tiếp tục tiến xuống phía nam, bao vây Tấn Dương. Hán Cao Tổ thân đem quân tới Tấn Dương, đối địch với Mạo Đồn. Mùa đông năm 200 TCN, tuyết xuống nhiều, trời rất lạnh. Quân lính Trung nguyên chưa từng phải gặp thời tiết lạnh như vậy, nhiều người bị chết rét, có người rụng cả ngón tay vì bị cóng. Nhưng quân Hán giao chiến mấy trận, quân Hung Nô đều thua. Sau mấy trận thua liên tiếp,  nghe nói Mạo Đồn trốn đến Đại Cốc (nay ở tây bắc huyện Đại, Sơn Tây). Hán Cao Tổ vào Tấn Dương, cử người đi trinh sát, đều về báo cáo là quân của Mạo Đồn đều là tàn binh gì yếu, ngựa cưỡi rất gầy còm, Nếu thừa thế tiến đánh thì nhất định thắng lợi. Hán Cao Tổ sợ những tin tức đó chưa đủ tin cậy, lại phái Lưu Kính đến trại Hung Nô dò xét.

Lưu Kính về báo cáo: "Chúng tôi thấy người ngựa của Hung Nô đúng là đều già yếu. Nhưng tôi cho rằng Mạo Đồn nhất định đã cho quân tinh nhuệ mai phục. Xin bệ hạ chớ nên mắc lừa chúng".

Hán Cao Tổ giận dữ mắng: "Ngươi dám nói năng xằng bậy, định ngăn cản ta tiến quân sao?". Liền sai giam Lưu Kính lại. Hán Cao Tổ dẫn một đạo quân vừa tới Bình Thành (nay ở đông bắc thành phố Đại Đồng, Sơn Tây) bỗng thấy bốn phía đều có quân Hung Nô xông tới, người ngựa đều khỏe mạnh, chẳng thấy số quân già yếu đâu. Hán Cao Tổ dẫn quân mở một đường máu, lui tới núi Bạch Đằng ở đông nam Bình Thành. Thiền vu Mạo Đồn điều 40 vạn tinh binh vây chặt Hán Cao Tổ ở Bạch Đăng Sơn, quân Hán xung quanh không thể nào tới gần được. Hán Cao Tổ và số người ngựa đi theo bị vây khốn trên núi suốt 7 ngày đêm, không có cách gì thoát ra được.

Mưu sĩ Trần Bình cũng đi theo Hán Cao Tổ liền phái người mang vàng bạc, châu báu đến gặp yên chi (tức vương hậu) của Mạo Đồn, đề nghị bà ta nói giúp với thiền vu. Thấy nhiều vàng bạc châu báu như vậy, yên chi của Mạo Đồn rất phấn khởi, liền nói với chồng: "Chúng ta chiếm đất đai của người Hán nhưng cũng không thể ở lâu được, vả lại thế nào rồi hoàng đế Hán cũng có đại quân tới cứu, chi bằng ta rút quân sớm thì hơn".

Mạo Đồn nghe theo, sớm hôm sau, hạ lệnh cho quân Hung Nô mở ra một lối cho quân Hán rút. Nhân lúc sương mù, Hán Cao Tổ dẫn quân lặng lẽ rời khỏi núi Bạch Đăng. Trần Bình còn hạ lệnh cho quân lính sẵn sàng giương cung hướng ra hai bên, bảo vệ cho Hán Cao Tổ xuống núi. Hán Cao Tổ nơm nớp lo sợ. Vừa ra thoát vòng vây, liền ra roi chạy thẳng về Quảng Vũ. Sau khi định thần, ông ra lệnh tha Lưu Kính ra, nói: "Ta không nghe theo lời ngươi nên bị Hung Nô vây ở Bạch Đăng Sơn, suýt nữa thì không còn gặp lại ngươi nữa".

Sau khi thoát khỏi miệng cọp, Hán Cao Tổ biết không đủ lực lượng để đánh Hung Nô, liền trở về Trường An. Sau đó, Hung Nô liên tục xâm phạm phía bắc khiến Hán Cao Tổ ngày đêm lo lắng. Ông hỏi Lưu Kính nên làm thế nào. Lưu Kính nói: "Tốt nhất là nên áp dụng chính sách hòa thân, (tức hai bên giảng hòa), đem con gái gả cho thiền vu, kết làm thân thích, cùng sống hòa bình với nhau".

Hán Cao Tổ nghe theo, phái Lưu Kính sang Hung Nô giảng hòa. Mạo Đồn đồng ý. Hán Cao Tổ chọn một cô gái do cung nữ sinh ra, xưng là đại công chúa, mang gả cho Mạo Đồn. Mạo Đồn lập nàng làm yên chi. Từ đó, triều Hán áp dụng chính sách hòa thân, tạm thời hòa hoãn quan hệ với Hung Nô.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Net